Thứ tư, 21/11/2018 16:15 GMT+7

EU hỗ trợ các biện pháp kỹ thuật nâng cao năng lực hội nhập cho Việt Nam

Ngày 20/11, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức cuộc họp với Tùy viên Hợp tác Thương mại Phái đoàn Châu Âu.

Tại cuộc họp này, hai bên đã thảo luận các vấn đề liên quan tới Chương trình Hỗ trợ hội nhập khu vực ASEAN của Liên minh Châu Âu (ARISE). Đây là một chương trình hỗ trợ kỹ thuật giúp các nước ASEAN thực hiện sáng kiến hội nhập đặc biệt là xây dựng thị trường chung ASEAN và kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN. Dự án có tổng kinh phí tài trợ là 6,4 triệu euro trong đó vốn tài trợ của EU là 6 triệu và đối ứng của Việt Nam (Bộ Công Thương) là 400.000 euro.

Mục tiêu tổng thể của Dự án là tăng trưởng kinh tế hòa nhập và giảm nghèo tại Việt Nam, tối đa hóa lợi ích của Việt Nam từ các ưu đãi thương mại với trọng tâm là các hiệp định thương mại trong khu vực FTA Việt Nam – EU.

Các hoạt động chính của Dự án ARISE bao gồm: Chương trình tuân thủ các chuẩn mực về kiểm dịch động thực vật; Triển khai Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI); Các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao xuất khẩu sang EU; Triển khai toàn diện Hiệp định FTA Việt Nam – EU. Thời gian thực hiện dự án là đến năm 2023.



TS Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL chủ trì cuộc họp. Ảnh: Hán Hiển

 

Liên quan tới vấn đề trên, Chính phủ đã có Quyết định số 1053/QĐ-TTg ngày 22 tháng 8 năm 2018 phê duyệt chủ trương đầu tư dự án này do Liên minh Châu Âu viện trợ không hoàn lại. Hiện Bộ Công Thương chưa xây dựng Hiệp định tài chính Dự án.

Về việc này, phía Việt Nam đã đề xuất sẽ có các phần trao đổi thông tin giữa EU và Việt Nam về các tiêu chuẩn, quy chuẩn, đo lường và quy trình đánh giá sự phù hợp; Phổ biến quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam thông qua tổ chức hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo và các chương trình truyền thông bên cạnh sự hỗ trợ của Cổng thông tin hỗ trợ xuất khẩu của EU (EU Helpdesk)

Xây dựng năng lực cho các tổ chức đánh giá sự phù hợp hướng tới mục tiêu công nhận và chứng nhận trong các lĩnh vực hỗ trợ xuất khẩu được lựa chọn; Tăng cường mạng lưới các phòng thử nghiệm và nâng cao năng lực các tổ chức thử nghiệm trong các lĩnh vực hỗ trợ xuất khẩu được lựa chọn. Trên cơ sở đó, Dự án đã dự thảo TOR cho phần nội dung đầu tiên: đánh giá về cơ sở hạ tầng chất lượng dành cho các ngành công nghiệp xuất khẩu.

Tại cuộc họp giữa hai bên, đại diện phía Tổng cục TCĐLCL đề xuất với phía phái đoàn Châu Âu về nhiều hoạt động trong hợp phần này nhằm tối đa hóa kinh phí dành cho NQI. Đồng thời, đề xuất các lĩnh vực như Đồ gỗ; Điện - điện tử; Thực phẩm đóng gói; Thủy sản, nông sản.



 
Tùy viên Hợp tác Thương mại Phái đoàn Châu Âu tại cuộc họp. Ảnh: Hán Hiển

 

Đề xuất tập trung hỗ trợ công tác quản lý, ví dụ như xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, xúc tiến thương mại nhằm nâng cao năng suất chất lượng và giúp cho hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu được thuận lợi;

Nâng cao năng lực về kỹ thuật, máy móc thiết bị và nguồn lực nhân sự cho các phòng thử nghiệm tại Việt Nam để đáp ứng các yêu cầu theo chuẩn quốc tế và được các tổ chức chứng nhận của nước ngoài chấp nhận kết quả thử nghiệm cho một số mặt hàng chủ chốt như trên là vô cùng cấp thiết giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp;

Xây dựng và triển khai Chương trình đảm bảo đo lường cho doanh nghiệp sản xuất về mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gỗ, điện điện tử, thủy sản, nông sản; Triển khai và áp dụng, công bố sử dụng dấu định lượng, chứng nhận tự nguyện lượng của hàng đóng gói sẵn cho các sản phẩm đóng gói sẵn đối với các sản phẩm nông sản, thủy sản xuất khẩu.

Liên kết nguồn tin: http://vietq.vn/tong-cuc-tcdlcl-tiep-tuy-vien-hop-tac-thuong-mai-phai-doan-chau-au-d151418.html

 

Nguồn: vietq.vn

Lượt xem: 4034

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)