Thứ năm, 29/10/2020 10:26 GMT+7

Nghiên cứu chiết tách dầu dừa tinh khiết bằng công nghệ không gia nhiệt

Việt Nam là một nước nông nghiệp, tuy nền kinh tế chưa phát triển nhưng có rất nhiều tiềm năng. Để xoá đói giảm nghèo, thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đưa nền kinh tế quốc dân phát triển, nhiệm vụ cấp bách hàng đầu mà Đảng và Nhà nước đặt ra hiện nay là tăng diện tích và năng suất trồng trọt, tạo vùng chuyên canh, đặc biệt chú trọng đến công nghệ cao, công nghệ mới trong chế biến các sản phẩm nông nghiệp thành hàng hoá nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Đối với Bến Tre nói riêng và vùng duyên hải đồng bằng sông Cửu Long nói chung, cây dừa được coi là cây của sự sống từ ngàn đời. Điều kiện tự nhiên Việt Nam được đánh giá là rất thuận lợi cho việc phát triển cây dừa nhất là từ vĩ tuyến 20 trở vào. Dừa có thể sinh trưởng trên các loại đất khác nhau, nhưng phát triển tốt trên đất cát có nhiễm mặn nhẹ. Diện tích trồng dừa của Việt Nam hiện nay trên 142.000 ha với năng suất bình quân là 36 - 38 quả/cây/năm, trong đó tập trung chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long chiếm 80%, đứng đầu là Bến Tre.

Trong khi nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ dừa của thế giới ngày càng tăng, yêu cầu các sản phẩm từ dừa ngày càng đa dạng, chất lượng cao được ưa chuộng và phục vụ thiết thực cho cuộc sống con người với những công dụng nổi bật được chứng minh khoa học rõ ràng. Chính vì thế, không riêng gì ở Việt Nam, các quốc gia trồng dừa nhiều như Philippines, Thái Lan, Indonesia… phải chú trọng phát triển nghề trồng và chế biến dừa một cách toàn diện và ngày càng đi vào chiều sâu nhằm phát huy tối đa về mặt năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.

Từ những cơ sở khoa học và nhu cầu thực tế, được sự chấp thuận từ Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia - Bộ KH&CN, với mục tiêu đổi mới công nghệ nâng cao giá trị gia tăng cho dừa, nhóm tác giả do TS. Nguyễn Phương dẫn đầu đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu chiết tách dầu dừa tinh khiết bằng công nghệ không gia nhiệt”.

Sau đây là một số kết quả đáng chú ý của dự án sau giai đoạn thực hiện:

- Kết quả khảo sát đánh giá tính chất vật lý, thành phần hoá học của 2 giống dừa: dừa ta (3 mẫu) và dừa dâu (1 mẫu) trên 11 tháng tuổi, được trồng phổ biến ở Bến Tre và Phú Yên từ đó xây dựng tiêu chuẩn nguyên liệu dừa cho sản xuất dầu dừa tinh khiết (VCO). 

- Từ việc nghiên cứu xác định các thông số kỹ thuật trong chế biến đề tài đã xây dựng “Quy trình công nghệ chiết tách dầu dừa tinh khiết không gia nhiệt từ dừa tươi quy mô thí nghiệm”.  

- Kết quả đánh giá các chỉ tiêu cảm quan, tính chất lý, hóa của VCO thu được quy mô thí nghiệm so với tiêu chuẩn VCO của APCC và Philippines là tương đương. VCO có thể bảo quản được 3 năm trong bao bì thuỷ tinh nâu hoặc chai PET xanh chiều dày 0,5mm trong điều kiện nhiệt độ 15 - 27 độ C, độ ẩm VCO: 0,037%.   

- Đã lựa chọn thiết bị và thiết kế mặt bằng cho dây chuyền sản xuất VCO quy mô 1.000 lít VCO/h.       

- Từ “Quy trình công nghệ chiết tách dầu dừa tinh khiết không gia nhiệt từ dừa tươi quy mô thí nghiệm”, đề tài đã kiểm chứng và hiệu chỉnh các thông số kỹ thuật phù hợp với thực tế sản xuất quy mô công nghiệp đã xây dựng “Quy trình chiết tách dầu dừa tinh khiết bằng công nghệ không gia nhiệt quy mô công nghiệp” năng suất 1.000 lít VCO/h.  

- Đã xác định các yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng dầu dừa VCO trong quá trình bảo quản: dùng khí Nitơ thay thế không khí trong tank chứa, sử dụng thiết bị rót chuyên dụng cho rót VCO, bao bì: lọ thuỷ tinh và lọ nhựa có chiều dày 0,5mm, mới theo dõi quá trình bảo quản VCO trong 3 tháng cần tiếp tục theo dõi đánh giá chất lượng VCO sau 3 năm bảo quản.   

- Đã sản xuất thử nghiệm công nghệ tách VCO trên dây chuyền quy mô công nghiệp từ 1.000 lít sữa dừa/h đến 5.000 lít sữa dừa/h.  

+ Sản phẩm VCO được đánh giá các chỉ tiêu cảm quan, tính chất lý, hóa của VCO thu được so với tiêu chuẩn VCO của APCC và Philipin là tương đương.   

+ Bước đầu xây dựng chỉ tiêu về tiêu hao nguyên liệu và tính giá thành sản phẩm: Giá VCO xuất xưởng: 116.000.000 đồng/tấn.

Các kết quả nghiên cứu của đề tài được đánh giá là trung thực, khách quan và phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam.


*Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 14348/2017) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 1231

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)