Thứ sáu, 12/10/2018 14:36 GMT+7

Thuật ngữ “công nghệ” tại Luật Chuyển giao công nghệ

Trường hợp bản vẽ thiết kế showroom, phần mềm máy tính để quản lý, lưu trữ dữ liệu về sản phẩm, không dùng trực tiếp cho quá trình sản xuất sản phẩm thì không được coi là công nghệ.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 42 Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ, thoả thuận chuyển giao công nghệ được các bên ký kết trước ngày 1/7/2018, ngày Luật Chuyển giao công nghệ có hiệu lực, thì các bên không có nghĩa vụ đăng ký chuyển giao công nghệ.

Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty Honda Việt Nam hỏi, trường hợp thoả thuận chuyển giao công nghệ được các bên ký kết trước 1/7/2018, nếu các bên có sửa đổi, bổ sung nội dung chuyển giao công nghệ theo quy định tại Khoản 1 Điều 31 Luật Chuyển giao công nghệ thì doanh nghiệp không cần thực hiện thủ tục đăng ký sửa đổi, bổ sung với cơ quan có thẩm quyền đúng không?

Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 76/2018/NĐ-CP quy định: “việc kiểm toán giá thực hiện thông qua hình thức thẩm định giá công nghệ quy định thực hiện thông của hình thức thẩm định giá công nghệ theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu của cơ quan quản lý thuế”. Vậy khi nào cơ quan thuế có quyền yêu cầu thực hiện kiểm toán giá? Yêu cầu của cơ quan thuế có cần thực hiện theo trình tự, thủ tục nào không?

Về thuật ngữ “công nghệ” tại Luật Chuyển giao công nghệ, Công ty Honda Việt Nam hiểu công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm. Công ty hỏi, trường hợp bản vẽ thiết kế showroom, không được sử dụng trong quá trình sản xuất, biến đổi nguồn lực thành sản phẩm và phần mềm máy tính do bên chuyển giao phát triển nhưng không dùng để trực tiếp tạo ra sản phẩm mà chỉ sử dụng để quản lý, lưu trữ dữ liệu về sản phẩm được sản xuất thì không được coi là “công nghệ” được điều chỉnh bởi Luật Chuyển giao công nghệ đúng không?

Nghị định số 76/2018/NĐ-CP yêu cầu doanh nghệp điền theo mẫu số 01 Phụ lục IV khi đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ. Công ty Honda Việt Nam đề nghị hướng dẫn:

- Công ty có thể điền tên công nghệ là “Công nghệ sản xuất ô tô/xe máy” không?

- Lĩnh vực công nghệ chuyển giao trong trường hợp chuyển giao “Công nghệ sản xuất ô tô/xe máy” là lĩnh vực sản xuất đúng không?

- Giá chuyển giao công nghệ của Công ty bao gồm nhiều loại phí như phí bản quyền, phí kiểu mẫu, phí hỗ trợ kỹ thuật… Mỗi loại phí có công thức tính riêng và số tiền cụ thể của mỗi loại phí chưa được thể hiện ngay trong hợp đồng mà sẽ được xác định bằng phụ lục tuỳ từng thời điểm. Trong trường hợp đó, Công ty có thể điền trong Mẫu đơn đăng ký công thức/cách thức tính giá thay vì điền số liệu cụ thể không?

- Tiêu chuẩn chất lượng có thể ghi là “tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của nhà sản xuất” không? Sản lượng có thể ghi là trung bình khoảng bao nhiêu không và sản lượng trong thời gian 1 năm hay bao nhiêu năm?

Về vấn đề này, Bộ Khoa học và Công nghệ trả lời như sau:  

Điều khoản chuyển tiếp được quy định tại Điều 42 Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ. Theo đó, đối với trường hợp gia hạn các hợp đồng chuyển giao công nghệ được các bên ký kết trước ngày 1/7/2018 thuộc trường hợp phải đăng ký chuyển giao công nghệ.

Đối với các trường hợp sửa đổi, bổ sung hợp đồng chuyển giao công nghệ ký kết trước ngày 1/7/2018, các bên có quyền đăng ký hoặc không đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Về quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 76/2018/NĐ-CP: “việc kiểm toán giá thực hiện thông qua hình thức thẩm định giá công nghệ theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu của cơ quan quản lý thuế”, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thuế, nếu cơ quan quản lý thuế phát hiện có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế thì có quyền yêu cầu thực hiện kiểm toán giá. Việc xây dựng trình tự, thủ tục này sẽ do cơ quan quản lý thuế thực hiện.

Thuật ngữ “công nghệ” và đơn đăng ký chuyển giao công nghệ

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017, trường hợp bản vẽ thiết kế showroom, phần mềm máy tính để quản lý, lưu trữ dữ liệu về sản phẩm, không dùng trực tiếp cho quá trình sản xuất sản phẩm thì không được coi là công nghệ.

Đối với việc cung cấp thông tin theo mẫu Đơn đăng ký chuyển giao công nghệ của Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 76/2018/NĐ-CP:

- Tên công nghệ: Là tên công nghệ cụ thể mà Bên giao sẽ chuyển giao cho Bên nhận, tên công nghệ phải thể hiện một cách khái quát nhất công nghệ mà Bên giao chuyên giao cho Bên nhận, ví dụ: công nghệ sản xuất xi măng lò quay bằng phương pháp ướt.

- Lĩnh vực công nghệ chuyển giao: Áp dụng Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam để bảo đảm tính thống nhất.

- Giá trị chuyển giao công nghệ: Mỗi một họp đồng chuyển giao công nghệ, khi các bên thương thảo và ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ đều phải xác định một mức phí, phương thức thanh toán cụ thể cho nội dung chuyển giao. Trong trường hợp Công ty Honda Việt Nam nêu, từng thời điểm có một mức xác định khác nhau, do vậy, khi đăng ký chuyển giao công nghệ cũng phải dựa vào đối tượng, nội dung chuyển giao và thời điểm cụ thể để cung cấp thông tin về giá trị của từng đối tượng chuyển giao.

- Sản phẩm công nghệ: Tiêu chuẩn chất lượng là tiêu chí được xác định đối với bất cứ sản phẩm nào được sản xuất và bán ra thị trường, tiêu chí này gắn với trách nhiệm của Bên giao công nghệ đối với Bên nhận công nghệ trong chuyển giao công nghệ, do vậy, không thể ghi chung chung như đề xuất của Công ty.

Sản lượng là số sản phẩm dự kiến sản xuất ra do áp dụng công nghệ chuyển giao (theo năm sản xuất hoặc số năm tương ứng với thời hạn họp đồng chuyển giao công nghệ) theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng chuyển giao công nghệ.

Liên kết nguồn tin: http://baochinhphu.vn/Tra-loi-cong-dan/Thuat-ngu-cong-nghe-tai-Luat-Chuyen-giao-cong-nghe/349207.vgp

 

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

Lượt xem: 7240

TAGS : Luật CGCN
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)