Thứ sáu, 16/08/2019 00:51 GMT+7

Lễ khai trương Dự án Asi@Connect tại Việt Nam

Ngày 15/8/2019, Hà Nội, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia và Trung tâm Hợp tác Mạng thông tin Á - Âu đã tổ chức Lễ khai trương dự án Asi@Connect tại Việt Nam, nhằm nâng cao nhận thức và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng nghiên cứu và đào tạo Việt Nam đối với dự án Mạng Thông tin Á - Âu Asi@Connect.

Tham dự sự kiện có Tiến sĩ Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia; ông Yong Hwan Chung, Chủ tịch Trung tâm Hợp tác Mạng Thông tin Á - Âu TEIN*CC; bà Axelle Nicaise, Phó Đại sứ Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cùng hơn 100 đại biểu trong và ngoài nước là đại diện các đại sứ quán quốc gia thành viên Asi@Connect tại Việt Nam; đại diện các mạng nghiên cứu và đào tạo Hàn Quốc, Singapore, Úc; đại diện các Bộ/ngành liên quan, các Sở KH&CN; các viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm thông tin KH&CN, bệnh viện; các nhà quản lý, nhà khoa học, giảng viên, chuyên gia mạng và kỹ sư công nghệ thông tin.
 


Chính thức khai trương dự án Asi@Connect tại Việt Nam

 

Dự án Asi@Connect cung cấp Mạng Thông tin Á - Âu TEIN có lưu lượng băng thông lớn, chất lượng cao, phi thương mại và chuyên dụng cho các hoạt động hợp tác nghiên cứu và đào tạo tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đồng thời hỗ trợ cổng kết nối tới các mạng nghiên cứu và đào tạo tại châu Âu và các khu vực khác trên thế giới.

Tại Việt Nam, Cục Thông tin KH&CN quốc gia là đơn vị được giao làm đầu mối quốc gia và chủ trì triển khai kết nối Mạng Thông tin Á - Âu từ năm 2008 đến nay. Việc tham gia vào dự án đã đưa đến việc hình thành và phát triển Mạng Nghiên cứu và Đào tạo Việt Nam, góp phần thúc đẩy các hoạt động hợp tác và hội nhập trong nước, khu vực và quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo.

Từ năm 2016, Cục Thông tin KH&CN quốc gia đã phối hợp với Trung tâm hợp tác Mạng Thông tin Á - Âu TEIN*CC và các bên liên quan để triển khai các hoạt động chuẩn bị cho việc tham gia dự án Asi@Connect của Việt Nam như nâng cấp lưu lượng băng thông đường truyền kết nối TEIN lên 1 Gbps nhằm tạo tiền đề hỗ trợ các cộng đồng nghiên cứu và đào tạo Việt Nam tiếp cận và tham gia vào các dự án nghiên cứu có quy mô khu vực và toàn cầu trong các lĩnh vực như Internet tương lai, khí tượng, tính toán lưới, y học từ xa,…

Phát biểu tại Lễ khai trương dự án Asi@Connect tại Việt Nam, Tiến sĩ Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia khẳng định: “Lễ khai trương dự án Asi@Connect tại Việt Nam đánh dấu sự khởi đầu của một chương mới trong hoạt động hợp tác nghiên cứu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương”. “Với việc dự án được xây dựng dựa trên các thành quả tích cực từ các giai đoạn trước, Asi@Connect sẽ góp phần thúc đẩy kết nối số giữa các quốc gia trong và ngoài khu vực ở tốc độ nhanh hơn; triển khai các dịch vụ mạng tiên tiến và đóng góp vào việc đạt các mục tiêu phát triển bền vững do Liên Hợp quốc đề ra thông qua đường truy cập tới các nguồn lực đào tạo và nghiên cứu được cải thiện tốt hơn, giúp cho khoảng cách số trong khu vực ngày càng được thu hẹp lại”.



Tiến sĩ Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia, phát biểu tại Lễ khai trương dự án Asi@Connect

 

Cũng tại sự kiện, bà Axelle Nicaise, Phó Đại sứ, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, đã có những chia sẻ về vai trò quan trọng của Asi@Connect: “Liên minh châu Âu từ lâu đã nhận thức rõ tiềm năng và lợi ích của việc thúc đẩy kết nối “người với người”. Trong đó, Asi@Connect là một điển hình tiêu biểu của hội nhập khu vực với việc các cộng đồng nghiên cứu và đào tạo tại 23 quốc gia/nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể đa kết nối với nhau thông qua đường mạng TEIN có lưu lượng băng thông và chất lượng cao. Asi@Connect sẽ là một động lực quan trọng để phát triển một môi trường CNTT&TT đậm tính hòa bình, an toàn, mở và hợp tác giữa hai khu vực Á - Âu cũng như góp phần đem lại nhiều lợi ích cho xã hội nói chung”.

Đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cũng chia sẻ thêm: “Hiện nay có rất nhiều dự án, chương trình nghiên cứu ở quy mô toàn cầu có thể hưởng lợi từ những liên kết mạng có dung lượng băng thông lớn mà chúng ta đang tạo ra, đơn cử như chia sẻ dữ liệu và hợp tác trong các lĩnh vực thiên văn học, khí tượng học, theo dõi biến đổi khí hậu hoặc cảnh báo sớm các thảm họa thiên nhiên”.



Bà Axelle Nicaise, Phó Đại sứ Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, phát biểu tại buổi lễ

 

Chia sẻ tại Lễ khai trương dự án, PGS.TS. Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, cách đây 2 năm, bà có dịp được sang Hàn Quốc tham dự khóa học về chẩn đoán, vai trò của y học hạt nhân trong bệnh ung thư. Tại đây, bà có cơ hội gặp Chủ tịch hội y học hạt nhân và y sinh học thế giới và được giới thiệu về dự án TEIN cũng như dự án Asi@Connect. Dự án Asi@Connect có ở khu vực châu Âu, châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có sự tham gia của Việt Nam và ở Việt Nam có những địa chỉ để tìm kiếm và kết nối. Hàn Quốc ứng dụng dự án này rất tốt thông qua các buổi giảng dạy trực tuyến, nhờ trang thiết bị tốt, đường truyền rất mạnh, nhanh của dự án, hội chẩn cũng như chương trình giảng dạy đã áp dụng Telemedicine vào ứng dụng khá tốt. Việc áp dụng CNTT trong giảng dạy cũng như trong y tế đem lại hiệu quả cao. Với sự hỗ trợ này, hy vọng lĩnh vực y tế có thể tham gia được các chương trình này, đồng thời, kết nối nhiều bệnh viện để hội chẩn, giảng dạy. PGS.TS. Phạm Cẩm Phương hy vọng có thể kết nối các cơ sở y học hạt nhân ở các đia điểm khác nhau trong 3 miền: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đa khoa TW Thái Nguyên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, Bệnh viện Chợ Rẫy, Đại học Y dược thành phố HCM, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An. Mong muốn trong thời gian tới, dự án Asi@Connect được nhân rộng để lĩnh vực y tế được hỗ trợ về đường truyền, từ đó,có thể kết nối với các mạng thông tin Á - Âu, giúp bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, kỹ sư, kỹ thuật viên có thể học hỏi được kinh nghiệm của các đồng nghiệp trên thế giới.

Giám đốc Trung tâm Thông tin KH&CN Đà Nẵng Trần Đình Tuấn cũng bày tỏ sự quan tâm đến dự án này, đặc biệt là khả năng kết nối với các mạng đào tạo khác, như Sing, mạng KREONET của Hàn Quốc, AARnet của Úc. Đây là mạng lớn, hữu ích, phục vụ tốt cho các nhà nghiên cứu khoa học. Trung ương cần có những công cụ để các tổ chức nghiên cứu tại địa phương có thể kết nối mạng cũng như khai thác tài nguyên này. Các hợp phần của dự án đem lại lợi ích lớn, trong đó có những hoạt động hỗ trợ cho các nước đang phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng cho cơ sở dữ liệu về KH&CN, tạo nguồn lực KH&CN, kết nối các tổ chức nghiên cứu với nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà nghiên cứu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm.

Trong khuôn khổ Lễ Khai trương, nhiều hoạt động khác cũng đã được tổ chức như trưng bày giới thiệu poster về các dự án hợp tác điển hình trong Asi@Connect, hội thảo về kinh nghiệm phát triển các mạng nghiên cứu và đào tạo quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương và hội thảo về Eduroam.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN - Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 3054

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)