Thứ ba, 15/10/2019 17:03 GMT+7

Hội nghị quốc tế về năng lượng đối xứng hạt nhân 2019 (NuSYM 2019)

Từ ngày 30/9-04/10/2019, tại Đà Nẵng, Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (INST) đã tổ chức Hội nghị quốc tế về năng lượng đối xứng hạt nhân 2019 (NuSYM2019). NuSYM lần đầu tiên được tổ chức tại RIKEN (Nhật Bản) năm 2010, tại đó các nhà nghiên cứu vật lý hạt nhân trên thế giới tập hợp lại trình bày, thảo luận về tính chất của chất hạt nhân, phương trình trạng thái của chất hạt nhân trong các môi trường đối xứng (số proton và số neutron bằng nhau) và phi đối xứng cho đến môi trường chất hạt nhân trên các sao neutron. Các lần tổ chức sau đó tại Massachuset, Michigan, Liverpool…và lần thứ 8 tại Bussan (Hàn Quốc) đã thu hút được nhiều sự chú ý và tham dự của cộng đồng vật lý hạt nhân trên thế giới. Hội nghị lần thứ 9 này đã thu hút được 67 đại biểu quốc tế đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng với 13 đại biểu của Việt Nam tham dự.

Trong 5 ngày diễn ra Hội nghị, đã có 66 báo cáo được trình bày bao gồm các mô hình tính toán lý thuyết và các kết quả thực nghiệm đã được tiến hành để nghiên cứu năng lượng đối xứng hạt nhân. Tại Hội nghị lần này, nhiều mô hình lý thuyết đã được trình bày từ các tính toán lý thuyết trường trung bình nhiều hạt fermion cho đến các tính toán của lý thuyết trường hiệu, các nghiên cứu có tính đến sự ảnh hưởng của các hạt hyperon lên phương trình trạng thái hay những tham số tương tác mới được đề xuất để mô tả các đặc tính của chất hạt nhân. Bên cạnh các mô hình lý thuyết, nhiều kết quả đo đạc thực nghiệm để nghiên cứu năng lượng đối xứng hạt nhân từ các phòng thí nghiệm lớn cũng đã được trình bày trong hội nghị. Đặc biệt tại hội nghị lần này các nhà khoa học đến từ các phòng thí nghiệm lớn trên thế giới đã trình bày về các kế hoạch, dự án thực nghiệm lớn sẽ được thực hiện trong tương lai nhằm nâng cao sự hiểu biết về chất hạt  nhân.
 

GS. Wolfgang Traumann (GSI Darmstadt, Đức) tổng kết các bài trình bày về thí nghiệm nghiên cứu năng lượng đối xứng hạt nhân tại hội nghị NuSYM2019.
 

Việt Nam có 13 đại biểu tham dự Hội nghị NuSYM2019 với 6 bài trình bày miệng, một số báo cáo đã thu hút được sự quan tâm của các cộng động như: TS. Ngô Hải Tân (Đại Học Phenikaa), NCS Vi Hồ Phong (Đại học KHTN-Đại học quốc gia Hà Nội) và NCS Nguyễn Trí Toàn Phúc (Đại học KHTN-Đại học quốc gia HCM). Đặc biệt bày trình bày của NCS Vi Hồ Phong đã nhận được giải thưởng cho các báo viên trẻ có bài trình bày tốt nhất tại NuSYM2019 cùng với tiến sĩ Sebastien Guillot (IRAP-CNRS, Pháp).

Trong phiên bế mạc Hội nghị, GS. Gianluca Colo đến từ Đại học tổng hợp Milan đã tổng kết lại những mô hình, cách tiếp cận và những tính toán mới của lý thuyết hạt nhân nghiên cứu năng lượng đối xứng hạt nhân đã được trình bày trong hội nghị lần này. Về mặt thực nghiệm, GS. Wolfgang Traumann đến từ Trung tâm Nghiên cứu ion nặng Darmstadt (GSI Darmstadt – Cộng hòa liên bang Đức) cũng đã có bài tổng kết những thành tựu của vật lý hạt nhân thực nghiệm đạt được trong lĩnh vực nghiên cứu năng lượng đối xứng hạt nhân và những thiết bị mới sẽ được xây dựng trong thời gian tới.

Kết thúc Hội nghị là phần trao giải của Hiệp hội Hạt nhân Châu Á (ALPhA),GS. Hirokazu Tamura đến từ Đại học Tohoku, Nhật Bản đã trao giải thưởng bài trình bày tốt nhất cho 02báo cáo viên trẻ làTS. Sebastien Guillot (IRAP-CNRS, Pháp) và NCS Vi Hồ Phong (VNU, Hà Nội).
 

Trao giải thưởng ANPhA cho 2 nhà vật lý trẻ tuổi có thuyết trình haynhất tại NuSYM2019. Từ trái sang GS. Đào Tiến Khoa (INST), Sebastien Guillot (IRAP-CNRS, Pháp), Vi Hồ Phong (VNU, Hà Nội), GS. Hirokazu Tamura (Tohoku University, Nhật Bản) và GS. Byungsik Hong (Korea University, Hàn Quốc).
 

NuSYM2019 được tổ chức dựa trên phần lớn nguồn kinh phí từ hội nghị phí, một phần kinh phí được tài trợ bởi Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Vinatom), Viện Nghiên cứu hạt nhân (NRI), Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (INST) và Hiệp hội Vật lý hạt nhân Châu Á (ANPhA).
 

Các thành viên trong ban tổ chức hội nghị NuSYM2019 của viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân.

 

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Lượt xem: 2023

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)