Thứ tư, 12/08/2020 15:30 GMT+7

Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất nhân tạo giống cá dứa (Pangasius sp.)

Cá dứa (Pangasius sp.) là đối tượng có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao. Khô cá dứa là đặc sản của vùng Cần Giờ và Cà Mau với giá bán trên 350.000 đồng/kg, chất lượng thơm ngon và được người tiêu dùng ưa chuộng. Cá dứa sống được trong môi trường nước ngọt và nước lợ nên là đối tượng tiềm năng để đa dạng đối tượng nuôi cho các vùng sinh thái khác nhau. Đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng và dịch bệnh ở tôm nuôi đang bùng phát việc nghiên cứu sản xuất giống cá dứa nhằm phát triển đối tượng nuôi mới là cần thiết, không chỉ cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà còn có thể phát triển nuôi ở các thủy vực thuộc vùng đầm phá ven biển miền Trung.


Hình thái và giải phẫu cá dứa Pangasius sp.3

 

Cá dứa (Pangasius sp.) là loài cá kinh tế thuộc giống Pangasius, họ Pangasiidae. Poulsen và cộng sự (2004) định danh loài cá dứa phân bố ở sông Mekong từ đồng bằng sông Cửu Long (Việt Nam) đến Xayabury (Lào) là loài Pangasius elongatus. Trước đây, loài này còn có tên khoa học là P. polyurangodon, sau đó Pouyaud và cộng sự (2002) xác định lại loài P. polyurangodon chỉ có ở Indonesia, Malaysia và hai loài mới được mô tả là loài P. elongatus (phân bố ở Thái Lan, Việt Nam) và loài P. mahakamensis (phân bố ở Đông Kalimatan, Indonesia). Mai Đình Yên và cộng sự (1992), định loại cá dứa là loài P. polyurangodon. Nguyễn Văn Thường (2009) xác định tên khoa học của cá dứa là P. elongatus. Tuy vậy, vẫn còn vấn đề cần đặt ra trong việc xác định chính xác tên khoa học của cá dứa vì hiện nay có thể có 2 loài khác nhau cùng được gọi tên phổ thông là cá dứa: P. elongatus, P. mekongensis (cá tra bần). Việc định danh và xác định sự hiện diện của loài P. mekongensis cũng là vấn đề cần được nghiên cứu thêm (Nguyễn Văn Thường 2009). Nhìn chung, các tài liệu khoa học chính thức đều xác định loài P.elongatus (P. polyurangodon) là tên khoa học của cá dứa.

Vì ở Việt Nam cũng như trên thế giới chưa có công trình nghiên cứu đầy đủ về đặc điểm sinh học sinh sản và chưa có được công nghệ sản xuất giống cá dứa (Pangasius sp.). Một số loài cá thuộc họ Pangasiidae như Pangasianodon hypothalmus, Pangasius bocourti đã có công nghệ sinh sản nhân tạo và ứng dụng rộng rãi vào sản xuất giống. Một số loài khác như Pangasianodon gigas, Pangasius conchophilus, P.krempfi… cũng có những thành công bước đầu trong sản xuất giống nhân tạo. Các kết quả này là cơ sở tốt để kế thừa trong nghiên cứu đặc điểm sinh học sinh sản và xây dựng quy trình công nghệ sản xuất giống cá dứa. Nên nhóm nghiên cứu do Cơ quan chủ trì Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III phối hợp với Chủ nhiệm nhiệm vụ ThS. Nguyễn Hữu Khánh cùng thực hiện nghiên cứu.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

Đã nghiên cứu được một số đặc điểm sinh học của cá dứa như sau:

+ Đối tượng cá dứa cần nghiên cứu sản xuất giống trong nhiệm vụ này là loài Pangasius mekongensis.

+ Mùa vụ sinh sản của cá dứa bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 12, tập trung vào tháng 10-tháng 11 và cá sinh sản 1 đợt trong năm.

+ Sức sinh sản tuyệt đối của cá dứa 3,0-6,5 kg trung bình 86.811 trứng/cá mẹ (dao động từ 42.500-165.000 trứng/cá mẹ) và sức sinh sản tương đối 16.020 trứng/kg cá mẹ (8.500-27.500 trứng/kg cá mẹ).

+ Trong điều kiện nuôi, cá dứa thành thục lần đầu khi đạt khối lượng trung bình từ 2,46 kg/con trở lên, tương ứng với tuổi 3+.

- Đã có được quy trình kỹ thuật thuần dưỡng và nuôi vỗ thành thục cá dứa bố mẹ với tỷ lệ sống qua thuần dưỡng đạt 9,8%, tỷ lệ thành thục đạt 71,2% đối với nuôi ao và 86,4% đối với nuôi lồng.

- Đã xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất nhân tạo giống cá dứa: tỷ lệ thành thục đạt 73,3% và tỷ lệ sống đến cỡ giống (5 cm) đạt 25,1%.

+ Trong sinh sản nhân tạo cá dứa, sử dụng HCG ở liều lượng 5.000 UI/kg cá cái với 4 lần tiêm (2 lần tiêm dẫn 500 UI/kg/lần, 1 liều sơ bộ 1.000 UI/kg và 1 liều quyết định 3.000 UI/kg) cho hiệu quả tốt. Kết quả trung bình đạt được tỷ lệ rụng trứng 100%, thời gian hiệu ứng 7,5 giờ, sức sinh sản thực tế 12.723 trứng/kg, tỷ lệ thụ tinh 77,8% và tỷ lệ nở 75,2%. Bước đầu cho thấy dùng LHRHa

+ Dom cho liều quyết định ở nghiệm thức kết hợp với HCG có thể kích thích cá dứa sinh sản.

+ Ương giống từ cá bột đến 20 ngày tuổi: Mật độ nuôi thích hợp nhất trong các thí nghiệm là 500 con/m2. Với mật độ ương này, tốc độ tăng trưởng của cá trung bình đạt 1,6 mm/ngày và 26,2 mg/ngày. Tỷ lệ sống trung bình đạt 35,1%.

+ Ương cá 21 ngày tuổi đến cá giống: mật độ ương thích hợp nhất là 50 con/m2, cá đạt tỷ lệ tăng trưởng 3,7 mm/ngày và 175,2 mg/ngày. Tỷ lệ sống trung bình đạt 71,5%.

- Đã xây dựng được mô hình sản xuất nhân tạo giống cá dứa tại trại giống:

+ Kết quả áp dụng quy trình sản xuất giống nhân tạo cá dứa vào điều kiện thực tế của trại giống cho thấy các chỉ tiêu kỹ thuật đều đạt được tương đương và cao hơn so với kết quả thử nghiệm.

+ Tỷ lệ thành thục của cá đạt trung bình 76,3%, tỷ lệ thụ tinh đạt 80,3% và tỷ lệ sống từ cá bột đến cá giống đạt trung bình đạt 26,5%. Đã sản xuất được 43.000 con cá giống, kích cỡ trung bình 6-7 cm.


*Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 14067/2017) tại Cục Thông tin KHCNQG.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 1353

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)