Thứ năm, 09/05/2019 15:40 GMT+7

Chiến lược sở hữu trí tuệ phải được lồng ghép vào Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội và Chiến lược phát triển KH&CN của quốc gia

Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia phải gắn kết và là một bộ phận quan trọng trong Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia. Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia phải có cách tiếp cận, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình triển khai phù hợp và không tách rời với lộ trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).

Ngày 9/5/2019, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) tổ chức buổi “Tọa đàm Vai trò của sở hữu trí tuệ với phát triển kinh tế - xã hội”.
 


Toàn cảnh Tọa đàm

Tham dự Tọa đàm có ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN); ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Andrew Ong, Phụ trách Văn phòng khu vực châu Á Thái Bình Dương - Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO); ông Ian Heath và ông Scot Morris, chuyên gia tư vấn xây dựng của WIPO; các chuyên gia tư vấn xây dựng chiến lược sở hữu trí tuệ của WIPO; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, có liên quan và một số đơn vị liên quan tại Bộ KH&CN.        

Gắn sở hữu trí tuệ vào chính sách phát triển KT-XH, KH&CN

Tọa đàm nhằm thảo luận về vai trò của sở hữu trí tuệ và cách thức gắn kết nội dung sở hữu trí tuệ vào các chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xác định vai trò quan trọng của các Bộ, ngành trong việc lồng ghép và triển khai các vấn đề sở hữu trí tuệ trong chính sách phát triển của ngành, lĩnh vực, đồng thời tiếp thu các khuyến nghị của chuyên gia đối với dự thảo Chiến lược Sở hữu trí tuệ của Việt Nam.
 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh phát biểu Tọa đàm

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, mặc dù hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng với một nền tảng pháp luật về sở hữu trí tuệ về cơ bản phù hợp với chuẩn mực quốc tế đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội nhanh chóng của Việt Nam trong thời gian qua nhưng đóng góp của sở hữu trí tuệ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước còn có hạn chế nhất định. Hệ thống sở hữu trí tuệ chưa tiếp cận được với cách thức mới là một cấu phần quan trọng trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế này, trong đó nguyên nhân nổi bật là chưa gắn kết được một cách chặt chẽ vấn đề sở hữu trí tuệ trong các chính sách, hoạt động của các ngành, lĩnh vực KT-XH. Kinh nghiệm của một số quốc gia cho thấy nội dung sở hữu trí tuệ luôn là một bộ phận không thể thiếu trong chính sách phát triển các ngành KT-XH, từ công nghiệp, nông nghiệp, văn hóa đến y tế, giáo dục, môi trường, v.v..

Để khắc phục được hạn chế nêu trên và đặc biệt từ yêu cầu phát triển KT-XH trong điều kiện mới đặt ra yêu cầu phải xây dựng Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia nhằm xây dựng các quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để bảo đảm sở hữu trí tuệ thực sự trở thành công cụ đóng góp vào các mục tiêu phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương và cả quốc gia.

Cần có chính sách hỗ trợ, tạo ra nhu cầu tự thân của doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực tiếp thu, ứng dụng và đổi mới công nghệ, cao hơn là khả năng nghiên cứu để phát triển các sản phẩm phù hợp với  yêu cầu của thị trường. Nhà nước cũng có vai trò quan trọng trong việc tạo lập và phát triển các định chế trung gian, các chính sách kinh tế, thị trường cùng với đó là các thiết chế tài chính Quỹ KH&CN của doanh nghiệp, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, các quỹ đầu tư mạo hiểm có vai trò thúc đẩy mạnh mẽ…

“Muốn làm được như vậy, phải có sự tham gia, chung tay của các chủ thể trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Trong đó các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương có vai trò quan trọng trong khi  hoạch định các chính sách phát triển KT-XH phải đựa trên khoa học công nghệ và phải có mục tiêu hỗ trợ, tạo mối liên kết nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong các viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp”, Bộ trưởng khẳng định.

Thông qua buổi tọa đàm, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đề nghị các chuyên gia chia sẻ và làm sâu sắc hơn một số vấn đề:  Làm thế nào để Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia là một phần cấu thành quan trọng của hệ thống Đổi mới sáng tạo quốc gia? Giải pháp để đẩy mạnh sở hữu trí tuệ trong xác lập và bảo hộ thực thi quyền tạo được sự khuyến khích và thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động Đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ? Giải pháp tạo thuận lợi và thúc đẩy việc ứng dụng và thương mại hóa tài sản trí tuệ?  Để chiến lược sở hữu trí tuệ gắn chặt trong chiến lược và chính sách KT-XH của các ngành, lĩnh vực thì những vấn đề gì cần đặt ra? Những vấn đề đặt ra trong xu hướng phát triển hiện nay để thúc đẩy hiệu quả hệ thống sở hữu trí tuệ?

Đồng quan điểm với phần phát biểu của Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, theo ông Andrew Ong, những vấn đề mà Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đặt ra rất quan trọng để thảo luận và làm sâu sắc thêm các vấn đề trong xây dựng Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia, đây cũng là cơ hội để các đơn vị liên quan tìm hiểu.

“Tôi ấn tượng về quyết tâm của Việt Nam, hành động của Việt Nam, với nỗ lực toàn diện thì tương lai đã được nhìn trước. WIPO muốn được đồng hành, tham gia với Việt Nam trong chặng đường này”, ông Andrew Ong bày tỏ.
 


Ông Andrew Ong, Phụ trách Văn phòng khu vực châu Á Thái Bình Dương – Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO)

Trong phần báo cáo của mình, ông Andrew Ong cho rằng, Việt Nam đã có sự tiến bộ rõ rệt, đặc biệt là những tiến bộ trong đổi mới sáng tạo, minh chứng là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam đang đi cao hơn so với các nước trung bình, đây là điểm xuất phát tốt cho Việt Nam. Báo cáo về chỉ số đổi mới sáng tạo năm qua  cũng cho thấy, Việt Nam đứng thứ 45/127 quốc gia và nền kinh tế về lĩnh vực đổi mới sáng tạo, đây cũng là cơ hội tốt, là điểm hướng tới gia tăng thứ bậc cho Việt Nam trong năm nay.

Bên cạnh những mặt đạt được, ông Andrew Ong cũng lưu ý đến việc Việt Nam cần phải cải thiện vấn đề về thể chế, nhân lực, cơ sở hạ tầng đồng bộ. Tăng trưởng bền vững cần liên kết tất cả các nguồn lực, đặc biệt là thúc đẩy sự sáng tạo năng động trong khu vực tư nhân. Chú trọng hơn nữa đến các viện/trường để có những nghiên cứu và công nghệ phù hợp hơn, gia tăng số lượng đơn đăng ký của người Việt Nam so với nước ngoài.

 “Chiến lược phát triển KT-XH và Chiến lược phát triển KH&CN cần kết nối với Chiến lược sở hữu trí tuệ. Sử dụng và tận dụng triệt để sở hữu trí tuệ, đó là cách các quốc gia phát triển đang áp dụng. SHTT không phục vụ cho Nhà nước, thể chế mà cho doanh nghiệp, nếu không có doanh nghiệp thì SHTT không tồn tại”, ông Andrew Ong bày tỏ.

Ông Ian Heath, chuyên gia tư vấn xây dựng của WIPO cũng cho rằng, thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam cần dựa trên 3 trụ cột: Tài chính, R&D, đào tạo. Để thế kiềng 3 chân vững chắc cần có vai trò của Chính phủ nhằm cải thiện Chiến lược sở hữu trí tuệ Việt Nam trong điều phối liên ngành tạo một mảnh ghép hoàn chỉnh.

Ông Ian Heath cũng gợi ý 4 vấn đề trong Chiến lược để biến thành công cụ phát triển KT-XH: cần xây dựng cơ chế tham vấn mạnh mẽ giữa các bên liên quan; Phải đảm bảo hệ thống luật pháp ổn định, thường xuyên rà soát cập nhật; Có Chương trình hỗ trợ khối tư nhân, bởi không thể có thể thống sở hữu trí tuệ tốt khi không có sự tham gia của khối này; cần xây dựng kế hoạch và thực thi kế hoạch một cách chi tiết; Cuối cùng khâu quan trọng nhất là điều phối giữa các bên liên quan, đặc biệt trong bối cảnh cụ thể của Việt Nam để đảm bảo tốt thực hiện Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia.

Kết nối chủ thể sáng tạo, doanh nghiệp với đội ngũ trung gian

Liên quan đến câu hỏi, làm thế nào để kết nối chủ thể sáng tạo và doanh nghiêp, ông Ian Heath, chuyên gia tư vấn xây dựng của WIPO nhấn mạnh, điểm mấu chốt là Việt Nam cần xây dựng được một đội ngũ các nhà nghiên cứu mạnh và đội ngũ trung gian kết nối, bởi mỗi chủ thể có tư duy và cách làm riêng, cũng giống như thị trường bất động sản, có cung ắt có cầu.

Ông Scot Morris, chuyên gia tư vấn xây dựng của WIPO lại cho rằng, sẽ có thách thức khi kết nối chủ thể sáng tạo và doanh nghiệp, nhưng một trong cách thức quan trọng có thể làm được là thông qua Chiến lược để xem lại các điều khoản thực thi, cần có phần thưởng khuyến khích thi thực thi tốt.

Lấy ví dụ về kinh nghiệm thành công của các nước trên thế giới, cụ thể Mỹ được dẫn đắt bởi khu vực tư nhân tạo ra nhu cầu giữa 2 bên, Trung Quốc do nhà nước quản lý. Với Việt Nam ông khuyến nghị cần lồng ghép 2 mô hình này. Hàn Quốc cũng là một câu chuyện thành công nhưng mất khoảng 30 năm, thậm chí lâu hơn so với vị trí Việt Nam hiện nay đạt được, đo đó, chúng ta cần tìm hiểu không nên bê nguyên xi vì mỗi nước có một bối cảnh riêng, cần tìm hiểu để có phương án tốt nhất cho Việt Nam.

Tại Tọa đàm, các chuyên gia và Bộ, ngành đã cùng chia sẻ các nội dung liên quan đến gắn kết sở hữu trí tuệ vào các chính sách phát triển KT-XH trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và khuyến nghị cho dự thảo Chiến lược Sở hữu trí tuệ của Việt Nam, đồng thời đại diện Tổ biên tập cũng đã báo cáo một số vấn đề chính trong xây dựng chiến lược.
 

Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí báo cáo chiến lược SHTT quốc gia.

Thông qua chia sẻ các ý kiến của chuyên gia, có thể thấy rõ đổi mới sáng tạo là yếu tố quyết định để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp của quốc gia, là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Và chính sách sở hữu trí tuệ sẽ tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đặc biệt trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các tài sản vô hình, trong đó chủ yếu là quyền sở hữu trí tuệ sẽ mang lại giá trị gia tăng to lớn.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị, cần lồng ghép sở hữu trí tuệ vào các chính sách phát triển KT-XH, chính sách KH&CN và chính sách của các ngành, lĩnh vực để sở hữu trí tuệ phát huy tốt nhất vai trò của mình và đóng góp cho phát triển kinh tế- xã hội. Đặc biệt, Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia phải tạo ra mối liên hệ chặt chẽ giữa các mục tiêu phát triển KT-XH quốc gia, các ưu tiên phát triển, các nguồn lực với hệ thống sở hữu trí tuệ quốc gia.

Theo Thứ trưởng Phạm Công Tạc, để xây dựng chiến lược rất khó trong bối cảnh công nghệ đang thay đổi đột biến trên toàn thế giới, và trong bối cảnh tại Việt Nam đầu tư cho R&D còn khiêm nhường, với thị trường khổng lồ hơn 96 triệu dân, GDP còn khiêm tốn và tổng thương mại xuất nhập khẩu gần gấp đôi GDP, bên cạnh đó, trình độ văn hóa, thói quen của người Việt vẫn là vấn đề phải bàn.
 

Thứ trưởng Phạm Công Tạc phát biểu kết luận

Qua chia sẻ của các chuyên gia Tọa đàm hôm nay cho thấy kinh nghiệm của các quốc gia đi trước và thành công của Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia phải gắn kết và là một bộ phận quan trọng trong Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia. Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia phải có cách tiếp cận, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình triển khai phù hợp và không tách rời với lộ trình phát triển KT-XH. Cần phải nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động xác lập, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; quan tâm đến nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của quyền sở hữu trí tuệ, ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Tất cả những yếu tố trên đóng vai trò quan trọng trong khuyến khích nghiên cứu, khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 3307

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)