Thứ tư, 29/07/2020 12:54 GMT+7

Khâu quan trọng nhất trong quá trình hoàn thiện hệ thống sở hữu trí tuệ

Mục tiêu của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ là nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; xử lý các bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành; nội luật hóa các cam kết quốc tế, tạo khuôn khổ pháp lý cụ thể cho hoạt động SHTT của Việt Nam; bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật SHTT, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng.

Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành năm 2005 và được sửa đổi, bổ sung năm 2009 là dấu mốc quan trọng trong lịch sử xây dựng, phát triển và hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ (SHTT) của Việt Nam. Đạo luật này đã thay đổi toàn bộ cấu trúc của hệ thống các văn bản pháp luật trước đây về SHTT, chuyển từ hệ thống các văn bản pháp luật đơn hành thành một đạo luật chuyên ngành thống nhất, đồng bộ, làm nền tảng pháp lý cơ bản để điều chỉnh các vấn đề có liên quan đến việc bảo hộ và thực thi quyền SHTT. 



 

Là sự hợp nhất của ba đối tượng được bảo hộ quyền SHTT bao gồm: (i) quyền tác giả (QTG), quyền liên quan đến quyền tác giả (QLQ); (ii) quyền sở hữu công nghiệp (SHCN); và (iii) quyền đối với giống cây trồng (GCT), hiện tại ngoài Luật SHTT, còn có 11 Nghị định quy định chi tiết (17 nếu tính cả các lần sửa đổi) và 22 Thông tư/ Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành (30 nếu tính cả các lần sửa đổi).

Con số này thoạt nhìn có thể tạo ấn tượng về một hệ thống SHTT với các quy định đồ sộ về số lượng. Tuy nhiên, nếu tính trên công thức chung của hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam quy định về một lĩnh vực cụ thể thường có cấu trúc tầng bậc từ Luật - Nghị định quy định chi tiết - Thông tư hướng dẫn thi hành, bên cạnh đó có thể có thêm 1 Nghị định xử phạt hành chính, Thông tư hướng dẫn Nghị định xử phạt hành chính và một Thông tư liên quan đến tài chính thì sẽ thấy các văn bản pháp luật trong lĩnh vực SHTT cũng đi theo một cấu trúc và một số lượng tương tự. Bên cạnh đó, đối với một số vấn đề có sự giao thoa giữa lĩnh vực SHTT và các lĩnh vực khác thì có thêm một số thông tư hoặc thông tư liên tịch cho từng vấn đề cụ thể mà thôi (Ví dụ: vấn đề tên miền, tên doanh nghiệp xâm phạm quyền SHTT, vấn đề bảo mật dữ liệu thử nghiệm trong đăng ký thuốc, hay vấn đề kiểm soát biên giới đối với hàng giả mạo và sao chép lậu v.v.).

Một điểm đáng lưu ý là do đây là một đạo luật được ra đời trong bối cảnh kế thừa và khắc phục các hạn chế của các luật đơn lẻ trước đó, đồng thời tiếp thu những tiến bộ cũng như đáp ứng các yêu cầu khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nên về cơ bản, nội dung của Luật SHTT đã bảo đảm tiêu chuẩn về tính đầy đủ và hiệu quả, mà bằng chứng cụ thể nhất là quãng thời gian thi hành ổn định tới 15 năm kể từ khi ban hành, trừ một số sửa đổi mang tính bổ sung vào năm 2009.

Tuy nhiên, trước bối cảnh mới với nhiều chuyển biến mạnh mẽ tác động đến mọi mặt của kinh tế - xã hội như quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu và rộng của Việt Nam thông qua việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, làn sóng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng cũng như mục tiêu hướng tới một Chính phủ kiến tạo, việc sửa đổi Luật SHTT trong giai đoạn hiện nay trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã xác định một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là “hoàn thiện thể chế về SHTT theo hướng khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính minh bạch và độ tin cậy cao; quyền SHTT được bảo vệ và thực thi hiệu quả”.

Theo đó, mục tiêu của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ là nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; xử lý các bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành; nội luật hóa các cam kết quốc tế, tạo khuôn khổ pháp lý cụ thể cho hoạt động SHTT của Việt Nam; bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật SHTT, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng.

Nội dung sửa đổi Luật SHTT lần này cơ bản sẽ tập trung vào 7 nhóm chính sách lớn, bao gồm: (i) Bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu QTG, người biểu diễn, chủ sở hữu QLQ trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền; (ii) Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách nhà nước; (iii) Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký và xác lập quyền; (iv) Đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng; (v) Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về SHTT; (vi) Nâng cao hiệu quả của hoạt động thực thi quyền SHTT; và (vii) Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập.

Đây là các nhóm chính sách lớn có tác động đến quan điểm, cách tiếp cận và hướng xử lý đối với cả hệ thống SHTT, bắt đầu từ các khâu sáng tạo, xác lập quyền, bảo hộ quyền, khai thác và thực thi quyền SHTT. Trong mỗi nhóm chính sách sẽ lại có những vấn đề bất cập của các đối tượng quyền SHTT khác nhau (QTG, QLQ, quyền SHCN, quyền đối với GCT) tại các công đoạn khác nhau, các điều khoản liên quan và phương hướng xử lý các bất cập này. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, các quy định liên quan đến xác định chủ thể nắm giữ quyền tài sản (chủ sở hữu, tác giả, người biểu diễn) sẽ được quy định rõ ràng và cụ thể hơn, giúp cho quá trình chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng trong các hợp đồng chuyển nhượng, chuyển giao QTG, QLQ được thuận lợi hơn.

Thứ hai, các quy định liên quan đến việc xác định quyền sở hữu, quyền khai thác đối với các nghiên cứu khoa học do nhà nước đầu tư vốn sẽ được quy định rõ ràng và chi tiết hơn, để từ đó khuyến khích phong trào biến các kết quả nghiên cứu thành các tài sản được bảo hộ quyền SHTT (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí), tạo tiền đề để khai thác thương mại đối với các tài sản này trên thị trường được hiệu quả hơn.

Thứ ba, dù là quyền được xác lập tự động mà không qua đăng ký (trong lĩnh vực QTG, QLQ) hay phải đăng ký (lĩnh vực SHCN), thì các quy định liên quan đến thủ tục, thời hạn, thành phần hồ sơ v.v. cũng cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng gọn nhẹ, nhanh chóng, thuận tiện, minh bạch để khuyến khích, gia tăng hoạt động đăng ký, xác lập quyền SHTT nhằm tạo cơ sở, bằng chứng vững chắc trong việc xác định chủ thể quyền và đối tượng được bảo hộ, làm tiền đề cho việc khai thác quyền cũng như thực thi quyền sau này. 

Thứ tư, các quy định liên quan đến bảo hộ và thực thi quyền SHTT cần được rà soát, cân đối để bảo đảm mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng giữa một bên là quyền lợi của chủ thể quyền và một bên là quyền sử dụng, quyền tiếp cận tri thức, công nghệ của xã hội. Theo đó, việc rà soát, sửa đổi sẽ tập trung xử lý các vấn đề liên quan tới quyền tiếp cận tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng; hợp lý hóa cơ chế bảo hộ đối với sáng chế; bổ sung các trường hợp sáng chế, nhãn hiệu bị hủy bỏ hiệu lực nếu không đáp ứng những điều kiện nhất định; hợp lý hóa cơ chế bảo hộ quyền đối với giống cây trồng (cân đối giữa quyền của nhà tạo giống và quyền giữ giống của nông dân).

Thứ năm, các quy định nhằm đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cho hệ thống SHTT (bao gồm hoạt động đại diện, giám định) cũng được rà soát để sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định trách nhiệm rõ ràng hơn, phân loại phạm vi hoạt động cụ thể và chi tiết hơn, đồng thời cắt giảm các điều kiện kinh doanh không thích hợp để phù hợp với quá trình cải cách thủ tục hành chính chung của đất nước.

Thứ sáu, các quy định liên quan đến thực thi quyền sẽ được sửa đổi nhằm bảo đảm cơ chế bảo vệ quyền SHTT được hiệu quả, hợp lý và khả thi hơn. Theo đó, việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính sẽ được quy định cụ thể, tránh chồng lấn sang các biện pháp mang bản chất dân sự, hoàn thiện các quy định về thực thi quyền trong môi trường số, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến cách thức và phạm vi áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới đối với hàng xuất, nhập khẩu.

Thứ bảy, các quy định hiện có trong Luật SHTT nhưng chưa hoàn toàn tương thích với các cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam mới là thành viên (như cơ chế bảo mật dữ liệu thử nghiệm đối với nông hóa phẩm; kiểm soát biên giới của cơ quan hải quan v.v.) hay các quy định chưa xuất hiện nhưng phải thi hành theo cam kết quốc tế (như bảo hộ nhãn hiệu âm thanh; cơ chế đền bù cho chủ sở hữu sáng chế do chậm trễ trong thủ tục cấp phép lưu hành thị trường của dược phẩm là sáng chế v.v.) cũng sẽ được rà soát để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Toàn bộ nội dung các chính sách cũng như các điều khoản dự kiến liên quan tới từng vấn đề trong mỗi chính sách đều đã được công bố công khai để lấy ý kiến trên trang thông tin điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như của Chính phủ trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT để trình Quốc hội. Kết thúc Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV hồi tháng 6 vừa qua, Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT đã chính thức được Quốc hội đồng ý đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 với dự kiến sẽ xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV vào tháng 6/2022.

Hiện nay, Đề cương các điều khoản cần sửa đổi, bổ sung trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT đang bắt đầu được dự thảo trên cơ sở các vấn đề đặt ra trong 7 nhóm chính sách nêu trên. Dự kiến, dự thảo Luật sẽ bắt đầu được đăng tải và gửi đi lấy ý kiến rộng rãi vào tháng 02/2021 theo đúng quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Có thể nói, hoàn thiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực SHTT là một trong những khâu quan trọng nhất trong quá trình hoàn thiện hệ thống SHTT nói riêng và trong lộ trình lồng ghép vấn đề SHTT trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Bởi lẽ, nếu được xây dựng và và hoàn thiện trên cơ sở vừa đáp ứng nhu cầu nội tại của đất nước, vừa phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, lại vừa bảo đảm tính tương thích với xu hướng phát triển chung về SHTT toàn cầu, chính sách SHTT mới thực sự trở thành một động lực của kinh tế tri thức, của khoa học công nghệ, để từ đó kinh tế tri thức, khoa học công nghệ tiếp tục là động lực cho sự vươn mình của đất nước./.

 

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 1518

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)