Thứ sáu, 15/03/2019 15:37 GMT+7

Quyền sở hữu công nghiệp: “Bảo bối” để cạnh tranh

Quyền sở hữu công nghiệp ngày càng có ý nghĩa quan trọng và mang tính sống còn đối với doanh nghiệp (DN) trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chuyển biến tích cực

Theo Luật Sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Như vậy, đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp rất đa dạng và là công cụ hỗ trợ đắc lực nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN.
 


Giá trị sản phẩm tăng khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Khi DN nắm giữ độc quyền về nhãn hiệu, kiểu dáng, sáng chế…, đối thủ cạnh tranh sẽ không được phép khai thác, sử dụng nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và sáng chế đó để sản xuất sản phẩm. Nói cách khác, đây là biện pháp phòng thủ của DN trước các đối thủ cạnh tranh tiềm năng; giúp DN chống lại những hành vi gian lận của các chủ thể khác. Đồng thời, giúp DN tạo lập giá trị lớn khi hầu hết nguồn lợi nhuận DN có được là nhờ vào giá trị của danh tiếng, chất lượng, uy tín của sản phẩm. Bên cạnh đó, quyền sở hữu công nghiệp còn làm tăng giá trị DN một cách đáng kể khi mua bán sáp nhập; nâng cao giá trị của DN trong mắt các nhà đầu tư và các tổ chức tài trợ...

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, năm 2018, Cục tiếp nhận 63.617 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 8,1% so với năm 2017), trong đó, 46.369 đơn về nhãn hiệu đăng ký quốc gia, 7.508 đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu, 6.071 đơn sáng chế, 2.873 đơn kiểu dáng công nghiệp, 557 đơn giải pháp hữu ích… Trên cơ sở đó, Cục đã xử lý được 42.867 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 9,2% so với năm 2017). Đây là minh chứng sống động phản ánh nhận thức về quyền sở hữu công nghiệp đang ngày càng tăng lên.

Hỗ trợ doanh nghiệp

Ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - cho biết, Cục xác định bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp nói riêng cũng như hoạt động của Cục đều hướng đến hỗ trợ DN. Năm 2019, Cục tiếp tục xây dựng và thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác xử lý đơn sở hữu công nghiệp, trong đó ưu tiên các đơn sáng chế, nhãn hiệu và đơn khiếu nại tồn sâu, cũng như đơn sáng chế của người nộp đơn Việt Nam để triển khai các chương trình, kế hoạch của Chính phủ và của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Bên cạnh đó, thực hiện xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá thẩm định đơn sở hữu công nghiệp; xây dựng hệ thống dịch vụ công trực tuyến đạt cấp độ 4; nâng cao năng lực hạ tầng công nghệ thông tin để đáp ứng công việc chuyên môn và quản lý. Đặc biệt, triển khai tốt và đầy đủ Dự án Phát triển hệ thống quản trị đơn sở hữu công nghiệp điện tử (WIPO IPAS), cũng như các công việc có liên quan để từng bước đưa vào vận hành. Hệ thống phần mềm này sẽ hỗ trợ rất đắc lực cho Cục trong việc đẩy nhanh tốc độ xử lý đơn cũng như tạo ra sự thay đổi thiết thực trong thực tế.

Dự kiến ngày 1/4/2019, sẽ bắt đầu triển khai WIPO IPAS để áp dụng cho việc xử lý đơn kiểu dáng công nghiệp; cuối năm 2019 áp dụng cho nhãn hiệu; đầu năm 2020 áp dụng cho đơn sáng chế.

Liên kết nguồn tin:

https://congthuong.vn/quyen-so-huu-cong-nghiep-bao-boi-de-canh-tranh-116781.html

 

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử

Lượt xem: 3053

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)