Thứ ba, 08/12/2020 09:30 GMT+7

Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Cổ Lũng – Bá Thước” cho sản phẩm vịt

Ngày 23/11/2020, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 4521/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00090 cho vịt Cổ Lũng – Bá Thước. Ủy ban nhân dân huyện Bá Thước là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Bá Thước là một huyện miền núi phía Tây thuộc tỉnh Thanh Hóa. Vùng đất này khi xưa thuộc vùng Đô Lung, quận Cửu Chân, Trường Lâm. Qua nhiều lần đổi tên, năm 1945, vùng đất này được lấy tên là huyện Bá Thước để vinh danh một thủ lĩnh phong trào Cần Vương là Cầm Bá Thước và giữ nguyên tên này cho đến ngày nay. Vịt Cổ Lũng có xuất xứ là giống vịt bản địa quý hiếm, được các thế hệ tại khu vực huyện Bá Thước gìn giữ và phát triển. Sản phẩm vịt Cổ Lũng – Bá Thước gắn liền với khu du lịch Pù Luông như một sản vật nổi tiếng mà bất kỳ du khách nào khi đặt chân đến vùng đất này cũng mong muốn được thưởng thức.



Hình dáng vịt Cổ Lũng - Bá Thước

 

Vịt Cổ Lũng – Bá Thước con trống có mình bè, ngực sâu, đầu to, mắt nhỏ, cổ to và ngắn, chân nhỏ và thấp, thân có màu xám, đầu có màu xanh biếc, khoang cổ màu trắng, đuôi có màu xanh đen xen trắng, lông đuôi xoăn. Con mái có mình bè, ngực sâu, đầu to, mắt nhỏ, cổ to và ngắn, chân nhỏ và thấp, thân có màu nâu cánh sẻ xen màu xám trắng; lông đuôi thẳng. Khối lượng của vịt sống từ 1,6 đến 2,2 kg/con.

Vịt Cổ Lũng – Bá Thước tươi nguyên con đã giết mổ có khối lượng từ 1,3 đến 1,6 kg; tỷ lệ thịt xẻ từ 74,41 – 77,91 %; độ dai cơ thịt từ 30,03 – 32,28 N; tỷ lệ mất nước chế biến từ 25,78 – 27,52 %; độ đỏ của thịt từ 6,30 – 7,89 (a*); hàm lượng Protein từ 16,02 – 17,92%; hàm lượng Lipit từ 18,53 – 24,58%; hàm lượng Axit amin từ 9614 – 10063 mg/100g.



Sản phẩm thịt vịt

 

Vịt Cổ Lũng – Bá Thước nổi tiếng bởi hương vị thơm ngon là nhờ các điều kiện thiên nhiên độc đáo của khu vực địa lý. Khu vực địa lý có địa hình vùng núi cao, nằm kẹp giữa các dãy núi Nậm Bá, Nậm Mười, Pha Lé, Em Chiêng, Pù Luông. Địa hình núi cao và vị trí địa lý mang lại cho khu vực địa lý khí hậu đặc biệt, phù hợp với điều kiện sinh trưởng của vịt. Nơi đây có khí hậu mát mẻ quanh năm, biên độ nhiệt ngày đêm dao động từ 8 – 12oC là yếu tố thuận lợi cho quá trình tạo sự săn chắc và vị thơm của thịt vịt. Khu vực địa lý có nhiều sông suối, đặc biệt là suối Nủa và các nhánh lân cận. Các con suối này có nước trong, sạch, nguồn thức ăn bao gồm ốc, cá nhỏ và các loại vi sinh có ích phong phú. Hàm lượng Ca2+ ở trong nguồn nước tại khu vực địa lý cao ảnh hưởng đến độ nạc, săn chắc và vị thơm ngon của vịt Cổ Lũng – Bá Thước.

Ngoài các điều kiện tự nhiên thì các bí quyết của người dân bản địa trong việc chăm sóc và tập quán chăn nuôi vịt bằng thức ăn tự nhiên và nuôi thả chủ yếu tại các con suối tự nhiên cũng là yếu tố tạo nên tính chất đặc thù của vịt Cổ Lũng – Bá Thước.

Khu vực địa lý: xã Ban Công, xã Thành Lâm, xã Thành Sơn, xã Cổ Lũng, xã Lũng Niêm và xã Lũng Cao thuộc huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa./.

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 869

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)