Thứ năm, 15/10/2020 07:31 GMT+7

Hội nghị KH&CN hạt nhân trẻ: Nhiều báo cáo xuất phát từ các đề tài nghiên cứu cấp nhà nước

Hội nghị KH&CN hạt nhân trẻ lần thứ 6 do Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam tổ chức không chỉ tạo cơ hội trao đổi thông tin, chủ đề nghiên cứu cho cán bộ trẻ mà còn hướng đến những vấn đề có ý nghĩa thiết thực với ngành hạt nhân của đất nước hiện nay như xây dựng lò phản ứng mới hay mạng lưới quan trắc phóng xạ trên toàn quốc.
Hội nghị KH&CN hạt nhân trẻ do Viện Năng lượng nguyên tử (VINATOM) tổ chức trong 2 ngày 8 và 9/10 diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt hơn so với các năm trước. “Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên cách đây 2 tháng, chúng tôi mới quyết định tổ chức hội nghị năm nay”, TS. Hoàng Sỹ Thân, Phó trưởng ban Kế hoạch và Quản lý khoa học của VINATOM cho biết.

 
TS. Trần Trí Thành, Viện trưởng VINATOM phát biểu khai mạc hội nghị. Nguồn: VINATOM
 
Dù công tác chuẩn bị gấp rút nhưng không vì thế mà ban tổ chức “vội vàng” trong khâu kiểm duyệt các báo cáo. Cũng như những lần trước, 63 báo cáo tham gia hội nghị năm nay đều phải trải qua quá trình xét duyệt, phản biện của hội đồng khoa học và chuyên gia trong từng lĩnh vực đánh giá.
 
“Chúng tôi thành lập hai tiểu ban: vật lý, công nghệ hạt nhân và các vấn đề liên quan (tiểu ban A); và ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong các ngành kinh tế - xã hội (tiểu ban B) để phản biện các bài. Bài nào chất lượng tốt thì phân loại ở mức oral (trình bày trực tiếp), thấp hơn một chút thì làm poster (báo cáo dán bảng), còn không đạt yêu cầu thì sẽ loại ra”, TS. Hoàng Sỹ Thân nói. Số lượng báo cáo ở hai tiểu ban lần này khá cân bằng (tiểu ban A: 31 báo cáo; tiểu ban B: 32 báo cáo).
 
Điểm nổi bật của các báo cáo năm nay là phần lớn đều quan tâm đến các vấn đề quan trọng với ngành hạt nhân Việt Nam như xây dựng lò phản ứng mới để thay lò phản ứng Đà Lạt; xây dựng mạng lưới quan trắc, cảnh báo phóng xạ trên toàn quốc,... Một số báo cáo tiêu biểu theo định hướng này bao gồm “Kiểm chứng hệ mô phỏng tương tác chuyển tiếp thời gian thực cho lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu Đà Lạt” của ThS. Cao Thanh Long ở Trung tâm hạt nhân TP HCM hay đề tài “Xây dựng hệ đo VME và thử nghiệm các detector Si-PIN diode: Nghiên cứu tiền khả thi cho các thí nghiệm vật lý thiên văn hạt nhân sử dụng máy gia tốc 5SDH-2 Tandem Pellectron tại HUS” của ThS. Bùi Duy Linh ở Viện KH&KT hạt nhân (thuộc VINATOM),...
 
Trong đó, báo cáo của ThS. Cao Thanh Long được đánh giá là “xuất sắc và trình bày tốt, hệ mô phỏng trong báo cáo này có thể sử dụng để tính toán ở các lò nghiên cứu mới trong tương lai”, TS. Phạm Đức Khuê, Viện trưởng Viện KH&KT hạt nhân nhận xét. Đây cũng là một trong số ba báo cáo được nhận giải A của hội nghị.
 
Một số báo cáo được trình bày tại hội nghị xuất phát từ các đề tài nghiên cứu cấp nhà nước mà cán bộ trẻ đã tham gia. Việc đủ năng lực tham gia những đề tài lớn phần nào cho thấy chất lượng của báo cáo viên năm nay. “Phần lớn các báo cáo đều được chuẩn bị cẩn thận, chuyên nghiệp, các báo cáo viên đều nắm rõ vấn đề, đề xuất được các hướng nghiên cứu tiếp theo. Chúng tôi nhận thấy hơn 50% báo cáo có thể xem xét đăng trên các tạp chí chuyên ngành”, theo TS. Trần Minh Quỳnh, Phó Giám đốc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội.
 
Đánh giá về chất lượng hội nghị năm nay, TS. Trần Trí Thành, Viện trưởng VINATOM, nhận xét: “Hội nghị đang dần tốt hơn về cả chất lượng và quy mô, giúp cho các bạn trẻ có một sân chơi để bắt đầu con đường làm khoa học của mình”.
 
 

Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển

Lượt xem: 614

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)