Thứ tư, 29/07/2020 15:29 GMT+7

Thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ tại địa phương

Hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ tại địa phương ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nhà sản xuất, kinh doanh ở địa phương nhằm nâng cao sức cạnh tranh và giá trị tài sản trí tuệ.

Hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ tại các địa phương trong năm 2019 đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chính sách, pháp luật về sở hữu công nghiệp tiếp tục là điểm nhấn trong các hoạt động của địa phương nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và công chúng. Nhiều địa phương đã chủ động và tích cực trong việc tuyên truyền, tập huấn các nội dung liên quan đến sở hữu trí tuệ như các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, hướng dẫn đăng ký nhãn hiệu, khai thác quyền sở hữu trí tuệ ở địa phương... Công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tiếp tục được chú trọng và tăng cường. Năm 2019, các vụ xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhất là xử lý bằng biện pháp hành chính, tăng mạnh cả về số vụ và số tiền phạt. Điều đó thể hiện nhận thức và sự quan tâm ngày càng lớn của doanh nghiệp và các chủ thể quyền sở hữu công nghiệp đối với tài sản trí tuệ, đồng thời cho thấy sự tích cực vào cuộc của các cơ quan có thẩm quyền trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Công tác hướng dẫn xác lập quyền, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nhà sản xuất, kinh doanh ở địa phương nhằm nâng cao sức cạnh tranh và giá trị tài sản trí tuệ. Các dự án hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ phát huy được hiệu quả, đặc biệt là hỗ trợ phát triển thương hiệu các đặc sản địa phương, các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu cũng được chú trọng đầu tư đúng mức, góp phần tạo động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế-xã hội. Bên cạnh đó, các biện pháp khuyến khích và đẩy mạnh hoạt động sáng kiến, đổi mới sáng tạo cũng được tổ chức đều khắp trên cả nước với nhiều hoạt động phong phú.
 


Hội nghị toàn quốc về sở hữu trí tuệ năm 2019

 

Một số điểm chính trong kết quả hoạt động sở hữu trí tuệ tại địa phương năm 2019 được tổng kết dưới đây. 

Tổ chức bộ máy và nhân lực quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp 

Năm 2019, tổ chức bộ máy của đơn vị quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ tại các Sở Khoa học và Công nghệ trong cả nước không có nhiều thay đổi so với 2018. Hiện chỉ có 2 Sở Khoa học và Công nghệ có bộ phận chuyên trách quản lý về sở hữu công nghiệp  (Phòng Sở hữu trí tuệ) là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Các địa phương còn lại chức năng quản lý sở hữu trí tuệ chủ yếu ghép chung với các lĩnh vực khác như công nghệ, an toàn bức xạ... với tên gọi chung là phòng Quản lý chuyên ngành. 

Về nhân sự, cả nước có tổng số 163 cán bộ thực hiện quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ tại các Sở Khoa học và Công nghệ (trong đó có 53 cán bộ chuyên trách và 110 cán bộ kiêm nhiệm), cơ bản không thay đổi so với năm 2018. Đa số cán bộ này đều đã tham gia các lớp tập huấn, đào tạo về sở hữu trí tuệ do Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức hoặc phối hợp tổ chức. 

Công tác xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp 

Công tác xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp vẫn được các Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành thường xuyên. Năm 2019 đã có 46 văn bản được các địa phương ban hành, với nội dung chủ yếu liên quan đến các chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ địa phương (các quyết định ban hành kế hoạch thực hiện, phê duyệt kinh phí…), các quy chế quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận. Đặc biệt, rất nhiều địa phương đã ban hành quy định liên quan đến hoạt động sáng kiến nói chung và quy định về kinh phí dành cho hoạt động sáng kiến nói riêng sau khi Thông tư số 03/2019/TT-BTC ngày 15/01/2019 của Bộ Tài chính quy định về nguồn kinh phí, nội dung và mức chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện hoạt động sáng kiến được ban hành. Hoạt động này góp phần không nhỏ vào việc đưa pháp luật sở hữu trí tuệ vào cuộc sống trên cơ sở nhu cầu thực tiễn và điều kiện phát triển kinh tế cụ thể của mỗi địa phương.

Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chính sách và pháp luật về sở hữu trí tuệ

Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chính sách và pháp luật về sở hữu trí tuệ ngày càng được các địa phương quan tâm và thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như tập huấn, hội thảo, hội nghị, trao đổi trực tuyến, làm tin bài, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng. Năm 2019, các địa phương đã tổ chức 50 hội thảo, 169 lớp tập huấn và 166 lượt tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ, tăng 15% so với năm 2018. Bên cạnh sự hỗ trợ của Cục Sở hữu trí tuệ (giảng viên và tài liệu), các địa phương cũng đã chủ động tổ chức các sự kiện trên cơ sở nhu cầu thực tiễn của địa phương, như Kiên Giang (16 Hội thảo), Bến Tre (32 lớp tập huấn), Lạng Sơn (01 hội thảo và 13 lớp tập huấn)…

Công tác hướng dẫn xác lập, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp

Thời gian qua, công tác hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xác lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ dần trở thành một trong những hoạt động trọng tâm của hầu hết các Sở Khoa học và Công nghệ. Bên cạnh hệ thống các tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp (chỉ tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…) thì các Sở Khoa học và Công nghệ vẫn luôn là địa chỉ đáng tin cậy để hàng ngàn lượt tổ chức, cá nhân tìm đến để được tư vấn về sở hữu công nghiệp. Đối tượng được quan tâm nhiều nhất vẫn là nhãn hiệu (3.464 lượt), tiếp đến là kiểu dáng công nghiệp (144 lượt), sáng chế (120 lượt). Nổi bật trong hoạt động này là các địa phương Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Quảng Ninh, Bắc Giang.

Công tác thực thi, xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp

Hiện nay, biện pháp xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được áp dụng nhiều và hiệu quả nhất vẫn là biện pháp hành chính. Năm 2019, đã có 3.293 vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp bị xử lý hành chính với tổng số tiền phạt là 26.536.667.000 đồng, tăng 81,8% số vụ và 11% tổng số tiền phạt so với năm 2018. Ngoài ra có tổng cộng 2.029.032 sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp bị các cơ quan chức năng xử lý. Đối tượng bị xâm phạm nhiều vẫn là nhãn hiệu, chiếm 99% số vụ và 91,5% tổng số tiền phạt. Các địa phương thực hiện xử lý xâm phạm nhiều nhất là Thành phố. Hồ Chí Minh, Nam Định, Lạng Sơn.  

Hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ

 Hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ vẫn đang thực hiện rất hiệu quả ở hầu khắp các địa phương. Đã có 43/63 tỉnh/thành phố có Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của địa phương với tổng số 66 dự án được triển khai, 153 sản phẩm đặc thù địa phương được hỗ trợ bảo hộ, quản lý quyền sở hữu trí tuệ, 59 tổ chức tập thể được thành lập để quản lý tài sản trí tuệ cộng đồng, 1.197 doanh nghiệp được hỗ trợ về sở hữu trí tuệ, 98 lượt phát sóng truyền hình tuyên truyền về sở hữu trí tuệ. Các Chương trình này được triển khai dưới nhiều hình thức như: Chương trình hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận, Chương trình "Xây dựng và phát triển thương hiệu cho nông sản tỉnh …", Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh…

Triển khai các biện pháp hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động sáng kiến, đổi mới sáng tạo

Việc thúc đẩy hoạt động sáng kiến tiếp tục được hầu hết các địa phương quan tâm, đẩy mạnh dưới nhiều hình thức khác nhau, như soạn thảo và trình các cấp có thẩm quyền ban hành quy định quản lý hoạt động sáng kiến trên địa bàn, tổ chức lớp tập huấn về sáng kiến, thành lập các Hội đồng cấp tỉnh để xem xét và đánh giá sáng kiến… Các hoạt động nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo tiếp tục được các địa phương quan tâm và thúc đẩy. Năm 2019 đã có 20 tỉnh/thành phố tổ chức các Hội thi Sáng tạo kỹ thuật, 19 tỉnh/thành phố tổ chức các Hội thi Sáng tạo thanh thiếu niên bên cạnh các Hội thi và Giải thưởng khác đã và đang được triển khai như: Giải thưởng Bằng lao động sáng tạo tỉnh, Giải thưởng sáng tạo công nghệ thông tin và truyền thông…

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 1189

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)