Thứ ba, 28/08/2018 17:02 GMT+7

Nghiên cứu chiết xuất hoạt chất và bào chế thuốc điều trị viêm gan virus từ rễ cây Nhó đông (Morinda longissima Y.Z. Ruan)

Cây Nhó đông (Morinda longissima Y. Z. Ruan) thuộc họ Cà phê (Rubiaceae), là cây dược liệu quý được đồng bào dân tộc dùng chữa bệnh vàng da, viêm gan, xơ gan mãn tính. Cây được trồng phổ biến ở các vùng đồi núi thuộc tỉnh Sơn La với trữ lượng ước tính khoảng 300.000 tấn/năm và thường được thu hoạch vào tháng 10 âm lịch hàng năm. Cây Nhó đông được các nhà khoa học Việt Nam quan tâm nghiên cứu từ năm 2003. Kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy cao chiết từ rễ cây Nhó đông có tác dụng bảo vệ gan, điều trị viêm gan mãn tính trên lâm sàng. Năm 2012, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu đề tài cơ sở về hóa học rễ cây Nhó đông cho thấy lớp chất chính là các anthraquinone và hoạt chất chính là morindone.

 

Viêm gan virut B mạn là nguyên nhân hàng đầu của bệnh gan ở nhiều khu vực trên thế giới đặc biệt ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, khoảng hơn 400 triệu người có nguy cơ dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Hiện nay, có hai loại thuốc được Cơ quan quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ FDA cấp phép điều trị viêm gan virus B gồm thuốc miễn dịch interferon α (INF- α) và pegylated interferon α (peg-INF- α). Tuy vậy, các thuốc này chưa có hiệu quả cao vì tỉ lệ kháng thuốc và phản ứng phụ cao, giá thành thuốc cao. Do vậy, việc tìm kiếm các thuốc có nguồn gốc tự nhiên điều trị viêm gan virus B đang được các nhà khoa học trên thế giới và trong nước quan tâm. Hiện ở Việt Nam, chưa có công bố khoa học nào về mô hình thử viêm gan virus B in vitro và tác dụng ức chế nhân lên HBV của cây thuốc Việt Nam.

Với mục đích nghiên cứu chiết xuất hoạt chất và bào chế thuốc điều trị viêm gan virus B từ rễ cây Nhó đông (Morinda longissima Y.Z. Ruan), nhóm nghiên cứu do cơ quan chủ quản Viện hóa học các hợp chất thiên nhiên cùng phối hợp ThS. Trần Thu Hường là chủ nhiệm đề tài cùng tiến hành nghiên cứu thực hiện đề tài này với mục tiêu: Xác định được hoạt chất/nhóm hoạt chất có tác dụng kháng virus viêm gan, bảo vệ gan từ rễ cây Nhó đông; Xây dựng được quy trình chiết xuất hoạt chất và bào chế thuốc từ hoạt chất/nhóm hoạt chất chiết được; Đánh giá được độ an toàn và tác dụng điều trị viêm gan virus B của thành phẩm trên thực nghiệm.

Trong thời gian nghiên cứu, đề tài đã mang lại những kết quả như sau:

Đã xây dựng hồ sơ thực vật và tiêu chuẩn hóa cây thuốc Nhó đông. Loài Nhó đông đã được mô tả hình thái, đặc điểm vi phẫu các bộ phận thân, lá và rễ và soi bột rễ. Đã xây dựng TCCS 08:2014/HCTN của nguyên liệu rễ cây Nhó đông. Đã công bố 01 bài báo quốc gia.

Đã nghiên cứu thành phần hóa học của rễ cây Nhó đông, bao gồm 03 phân đoạn có hoạt tính kháng HBV. Đã phân lập và xác định cấu trúc của 22 hợp chất (03 chất mới và 01 hợp chất chính). Bao gồm: damnacanthal, lucidin-ω-methyl ether, sorandidiol, morindone -5-methyl ether, rubiadin, rubiadin-3-methyl ether, damnacanthol, morindone, 1-hydroxy-2-methyl-6-methoxy anthraquinone, morindone-6-methyl ether, morindon-6-O-β-gentiobioside, lucidin-3-O-β- primeveroside, morinlongoside A (mới), morinlongoside B (mới), morinlongoside C (mới), geniposidic acid, 3-O-[β-D-xylopyranosyl-(1-6)-β-D-lucopyranosyl]-(3R)- l-octen-3-ol, acteoside, cistanoside E, ethyl-β-D-galatopyranoside, isoacteoside, quercetin. Trong đó, hợp chất chính phân lập được từ rễ cây Nhó đông là morindone, chiếm 0,12% trong rễ. Đã công bố 01 báo quốc tế, 04 báo quốc gia và 02 hội nghị.

Đã nghiên cứu thành công quy trình chiết xuất nhóm hoạt chất molongosit quy mô 50kg/mẻ và được ghi nhận trong 1 sáng chế. Đã sản xuất thành công 5 kg bán thành phẩm (bột molongosit, 29,48% morindone). Đã xây dựng bộ TCCS 12:2015/HCTN cho bột molongosit. Bột molongosit được kiểm nghiệm chất lượng đạt theo TCCS 12:2015/HCTN. Kết quả nghiên cứu độ ổn định ở điều kiện lão hóa cấp tốc 6 tháng và lão hóa thường trong 12 tháng cho thấy bột molongosit ít biến đổi và vẫn đạt yêu cầu chất lượng theo TCCS trong hai điều kiện nghiên cứu.

Đã nghiên cứu công thức và bào chế viên nang cứng NHODONGANA từ bột molongosit, với hàm lượng morindone trung bình đạt 27,4 mg/viên. Đã xây dựng quy trình bào chế viên nang NHODONGANA quy mô 10.000 viên/mẻ. Đã xây dựng TCCS số 14:2015/HCTN cho viên nang cứng NHODONGANA. Đã kiểm nghiệm viên nang cứng thành phẩm NHODONGANA theo TCCS. Kết quả nghiên cứu độ ổn định ở điều kiện lão hóa cấp tốc 6 tháng và lão hóa thường trong 12 tháng cho thấy có sản phẩm NHODONGANA có độ ổn định trên 24 tháng.

Đã xây dựng thành công mô hình thử kháng viêm gan virus B in vitro trên dòng tế bào Hep3B (tế bào ung thư gan nhiễm virus viêm gan B) lần đầu tiên tại Việt Nam. Đã phát hiện 10 mẫu chiết tách từ rễ cây Nhó đông có tác dụng ức chế nhân lên virus viêm gan B trên mô hình này. Ngoài ra, mô hình thử in vitro trên dòng tế bào HepG2.2.15 nhiễm virus HBV đã được xây dựng thành công tại Hàn Quốc đã phát hiện 7 trên 9 mẫu thử chiết tách từ rễ cây Nhó đông có tác dụng ức chế nhân lên virus viêm gan B. Kết quả chung cho thấy bột molongosit và viên nang NHODONGANA có tác dụng ức chế nhân lên của virus viêm gan B gần tương đương với lamivudine.

Đã xây dựng thành công mô hình xơ hóa gan trên chuột BALB/c trong 16 tuần bằng CCl4 ở liều 0,4ml/kg/ngày. Các mẫu nhóm hoạt chất số 1, số 2, số 3, số 4, bột Molongosit ở liều 100mg/kgP và NHODONGANA ở liều 300mg/kgP đều không thấy xuất hiện tổ chức xơ sau 16 tuần vừa uống hoạt chất bảo vệ và gây xơ hóa gan thực nghiệm bằng CCl4. Kết quả được đánh giá các chỉ số men gan (AST, ALT), protein toàn phần, bilirubin, cholesterol, MDA và các quan sát đại thể và vi thể gan khi so sánh với đối chứng dương Sylimarin liều 50mg/kgP.

 

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 12981/2016) tại Cục Thông tin KH&CN quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 8704

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)