Thứ tư, 02/12/2020 15:30 GMT+7

Thay vì xả lên trời, nhà sáng chế Việt "gập" ống khói lò thiêu xuống đất

Hệ thống dẫn khói bụi từ lò thiêu không thải ra môi trường và hệ thống dập bụi khói bằng mương tuần hoàn bên ngoài lò là một trong 4 công trình được nhận giải thưởng tại Techfest 2020.

Trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia Techfest Việt Nam 2020 mới diễn ra tại Hà Nội, hệ thống xử lý khói thải lò hỏa thiêu do nhà sáng chế Trần Đình Giao thực hiện đạt huy chương vàng cuộc thi sáng chế và sáng tạo quốc tế 2020, tại Ba Lan. Cuộc thi sáng chế và sáng tạo quốc tế dành cho các Sáng tạo mang tính xã hội do Euro Business Haller tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Phát triển Kinh tế Ba Lan và Hiệp hội Sáng chế và Sở hữu trí tuệ Thế giới. 
 

Nhà sáng chế Trần Đình Giao.
 

Hệ thống này gồm hệ thống dẫn khói bụi từ lò thiêu thông qua ống dẫn, không thải ra môi trường và hệ thống dập bụi khói bằng mương tuần hoàn bên ngoài lò. 

Nhà sáng chế Trần Đình Giao, Chủ tịch HĐQT Công ty dịch vụ tang lễ Hoàng Long tỉnh Nam Định đã dành trọn tâm huyết 5 năm để nghiên cứu thành công hệ thống này. So với các lò thiêu xả thẳng lên cao hiện nay, việc áp dụng 2 hệ thống này khắc phục 100% khói bụi từ lò thiêu ra ngoài môi trường. Việc áp dụng công nghệ tiên tiến giúp tiết kiệm thời gian thiêu gấp 3 lần so với các lò thiêu thông thường. 
 

Hệ thống dẫn khói bụi từ lò thiêu không thải ra môi trường và hệ thống dập bụi khói bằng mương tuần hoàn bên ngoài lò là một trong 4 công trình được nhận giải thưởng tại Techfest 2020. 
 

"Tôi lợi dụng sức gió cấp 9 đẩy nước di chuyển thành dòng, lợi dụng sức nóng để làm sôi nước, nhiệt độ là 500 độ C ra trước cửa ống khỏi nên nhiệt làm nước sôi, nước bốc hơi thì dập bụi, dập mùi xuống và cứ như vậy thành một vòng tuần hoàn. Vì thế, khí thải không xả ra môi trường", nhà sáng chế 60 tuổi này nói. 

Khi hết nước chỉ cần bổ sung nước. Ngoài ra, phía bên trên lò là hệ thống phun sương, nước bốc hơi gặp be-tong, gặp lạnh lại nhỏ xuống mương. 

Từ năm 2012, ông Giao bắt đầu nhận dự án làm lò hỏa thiêu tại tỉnh Nam Định. Ông cũng bắt đầu lao vào nghiên cứu từ đó. 

Ông đã đi thăm quan các nước, các lò thiêu trên khắp cả nước và nhận thấy các ống khói thải lò thiêu đều "chổng" lên trời. Vì thế, ông đã suy nghĩ làm sao để bẻ gập ống khói xuống lòng đất, nghiên cứu mương tuần hoàn. Ông đã chuyển đổi hệ thống lò thiêu của Mỹ theo mong muốn của mình. 

Đầu tiên ông nghiên cứu thử trên máy vi tính, làm mô hình nhỏ sử dụng đèn khò để thử nghiệm. Đến năm 2014 ông thử nghiệm lò đầu tiên, sau đó hoàn thiện dần và đến tháng 5/1017 thì hoàn thiện cả 7 lò thiêu cho tỉnh Nam Định. 

Cũng theo ông Giao, chi phí xây dựng lò thiêu này thấp, chỉ mất 900 triệu, trong khi mua lò thiêu của Mỹ về lắp đặt hoàn chỉnh cũng phải 2 tỷ đồng. 
 

Giải pháp bẻ gập ống khói xuống lòng đất, nghiên cứu mương tuần hoàn của ông Giao được nhiều nhà khoa học đánh giá cao. 
 

"Hệ thống lò thiêu này tuyệt đối đảm bảo an toàn, không ảnh hưởng đến người dân, kể cả nhân viên của tôi đứng cạnh lò cũng không có cảm giác nóng, mùi", ông Giao chia sẻ. 

Tâm nguyện lớn nhất mà ông mong muốn là chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ của mình để giúp các địa phương trong việc cải thiện môi trường. Trước đó, ông cũng đã được Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ trao bằng Độc quyền Giải pháp hữu ích. 

Năm 2020 là một năm thật đặc biệt, dịch Covid-19 đã làm xoay chuyển toàn bộ thế giới. Nhưng với tinh thần chủ động đối mới sáng tạo, đẩy mạnh nghiên cứu, năm nay lại là thời điểm ghi dấu ấn mạnh mẽ về những công trình nghiên cứu phục vụ đời sống, có ý nghĩa thiết thực với xã hội. Không những thế, việc "bội thu" giải thưởng của các công trình nghiên cứu và tác giả trong các cuộc thi đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ cho thấy sự thích nghi cao của các nhà nghiên cứu Việt Nam. Trong thử thách, chính nhà khoa học đã biến "nguy" thành "cơ", thể hiện tinh thần khoa học vị nhân sinh khi áp dụng tốt kết quả nghiên cứu trong thực tiễn và được quốc tế ghi nhận.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2020 cho thấy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, từng bước tiến ra và hội nhập với quốc tế.

Thứ trưởng Tùng nhận định thành công của Techfest Việt Nam năm 2020 cho thấy mặc dù ảnh hưởng không nhỏ của đại dịch Covid-19, nhưng thế hệ trẻ Việt Nam, mọi người dân Việt Nam đã không ngừng sáng tạo, vượt qua khó khăn để bứt phá vươn lên.

Bộ KH&CN sẽ tiếp tục triển khai Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia và hỗ trợ các địa phương triển khai Đề án một cách hiệu quả và nghiêm túc.

"Con người Việt Nam, ý tưởng sáng tạo của người Việt Nam và lực lượng sáng tạo của Việt Nam là rất lớn. Nếu chúng ta có chính sách, có cơ chế và tạo điều kiện thì những nguồn lực đó được giải phóng, được phát huy đóng góp rất mạnh mẽ cho việc phát triển kinh tế, xã hội của nước ta trong tương lai", Thứ trưởng Tùng nhấn mạnh. 

Thứ trưởng Trần Văn Tùng bày tỏ mong muốn và tin tưởng rằng, với sự ủng hộ, quan tâm của lãnh đạo Chính phủ, của các Bộ, ngành, địa phương, sự tham gia trách nhiệm và nhiệt tình của các đơn vị, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo sẽ là cơ sở cho sự phát triển bền vững của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và nền kinh tế Việt Nam.

Trong thời gian tới, Bộ KH&CN quyết tâm cao độ trong việc chủ động phối hợp cùng các Bộ, Ban, ngành, địa phương để tạo hành lang pháp lý thuận lợi hoạt động của doanh nghiệp khởi nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các đại diện quốc tế tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Liên kết nguồn tin: https://dantri.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/thay-vi-xa-len-troi-nha-sang-che-viet-gap-ong-khoi-lo-thieu-xuong-dat-20201201122852719.htm

Nguồn: Báo điện tử Dân trí

Lượt xem: 2705

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)