Thứ ba, 28/04/2020 11:51 GMT+7

Nhu cầu đổi mới sáng tạo chống lại hạn mặn miền Tây

Hãy cùng chung tay ứng phó với quá trình biến đổi khí hậu, xây dựng môi trường xanh và đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh.

Hạn mặn khốc liệt ở Đồng bằng sông Cửu Long

Giữa tháng 1/2020, xâm nhập mặn trên các sông Hàm Luông, Cửa Tiểu, Cửa Đại,… tương đương đợt hạn mặn lịch sử mùa khô năm 2016. Nhưng không lâu sau đó, độ mặn và mức độ xâm lấn của nước mặn đã vượt xa năm 2016.1 Hầu hết cánh đồng lúa vụ ba đều thấy một màu xám từ những vạt lúa cháy nắng khô khốc, đồng ruộng nứt nẻ. Không chỉ cây lúa, hàng chục ngàn hecta cây ăn trái bị chết nhánh, khô lá, rụng trái do lâu ngày không được tưới. Không có nước cho chăn nuôi heo, bò, dê…; môi trường nước không thể đảm bảo cho việc thả con giống. Nước máy nhiễm mặn nặng, không dùng cho sinh hoạt được nên người dân bắt buộc phải đi mua nước ngọt từ nơi khác chở về, có nơi lên đến 300.000 đồng/m3. Tính tới giữa tháng 4/2020 đã có 6 tỉnh Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau, Long An và Sóc Trăng công bố tình huống khẩn cấp về hạn, mặn.2

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ đầu tháng 4 đến tháng 5/2020, dòng chảy tại các trạm thượng nguồn sông Mê Kông ở mức tương đương trung bình nhiều năm. Xâm nhập mặn trên các sông Vàm Cỏ (Long An), Cái Lớn (Kiên Giang), vùng bán đảo Cà Mau khả năng sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến cuối tháng 4 đầu tháng 5/2020, sau giảm dần. Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài và việc tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập sẽ làm cho tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài hơn và trầm trọng hơn.3


Giải pháp ứng phó hạn mặn: đa dạng nhưng cần hiệu quả

Trước hết, phải đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn mặn nên các bộ, ban, ngành và người dân cả nước đang chủ động hỗ trợ bằng nhiều biện pháp: trang bị thiết bị lọc nước nhiễm mặn, mở rộng mạng lưới đường ống, nâng công suất nhà máy cấp nước, lắp đặt vòi nước công cộng, chuyên chở nước ngọt đến các xã, hộ gia đình…

Cùng lúc, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn với các địa phương đã đẩy nhanh tiến độ thi công những dự án thủy lợi, kịp thời tham gia kiểm soát mặn, ngọt ngay trong mùa khô này. Cống Âu Ninh Quới (Hệ thống thủy lợi Quản Lộ - Phụng Hiệp); trạm bơm Xuân Hòa (tỉnh Tiền Giang); các cống Tân Dinh, Bông Bót, Vũng Liêm (Hệ thống thủy lợi Nam Mang Thít); 18 cống kiểm soát mặn thuộc Dự án Bắc Bến Tre giai đoạn 1; công trình nạo vét kênh Mây Phốp – Ngã Hậu… đã chủ động trực tiếp và hỗ trợ kiểm soát xâm nhập mặn hàng chục ngàn hecta đất.  Trong thời gian tới, một số dự án đang được thực hiện sẽ tiếp tục bảo đảm chủ động kiểm soát xâm nhập mặn tốt hơn như: Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre, Cái Lớn – Cái Bé, Tứ giác Long Xuyên,…4
 
Về lâu dài, hạ tầng trang thiết bị dự báo, giám sát độ mặn và xâm nhập mặn cũng cần được đầu tư đúng mức để kịp thời thông tin, chủ động triển khai những biện pháp ứng phó phù hợp với từng giai đoạn, nhất là khi thời tiết diễn biến cực đoan.

Bà con nông dân cũng được hướng dẫn bảo vệ, khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng – vật nuôi, đặc biệt vùng không chủ động nguồn nước, thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sang phát triển nông nghiệp đa dạng (thủy sản – cây ăn quả – lúa), đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng.5

Ngoài ra, những đổi mới trong tìm kiếm thông tin dự báo, cảnh báo hạn mặn cũng góp phần giảm thiểu thiệt hại do loại hình thiên tai này gây ra; có thể kể tới công cụ hỗ trợ dự báo viên thu thập số liệu từ các nước vùng thượng nguồn sông Mê Kông (Lào, Thái Lan, Campuchia) và công cụ hỗ trợ trong dự báo xâm nhập mặn. Các bản tin đã được cải tiến theo hướng chi tiết, cụ thể hơn tới từng vị trí, bảng biểu, hình ảnh trực quan, miêu tả tác động của thiên tai khi xảy ra tại khu vực; và được truyền thông rộng rãi, kịp thời.6

Tất cả những giải pháp trên đều đòi hỏi đổi mới sáng tạo, trước hết từ chính “đất và người” vùng này. Đồng ruộng, vườn cây… đang khô nóng mà không có nước ngọt tưới nên “tự chế” máy lọc nước mặn thành nước ngọt được chú ý hàng đầu. Vấn đề đâu là quy trình, sản phẩm phù hợp cho Đồng bằng sông Cửu Long nơi dòng chảy mùa kiệt và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp do biến động dòng chảy từ thượng lưu, mực nước biển dâng cao và việc sử dụng nước trên lưu vực và ngay tại miền Tây ngày càng nhiều. 


Sáng chế trong lĩnh vực công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu

Hiện nay, trên thế giới đã có trên 110 triệu sáng chế được công bố trên tất cả các lĩnh vực. Để phục vụ cho mục đích tra cứu, phân tích, thống kê và nhiều mục đích khác, các sáng chế được phân loại theo các lĩnh vực công nghệ cụ thể. Hiện nay, nhiều quốc gia áp dụng hệ thống phân loại sáng chế quốc tế (IPC) do WIPO chủ trì, gồm 8 phần từ A đến H tương ứng với các lĩnh vực công nghệ cụ thể.

Bên cạnh hệ thống phân loại IPC, đi sâu vào các lĩnh vực chi tiết hơn, Cơ quan Sáng chế châu Âu (EPO) và Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) đã cùng phát triển hệ thống phân loại sáng chế hợp tác (CPC) có hiệu lực từ ngày 01/1/2013. 

Hệ thống CPC ngoài 8 phần từ A đến H thì có thêm phần Y liên quan đến các lĩnh vực công nghệ mới phát triển, trong đó có phân loại Y02 liên quan đến các công nghệ và thiết bị làm giảm nhẹ hoặc thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có nhóm Y02A 20/00 liên quan đến Bảo tồn nước; Cấp nước hiệu quả; Sử dụng nước hiệu quả.



Phân loại CPC liên quan đến công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu

 

Tra cứu viên sử dụng công cụ Orbit với phạm vi toàn cầu và không giới hạn thời gian công bố, tra cứu thông tin liên quan đến phân loại nêu trên, sơ bộ thấy rằng đã có hàng chục nghìn sáng chế trên thế giới liên quan đến công nghệ này.



Kết quả tra cứu cho phân loại CPC Y02A 20/00

 


Tương quan số lượng đơn sáng chế theo lĩnh vực công nghệ

 

Mức độ tăng trưởng số lượng đơn sáng chế từ 2006 đến nay

 

Xếp hạng 10 thị trường hàng đầu

 

Xếp hạng 10 chủ đơn hàng đầu

 

Phần lớn các sáng chế nêu trên đều không có hiệu lực ở Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta có thể tự do khai thác công nghệ này trên lãnh thổ Việt Nam mà không phải xin phép. Với nguồn tri thức phong phú của nhân loại, việc nghiên cứu áp dụng thành quả sáng tạo từ nước ngoài để áp dụng vào Việt Nam cũng là một cách đi tắt đón đầu trong công nghệ. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã giúp cho tri thức đi nhanh hơn, toàn vẹn hơn tới mọi miền đất nước. Khai thác tiềm năng thông tin sáng chế chính là một trong những công cụ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.



Màn hình tra cứu sáng chế của Cục Sở hữu trí tuệ (iplib.noip.gov.vn)

 

Nhu cầu đổi mới sáng tạo để miền Tây “không còn khát nước”

Chính quyền và người dân cùng phải “chuyển mình”, đổi mới sáng tạo không còn quá xa vời mà bắt nguồn ngay từ tình hình hiện tại. Chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng công nghệ có sẵn trên thế giới, đã qua thời hạn bảo hộ hoặc không bảo hộ tại Việt Nam, cải tiến cho phù hợp với điều kiện thực tế của Đồng bằng sông Cửu Long. 

Đổi mới sáng tạo ở đây còn có nghĩa là đổi mới cách nghĩ, cách làm, áp dụng kỹ thuật tiên tiến của thế giới vào trong nước. Bằng các cơ sở dữ liệu sáng chế được công bố công khai, chi tiết, tiếp cận dễ dàng và có hướng dẫn đầy đủ, người có trình độ trung bình trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể tiếp thu công nghệ tiên tiến của nước ngoài và áp dụng một cách phù hợp tại Việt Nam. 

Sự tham gia của các nhà khoa học trong quá trình nghiên cứu áp dụng phù hợp công nghệ đã biết sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình thực tế hóa công nghệ thu được từ khai thác thông tin sáng chế. Nhiều viện nghiên cứu, trường đại học đã chung tay cùng với doanh nghiệp, người dân sáng tạo ra những giải pháp có tính khả thi cao.

Đổi mới sáng tạo để bảo vệ “vựa lúa miền Tây” trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, trong bối cảnh an ninh lương thực toàn cầu bị đe dọa như hiện nay. Trong thời gian tới, chắc chắn sẽ xuất hiện tấm gương các “bác nông dân” trở thành nhà sáng kiến hoặc cao hơn là nhà sáng chế đổi mới kỹ thuật canh tác lúa và cây ăn trái trong điều kiện hạn, mặn nghiêm trọng; tấm gương những nhà nghiên cứu sáng tạo chế phẩm vi sinh thích hợp nhằm cải thiện chất lượng nước nuôi trồng thủy sản, làm giảm việc thay nước thường xuyên… Tất cả cùng chung tay ứng phó với quá trình biến đổi khí hậu, xây dựng môi trường xanh và đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh./.
 

-----------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

 1. https://tuoitre.vn/han-man-khoc-liet-o-mien-tay-5-tinh-cong-bo-tinh-huong-khan-cap-20200305080232766.htm
 2.  https://vnexpress.net/tinh-thu-6-cong-bo-tinh-huong-han-man-khan-cap-4086199.htmll
 3. http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-dia-phuong/Xam-nhap-man-o-cua-song-Cuu-Long-giam-dan/393296.vgp

 4. https://vnanet.vn/vi/anh/anh-thoi-su-trong-nuoc-1014/bo-nnptnt-day-nhanh-tien-do-cac-cong-trinh-thuy-loi-tham-gia-kiem-soat-han-man-vung-dong-bang-song-cuu-long-mua-kho-nam-2019-2020-4527931.html
 5. https://baotainguyenmoitruong.vn/nhung-giai-phap-mang-tinh-chien-luoc-ung-pho-han-man-o-dbscl-302635.html
 6. http://www.monre.gov.vn/Pages/du-bao-tot-se-gop-phan-giam-thieu-thiet-hai-do-han-han,-xam-nhap-man.aspx

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 1736

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)