Thứ ba, 01/12/2020 16:19 GMT+7

Nghiên cứu ứng dụng phương pháp địa tầng phân tập cho các trầm tích Cambri Trung - Ordovic Hạ ở Đông Bắc Việt Nam

Trên thế giới nghiên cứu Địa tầng phân tập (Sequence stratigraphy) được các nhà địa chất, địa vật lý các nước Tây Âu, Mỹ và Canada tập trung nghiên cứu và áp dụng trong công tác tìm kiếm và thăm dò dầu khí một cách có hiệu quả như: Posamentier, Jervey và Vail (1988), Van Wagoner, Michum (1990), D. Emery và K.J. Myer (1996), Catuneanu O. (2007). Các kết quả đạt được đã đóng góp quan trọng trong việc xác định phức tập (sequence) dựa trên sự thay đổi mực nước biển toàn cầu và sự sắp xếp các đơn vị trầm tích cùng nguồn gốc theo không gian và theo thời gian. Trên nguyên tắc đó một loạt các đơn vị địa tầng phân tập được xác lập như phân tập (parasequence), nhóm phân tập (parasequence set), miền hệ thống trầm tích biển thấp (lowstand system tract), miền hệ thống trầm tích biển tiến (transgessive system tract) và miền hệ thống trầm tích biển cao (highstand system tract).


Sơ đồ phân bố tướng đá - cổ địa lý giai đoạn Cambri muộn ở Đông Bắc Việt Nam

 

Ở Việt Nam, từ những năm 1980 các nhà địa chất đã bắt đầu tiếp cận với hướng nghiên cứu địa tầng phân tập. Các đề tài, hội thảo về nghiên cứu địa tầng địa chấn, tướng đá cổ địa lý, chu kỳ trầm tích và tiến hóa trầm tích trong mối quan hệ với sự thay đổi mực nước biển (MNB) và chuyển động kiến tạo của trầm tích Kainozoi do các tác giả Việt Nam và thế giới tiến hành đã góp phần làm sáng tỏ bản chất của địa tầng phân tập. Tuy vậy, cho đến nay các ứng dụng phương pháp Địa tầng phâp tập được nghiên cứu đối với các trầm tích trước Kainozoi còn rất hạn chế, đặc biệt là các trầm tích Cambri trung - Ordovic hạ thì chưa có một công trình nghiên cứu nào được thực hiện.

Trải quả gần 100 năm, những kết quả điều tra, nghiên cứu đã bước đầu làm sáng tỏ lịch sử phát triển địa chất giai đoạn Cambri giữa - Ordovic sớm ở Đông Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn chưa có sự thống nhất trong việc phân chia các phân vị địa tầng thể hiện ở sự khác biệt về bề dày, tuổi, các quan hệ địa tầng cũng như cả về nội dung thạch địa tầng. Thực tiễn, công tác đo vẽ lập bản đồ địa chất 1: 50.000 và 1: 200.000 đã gặp khó khăn và không thống nhất trong phân chia và liên hệ địa tầng ở những khoảng địa tầng chưa tìm thấy hoặc không có hóa thạch. Đây là những tồn tại rất quan trọng cần giải quyết nhằm đảm bảo tính thống nhất quốc tế về địa chất và khoáng sản Việt Nam. Để giải quyết được những tồn tại này trong công tác địa tầng cần phải có những hướng tiếp cận với những phương pháp mới.

Chính vì vậy nhóm nghiên cứu do Cơ quan chủ trì Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Nguyễn Đức Phong cùng thực hiện với mục tiêu Ứng dụng địa tầng phân tập nhằm làm sáng tỏ lịch sử tiến hóa các trầm tích Cambri trung - Ordovic hạ ở Đông Bắc Việt Nam.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả sau:

- Phân tích, lựa chọn mô hình địa tầng phân tập áp dụng phù hợp cho nghiên cứu trầm tích trầm tích Cambri trung - Ordovic hạ ở Đông Bắc Việt Nam.

- Xác lập 10 tướng đá gồm: (1) Tướng cát bột kết, bột kết đa khoáng triều thấp, ven bờ biển nông; (2) Tướng đá vôi vụn sinh vật ven bờ biển nông; (3) Tướng đá vôi trứng cá gần bờ biển nông, thềm trong; (4) Tướng đá vôi kết cục-coprolit gần bờ biển nông, thềm trong; (5) Tướng đá vôi vụn nội bồn (intraclastic limestones) xa bờ biển nông, thềm trong; (6) Tướng đá vôi hạt mịn, đá vôi vi hạt, đá vôi đolomit xa bờ biển nông, thềm ngoài; (7) Tướng phiến sét giàu silit, sét vôi xa bờ biển nông, thềm ngoài; (8) Tướng cát kết, cát bột kết, bột cát kết đa khoáng nón phóng vật; (9) Tướng đá vôi hạt mịn, sét vôi xa bờ biển nông thềm ngoài; (10) Tướng sét silit hào sâu dạng aulacogen trên thềm lục địa thụ động.

- Xác lập 6 cộng sinh tướng gồm: (1) Triều dưới sâu; (2) Triều dưới nông; (3) Gian triều thấp; (4) Bãi triều; (5) Gian triều cao và (6) Vũng vịnh kín

- Xác lập 14 phức tập (S1 cp - S14 cp) ở vùng Đồng Văn - Mèo Vạc, 3 phức tập (S1 ph - S3 ph) ở vùng Vị Xuyên - thành phố Hà Giang và 4 phức tập (S1 ts - S4 ts) ở vùng Võ Nhai (Thái Nguyên). Ranh giới giữa các phức tập đều là bề mặt chỉnh hợp.

- Bước đầu làm sáng tỏ lịch sử tiến hóa các trầm tích Cambri trung - Ordovic hạ ở Đông Bắc Việt Nam chủ yếu được khống chế bởi dao động mực nước biển toàn cầu và khu vực:

+ Vùng Đồng Văn - Mèo Vạc gồm 14 giai đoạn phát triển tương ứng với 14 chu kỳ dao động mực nước biển;

+ Vùng Vị Xuyên - thành phố Hà Giang gồm 3 giai đoạn phát triển tương ứng với 3 chu kỳ dao động mực nước biển.

+ Vùng Võ Nhai (Thái Nguyên) có 4 giai đoạn phát triển tương ứng với 4 chu kỳ dao động mực nước biển.

- Phát hiện 03 điểm hóa thạch Răng nón thuộc hệ tầng Lutxia, 17 điểm hóa thạch Bọ ba thùy, Tay cuộn thuộc hệ tầng Chang Pung và 02 điểm hóa thạch Bút đá thuộc hệ tầng Thần Sa rất có giá trị định tuổi, đối sánh địa tầng, ý nghĩa cổ môi trường và cổ sinh thái.

- Bước đầu làm sáng tỏ đặc điểm và phân bố thềm lục địa, thềm trong - đới ven bờ, giáp triều, biển vũng vịnh, đới thềm chuyển tiếp, thềm ngoài giúp khôi phục hoàn cảnh cổ địa lý thành tạo các trầm tích Cambri trung - Ordovic hạ ở Đông Bắc Việt Nam.

- Thành lập 03 sơ đồ tướng đá - cổ địa lý của 3 giai đoạn Cambri giữa, Cambri muộn và Ordovic sớm ở Đông Bắc Việt Nam tỷ lệ 1: 500.000.

- Xây dựng thành công quy trình ứng dụng phương pháp địa tầng phân tập cho các trầm tích trước Kainozoi nói chung và trầm tích Cambri trung - Ordovic hạ nói riêng ở Việt Nam.


*Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 13804/2016) tại Cục Thông tin KHCNQG.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 818

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)