Thứ năm, 05/12/2019 10:44 GMT+7

Nghiên cứu, xây dựng hệ thống các quy trình kiểm soát chất lượng trong ngành dệt may

Trong những năm qua, ngành công nghiệp Dệt may Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, kim ngạch xuất khẩu tăng liên tục. Giá trị xuất khẩu năm 2015 đạt hơn 27 tỉ đôla Mỹ, tăng hơn 10% so với năm 2014. Năm 2015 cũng đánh dấu sự tăng trưởng xuất khẩu tại hầu hết các thị trường truyền thống, cụ thể: thị trường Mỹ đạt 11,3 tỷ USD (tăng 13%), thị trường EU đạt 3,36 tỷ (tăng 6%), thị trường Nhật Bản 2,95 tỷ (tăng gần 8%). Mặc dù kim ngạch xuất khẩu cao, nhưng giá trị hiệu quả sản xuất của ngành dệt may lại không cao, giá trị gia tăng của sản phẩm dệt may Việt Nam thấp. Gần 70% nguyên phụ liệu cho sản xuất dệt may được nhập khẩu từ nước ngoài và hầu hết các doanh nghiệp dệt may vẫn đang thực hiện theo phương thức gia công xuất khẩu. Mặt khác, năng suất lao động khu vực sản xuất của Việt Nam cũng rất thấp, chỉ đạt chỉ số 2,4; trong khi các quốc gia sản xuất dệt may lớn khác như Trung Quốc, Indonesia đạt các chỉ số lần lượt là 6,9 và 5,2. Đây là điểm yếu lớn nhất không chỉ của dệt may mà còn của các ngành sản xuất thâm dụng lao động khác của nước ta.


 

Một trong những thách thức quan trọng của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam nói chung, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa là thiếu và không thường xuyên cập nhật được những thông tin về các yêu cầu của các nước nhập khẩu, các yêu cầu về chất lượng và tuân thủ an toàn của khách hàng; Nhiều doanh nghiệp còn thiếu các kỹ năng, cũng như thiếu các công cụ để kiểm soát chất lượng, quản lý chất lượng đáp ứng yêu cầu của khác hàng. Để đáp ứng được những yêu cầu của các nước nhập khẩu cũng như các nhà bán lẻ và nhãn hàng trên thế giới và yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, ngành Dệt may Việt Nam bắt buộc phải có những thay đổi, phát triển hợp lý. Không thể chỉ chú trọng vào gia công mà còn phải tăng tỷ lệ nội địa hóa cho các sản phẩm Dệt may, chủ động trong thiết kế, sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm. Vì vậy, các nhà nghiên cứu tại Viện Dệt may do TS. Nguyễn Văn Thông làm chủ nhiệm đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, xây dựng hệ thống các quy trình kiểm soát chất lượng trong ngành dệt may” trong thời gian từ năm 2016-2017.

Dưới đây là kết quả nghiên cứu của đề tài:

- Đánh giá thực trạng hệ thống quản lý kỹ thuật, kiểm soát chất lương̣ trong các nhà máy sản xuất dệt may

- Nghiên cứu các hình thức, công cụ quản lý chất lượng, kiểm soát chất lượng;

- Xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng trong nhà máy sợi;

- Xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng trong nhà máy dệt;

- Xây dựnghệ thống kiểm soát chất lượng trong nhà máy nhuộm;

- Xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng trong nhà máy may.

- Xây dựng hệ thống các quy trình kiểm tra lô hàng sản phẩm may;

- Tổng hợp các dạng lỗi thường gặp trên sản phẩm sợi, vải dệt, vải nhuộm màu và sản phẩm may. Với mỗi dạng lỗi, có sự phân tích tóm tắt các nguyên nhân gây lỗi, cách khắc phục các lỗi.

- Đã triển khai ứng dụng các quy trình kiểm soát chất lượng tại các nhà máy kéo sợi (sợi Phú Hưng); dệt nhuộm (dệt lụa Nam Định) và nhà máy may

Đây là một đề tài có tính cập nhật với thực tế sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may. Kết quả của đề tài có thể sử dụng làm tài liệu hướng dẫn quản lý chất lượng có giá trị cho các doanh nghiệp sản xuất nhằm đảm bảo kiểm soát tốt quá trình sản xuất, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao và ổn định. Các quy trình có thể áp dụng trong thực tế sản xuất, xây dựng và tổ chức các quy trình kiểm tra, kiểm soát chất lượng phù hợp, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm các chi phí rủi ro do sai hỏng, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.


*Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 14833/2017) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 3280

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)