Thứ hai, 20/07/2020 09:12 GMT+7

Báo chí, truyền thông về KH&CN đã có bước chuyển mình mạnh mẽ

Chánh Văn phòng Bộ KH&CN đánh giá, thời gian qua, báo chí, truyền thông cũng đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ về chất lượng nội dung cũng như các phương thức tiếp cận vấn đề khó như khoa học và công nghệ.

Toàn cảnh Hội thảo.
 

Sáng 17/7 tại TP. Sơn La, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Sở KH&CN tỉnh Sơn La tổ chức Hội thảo “Báo chí với công tác truyền thông khoa học và công nghệ”.

Tham dự Hội thảo có ông Trần Quang Tuấn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông Bộ KH&CN; ông Nguyễn Mai Dương – Chánh Văn phòng Bộ; ông Chu Thúc Đạt – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Phát triển KH&CN địa phương; ông Phạm Quang An - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Sơn La.

Dự Hội thảo còn có các phóng viên, biên tập viên đến từ hơn 20 cơ quan báo chí; đại diện Sở KH&CN tỉnh Sơn La và 1 số doanh nghiệp ứng dụng KH&CN tại tỉnh Sơn La…

Ngành KH&CN đã tích cực đổi mới, xây dựng nhiều cơ chế, chính sách
 

Ông Trần Quang Tuấn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN phát biểu tại Hội thảo.
 

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Quang Tuấn – Giám đốc Trung tâm NC&PT truyền thông KH&CN cho biết, trong bối cảnh đất nước đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về một số chủ trương, chính sách lớn đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, ngành KH&CN đã tích cực đổi mới và xây dựng nhiều cơ chế, chính sách cho sự phát triển của đất nước.

“Thực tế hiện nay cho thấy KH,CN&ĐMST đã tham gia vào chuỗi sản xuất nông nghiệp. KH&CN đã thực sự đi vào cuôc sống và thực sự đi vào các khâu sản xuất như chọn giống, canh tác, nuôi trồng, bảo quản…”, ông Trần Quang Tuấn nói.

Cũng theo ông Trần Quang Tuấn, đồng hành với sự chuyển mình của ngành KH&CN, các cơ quan thông tấn báo chí thời gian qua cũng đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm truyền tải những chính sách mới, truyền thông những cách làm hay, mô hình tốt cũng như đưa ra những phân tích, đóng góp về mặt chính sách cho sự phát triển chung của ngành KH&CN.

“Có thể thấy, trong nhiều năm gần đây, KH&CN ngày càng được dư luận quan tâm. Trong kết quả này có sự đóng góp lớn của phóng viên viết về KH&CN. Đội ngũ các nhà báo, phóng viên đã miệt mài, đi sâu, đi sát và truyền tải những kết quả rất nổi bật của ngành. Đặc biệt, những bài báo liên quan đến KH&CN có sự lan tỏa, có sự đồng hành rất lớn của các nhà khoa học Việt Nam”, ông Trần Quang Tuấn nhấn mạnh.
 

Ông Chu Thúc Đạt, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ phát triển KH&CN địa phương (Bộ KH&CN) phát biểu tại Hội thảo.
 

Cùng phát biểu tại Hội thảo, ông Chu Thúc Đạt, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ phát triển KH&CN địa phương (Bộ KH&CN) nhấn mạnh, thời gian qua, cơ quan này đã thực hiện chỉ đạo từ Bộ KH&CN để tiến hành triển khai, kết nối, hỗ trợ đưa các dự án ứng dụng tiến bộ KH&CN vào đời sống sản xuất, đặt biệt là ở vùng sâu vùng xa. Mặc dù cho đến nay, các dự án, chương trình đã bước đầu có những kết quả tích cực nhưng vẫn tồn tại một số khó khăn nhất định. Trong đó, có hạn chế về nhận thức, trình độ hiểu biết của người dân ở vùng sâu, vùng xa liên quan tới những thông tin về các chương trình, dự án đưa KH&CN vào sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân.

Từ thực tế này, ông Chu Thúc Đạt cho rằng, thời gian tới, cần có sự vào cuộc, tham gia mạnh mẽ hơn nữa có đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên, đội ngũ truyền thông về KH&CN để góp phần truyền tải nhanh chóng, chính xác thông tin về hoạt động ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN đến với các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Điều này sẽ góp phần lớn để các dự án, chương trình được lan tỏa, thành công hơn.

“Những năm qua, chúng tôi rất vui mừng vì đã có sự đồng hành của đội ngũ các nhà báo, phóng viên, biên tập viên trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, hoạt động KH&CN, đặc biệt là ở các địa phương vùng sâu, vùng xa. Báo chí, truyền thông chính là kênh thông tin để giới thiệu những mô hình tốt, điển hình về ứng dụng KH&CN vào đời sống sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân”, ông Chu Thúc Đạt nhấn mạnh.

Sơn La: Nhiệm vụ KH&CN đã bám sát yêu cầu thực tiễn của địa phương
 

Ông Phạm Quang An - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Sơn La phát biểu.
 

Tại Hội nghị, ông Phạm Quang An - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Sơn La cho biết: Sơn La là tỉnh miền núi phía Tây Bắc, có nhiều lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển nông nghiệp với các sản phẩm nông sản chất lượng cao. Đồng thời, với vai trò và vị thế là trung tâm của vùng Tây Bắc; Sơn La luôn nhận được sự quan tâm của Trung ương Đảng, Chính phủ, các Bộ Ngành, sự phối hợp của các đơn vị nghiên cứu KH&CN.

“Các nhiệm vụ KH&CN triển khai trên địa bàn tỉnh Sơn La đã bám sát theo yêu cầu của thực tiễn của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nói chung và phát triển nông nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng dự án sản xuất thử nghiệm trên địa bàn Tỉnh còn hạn chế; một số sở, ngành, UBND huyện, thành phố chưa chủ động quan tâm đặt hàng với nhà khoa học; việc phối hợp giữa các sở, ban, ngành, cơ quan tiếp nhận kết quả đề tài và cơ quan chủ trì chưa được quan tâm đúng mức trong việc chuyển giao ứng dụng nhân rộng kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN” - ông Phạm Quang An nhấn mạnh.

Đến nay, toàn Tỉnh đã có hơn 20 sản phẩm mang địa danh của Tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ (Chè Shan tuyết Mộc Châu; Quả xoài tròn Yên Châu; Cà phê Sơn La; Chuối Yên Châu; chè Ô Long Mộc Châu; rau an toàn Mộc Châu; nhãn Sông Mã; cam Phù Yên; táo Sơn tra Sơn La; Mật ong Sơn La; khoai sọ Thuận Châu,…), trong đó, sản phẩm chè Shan tuyết Mộc Châu đã được bảo hộ tại thị trường Thái Lan năm 2017. Đây là sản phẩm nông sản đầu tiên của Tỉnh đăng ký bảo hộ thành công tại thị trường nước ngoài.

Sở KH&CN tỉnh Sơn La đang tiếp tục xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm như: Chanh leo Sơn La; Mận hậu Sơn La; Rau an toàn Sơn La; Xoài Sơn La; Nhãn Sơn La và Bơ Sơn La. Các sản phẩm sau khi đăng ký thành công thương hiệu bước đầu phát huy hiệu quả, giá trị sản phẩm tăng lên khẳng định uy tín, chất lượng trên thị trường, một số sản phẩm mang nhãn hiệu bước đầu tiếp cận thị trường nước ngoài như: Nhãn, Xoài, Chanh leo. Bên cạnh đó, để duy trì và phát triển thương hiệu, các doanh nghiệp, Hợp tác xã được hỗ trợ, tạo điều kiện tham gia nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư, hội chợ xúc tiến thương mại, gắn việc quảng bá sản phẩm mang nhãn hiệu với du lịch canh nông, trải nghiệm như: Du lịch cánh đồng chè Shan tuyết Mộc Châu, du lịch lòng hồ Sông Đà, nghỉ dưỡng, trải nghiệm hái chè, sản xuất chè Ô Long…

Thời gian tới, Sở KH&CN tỉnh Sơn La đề ra phương hướng nhiệm vụ: Tiếp tục nâng cao năng lực ứng dụng các thành tựu KH&CN; phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong xây dựng đề xuất nhiệm vụ KH&CN sát với thực tiễn tại địa phương; tăng cường truyền thông KH&CN về kết quả nghiên cứu của các nhiệm vụ KH&CN trên các phương tiện truyền thông đại chúng; đẩy mạnh việc xây dựng mạng lưới thông tin giữa các đơn vị, đặc biệt là các trường chuyên nghiệp trong Tỉnh nhằm cung cấp, trao đổi và khai thác hiệu quả nguồn thông tin KH&CN; tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao nghiệp vụ thông tin KH&CN cho cán bộ nhằm nâng cao kỹ năng tác nghiệp cho cán bộ chuyên trách...

Phát triển tài sản trí tuệ đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực địa phương.
 

Ông Mai Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn cho rằng, các địa phương cần tiếp tục tập trung vào hoạt động bảo hộ, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ gắn với đặc sản địa phương.
 

Liên quan đến vấn đề phát triển tài sản trí tuệ tại địa phương, ông Mai Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn cho rằng, các địa phương cần tiếp tục tập trung vào hoạt động bảo hộ, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ gắn với đặc sản địa phương, đưa SHTT thành công cụ hữu hiệu nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển KT-XH, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của địa phương.

Theo ông Mai Văn Dũng, các sản phẩm đặc thù gắn với địa danh là những tài sản có giá trị, những “thương hiệu” mang tính cộng đồng, có danh tiếng và uy tín chất lượng từ lâu truyền lại; mang đến giá trị tiềm năng to lớn không chỉ về mặt kinh tế mà còn ở cả mặt xã hội. Vì thế, việc đề ra các chính sách, biện pháp để thúc đẩy hoạt động bảo hộ SHTT cho các sản phẩm đặc sản địa phương, tạo động lực cho sự phát triển sản xuất, kinh doanh, giúp người dân, doanh nghiệp tham gia hiệu quả, chủ động vào thị trường; đồng thời giữ gìn và phát huy được danh tiếng và uy tín chất lượng “thương hiệu” của các đặc sản địa phương phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước là rất quan trọng.

Hiện nay, các chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ đang giúp cho các tổ chức, cá nhân, cơ quan quản lý Nhà nước xác lập quyền sở hữu công nghiệp, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh mang tính chuyên nghiệp có trọng điểm. Mặt khác, nhằm định hướng và xây dựng kế hoạch phát triển bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với các sản phẩm đặc sản mang tính đặc thù, tiềm năng của Tỉnh.

Đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Sơn La đã đạt được trong những năm qua, đặc biệt là công tác xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông sản của tỉnh, ông Mai Văn Dũng mong muốn, từ kinh nghiệm của tỉnh Sơn La, để phát triển các sản phẩm chủ lực của Tỉnh, các Sở KH&CN cần có sự kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối giao thương, đẩy mạnh hợp tác phát triển KH&CN cũng như phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông sản vùng miền trong cả nước, đưa nông sản địa phương khẳng định vị thế trên thị trường, phục vụ công tác xuất khẩu.

Đề cập đến nội dung cần ưu tiên tập trung trong lĩnh vực SHTT tại các địa phương trong giai đoạn tới, ông Mai Văn Dũng cũng cho rằng, các địa phương cũng cần tiếp tục tập trung vào hoạt động bảo hộ, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ gắn với đặc sản địa phương, đào tạo cán bộ làm công tác SHTT, đưa SHTT thành công cụ hữu hiệu nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của địa phương.

Truyền thông KH&CN lan tỏa hiệu quả các hoạt động KH&CN đến với công chúng
 

Chánh Văn phòng Bộ KH&CN Nguyễn Mai Dương đánh giá cao vai trò của báo chí, truyền thông trong việc thông tin về các hoạt động KH&CN.
 

Đánh giá cao vai trò của báo chí, truyền thông đối với việc thông tin về hoạt động KH&CN, ông Nguyễn Mai Dương, Chánh Văn phòng Bộ KH&CN cũng đã dành lời cảm ơn tới đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên trong thời gian qua đã cùng sát cánh, chia sẻ thông tin về những nhiệm vụ, kế hoạch, định hướng mà ngành KH&CN đã và đang triển khai tới đông đảo công chúng.

“Thời gian qua, bằng sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm với công việc, đội ngũ báo chí, truyền thông về KH&CN đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy, làm lan tỏa hiệu quả các hoạt động KH&CN đến với công chúng. Các nhà báo, phóng viên, biên tập viên đã có nhiều bài viết, sản phẩm báo chí có nội dung chuyên sâu. Đặc biệt là những bài viết mang tính phân tích, nhận định về tính hiệu quả, triển vọng của những định hướng mà ngành KH&CN đã và đang triển khai cũng như hiệu quả thiết thực của các chương trình, hoạt động KH&CN đối với đời sống xã hội”.

Cũng theo Chánh Văn phòng Bộ KH&CN, thời gian qua, báo chí, truyền thông cũng đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ về chất lượng nội dung cũng như các phương thức tiếp cận vấn đề khó như KH&CN. Đội ngũ báo chí, truyền thông cũng đã có sự tham gia, tiếp cận sâu hơn với các đối tượng đòi hỏi chuyên môn như lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ, hoạt động KH&CN trong lĩnh vực y tế… Bước chuyển này vừa thể hiện sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của các nhà báo, phóng viên, biên tập viên, vừa khẳng định vai trò, vị thế của ngành KH&CN, chứng minh rằng KH&CN là lĩnh vực ngày càng được dư luận quan tâm sát sao.

“Cái khó của người làm nội dung về KH&CN là phải tiếp cận với các vấn đề mang tính chuyên sâu, đòi hỏi nhiều công sức và nhiều thời gian. Ví dụ như đối với các giao dịch online, chỉ cần một cú click chuột là có thể nhận được hàng, người mua sẽ biết ngay tiền lãi (kết quả) mà mình nhận được là bao nhiêu. Tuy nhiên, với các chương trình, dự án, hoạt động KH&CN triển khai vào đời sống đôi khi phải mất một thời gian dài mới có thể thấy được hiệu quả. Lấy ví dụ gần nhất là dự án trồng xoài ở Mai Sơn (Sơn La), thời gian để nghiên cứu giống, triển khai trồng cũng đã mất khoảng 2-3 năm, chưa kể đến thời gian chăm sóc, cây sinh trưởng, cho quả. Tính đến khi thu hoạch cũng mất thêm vài năm nữa. Chỉ đến lúc đó, mới có thể đánh giá hiệu quả của chương trình đến đâu.

Như vậy, có thể thấy, để đưa được thông tin về hiệu quả của các chương trình này, đội ngũ các nhà báo, phóng viên, biên tập viên phải bám sát, đồng hành cùng đơn vị triển khai trong nhiều năm, bỏ ra nhiều công sức để có những bài viết hay mang hiệu ứng tốt", ông Nguyễn Mai Dương nhấn mạnh.
 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy thăm “Dự án Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình sản xuất và chế biến rau an toàn, chất lượng cao tại huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La”.
 

Trước đó, ngày 16/7, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy và đoàn báo chí đã đến thăm “Dự án Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình sản xuất và chế biến rau an toàn, chất lượng cao tại huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La”; “Hợp tác xã Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5”; “Dự án Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển một số giống xoài tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La”; “Dự án Café Sơn La”. Thông tin với phóng viên, biên tập viên, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, thời gian qua, Sơn La tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng phát triển bền vững, trong đó, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ được coi là giải pháp then chốt, tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động. Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao được hình thành, nhiều sản phẩm đã được xây dựng thương hiệu, khẳng định chỗ đứng trên thị trường, góp phần duy trì đà tăng trưởng kinh tế của Tỉnh.
 

Ông Hà Huy Hồng, Chủ nhiệm CLB nhà báo KH&CN, Trưởng Ban Bạn đọc, Báo Nhân Dân chia sẻ kinh nghiệm viết báo KH&CN.
 

Hơn 30 năm viết về KH&CN, Nhà báo Hà Huy Hồng, Chủ nhiệm CLB nhà báo KH&CN đã chia sẻ một số kinh nghiệm khi viết bài báo về KH&CN đó là, cần     thành lập các liên minh khoa học và truyền thông; Nâng cao nhận thức về công tác truyền thông; Nâng cao kỹ năng viết cho các nhà báo; Kinh nghiệm viết bài tham gia giải báo chí về KH&CN.

Theo Nhà báo Hà Huy Hồng, chỉ khi nào nhà khoa học, nhà quản lý và nhà báo tạo dựng được niềm tin vào nhau thì lúc đó mới có sự cởi mở chia sẻ trong thông tin KH&CN. Chính vì vậy, nhà báo viết mảng KH&CN cần phải có sự hiểu biết nhất định đối với những kiến thức theo từng lĩnh vực. Nhà báo cần kiểm tra tính chính xác và tính cân bằng của bản tin, tránh gây ra những sai sót không đáng có. Song song với đó là cần tổ chức các khóa đào tạo về kỹ năng viết để nhà báo hiểu hơn về cách thức truyền tải thông tin KH&CN sao cho dễ hiểu, dễ thuyết phục./.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 2685

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)