Thứ bảy, 14/07/2018 12:20 GMT+7

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh: Cuộc CMCN 4.0 tác động ngày càng rõ nét tới kinh tế - xã hội Việt Nam

“Để nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), Việt Nam đã, đang và sẽ kiên trì thực hiện quan điểm của Đảng về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao thực sự trở thành một trong ba đột phá chiến lược".

Toàn cảnh Hội thảo.
 

Ngày 13/7/2018, tại khách sạn JW Marriott Hà Nội diễn ra phiên Hội thảo Chuyên đề 1 “Những xu hướng lớn của cuộc CMCN 4.0 - Nhận diện tác động và khuyến nghị đối với Việt Nam”, với sự chủ trì của ông Chu Ngọc Anh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN).

Hội thảo trong khuôn khổ “Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp thông minh - Industry 4.0 Summit 2018”.

Mục đích của Hội thảo nhằm đi sâu vào phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chính phủ điện tử để phát triển kinh tế số tại Việt Nam trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0.

Tham dự Hội thảo về phía Việt Nam còn có Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy; đại diện lãnh đạo: Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Nguyễn Quang Liêm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.

Về phía quốc tế, có bà Rebecca Bryant, Đại biện lâm thời, Đại sứ quán Ô-xtrây-li-a tại Hà Nội; bà Sarah Pearson, Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo, Bộ Ngoại giao và Thương mại Ô-xtrây-lia; ông Stefan Hajkowicz, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu chuyên sâu về Dự báo Data61 Insight, Tổ chức nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Ô-xtrây-lia (CSIRO); bà Lucy Cameron, Giám đốc Dự án Tương lai Kinh tế số Việt Nam, Bộ phận Nghiên cứu chuyên sâu về Dự báo Data61 Insight, Tổ chức nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Ô-xtrây-lia (CSIRO); ông Robert Pepper - Giám đốc Khối Kế hoạch và Chính sách kết nối toàn cầu Facebook; bà Mariam Jaafar, Thành viên Ủy ban Kinh tế tương lai Singapore, Giám đốc điều hành Boston Consulting Group với Giải pháp dữ liệu lớn và điện toán đám mây cho phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số tại Việt Nam.

Hội thảo còn có sự tham dự của gần 300 đại biểu đến từ các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; các viện nghiên cứu, trường đại học; các đại sứ quán, các tổ chức nước ngoài; các Tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Theo báo cáo đánh giá đánh giá mức độ sẵn sàng cho CMCN 4.0 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam xếp thứ 48/100 về Cấu trúc của nền sản xuất và thứ 53/100 về Các yếu tố dẫn dắt sản xuất. Đánh giá về mức độ sẵn sàng, Việt Nam mặc dù vẫn ở nhóm Sơ khởi nhưng khá gần với nhóm Tiềm năng cao.
 

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại Hội thảo.
 

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: cuộc CMCN 4.0 đã và đang có những tác động ngày càng rõ nét đối với kinh tế - xã hội của Việt Nam. Với nhiệm vụ được Chính phủ giao về việc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu phát triển; ứng dụng, chuyển giao công nghệ chủ chốt của cuộc CMCN 4.0, thông qua Hội thảo, Bộ KH&CN mong muốn tiếp thu ý kiến rộng rãi từ xã hội, bạn bè trong nước và quốc tế. Để nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức trong cuộc CMCN 4.0, Việt Nam đã, đang và sẽ kiên trì thực hiện quan điểm của Đảng về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao thực sự trở thành một trong ba đột phá chiến lược".

"Trong quá trình triển khai những chương trình hành động, giải pháp để đưa Việt Nam tiếp cận sâu hơn nữa vào cuộc CMCN 4.0, chúng ta cũng cần có thêm những ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, diễn giả đến từ các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế. Tôi hy vọng rằng, với sự đóng góp ấy, Việt Nam sẽ nắm rõ những bước đi, những diễn biến của cuộc cách mạng này và có chính sách phù hợp để kinh tế xã hội đất nước ngày càng phát triển phù hợp với xu thế chung của cộng đồng quốc tế”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đánh giá.

"Ngoài ra, để phục vụ các nhà khoa học, doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ và chuyển giao công nghệ của CMCN 4.0, làm cơ sở nhân rộng các kết quả ra khối doanh nghiệp, Bộ KH&CN cũng đang nghiên cứu để báo cáo Thủ tướng phê duyệt và đưa vào triển khai “Chương trình trọng điểm cấp quốc gia về cuộc CMCN 4.0", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bà Rebecca Bryant, đại biện lâm thời, Đại sứ quán Ô-xtrây-li-a tại Hà Nội cho biết, chúng tôi đánh giá rất cao việc Chính phủ Việt nam tổ chức Diễn đàn cấp cao lần này thể hiện sự quan tâm và quyết tâm ứng dụng cuộc CMCN 4.0.

Tuy nhiên Bà Đại sứ khẳng định, để có thể xây dựng được một lộ trình phát triển công nghệ hướng tới cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì hợp tác chính là một yếu tố then chốt. Bởi một mặt chúng ta cần làm thế nào để phát triển mạnh mẽ KH&CN, nhưng mặt khác cần đẩy mạnh việc hợp tác.

 “Hợp tác, hợp tác, hợp tác, là chìa khóa quan trọng để chúng ta có được thành công trong cuộc CMCN 4.0 và tôi tin tưởng Chính phủ Việt Nam đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy, hỗ trợ cho các đơn vị triển khai các chương trình đổi mới sáng tạo một cách nhanh chóng nhất”, bà Rebecca Bryant bày tỏ tin tưởng.

Bà Rebecca Bryant cũng cho rằng, về việc nghiên cứu và phát triển, cần chuyển các kiến thức, kết quả nghiên cứu thành những kết quả hiện hữu giúp cho Chính phủ đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa. Ngoài ra cần thay đổi văn hóa nghiên cứu cho các công ty khởi nghiệp về công nghệ…đó chính là cách thức Chính phủ sẽ xem xét việc đón đầu công nghệ trong cuộc CMCN 4.0.
 

Bà Sarah Pearson, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo, Bộ Ngoại giao và Thương mại Ô-xtrây-li-a phát biểu tại Hội thảo.
 

Cùng quan điểm trên, bà Sarah Pearson, Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo, Bộ Ngoại giao và Thương mại Ô-xtrây-li-a cho rằng đối với cuộc CMCN 4.0, sự hợp tác giữa các quốc gia để nắm bắt cơ hội phát triển kinh tế xã hội là vô cùng quan trọng và phải đặt lên hàng đầu. Bà cũng cho rằng: trong xu thế lớn của CMCN 4.0, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để xây dựng một nền kinh tế mới ngày càng hiện đại, hiệu quả, hội nhập.

“Tôi đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam cũng như Bộ KH&CN trong việc triển khai các chính sách, các chương trình cụ thể, khoa học để đưa nền kinh tế Việt Nam tiếp cận, hội nhập sâu rộng vào cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra trên thế giới. Việt Nam có tiềm năng lớn và nếu biết tận dụng xu hướng này một cách hợp lý, các bạn hoàn toàn có thể xây dựng một nền tảng kinh tế xã hội hiện đại, văn minh, cùng hội nhập sâu vào thời đại kinh tế số của thế giới.”, bà Sarah Pearson cho hay.

Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Quang Liêm, Trưởng Nhóm nghiên cứu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam nhận định, CMCN 4.0 đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi cả Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam phải có những đổi mới mạnh mẽ.

"Cần xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ cho nền công nghiệp số hoá, chuẩn bị toàn diện cho quá trình chuyển đổi số, bắt đầu từ quản trị công quốc gia đến các mô hình kinh doanh trong nền kinh tế số, xã hội số; Phát triển cơ sở hạ tầng thông tin, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao; Cải cách hành chính; Nâng cao năng lực cạnh tranh...", GS-TS Nguyễn Quang Liêm đề xuất.
 

Dưới sự điều hành của Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, các đại biểu tham dự đã tiến hành các phiên thảo luận chuyên đề về các xu hướng lớn của chuyển đổi số, các cơ hội và thách thức của nền kinh tế số đối với Việt Nam.
 

Tại Hội thảo lần này, dưới sự điều hành của Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, các đại biểu tham dự đã tiến hành các phiên thảo luận chuyên đề về các xu hướng lớn của chuyển đổi số, các cơ hội và thách thức của nền kinh tế số đối với Việt Nam.

Nhiều diễn giả đã nêu ra những khuyến nghị cho Việt Nam để tiếp cận, hội nhập sâu rộng hơn vào xu hướng 4.0 vốn đang diễn biến hết sức sôi động trên thế giới. Cụ thể, Việt Nam cần thực hiện những giải pháp đồng bộ ở cả 4 trụ cột: hoàn thiện thể chế, chính sách, phát triển công nghệ thông tin và hạ tầng thông tin, phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.

Trong đó, về thể chế, chính sách, cần tiếp tục cải thiện môi trường môi trường kinh doanh thông thoáng hơn để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh tiếp cận, học hỏi và phát triển được các công nghệ sản xuất mới. Đặc biệt, chú ý tới việc đảm bảo nguồn nhân lực có năng lực phù hợp để tiếp cận Công nghiệp 4.0, các chính sách và nội dung giáo dục cũng cần được thay đổi mạnh mẽ để tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới.

Trên cơ sở đó, đề xuất các hướng công nghệ Việt Nam ưu tiên phát triển trong thời gian tới cùng với những chính sách cần xây dựng để tạo điều kiện thuận lợi cho định hướng công nghệ này được triển khai hiệu quả. Bên cạnh những nội dung nêu trên, Hội thảo còn đề cập đến vấn đề phát triển Chính phủ điện tử ở Việt Nam, các xu thế, đề xuất định hướng chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng thông tin, ứng dụng mô hình kinh doanh mới trong kinh tế số.
 

TS. Stefan Hajkowicz phát biểu tại Hội thảo.
 

Hội thảo còn được nghe phần trình bày tham luận của Tiến sĩ Robert Pepper - Giám đốc Khối Kế hoạch và Chính sách kết nối toàn cầu Facebook với các chính sách phát triển chiến lược phổ biến Internet trong kỷ nguyên 4.0; Ông Sreenidhi Thubanakere - Giám đốc PwC khu vực Đông Nam Á với những chia sẻ về kinh nghiệm quản trị chuỗi cung ứng xoay vòng, nâng cao hiệu quả sản xuất; Bà Mariam Jaafar, Thành viên Ủy ban Kinh tế tương lai Singapore, Giám đốc điều hành Boston Consulting Group với Giải pháp dữ liệu lớn và điện toán đám mây cho phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số tại Việt Nam... Đại diện của các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp trong nước thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm thực tế và đặt câu hỏi với các diễn giả xoay quanh các chủ đề trên.

Thông qua Hội thảo, các đại biểu cùng nhận diện ra những thuận lợi, khó khăn và chia sẻ nhiều hơn nữa những hiểu biết, kinh nghiệm của mình, cùng nhau tìm ra những giải pháp để giúp Việt Nam xây dựng xác định, xây dựng chủ trương, chính sách và các doanh nghiệp chủ động tham gia Cuộc CMCN 4.0 một cách chắc chắn và hiệu quả!

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 4979

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)