Chủ nhật, 15/11/2020 21:57 GMT+7

Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện chương trình nông thôn, miền núi toàn quốc giai đoạn 2016-2020

Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2025 đã tạo được điểm sáng về ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội (KT-XH) thiết thực trên địa bàn, tạo đà cho việc ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất và thúc đẩy phát triển KT-XH khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện chương trình nông thôn, miền núi toàn quốc giai đoạn 2016-2020, định hướng thực hiện giai đoạn 2021-2025.

Sự kiện do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bắc Giang tổ chức từ ngày 12-13/11 tại khu hội nghị tỉnh Bắc Giang.

Dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang; Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Đinh Khắc Đính; Phó Vụ trưởng Hội đồng dân tộc Quốc hội Triệu Văn Bình; Phó Vụ trưởng Vụ tổng hợp (Ủy ban Dân tộc) Nguyễn Cao Thịnh.

Cùng dự có đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh Thái Bình, Gia Lai, Đồng Tháp, Lạng Sơn; đại diện lãnh đạo 55 Sở KH&CN của các tỉnh trong toàn quốc; các nhà khoa học, cơ quan chuyển giao hỗ trợ ứng dụng công nghệ các dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi.

Về phía tỉnh Bắc Giang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Ánh Dương và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, TP.
 

Toàn cảnh Hội nghị

Chuyển giao hàng nghìn công nghệ mới

Báo cáo của Bộ KH&CN nêu rõ, vùng dân tộc thiểu số và miền núi chiếm hơn 60% diện tích tự nhiên, là địa bàn sinh sống chủ yếu của 12,3 triệu người thiểu số, chiếm 14,27% dân số cả nước. Đây là vùng có vị trí trọng yếu, địa bàn chiến lược, vùng biên cương phên dậu của quốc gia, vùng có tầm quan trọng đặc biệt về KH-XH, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng của đất nước. Theo đó, ngày 13/10/2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1747/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển KT-XH nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025” (gọi tắt là Chương trình Nông thôn miền núi).

Qua 5 năm thực hiện Chương trình đã triển khai được 400 dự án trên toàn quốc. Các tỉnh đã xây dựng được 1.309 mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN; chuyển giao 2.126 lượt công nghệ mới, tiên tiến phù hợp với từng vùng miền, thúc đẩy phát triển KT-XH nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vượt kế hoạch đề ra. Các dự án thuộc Chương trình chủ yếu tập trung giải quyết 03 nhóm vấn đề chính: chuyển giao và tiếp nhận công nghệ; đào tạo kỹ thuật viên và tập huấn cho nông dân; ứng dụng công nghệ vào thực tế thông qua các mô hình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ kỹ thuật và đội ngũ cộng tác viên cơ sở, người dân làm chủ và phát triển các công nghệ tiên tiên thích hợp với yêu cầu phát triển KT-XH của địa phương.

Thông qua thực hiện dự án đã đào tạo được 1.800 học viên về phương pháp xác định nội dung dự án triển khai; phương thức tổ chức quản lý, điều hành thực hiện dự án; phương pháp triển khai thực hiện dự án; quản lý tài chính cho các dự án; phương pháp duy trì và nhân rộng kết quả của dự án. Tập huấn cho 1.650 học viên về các quy định về tài chính, kế toán, hướng dẫn công tác quản lý và tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện dự án. Đã đào tạo được 3.520 kỹ thuật viên và tập huấn cho 78.610 người dân về công nghệ chuyển giao cho các dự án.

Giai đoạn này, các dự án theo chuỗi liên kết được ưu tiên lựa chọn với kỳ vọng tạo hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân. Trong đó ưu tiên xây dựng các mô hình liên kết giữa đơn vị sản xuất với người nông dân và với nhà phân phối thành chuỗi giá trị từ khâu đầu vào, sản xuất, sau thu hoạch, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.

Qua 5 năm triển khai, hầu hết các dự án ứng dụng KH&CN đều mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp một cách rõ rệt cho đơn vị chủ trì, đồng thời mang lại hiệu quả xã hội, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn miền núi, từng bước góp phần bảo vệ môi trường.
 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang khẳng định Chương trình nông thôn miền núi đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang cho biết, vùng nông thôn, miền núi và vùng dân tộc thiểu số thường được biết đến với 5 cái nhất gồm: Có điều kiện khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ phúc lợi xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ nghèo cao nhất.

Giải quyết các vấn đề tồn tại của nông thôn, miền núi và vùng dân tộc thiểu số cần sự tham gia của nhiều ngành, lĩnh vực, đặc biệt là sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, quản lý. Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là làm sao đưa nhanh được tiến bộ KH&CN, thúc đẩy ứng dụng nhiều công nghệ mới, hiện đại vào thực tiễn sản xuất, đời sống.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang cho rằng, nông thôn, miền núi và vùng dân tộc không thể phát triển và thoát nghèo nếu không hướng tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập vào sự phát triển chung của cả nước, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, trên cơ sở chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, áp dụng KH&CN, chuyển đổi mạnh cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi gắn với bảo quản, chế biến, bảo hiểm sản xuất và tạo lập thị trường trong nước và xuất khẩu cho các sản phẩm hàng hóa. Bởi vậy,  đưa KH&CN vào phát triển sản xuất, đời sống kinh tế cho các vùng núi và dân tộc thiểu số góp phần quan trọng ổn định an ninh, chính trị cho các địa bàn trọng yếu của quốc gia.

Thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước, trong những năm vừa qua, Bộ KH&CN đã chủ động tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện Chương trình Nông thôn miền núi. Thực tế, Chương trình đã được triển khai thực hiện qua 3 giai đoạn, bắt đầu kể từ năm 1998. Các dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi có công nghệ tiên tiến, phù hợp, xây dựng được những mô hình ứng dụng KH&CN có hiệu quả hướng vào giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội có tầm quan trọng đối với địa phương như nâng cao năng suất, chất lượng và đa đạng hóa các sản phẩm nông nghiệp hàng hoá, có tiềm năng về thị trường và phát huy lợi thế của từng vùng; hỗ trợ các doanh nghiệp hiện có ở nông thôn đổi mới công nghệ hoặc hỗ trợ hình thành các ngành nghề mới nhằm phát huy các lợi thế về ngành nghề truyền thống…

“Tiếp tục phát huy hiệu quả của Chương trình trong thời gian tới cần giải quyết các vấn đề tồn tại của nông thôn, miền núi và vùng dân tộc thiểu số cần sự tham gia của các ngành, các cấp. Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là làm sao đưa nhanh được tiến bộ KH&CN, thúc đẩy ứng dụng nhiều công nghệ mới, hiện đại vào thực tiễn sản xuất, đời sống”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Triển khai các dự án gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương

Trong những năm qua, KH&CN vào phát triển sản xuất góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho các vùng núi và dân tộc thiểu số. Tiêu biểu như Bắc Giang giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh triển khai 11 dự án KH&CN với tổng kinh phí hơn 114 tỷ đồng. Các dự án đều chú trọng đến các nội dung chuyển giao công nghệ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, đào tạo tập huấn cho người dân.

Trong đó có nhiều dự án hiệu quả như: “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Yên Dũng” do Công ty trách nhiệm hữu hạn Sinh vật cảnh Hoàng Linh chủ trì thực hiện. Trước khi có dự án, người dân chỉ canh tác rau theo mùa vụ, manh mún. Sau khi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, năng suất cây trồng tăng 180-220%. Dự án mang lại lợi nhuận cho Công ty khoảng 350 triệu/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 30 lao động, thu nhập từ 9 -15 triệu đồng/tháng và 50 lao động thời vụ.
 

 Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Ánh Dương khẳng định KH&CN có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Ánh Dương khẳng định, những năm qua KH&CN có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt mức cao, bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt 13,5%, vượt mục tiêu đề ra và luôn nằm trong các tỉnh đứng đầu cả nước. Chất lượng tăng trưởng dần được cải thiện theo hướng bền vững trên cơ sở thu hút được nhiều dự án đầu tư sản xuất chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi. Theo đó, đời sống của người dân khu vực nông thôn, miền núi dần được cải thiện, sung túc hơn.

Đồng chí Lê Ánh Dương nhấn mạnh, tỉnh xác định phát triển công nghiệp là trụ cột, nông nghiệp là trụ đỡ vì vậy mong muốn thời gian tới Bộ KH&CN tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tỉnh Bắc Giang ứng dụng tiến bộ KH&CN vào thực hiện hiệu quả các dự án để nhân rộng trong thực tế, góp phần nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người dân.

Tại hội nghị, đại diện hộ nông dân tham gia mô hình dự án ứng dụng KH&CN chăn nuôi bò thịt tại tỉnh Phú Thọ, ông Đặng Văn Thư, dân tộc Dao chia sẻ: Nhờ có dự án từ Chương trình nông thôn, miền núi, gia đình ông đã thoát nghèo, từ hộ cận nghèo lên hộ có thu nhập trung bình khá. Khi tham gia dự án, ông được tập huấn nâng cao các kiến thức về chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt, theo phương thức “cầm tay chỉ việc”; các hộ tham gia dự án được hỗ trợ bò, thức ăn… góp phần ổn định kinh tế hộ gia đình, kinh tế vùng miền.
 

Đại diện lãnh đạo Bộ KH&CN, UBND tỉnh Bắc Giang điều hành thảo luận tại hội nghị.

Bốn nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới

Thảo luận tại hội nghị, các ý kiến cho rằng bên cạnh kết quả đạt được, thời gian qua, Chương trình vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Quyết định số 1747/QĐ-TTg ngày 13/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ cho phép xử lý tài sản của dự án theo cơ chế ”chuyển giao không bồi hoàn khi kết thúc nhiệm vụ” nhưng đến nay vẫn chưa ban hành được các văn bản thực hiện gây khó khăn cho các đơn vị chủ trì dự án.

Bên cạnh đó, khó khăn về tài chính hàng năm nhu cầu đề xuất thực hiện dự án của các địa phương là khoảng 154 dự án/năm nhưng do nguồn kinh phí từ Ngân sách Sự nghiệp Khoa học công nghệ Trung ương bố trí còn hạn chế nên chỉ phê duyệt được khoảng 80 dự án/năm. Một số địa phương chưa bố trí được nguồn ngân sách của tỉnh hỗ trợ cho các dự án Ủy quyền cho địa phương quản lý theo quy định của Thông tư số 348/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang khẳng định: Chương trình nông thôn miền núi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện giai đoạn 2016-2025, đến nay đã thực hiện nửa thời gian, nội dung cơ bản đạt mục tiêu đề ra đến năm 2020. Tuy nhiên, khối lượng công việc cần thực hiện để hoàn thành mục tiêu, nội dung đặt ra đến năm 2025 còn rất lớn. Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang, trong giai đoạn tới Chương trình cần tập trung vào 4 nội dung lớn:

Thứ nhất, về hoạt động Chương trình Nông thôn miền núi giai đoạn 2016-2025, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và sự quan tâm, ủng hộ của các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, các tổ chức hỗ trợ ứng dụng chuyển giao công nghệ và đặc biệt là sự cố gắng nỗ lực của các tổ chức chủ trì dự án, Chương trình đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng.

Bên cạnh những thành tích đạt được, cần phải nhìn nhận vẫn còn một số tồn tại để khắc phục, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, tổ chức triển khai thời gian qua. Đó là việc hướng dẫn các tổ chức tham gia Chương trình thực hiện các dự án trên các lĩnh vực khác nhau như công nghệ chế biến sâu, công nghệ sau thu hoạch, mô hình ứng dụng chuyển giao công nghệ gắn với phát triển du lịch sinh thái…. vẫn còn hạn chế. Do vậy, thời gian tới cần có những giải pháp phù hợp hơn trong việc tổ chức lựa chọn dự án, lựa chọn công nghệ cho các lĩnh vực phù hợp hơn.

Thứ hai, về công tác chuyên môn, Vụ Phát triển KH&CN địa phương chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ KH&CN rà soát, tham mưu cho Bộ KH&CN, cơ quan liên quan… bổ sung, chỉnh sửa hành lang pháp lý để thuận lợi cho thực hiện Chương trình. Đồng thời, căn cứ mục tiêu, nội dung và các giải pháp thực hiện Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 1747/QĐ-TTg, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện chi tiết từng năm và cho cả giai đoạn 2021 - 2025, bảo đảm thực hiện đầy đủ, đáp ứng yêu cầu sản phẩm Chương trình đã đặt ra. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các tổ chức chủ trì, tổ chức hỗ trợ chuyển giao công nghệ để triển khai dự án đạt kết quả tốt hơn.

Thứ ba, các Sở KH&CN bám sát các mục tiêu, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương giai đoạn tới, trên cơ sở đó chủ động tham mưu cho UBND cấp tỉnh đề xuất và tổ chức thực hiện các dự án phù hợp với chủ trương phát triển nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa của địa phương. Góp phần nâng cao lợi nhuận cho doanh nghiệp và cải thiện đời sống nhân dân.

Thứ tư, đối với các tổ chức chủ trì dự án, các tổ chức hỗ trợ chuyển giao công nghệ phải phối hợp chặt chẽ, huy động nguồn lực đối ứng cùng với sự hỗ trợ của nhà nước để triển khai thành công các dự án. Đồng thời phải có kế hoạch nhân rộng các mô hình của dự án sau khi kết thúc.
 


 

Các đại biểu tham quan gian hàng triển lãm tại Hội nghị

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 1413

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)