Thứ tư, 23/12/2020 14:51 GMT+7

Không “Make in Viet Nam” thì Việt Nam không thể hùng cường thịnh vượng

Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển. Không Make in Viet Nam thì chúng ta không thể đi ra thế giới. Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể tự cường. Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể hùng cường thịnh vượng. Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam năm 2020, diễn ra sáng nay tại Hà Nội.

“Make in Viet Nam” phải đi ra thế giới

Sáng ngày 23/12, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ II năm 2020 (Diễn đàn Doanh nghiệp công nghệ số lần 2 năm 2020). Tới dự Diễn đàn có các Ủy viên Trung ương Đảng: Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

 

 Các đại biểu tham dự Diễn đàn.

Cùng dự có đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các địa phương; các Tập đoàn; doanh nghiệp công nghệ số; các chuyên gia về CNTT và chuyển đổi số...

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển. Không Make in Viet Nam thì chúng ta không thể đi ra thế giới. Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể tự cường. Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể hùng cường thịnh vượng”.

Bộ trưởng chia sẻ, một năm trước đây, tại Diễn đàn Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ nhất, sự ra đời của chương trình Make in Viet Nam, của tinh thần Make in Viet Nam là thể hiện khát vọng và tự hào Việt Nam, của toàn dân Việt Nam. Chỉ thị đầu tiên năm 2020, chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ là Chỉ thị về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Sau một năm, đã có trên 13.000 doanh nghiệp công nghệ số ra đời, tăng 28% và giờ đây, chúng ta đã có cộng đồng trên 58.000 doanh nghiệp. Một con số kỷ lục! Ngày ấy, chúng ta chỉ dám nghĩ đến con số cao nhất là 6.000 doanh nghiệp một năm. Vậy mà, ngay năm đầu tiên đã có 13.000 doanh nghiệp mới ra đời. Những nhà quản lý như chúng ta đã không đánh giá hết sức mạnh của người Việt Nam, nhất là khi có một ngọn cờ đúng đắn được dương cao. Mục tiêu 100.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2030 có thể đạt được vào năm 2025.
 

 

 Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc tại Diễn đàn.
 

Bộ trưởng nêu dẫn chứng về khả năng nhanh chóng phát triển các sản phẩm công nghệ số phòng chống covid và chuyển đổi cuộc sống sang trạng thái bình thường mới. Từ Ncovi, Bluezone, CoMeet, tới các nền tảng học trực tuyến, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, các nền tảng kế toán từ xa, quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, ... Có lẽ Việt Nam là top đầu thế giới về sáng tạo các nền tảng số thời covid. Nếu không làm chủ công nghệ, nếu không Make in Viet Nam thì chúng ta đã không làm được như vậy. Phản ứng nhanh là yếu tố sống còn trong thời đại rất khó dự đoán này.

 “Make in Viet Nam” là một khẩu hiệu hành động và lan tỏa sức mạnh Việt Nam

Make in Viet Nam là một khẩu hiệu hành động. Là thúc giục tinh thần thiết kế tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam. Là thay vì làm gia công, lắp ráp thì hãy làm sản phẩm. Giải bài toán Việt Nam và từ cái nôi Việt Nam sẽ đi ra toàn cầu. Nó ngắn gọn, nó thúc dục, nó là tự hào Việt Nam và vì thế nó đi xa, đến được với mọi người và mọi miền. Việt Nam chỉ thành công khi là toàn dân!

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Chúng ta đã nghe nhiều, kể nhiều, có thể là hơi quá nhiều, các câu chuyện nước ngoài cho người Việt Nam nghe. Có lẽ đã đến lúc kể câu chuyện Việt Nam. Make in Viet Nam là kể câu chuyện Việt Nam. Mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp Việt Nam hãy Make in Viet Nam và kể câu chuyện Việt Nam của mình. Bởi vì, người Việt kể câu chuyện Việt cho người Việt nghe sẽ gây cảm hứng, tự hào Việt Nam và kích lệ người Việt có thể làm được. Chúng ta có rất nhiều câu chuyện Việt, hãy kể nó và để có nhiều hơn nữa các câu chuyện Việt”...

Một số hình ảnh Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày  tại Diễn đàn

 

 

Đông đảo khách tham quan các gian hàng trưng bày tại Diễn đàn.
 

Make in Viet Nam trong năm qua, năm 2020, cũng đã thúc đẩy các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng của chúng ta làm chủ tới 90% hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam. Sứ mệnh cường quốc về an toàn, anh ninh mạng để bảo vệ sự thịnh vượng của việt Nam trên KGM cũng là một trọng tâm của Make in Viet Nam.

“Một bất ngờ khác nữa của năm 2020 là Việt Nam trở thành nước thứ năm trên thế giới làm chủ công nghệ 5G, sản xuất được thiết bị hạ tầng 5G, sản xuất được điện thoại 5G. Rất ít người, kể cả trong nước và nước ngoài, tin rằng Việt Nam chúng ta có thể làm được việc này. Nhưng công nghệ không phải điều gì cao siêu. Nó là kết quả của lao động sáng tạo. Kích hoạt sự lao động sáng tạo này là một khát vọng lớn. Một khát vọng lớn đến không tưởng và một sự quyết tâm bền bỉ sẽ dẫn chúng ta đến những cách tiếp cận đột phá để biến việc khó thành việc dễ. Một sứ mệnh lớn lao sẽ giúp chúng ta tiếp cận được năng lượng của Trời Đất để vượt qua mọi khó khăn, trở ngại. Sứ mệnh Make in Viet Nam sẽ tạo ra năng lượng vô hạn cho chúng ta!”, Bộ trưởng chia sẻ.

Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia tháng 6/2020. Sứ mệnh của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, của Make in Viet Nam là CĐS Việt Nam, là xây dựng một Việt Nam số, là chuyển đổi Việt Nam từ thế giới thực vào thế giới ảo. Đây là chặng đường dài nhiều chục năm. Vì thế, Make in Viet Nam cần một tầm nhìn dài hạn và những chiến lược giai đoạn.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ: “Muốn Make in Viet Nam thì phải làm chủ công nghệ. Lời giải cho làm chủ công nghệ của Việt Nam là công nghệ mở. Diễn đàn Viet Nam Open Summit tháng 11/2020 đã tuyên bố chiến lược công nghệ mở. Với một nước đi sau như Việt Nam chúng ta muốn đi trước thì phải đứng trên vai những người khác. Việc lựa chọn phát triển công nghệ mở, lựa chọn phát triển phần mềm nguồn mở, lựa chọn mở dữ liệu để các cá nhân, doanh nghiệp tham gia sáng tạo giá trị mới là định hướng của chúng ta. Với định hướng này, Việt Nam sẽ phát triển thành quốc gia công nghệ, được thừa hưởng tri thức nhân loại nhưng cũng đóng góp cho tri thức nhân loại”.

Cũng theo người đứng đầu Ngành TT&TT: Viet Nam Open Summit lần thứ nhất là cam kết của Việt Nam về phát triển và làm chủ công nghệ số dựa trên chuẩn mở. Không chỉ là cam kết mà đây còn là chiến lược của chúng ta: Mở để phát triển và làm chủ công nghệ Việt Nam, để Make in Viet Nam. Công nghệ mở là con đường để mọi công ty, dù kinh doanh ở lĩnh vực nào, cũng có thể trở thành công ty công nghệ. Mọi công ty cần phải trở thành công ty công nghệ!

Một chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, một bộ chỉ số đo lường chiến lược này sẽ dẫn đường chúng ta đi. Cuộc thi Viet Solution, Giải thưởng quốc gia về sản phẩm công nghệ số Việt Nam sẽ khích lệ chúng ta đi. Từ nay, chúng ta có tên Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, có ngày 12/12 là ngày Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Như vậy là đã được sinh ra, đã được đặt tên, được giao sứ mệnh, bây giờ là lớn lên và phụng sự Tổ quốc. Hãy lớn nhanh như Phù Đổng!

Bộ trưởng cho biết: Năm 2021 hứa hẹn là một năm phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, một năm với nhiều và rất nhiều sản phẩm Make in Viet Nam.

Make in Viet Nam để giải quyết vấn đề Việt Nam, giúp Việt Nam phát triển. Make in Vietnam để đi ra nước ngoài, chinh phục thể giới và đóng góp cho sự phát triển của nhân loại. Make in Viet Nam để làm chủ công nghệ. Make in Viet Nam để bảo vệ Việt Nam. Make in Vietnam để Việt Nam hùng cường thịnh vượng.

Bởi vậy, mỗi chúng ta, mỗi doanh nghiệp hãy bắt đầu khát vọng lớn bằng một việc nhỏ, và hãy làm việc nhỏ ấy với một khát vọng lớn, với một tình yêu lớn. Và khi đó những việc nhỏ sẽ không nhỏ nữa vì chúng đồng hướng do chung một khát vọng lớn và vì thế, chúng được cộng lực với nhau để có một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, Bộ trưởng mong muốn.

Tại Diễn đàn đã diễn ra Phiên báo cáo chính.

Phiên Báo cáo chính về 04 câu chuyện phát triển doanh nghiệp công nghệ số Make in Viet Nam từ tư tưởng, chiến lược đến hành động. Câu chuyện số 1 đến từ các doanh nghiệp lớn chuyển hướng ưu tiên đầu tư từ các lĩnh vực như viễn thông, gia công phần mềm, thương mại dịch vụ sang nghiên cứu, phát triển sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam. Tiếp theo là Câu chuyện về ngân hàng truyền thống chuyển dịch thành ngân hàng số nhằm thiết lập nền tài chính số hiện đại, bền vững dựa trên các nền tảng số, các giải pháp công nghệ số Make in Viet Nam. Trong câu chuyện số 3, doanh nghiệp chia sẻ định hướng phát triển nền tảng mở giúp Việt Nam làm chủ công nghệ, tạo môi trường thuận lợi phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Câu chuyện cuối cùng đến từ một doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số, quá trình hình thành, xây dựng và phát triển cùng niềm tin vào Make in Viet Nam. Thông qua các câu chuyện, các diễn giả khắc họa những kinh nghiệm có thực từ việc hình thành các doanh nghiệp công nghệ số trưởng thành cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp, tiến tới xây dựng các hệ sinh thái mở doanh nghiệp công nghệ, phát triển huyết mạch nền kinh tế số bằng sản phẩm công nghệ số. Cùng với các diễn giả trong nước, diễn giả quốc tế đến từ tổ chức Tech Nation sẽ chia sẻ kinh nghiệm về các chính sách phát triển doanh nghiệp công nghệ số của Vương quốc Anh cùng các khuyến nghị giúp Việt Nam trong việc phát triển các doanh nghiệp công nghệ số.

Cũng tại Diễn đàn năm nay, lần đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Lễ Công bố và trao Giải thưởng "Sản phẩm Công nghệ số Make in Viet Nam" năm 2020 nhằm vinh danh các doanh nghiệp có sản phẩm xuất sắc. 5 hạng mục sẽ được trao giải gồm Giải thưởng Nền tảng số xuất sắc, Giải thưởng Sản phẩm số xuất sắc, Giải thưởng Giải pháp số xuất sắc; Giải thưởng Thu hẹp khoảng cách số và Giải thưởng Sản phẩm số tiềm năng. Đây là Giải thưởng uy tín mang tầm quốc gia trong lĩnh vực công nghệ số. Các sản phẩm, giải pháp đã được đánh giá, thẩm định bởi những chuyên gia uy tín đầu ngành trong từng lĩnh vực qua những vòng đánh giá nghiêm ngặt, khách quan, công tâm.

Buổi chiều: Gồm 02 phiên là Con đường phát triển Make in Viet Nam và Doanh nghiệp công nghệ số thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Các nhà quản lý, các chuyên gia, lãnh đạo các doanh nghiệp công nghệ số, trường đại học, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế sẽ tham luận, tọa đàm bàn tròn trao đổi, thảo luận nhằm đưa ra các giải pháp cụ thể hóa các định hướng lớn về phát triển doanh nghiệp, sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam.

Hoạt động bên lề Diễn đàn là Triển lãm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đạt Giải thưởng  Sản phẩm Công nghệ số Make in Viet Nam" năm 2020 cùng các sản phẩm, giải pháp công nghệ số Make in Viet Nam tiêu biểu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Liên kết nguồn tin: https://mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/145927/Khong--Make-in-Viet-Nam--thi-Viet-Nam-khong-the-hung-cuong-thinh-vuong.html

Nguồn: http://mic.gov.vn

Lượt xem: 545

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)