Thứ sáu, 07/09/2018 15:59 GMT+7

Thủ tướng muốn khoa học giúp nhiều người được dùng sâm Ngọc Linh

Trung tâm Quốc gia nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh có nhiệm vụ làm rõ tính đặc hữu của sâm Việt Nam và cách phân biệt thật, giả.

Chiều 5/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cắt băng khánh thành Trung tâm Quốc gia nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh tại huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum.

Trung tâm nghiên cứu thuộc dự án “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống, canh tác, mở rộng sản xuất, xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia cho sâm Ngọc Linh” do Bộ Khoa học và Công nghệ là chủ đầu tư.

Tại buổi lễ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, việc nghiên cứu, hoàn thiện quy trình, công nghệ nhân giống, canh tác, mở rộng sản xuất, xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia cho sâm Ngọc Linh có ý nghĩa quan trọng để sản phẩm chiếm lĩnh thị trường trong nước và quốc tế.
 

Thủ tướng và lãnh đạo các bộ ngành tìm hiểu cây sâm Ngọc Linh. Ảnh: Quang Hiếu/VGP.


Ông đề nghị Trung tâm làm rõ sâm Ngọc Linh là đặc hữu của Việt Nam, là loại sâm tốt nhất thế giới. Các nghiên cứu cần hướng vào phân biệt sâm giả, thật để xử lý nghiêm đối tượng làm giả sâm Ngọc Linh, ảnh hưởng đến thị trường và sức khỏe người dân.

 

Hàm lượng saponin toàn phần trung bình của sâm Ngọc Linh:

4 năm: 7,15 ± 0,1411%; 

5 năm: 8,91 ± 0,1375%; 

7 năm:12,43 ± 0,2984%; 

10 năm: 19,75±0,2712%; 

15 năm: 19,93 ± ,7299%. 

 

Trung tâm cũng cần kết nối các nhà khoa học trong nước và quốc tế, nghiên cứu phát triển các sản phẩm chiết xuất từ sâm, xây dựng quy trình nhân giống, chăm sóc, thu hoạch và chế biến sâm theo tiêu chuẩn.

Khẳng định giá trị của sâm Ngọc Linh, Thủ tướng đề nghị các nhà khoa học nghiên cứu để cây sâm đóng góp nhiều hơn vào phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân. "Làm sao hàng triệu người có thể sử dụng sâm Ngọc Linh chứ không chỉ có số ít người có điều kiện", Thủ tướng nói.

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, Trung tâm chưa chính thức đi vào hoạt động nhưng thời gian qua Bộ chủ động xây dựng và tuyển được vườn giống hơn 4 vạn cây bố mẹ phục vụ cho công tác nghiên cứu triển khai.

Các nhà khoa học đã giải mã thành công và công bố bộ gene lục lạp của cây sâm Ngọc Linh đăng ký bảo hộ trên ngân hàng gene thế giới. Hiện bộ chỉ thị phân tử đặc hiệu kiểm định thật, giả sâm ngọc linh, qui trình kiểm định đã được nghiên cứu và đăng ký giải pháp hữu ích.

Theo ông Tùng, từ đầu năm 2018, bộ chỉ thị này đã góp phần hỗ trợ UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam kiểm định thật, giả Sâm Ngọc Linh tại các Hội chợ sâm hàng tháng, giúp ngăn chặn nạn sâm giả lưu thông đang nhức nhối trên thị trường.

"Thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tập trung đầu tư các nguồn lực, có chính sách ưu đãi thu hút các nhà khoa học trong và ngoài nước, áp dụng cơ chế đặt hàng nhiệm vụ nghiên cứu về sâm Ngọc Linh cho Trung tâm Quốc gia nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh", ông Tùng nói.
 

Dự án: “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống, canh tác, mở rộng sản xuất, xây dựng và phát triển thương hiệu Quốc gia cho sâm Ngọc Linh” được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt năm 2013.

Năm 2014 dự án: “Đầu tư xây dựng Trung tâm Quốc gia nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh” khởi công xây dựng.

Ngày 05/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 787/QĐ-TTg phê duyệt bổ sung danh mục sản phẩm quốc gia thuộc Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020, trong đó có sâm Ngọc Linh. 

 

Liên kết nguồn tin: https://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/trong-nuoc/thu-tuong-muon-khoa-hoc-giup-nhieu-nguoi-duoc-dung-sam-ngoc-linh-3803899.html

 

Nguồn: vnexpress.net

Lượt xem: 4726

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)