Thứ ba, 22/10/2019 15:57 GMT+7

Nghiên cứu phát triển cây Hoàng liên ô rô, dưới tán rừng ở Tây Nguyên, Tây Bắc và Đông Bắc

Ở nước ta, đã có nhiều loài cây cung cấp nguyên liệu cho sản xuất dược liệu đã và đang được nghiên cứu một cách toàn diện từ phân bố tự nhiên, đặc điểm sinh vật học, sinh thái học đến kỹ thuật gây trồng và chế biến sản phẩm. Các loài cây này đang có đóng góp thu nhập đáng kể cho người dân địa phuơng và cho ngành sản xuất lâm nghiệp. Bên cạnh nhiều loài cây gỗ đa tác dụng trong đó có giá trị dược liệu như Đại hồi, Táo mèo, có thể kể ra các loài cây dưới tán rừng như Thảo quả, San nhân, Ba kích tím, Lan kim tuyến,… Các hoạt động này đã góp phần quan trọng cho bảo tồn và phát triển các loài cây dược liệu quý, cải thiện sinh kế của người dân vùng núi sống phụ thuộc vào rừng. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều loài cây có giá trị dược liệu trong đó có loài Hoàng liên ô rô. Mặc dù được coi là quý, có giá trị cao về dược liệu, nhưng lại chưa được quan tâm nghiên cứu để bảo tồn và phát triển.


Theo thông tin có được cho đến nay, Hoàng liên ô rô chỉ phân bổ ở vùng núi cao, người dân địa phương ở những vùng này ít nhiều đã có kinh nghiệm trong việc khai thác và sử dụng một số bộ phần của loài cây này để chữa bệnh và bán ở chợ quê… Như vậy, việc khai thác nguồn gen loài cây này vẫn mang tính tự phát, việc bảo vệ và phát triển loài cây này chưa được chú trọng.

Vì vậy, đề tài này được triển khai góp phần to lớn cả về mặt khoa học cũng như thực tiễn trong việc lựa chọn được những giống cây Hoàng liên ô rô tốt nhất (có sinh trưởng và hàm lượng berberin cao); xây dựng được các kỹ thuật nhân giống và trồng dưới tán rừng (từ xử lý hạt giống, hom giống, tạo cây non, trồng, chăm sóc cho đến thu hoạch và khai thác các bộ phận của cây) nhằm phát triển loài cây này ở những khu vực phù hợp. Ngoài ra, kết quả của đề tài cũng bổ sung những thông tin về đặc điểm lâm học của loài HLOR.

Xuất phát từ thực tiễn trồng rừng cây bản địa cung cấp lâm sản ngoài gỗ, đề tài tới hướng tới nghiên cứu về kỹ thuật chọn giống, kỹ thuật tạo cây con và trồng dưới tán rừng bằng loài cây này nhằm quản lý tài nguyên rừng và phát triển sinh kế bền vững cho một số địa phương nơi có loài cây này phân bố tự nhiên. Cơ quan chủ trì Trường Đại học Lâm nghiệp đã phối hợp với Chủ nhiệm đề tài PGS.TS. Bùi Thế Đồi để thực hiện đề tài “Nghiên cứu phát triển cây Hồng liên ô rô, dưới tán rừng ở Tây Nguyên, Tây Bắc và Đông Bắc”.

Qua quá trình nghiên cứu, đề tài đã thực hiện đầy đủ các nội dung theo thuyết minh của đề tài, từ đó có thể đi đến một số kết luận chính sau:


Về giá trị sử dụng và của loài Hoàng liên ô rô

- Giá trị sử dụng: Hoàng liên ô rô thuộc chi Mahonia, họ Berberidaceae có phân bố tự nhiên ở một số nước ở Châu Á như Nepal Ấn Độ, Trung Quốc, Bhutan… Hoàng liên ô rô (HLOR) và các loài thuộc chi Mahonia được sử dụng trồng làm cảnh ở nhiều quốc gia (Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ,…) vì có hoa màu vàng mọc thành chùm ở đầu cành rất đẹp. HLOR được dùng làm thuốc chữa một số bệnh như đau bụng, đi ngoài, tả… ở các khu vực châu Á như Trung Quốc, Nepal, Ấn Độ, Myanmar, Bangladesh và đặc biệt ở Việt Nam… được dùng để sản xuất thuốc berberin. Ngoài ra, ở một số nơi, quả của cây HLOR còn được dùng để sản xuất thức ăn, rượu vang (làm bơ - Oregon grape butter ở Hoa Kỳ).

- Thông tin về kỹ thuật gây trồng cây HLOR là rất ít. Chỉ có thông tin về kỹ thuật nhân giống bằng hom và trồng làm cảnh một số loài cây thuộc chi Mahonia ở Trung Quốc (ví dụ loài Mahonia balei; Mahania spp) và ở Bắc Mỹ (loài Mahonia equifolium; Mahonia fortune…).


Đặc điểm hình thái - vật hậu

Ở Việt Nam, HLOR là loài cây bụi hoặc gỗ nhỏ, cao 2-5m; đường kính thân cây 2-7cm; vỏ thân màu xám, nứt dọc rõ, thân khi cắt ngang có màu vàng tươi, nếm có vị chát, đắng. Lá kép long chim một lần lẻ, có từ 5-12 đôi lá chét mọc đối; Chùy hoa ở ngọn; hoa màu vàng nhạt; quả thịt màu xanh lơ; hình cầu, cỡ 0,6cm, chứa 3-5 hạt. Quả chín có màu xám đen. Cây xanh quanh năm, không rụng lá. Một năm ra hai lần chồi vào cuối mùa thu và đầu mùa xuân. Mùa ra hoa từ giữa tháng 11 đến cuối tháng 12; quả chín 2-3 năm sau, có thể kéo dài sang tháng 4 (ở Lâm Đồng)


Đặc điểm phân bố và sinh thái

- Ở Việt Nam, HLOR phân bố tự nhiên ở những khu vực có điều kiện khí hậu mát mẻ và hoặc có mùa đông lạnh; nhiệt độ trung bình năm từ 17-22 độ C. Có thể tìm thấy phân bố tự nhiên ở Lâm Đồng (Lang Biang), Hà Giang (Đồng Văn), Lào Cai (Hoàng Liên Sơn), Sơn La (Thuận Châu) và Lai Châu (Sìn Hồ). Phát triển tốt trên đất núi đá (vùng Đông Bắc và Tây Bắc) và đất mùn trên núi cao (alisols ở Tây Nguyên), nơi có độ cao trên từ 1200-1600 ở vùng núi phía Bắc và từ 1700-2100m ở vùng Tây Nguyên.

- Trong cấu trúc rừng tự nhiên, HLOR tham gia ở tầng cây bụi và ít có ý nghĩa sinh thái trong việc tạo lập hoàn cảnh rừng. HLOR tái sinh tự nhiên kém, sinh trưởng rất chậm (bằng hạt và chồi).

- Ở Việt Nam: Đã có một số nghiên cứu về phân bố, thử nghiệm trồng từ cây con đào từ rừng tự nhiên, thử nghiệm gieo ươm ở vườn ươm ở Lào Cai, Lâm Đồng, nhưng chỉ là những thử nghiệm ban đầu.


Hàm lượng berberin trong cây HLOR

Hàm lượng berberin trong thân cao hơn nhiều so với lá cây. Hàm lượng berberin trong thân đạt cao nhất là 1,67% với xuất xứ Lâm Đồng, tiếp đến là xuất xứ Sơn La và Hà Giang. Trong khi trong lá cây, cao nhất chỉ đạt 0,53%.


Chọn lọc cây trội và khảo nghiệm xuất xứ

- Đã chọn được 36 cây trội HLOR ở 3 vùng sinh thái để cung cấp hạt giống cho nhân giống hữu tính, trong đó đã có 32 cây được lấy hạt phục vụ gieo ươm và tạo cây con trong quá trình làm đề tài. Những cây trội được chọn đều có chỉ tiêu sinh trưởng và chất lượng cây tốt, cây có thân thẳng, tán đều, ra hoa/quả nhiều, không sâu bệnh và có hàm lượng berberin cao hơn trung bình từ 5-10%.

- Đã xây dựng mô hình trồng khảo nghiệm 05 xuất xứ (Lâm Đồng - LĐ, Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu) tại ba địa điểm của ba vùng: Đà Lạt - Lâm Đồng (vùng Tây Nguyên), Đồng Văn - Hà Giang (vùng Đông Bắc) và Thuận Châu - Sơn La (vùng Tây Bắc). Sau 36 tháng theo dõi và đánh giá, bắt đầu có sự khác biệt về sinh trưởng đường kính gốc, chiều cao, số lượng lá và hàm lượng berberin trong thân cây giữa các xuất xứ. Tỷ lệ sống trong các mô hình khảo nghiệm của 5 xuất xứ tại ba địa điểm từ 53,7% - 83,3% tùy theo từng xuất xứ và ở từng nơi khảo nghiệm. Tỷ lệ sống như vậy là không quá cao nhưng bước đầu khẳng định tiềm năng phát triển của một số xuất xứ /dòng HLOR ở mỗi vùng.

- Đề tài đã chọn được 3 xuất xứ/ dòng HLOR tốt nhất cho cả ba vùng gồm: xuất xứ Lâm Đồng, xuất xứ Hà Giang và xuất xứ Sơn La. Đây là các xuất xứ HLOR có triển vọng nhất cho trồng rừng ở cả ba vùng nghiên cứu (cho kết quả về các chỉ tiêu sinh trưởng (đường kính gốc, chiều cao và số lượng lá) và hàm lượng berbein luôn khá cao ở cả ba khu vực nghiên cứu. Tuy vậy, xuất xứ Sơn La chỉ nên chọn cho việc trồng rừng bằng loại cây này ở khu vực Tây Bắc và khu vực Tây Bắc sẽ có nhiều khó khăn về nguồn giống nếu phải đưa từ Hà Giang hoặc Lâm Đồng tới.


Biện pháp kỹ thuật nhân giống HLOR

- 1kg quả tươi HLOR có gần 9000 quả; và 1 kg hạt khô có gần 200.000 hạt. Hạt HLOR có tỷ lệ nảy mầm từ 74-84% sau 14 ngày gieo sau khi thu hái và qua xử lý bằng cách: Ngâm hạt trong nước ấm 45 độ C trong 12 giờ, sau đó vớt hạt ra, để khô nước và gieo hạt ngay.

- Cây con ở vườn ươm sau 12 tháng phù hợp với thành phần ruột bầu gồm: 89% đất + 10% phân chuồng hoai + 1% NPK 16:16:8 (CT2) và che sáng 50%. Cây con 9 tháng tuổi, có chiều cao 12-20cm, không cụt ngọn, không sâu bệnh đủ tiêu chuẩn đem trồng dưới tán.

- Có thể nhân giống HLOR bằng hom, tuy nhiên số lượng hom ra rễ cao nhất chỉ đạt 60% với loại hom chồi ngọn bánh tẻ lấy từ cây mẹ dưới 3 tuổi; loại thuốc kích thích NAA nồng độ 1% và IAA 1% ở dạng bột cho kết quả gâm hom tốt nhất.


Biện pháp kỹ thuật trồng HLOR dưới tán rừng

- HLOR được trồng dưới tán rừng ở những nơi có độ tàn che 0,3-0,5, tốt nhất là độ tàn che 0,5 tùy theo điều kiện của từng địa phương, không nên trồng ở nơi trống trải và những nơi có nhiệt độ trung bình năm >22 độ C và có mùa hè nóng.

- Bón lót 150g/hố (phân NPK 16:16:8) cho HLOR trước khi trồng đem lại hiệu quả sinh trưởng của HLOR

- Đã xây dựng được kỹ thuật nhân giống và trồng cây HLOR dưới tán rừng cho cả ba khu vực nghiên cứu làm cơ sở cho việc phát triển loài cây này ở cả ba vùng: Tây Nguyên, Tây Bắc, và Đông Bắc. Theo đó, HLOR được trồng dưới tán rừng, đất còn tính chất đất rừng; cây bụi thảm tươi chậm phát triển. Biện pháp làm cỏ sạch, xới đất, phát dây leo cục bộ và chú ý chăm sóc cây con ít nhất trong 3 năm đầu sau trồng.
 

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 13948/2017) tại Cục Thông tin KHCNQG.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 3017

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)