Thứ ba, 27/11/2018 14:32 GMT+7

Techfest 2018 hỗ trợ đắc lực cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Techfest 2018 sẽ quy tụ một chuỗi các sự kiện quy mô, hỗ trợ đắc lực cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tiếp cận với nguồn vốn đầu tư, ứng dụng công nghệ trong sản xuất kinh doanh trong và ngoài nước.


Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng

 

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đã trao đổi với báo chí xung quanh sự kiện khởi nghiệp lớn nhất trong năm Techfest 2018 và những vấn đề liên quan đến hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.        

Xin Thứ trưởng cho biết, điểm nhấn nổi bật và những điểm mới của Techfest 2018 so với 3 kỳ Techfest trước đây?

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Diễn ra từ 25-29/11 tại Đà Nẵng, Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2018 dự kiến sẽ có 4.500 người tham dự với các chuỗi hoạt động nâng cao năng lực kết nối đầu tư cho các doanh nghiệp, triển lãm 200 gian hàng khởi nghiệp. Đây là dịp để đánh giá và lựa chọn những ý tưởng đổi mới sáng tạo (ĐMST) nhất trong các hoạt động về khởi nghiệp ĐMST của cả nước.

Điểm nhấn nổi bật nhất của Techfest 2018 là lễ trao giải và tài trợ cho những ý tưởng sáng tạo hay nhất, để các tác giả có thể tham gia vào những sự kiện khởi nghiệp ở Hoa Kỳ (Thung lũng Silicon), Israel, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Techfest 2018 cũng có nhiều điểm mới so với các kỳ Techfest trước, trong đó nổi bật là Diễn đàn đối thoại của lãnh đạo Chính phủ với thanh niên, sinh viên để động viên, khuyến khích các bạn trẻ không ngừng ĐMST và tháo gỡ những gì còn vướng mắc trong quá trình hoạt động khởi nghiệp.

Một sự kiện quan trọng khác là Diễn đàn cấp cao với sự tham gia của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với lãnh đạo các bộ, ngành của các nước trong khu vực và trên thế giới. Đây là dịp trao đổi, chia sẻ thông tin, giúp chúng ta hấp thụ những kinh nghiệm của các nước về  hoạt động khởi nghiệp.

Điểm khác biệt của sự kiện năm nay là hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” 2018 với chủ đề: Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo diễn ra từ ngày 18/11 đến ngày 29/11. 100 nhóm/doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) có dự án, kế hoạch, ý tưởng xuất sắc do Ban Tổ chức lựa chọn sẽ tham gia hành trình trên Chuyến xe khởi nghiệp đi qua 11 tỉnh/thành phố: Hà Nội - Hải Phòng - Nghệ An - Quảng Bình - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Bình Định - Quảng Nam - Lâm Đồng - TPHCM - Cần Thơ.

Gần đây cụm từ "hệ sinh thái khởi nghiệp" và "hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST" được nhắc đến nhiều nhưng cũng có nhiều người không thực sự hiểu rõ các khái niệm này. Thứ trưởng có thể giải thích rõ hơn hai khái niệm này và đưa ra đánh giá về "hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam”? Hiện nay hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam được kết nối như thế nào với hệ sinh thái khởi nghiệp thế giới?

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Nếu như hệ sinh thái khởi nghiệp tạo điều kiện cho hoạt động khởi nghiệp nói chung, hiểu một cách đơn giản là mưu sinh (mở quán cà phê, quán phở…)  một cách bình thường và thành lập doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp hiện nay và đăng ký với các cơ quan quản lý nhà nước thì khởi nghiệp ĐMST là khái niệm từ Đề án 844 và các các đề án của Bộ GĐ&ĐT, đề án dành cho thanh niên đều nhấn mạnh là: Có ý tưởng khác biệt, sáng tạo, dựa trên KH&CN để cải tiến, sáng kiến, có ứng dụng công nghệ vào quá trình sản xuất kinh doanh để thực hiện ý tưởng của mình.

Nếu như khởi nghiệp thông thường sinh lợi ít thì khởi nghiệp ĐMST ứng dụng KH&CN có thể sinh lợi cao nếu cùng một mức đầu tư. Mức độ gia tăng vốn có thể từ con số chục nghìn USD lên đến vài triệu, thậm chí vài trăm triệu USD qua các năm.

Trong chỉ đạo và định hướng hoạt động khởi nghiệp gắn với ĐMST tại Việt Nam, hệ sinh thái đó không khác và không xa rời hoạt động khởi nghiệp gắn với ĐMST trên thế giới.

Trong quá trình xây dựng các đề án đều hướng đến việc Việt Nam phải đi cùng với các nước trong khu vực và trên thế giới. Cho nên, cách làm, kỹ năng, chuyên môn và những kinh nghiệm phải trao đổi và chia sẻ với các nước ở trong khu vực và trên thế giới, để khi những ý tưởng sáng tạo của người Việt Nam tốt, được đánh giá cao, có thể tham gia tranh tài cùng các ý tưởng khác tại sự kiện khởi nghiệp lớn trên thế giới.

Trong Techfest lần này, người đạt Giải Nhất sẽ được hỗ trợ chi phí cho chuyến đi đến Thung lũng Silicon, các chi phí hỗ trợ tham dự sự kiện khởi nghiệp của thế giới. Đây cũng là một trong những cách kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam với hệ sinh thái khởi nghiệp thế giới. Cũng tại Techfest lần này, Bộ KH&CN chủ động mời lãnh đạo Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu (GEN), các nhà đầu tư và quỹ đầu tư trong nước và quốc tế đến dự.

Để kết nối chặt chẽ hơn, chúng tôi sẽ tổ chức Gala Dinner vào ngày 30/11, tạo cơ hội cho các start-up gặp gỡ, trao đổi, thuyết trình, chia sẻ các ý tưởng với các nhà đầu tư. Ngoài ra, thông qua Cổng thông tin khởi nghiệp quốc gia, chúng ta có thể tìm thấy nhiều thông tin về khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, nhà đầu tư, trung tâm ươm tạo, doanh nhân và doanh nghiệp thành công… Cổng thông tin cũng có nhiệm vụ kết nối một cách tự động và thường xuyên các thành phần hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam và hệ sinh thái khởi nghiệp của các nước trên thế giới.

Với tất cả những hoạt động đó, chúng tôi tin sẽ hỗ trợ kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Việt Nam với mạng lưới khởi nghiệp các nước trên thế giới.

Theo kết quả khảo sát của Mạng lưới Khởi nghiệp toàn cầu (GEN), Việt Nam được xếp vào nhóm 20 nền kinh tế khởi nghiệp cao nhất nhưng lại nằm trong nhóm 20 quốc gia có khả năng thực hiện các kế hoạch kinh doanh thấp nhất. Bộ KH&CN sẽ hỗ trợ như thế nào để hoạt động khởi nghiệp ĐMST thực sự có hiệu quả, giải bài toán lớn về nguồn lực và khả năng vận hành của các doanh nghiệp khởi nghiệp?

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Có thể thấy, ngoài những ý tưởng ĐMST, điều quan trọng đối với các bạn trẻ là phải biết xây dựng được kế hoạch kinh doanh và tổ chức thực hiện kế hoạch. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy điểm yếu của các bạn là kế hoạch đặt ra chưa sát với thực tiễn, thiếu các yếu tố để có khả năng huy động nguồn lực tài chính, nhân lực, pháp lý… (đối với các quỹ đầu tư là kiến thức và phương án huy động vốn). Đồng thời, khi xây dựng được kế hoạch, các bạn cũng phải biết tổ chức thực hiện các phương án sản xuất kinh doanh. Tất cả điều này chỉ có được thông qua học tập, trao đổi, phải được những người đi trước truyền đạt kiến thức, phải gặp gỡ các doanh nhân thành đạt để trao đổi chia sẻ kinh nghiệm…

Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 3 kế hoạch về khởi nghiệp, trong đó có Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án 844) giao cho Bộ KH&CN chủ trì. Đây là một đề án bao trùm và có yếu tố tiên phong, định hướng. Dù các kế hoạch, đề án được phê duyệt vào các thời điểm khác nhau nhưng Bộ KH&CN nhận được sự phối hợp của tất cả các bộ, ngành, tổ chức chính trị-xã hội trong nước và các địa phương.

Trong giai đoạn đầu phê duyệt, Đề án 844 tập trung xây dựng cơ chế, chính sách và khuôn khổ pháp lý cho hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, bởi đây là một hoạt động hoàn toàn toàn mới. Đến nay, Đề án 844 đã chuyển sang hỗ trợ cho các trung tâm ươm tạo khởi nghiệp, các khu làm việc tập trung; hỗ trợ đào đạo, bồi dưỡng kiến thức về khởi nghiệp, giúp người khởi nghiệp có đủ năng lực, khả năng nghiệp vụ, trình độ chuyên môn.

Chúng tôi cũng tuyên truyền về kinh nghiệm của thế giới thông qua các bài giảng, các chuyên gia, người khởi nghiệp đã thành công để chia sẻ kinh nghiệm, giúp cho các bạn trẻ có kiến thức, qua đó giúp người khởi nghiệp xây dựng được những kế hoạch sản xuất, kinh doanh, triển khai được kế hoạch của mình.

Chúng tôi tin tưởng với những phương án như vậy sẽ giảm bớt khoảng cách giữa tinh thần, niềm đam mê khởi nghiệp với khả năng thực hiện những ý tưởng khởi nghiệp của những người làm sản xuất kinh doanh khởi nghiệp.

Thứ trưởng đánh giá như thế nào về vai trò của các quỹ đầu tư mạo hiểm đối với hoạt động của doanh nghiệp khởi nghiệp? Hiện nay vẫn còn ít các quỹ đầu tư tham gia hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đâu là nguyên nhân của thực tế này?

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Có thể khẳng định, vai trò của các quỹ đầu tư mạo hiểm hết sức quan trọng đối với khởi nghiệp ĐMST, vì bản chất của đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST cũng là đầu tư mạo hiểm, nhiều rủi ro, trong 100 dự án được đầu tư chỉ có một vài dự án thành công.

Tại Việt Nam, những quỹ như vậy chưa nhiều, do về mặt thể chế, chính sách, Nhà nước rất khó đầu tư vào các quỹ đầu tư mạo hiểm nên cũng khó có thể đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. Điều này cần phải được thay đổi từ phía cơ chế chính sách. Tuy nhiên vẫn có nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm rất mong muốn vào Việt Nam, vì vậy, chúng ta cần xây dựng một hệ sinh thái có các ý tưởng khác biệt, có ý tưởng ĐMST để khi nhà đầu tư nhìn vào sẽ thấy được tiềm năng của nó.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!             

Liên kết nguồn tin: http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Techfest-2018-ho-tro-dac-luc-cho-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao/353041.vgp

 

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

Lượt xem: 4954

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)