Thứ hai, 11/03/2019 20:13 GMT+7

Nghiên cứu, chế tạo các thiết bị chẩn đoán và hỗ trợ cho những người giảm khả năng về trí tuệ

Được sự giới thiệu của KS. Trịnh Đình Hải và sự đồng ý của Ban Lãnh đạo Viện, Trung tâm Đào tạo Viện Nghiên cứu hạt nhân (NCHN) đã mời TS. Oleg Levashov (i) cùng vợ là bà Nguyễn Thị Tuấn Mỹ trình bày Hội thảo khoa học về "Một số kết quả nghiên cứu, ứng dụng về mối liên hệ giữa Não bộ, Thị giác và Vận động của con người" vào sáng 28/02/2019.

Đến dự buổi Hội thảo có PGS. TS. Nguyễn Mộng Sinh, nguyên Phó Viện trưởng Viện NCHN, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lâm Đồng; PGS. TS. Nguyễn Nhị Điền, Chủ tịch Hội đồng KH-CN và Đào tạo Viện NCHN, và trên 20 cán bộ khoa học của Viện.

TS. Levashov đã trình bày mối liên hệ chặt chẽ giữa não bộ, thị giác và vận động (ii), làm cơ sở ứng dụng để chế tạo các thiết bị chẩn đoán và hỗ trợ cho những người giảm khả năng về trí tuệ và một số lĩnh vực liên quan khác. Ông đã mang đến giới thiệu một số thiết bị nguyên mẫu dùng để hỗ trợ trong chẩn đoán, điều trị 3 căn bệnh khá phổ biến hiện nay đó là: tự kỷ (Austim), teo não (Alzheimer) và bệnh liệt rung (Parkinson) do nhóm nghiên cứu của Việt Nam chế tạo (trong đó có thiết bị đã được Liên bang Nga cấp chứng nhận sở hữu trí tuệ).
 

TS. Levashov trình bày hội thảo khoa học và chụp ảnh lưu niệm tại Trung tâm Đào tạo, Viện NCHN, 28/02/2019
 

Sau buổi Hội thảo, toàn bộ các thiết bị nêu trên đã được gửi lại phòng thí nghiệm của Viện NCHN để các cán bộ của Viện tìm hiểu, nghiên cứu và phát triển. Mong muốn của TS. Levashov và bà Tuấn Mỹ là được hợp tác với Viện trong việc nghiên cứu thiết kế, chế tạo ra các sản phẩm hoàn thiện: nhỏ gọn, độ bền và độ tin cậy cao, giao diện với máy tính, Smart phone, thuận tiện cho người sử dụng với giá thành hợp lý để ứng dụng trong lĩnh vực y tế và giáo dục, đặc biệt là cho các đối tượng trẻ em thiểu năng trí tuệ và người cao tuổi.

Thay mặt các cán bộ khoa học của Viện, PGS. TS. Nguyễn Nhị Điền đã chia sẻ về tính cần thiết của các loại thiết bị mà TS. Levashov giới thiệu, bày tỏ khả năng có thể hợp tác giữa Viện NCHN và Viện Nghiên cứu Thần kinh Liên bang Nga để có thể chế tạo ra các hệ thiết bị chất lượng cao hơn phục vụ cho các trường học, bệnh viện và các gia đình có nhu cầu, đồng thời cám ơn TS. Levashov và bà Tuấn Mỹ đã có buổi hội thảo rất thú vị và bổ ích.

 

(i) Nhà nghiên cứu khoa học Tiến sĩ Oleg Levashov hiện đang làm việc tại Phòng thí nghiệm nghiên cứu về lứa tuổi trực thuộc Viện Nghiên cứu Thần kinh Liên bang Nga. Từ năm 2014 đến nay ông thường xuyên về Việt Nam để thực hiện các nghiện cứu của mình tại Việt Nam, nhất là tại thành phố Đà Lạt. Các nghiên cứu khoa học của ông tập trung vào lý thuyết "Mối liên kết chặt chẽ của Thị giác, Thần kinh và Vận động". Ông đề xuất nhiều bài tập thể chất và tâm trí để giữ gìn sức khỏe và phòng chống bệnh tật. Ngoài ra ông còn sáng chế nhiều dụng cụ và chương trình trên máy vi tính để giúp cho trẻ tự kỷ và bệnh nhân sau đột quỵ, bệnh teo não (Alzheimer), bệnh liệt rung (Parkinson). Ông đã có nhiều bài nói chuyện với sinh viên Trường ĐH Yersin Đà Lạt, Trường CĐSP Lâm Đồng, với các bác sĩ và giáo viên Trường CĐ Y tế Lâm Đồng, Trường GD Chuyên biệt Khai trí ở Tp HCM, tham gia hoạt động thiện nguyện tại Bệnh viện phục hồi chức năng Lâm Đồng. Tiến sĩ Levashov rất vui mừng và xúc động được trao đổi với các kỹ sư và nghiên cứu  viên của Viện nghiên cứu hạt nhân tại Đà Lạt để cùng nhau nghiên cứu và phát triển trên ý nguyện nghiên cứu khoa học và áp dụng các kết quả vào phục vụ nhân dân địa phương.

Năm 2018 Tiến sĩ Oleg Levashov, bà Nguyễn Thị Tuấn Mỹ (vợ của ông) và Tiến sĩ Nguyễn Mộng Sinh thành lập Trung tâm Dưỡng thân - Dưỡng tâm (Brain & Body Development Centre) tại Tp Đà Lạt. Trung tâm trực thuộc Sở KH & CN tỉnh Lâm Đồng. Nhiệm vụ chính của Trung tâm là kết hợp với nhiều cá nhân và đơn vị khác để nghiên cứu khoa học và áp dụng kết quả phục vụ cho nhân dân địa phương.

[1] Là tên của một quyển sách do tác giả viết.

 

 

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Lượt xem: 1804

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)