Thứ sáu, 05/04/2019 15:37 GMT+7

An toàn thông tin mạng: Phải nâng cao nhận thức con người

Nhiều doanh nghiệp, cá nhân mới chỉ đầu tư mua giải pháp phần mềm, còn yếu tố con người thì lại chưa được đào tạo nên chưa có nhận thức đầy đủ về an toàn thông tin. Nhân viên tiếp cận với dữ liệu hồ sơ vẫn tiếp tục click vào những email, đường link lừa đảo một cách dễ dàng, từ đó tạo ra lỗ hổng rất lớn về thông tin của doanh nghiệp.


Ông Ngô Minh Khôi, Giám đốc Công nghệ của Công ty cổ phần Vietnet – nhà phân phối chính thức của Công ty an ninh mạng toàn cầu McAfee tại Việt Nam, Ảnh: VGP/Hiền Minh
 

Chia sẻ với phóng viên về những vấn đề liên quan đến an toàn thông tin mạng, ông Ngô Việt  Khôi, Giám đốc Công nghệ của Công ty cổ phần Vietnet – nhà phân phối chính thức của Công ty an ninh mạng toàn cầu McAfee tại Việt Nam, cho biết, trong thế giới hiện nay, vai trò của internet rất quan trọng và hiểm họa trên internet cũng rất nghiêm trọng. Đặc biệt, Việt Nam không thể đứng ngoài các trào lưu về công nghệ trên thế giới, những vấn đề như chuyển đổi số, điện toán đám mây, IoT… đang diễn ra rất mạnh mẽ.

Chính vì vậy, tất cả người dùng internet đều phải có sự thay đổi về nhận thức và cách thức đối phó với hiểm họa trên internet.

Hiện nay, thế giới càng kết nối thì lượng thông tin trao đổi càng nhiều. Điều này càng trở thành mối quan tâm của nhiều người dùng và cũng là sự quan tâm hàng đầu cũng những kẻ tấn công. “Mọi thứ đánh cắp được đều có thể bán được”, ông Ngô Việt Khôi chia sẻ.

CTO của Vietnet cũng lo ngại, trước đây, nếu như chúng ta chỉ lo ngại bị virus tấn công, máy tính không thể làm việc được, thì hiện nay chúng ta phải lo rất nhiều thứ, như dữ liệu trong máy tính của mỗi người có thể bị một người nước ngoài lấy cắp bất kỳ lúc nào, họ cũng có thể cài các mã độc vào máy tính của chúng ta để tống tiền, lấy dữ liệu, lấy server đòi tiền chuộc, để đào tiền ảo…

Theo thống kê của Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia, trong năm 2018, Trung tâm ghi nhận 10.220 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam. Trong đó có 5.932 cuộc tấn công lừa đảo (Phishing); 3.198 cuộc tấn công thay đổi giao diện (Deface) và 1.090 cuộc tấn công cài cắm mã độc (Malware).

Tính riêng quý I/2019, tổng số cuộc tấn công mạng nhằm vào các hệ thống thông tin ở Việt Nam là 620 cuộc.

Năm 2018, Trung tâm này cũng ghi nhận 2.166 trang web thu thập thông tin cá nhân của người Việt Nam được đặt tại các nước khác nhau trên thế giới.

Để ngăn chặn những thủ đoạn tinh vi trên, hiện nay, nhiều doanh nghiệp, cá nhân mới chỉ đầu tư mua giải pháp phần mềm, còn yếu tố con người thì lại chưa được đào tạo nên chưa có nhận thức đầy đủ về an toàn thông tin. 

“Hiện nay, có đến 70-80% những sự cố mất an toàn thông tin xảy ra hằng ngày đều có yếu tố của con người. Hacker không đến mức quá giỏi là tấn công kiểu gì cũng thành công nếu như chúng ta không tạo ra lỗ hổng cho họ”, ông Ngô Việt Khôi nhấn mạnh.

Chính vì vậy, theo ông Khôi, vấn đề quan trọng nhất trong an toàn thông tin mạng là đào tạo nhận thức an toàn thông tin cho người dùng. Mỗi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cần phải được trang bị kiến thức về an toàn thông tin mạng. Nếu không thì đây sẽ là tiền đề khiến vấn đề mất an toàn thông tin tại Việt Nam trở nên trầm trọng.

Điều nguy hiểm hiện nay là vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa hiểu, thậm chí chưa biết về mã độc tống tiền, điều này tiềm ẩn nhiều hiểm họa có thể xảy ra bất kỳ khi nào mà ngay chính bản thân người dùng cũng không biết mình bị tấn công.

“Đầu tư vào giải pháp không phải là cách duy nhất giúp chúng ta an toàn, thậm chí nếu thiếu con người, thiếu nhận thức của con người thì sự đầu tư vào giải pháp là không cần thiết. Khi đầu tư vào chính sách, vào đào tạo nhận thức của con người, sẽ giảm nhẹ hậu quả của việc mất an toàn thông tin”, lãnh đạo Công ty Cổ phần Vietnet chia sẻ.

Liên kết nguồn tin: http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/An-toan-thong-tin-mang-Phai-nang-cao-nhan-thuc-con-nguoi/362754.vgp

 

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

Lượt xem: 3436

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)