Thứ ba, 09/01/2018 23:12 GMT+7

KH&CN địa phương 2018: Chủ động, không ngồi chờ

Các Tư lệnh khoa học và công nghệ (KH&CN) tỉnh cần thể hiện rõ sự chủ động, không ngồi chờ để tham mưu tư vấn giải quyết bài toán kinh tế xã hội tại tỉnh mình từ góc độ KH&CN. Đó là mong muốn của Tư lệnh ngành KH&CN đối với lãnh đạo 63 Sở KH&CN địa phương trong năm 2018.

Trong khuôn khổ Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2018, chiều ngày 09/01/2018 tại trụ sở Bộ KH&CN đã diễn ra Hội nghị Giám đốc Sở KH&CN. Trong không khí quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã đề cập thẳng vào những vấn đề mà ngành KH&CN cần quán triệt triển khai trong năm 2018.



Toàn cảnh Hội nghị Giám đốc Sở KH&CN

 

Có sự chuyển động mạnh cả về nhận thức và hành động

Không giống như những báo cáo thông thường của một Hội nghị, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã rất cởi mở trên tinh thần “Chia sẻ, trao đổi coi như Tư lệnh ngành ở trung ương chia sẻ với các Tư lệnh ngành ở địa phương”- Bộ trưởng nói.

Có thể thấy, chưa có giai đoạn nào sự phối hợp từ các Bộ, Ngành, địa phương lại nhuần nhuyễn, chặt chẽ để giải quyết kịp thời, quyết liệt các vấn đề KH&CN như vậy. Đây là niềm vui và phấn khởi của ngành KH&CN.  Năm 2017 ghi nhận nhiều kết quả, đóng góp của KH&CN vào tất cả các ngành, lĩnh vực của đất nước, ghi dấu ấn nhiều dấu mốc “lần đầu tiên” của KH&CN. Các kết quả này đạt được nhờ sự nỗ lực, chủ động, năng lực của nhiều Tư lệnh ngành KH&CN ở địa phương  trong bối cảnh còn nhiều khó khăn.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng chia sẻ với góc độ là người từng kinh qua công tác quản lý tại địa phương, Bộ trưởng cho rằng, có sự chuyển động mạnh cả về nhận thức và hành động của các cấp ủy, lãnh đạo địa phương trong việc phát triển KH&CN phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Điều này thể hiện qua việc lồng ghép các hoạt động KH&CN trong các Nghị quyết phát triển kinh tế ở một số địa phương.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh mong muốn, trên cơ sở chuyển động đúng hướng, có nền tảng vững chắc, các Tư lệnh KH&CN địa phương cần xông pha hơn để tham mưu những vấn đề trọng tâm, trọng điểm của địa phương cho lãnh đạo tỉnh. Bộ trưởng nhắc lại thông điệp tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết công tác năm 2016, triển khai công tác năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Làm thế nào để KH&CN gần hơn với hơi thở cuộc sống”. Bản thân Tư lệnh ngành KH&CN cũng cam kết: “Năm 2018 tôi sẽ đi xuống các địa phương nhiều hơn”.



Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh phát biểu tại Hội nghị

 

Một số vấn đề cần tăng cường, đẩy mạnh trong thời gian tới

Chia sẻ về những vấn đề cần tăng cường, đẩy mạnh trong thời gian tới, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, đó là vấn đề phát triển thị trường KH&CN. Bộ trưởng cho rằng, thời gian qua có thể thấy vai trò của địa phương trong việc nỗ lực hình thành, triển khai thị trường KH&CN. Cách đây vài năm, nếu nói đến thị trường KH&CN còn là điều mờ mờ, chưa thực sự rõ nét thì nay đã thấy có sự chuyển động rõ nét thông qua sàn giao dịch công nghệ. Tuy nhiên, để thực sự phát triển thị trường KH&CN cần quan tâm hơn nữa đến việc làm sao đi vào thực chất, có chuyển động rõ nét. Các ký kết, biên bản ghi nhớ, chuyển giao công nghệ đã làm được khá sôi động ở các kỳ chợ thiết bị công nghệ, thì nay, cần tăng cường công tác hậu ký kết. Để làm được điều này, ngoài việc hỗ trợ môi trường thể chế, chính sách thì có nhiều việc hỗ trợ cần phải triển khai như: gắn với hỗ trợ từ các chương trình KH&CN cấp tỉnh, quốc gia; chính sách ưu đãi tín dụng; hỗ trợ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, tiêu chuẩn quy chuẩn, nâng cao năng suất chất lượng… Làm sao để vấn đề này phát triển mạnh mẽ trong năm 2018 như chỉ đạo của Thủ tướng. Bên cạnh đó là việc đẩy mạnh tư vấn môi giới thị trường công nghệ, xã hội hóa thị trường công nghệ.

Một vấn đề cũng được nhắc đến, đó là coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo. Có một tín hiệu vui là từ vài năm trở lại đây, doanh nghiệp đã chủ động tìm đến Sở KH&CN- điều hiếm gặp ở những năm trước. Ông nhấn mạnh, có 2 đối tượng doanh nghiệp cần tập trung, đó là doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt kể cả nhà nước và tư nhân và doanh nghiệp đại trà. Viettel là ví dụ điển hình về mô hình tập đoàn kinh tế Nhà nước có vai trò dẫn dắt, mở ra nhiều cơ hội cho các ngành phụ trợ. Hay như Vingroup là tập đoàn tư nhân kinh doanh, sản xuất ở nhiều lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, thậm chí đã nhảy sang cả lĩnh vực sản xuất ô tô… Tất cả những tâm huyết này cần được nuôi dưỡng và bồi đắp để tạo đầu tàu thúc đẩy các doanh nghiệp phụ trợ đi theo. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực công nghệ cho khối doanh nghiệp.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng nhắc đến vấn đề phát triển doanh nghiệp KH&CN. Ngoài những nhóm doanh nghiệp KH&CN xuất phát từ trường đại học, viện nghiên cứu… thì thời gian gần đây nổi lên nhóm doanh nghiệp startup (doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo). Có thể ghi nhận sự gia tăng đột biến số lượng doanh nghiệp được thành lập mới trong năm 2017 nhưng cần phân biệt khởi nghiệp kinh doanh và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, cần tập trung hỗ trợ khối doanh nghiệp này để tạo ra những đột phá về công nghệ, đem lại giá trị lớn cho xã hội.

Ngoài ra còn một số vấn đề cũng được Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đề cập đến, đó là huy động nguồn lực xã hội, làm rõ hơn bản chất của vấn đề tài chính cho KH&CN hay vấn đề quản lý Nhà nước về KH&CN. Các tư lệnh KH&CN tỉnh cần thể hiện rõ sự chủ động, không ngồi chờ để tham mưu tư vấn giải quyết bài toán kinh tế xã hội tại tỉnh mình từ góc độ KH&CN; định vị lại những nhóm sản phẩm chủ lực, sản phẩm KH&CN trọng tâm…

Với tâm thế vui tươi phấn khởi từ những kết quả đáng ghi nhận của năm 2017, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh gửi gắm mong muốn đến 63 đại diện lãnh đạo các Sở KH&CN tỉnh: Đây là niềm vui cũng là động lực để chúng ta làm hành trang cùng nhau sát cánh nỗ lực cho năm 2018!



Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh tặng hoa cho các tân Giám đốc Sở KH&CN địa phương mới được bổ nhiệm

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KH&CN

Lượt xem: 3373

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)