Thứ tư, 27/12/2017 22:41 GMT+7

Tiếp tục sứ mệnh thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ

Trong suốt chặng đường 10 năm qua, vượt qua nhiều khó khăn, toàn thể cán bộ, công chức và người lao động của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (ƯDPTCN) đã luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ. Phát huy những kết quả đã đạt được, Cục ƯDPTCN cần nỗ lực hơn trong chặng đường mới để thực hiện tiếp vai trò sứ mệnh quan trọng của mình, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh cho biết như trên tại Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ diễn ra chiều 26/12/2017 tại Hà Nội.

Tham dự Lễ kỷ niệm có: đồng chí Chu Ngọc Anh, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; đồng chí Hoàng Văn Phong, nguyên Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN; đồng chí Trần Văn Tùng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ KH&CN; đồng chí Trần Quốc Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN; đồng chí Lê Đình Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN; các đồng chí lãnh đạo các Tổng Cục, Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ KH&CN; các đồng chí lãnh đạo, cán bộ công chức và người lao động của Cục ƯDPTCN qua các thời kỳ.

Những dấu ấn phát triển

Tại buổi Lễ, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ Tạ Việt Dũng đã báo cáo tổng kết 10 năm xây dựng và phát triển Cục ƯDPTCN. Để chuẩn bị cho việc triển khai công tác quản lý Nhà nước về ứng dụng và phát triển công nghệ, cách đây 10 năm, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 393/QĐ-TTg về việc thành lập Cục ƯDPTCN trực thuộc Bộ KH&CN là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện các hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ trong phạm vi cả nước.
 

Cục trưởng Tạ Việt Dũng tổng kết 10 năm hoạt động của Cục.
 

Ngày 13/3/2007, Bộ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Văn Phong đã ký Quyết định số 353/QĐ-BKHCN ban hành Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Cục ƯDPTCN. Ngay sau khi thành lập, mặc dù còn nhiều khó khăn cả về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực, Cục ƯDPTCN khi đó chỉ với 10 cán bộ công chức, đứng đầu là đồng chí Cục trưởng Chu Ngọc Anh, đã nỗ lực vượt khó khăn, thử thách bắt tay xây dựng phát triển Cục và lĩnh vực ứng dụng và phát triển công nghệ. Đến nay, Cục ƯDPTCN đã phát triển thành một tập thể vững mạnh với 50 cán bộ có trình độ đại học và trên đại học để đảm nhiệm, thực hiện thành công công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ và các hoạt động hợp tác quốc tế …

Trong 10 năm qua, với sự thống nhất đoàn kết nội bộ, cùng với sự cố gắng, nỗ lực cao của tập thể cán bộ công chức công chức, viên chức và người lao động của Cục đồng thời được sự ủng hộ, động viên của Lãnh đạo Bộ qua các thời kỳ, Cục đã đạt được những thành tích đáng kể, hoàn thành những nhiệm vụ cơ bản của một cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện các hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ. Có thể điểm qua một số thành tích quan trọng đánh dấu quá trình phát triển của Cục ƯDPTCN trong những năm qua như sau:

Xây dựng hệ thống văn bản, các cơ chế, chính sách thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ luôn là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng hàng đầu của Lãnh đạo Bộ KH&CN. Trong 10 năm qua, Cục đã chủ trì cũng như chủ động phối hợp với các đơn vị trong xây dựng hành lang pháp lý cho lĩnh vực ứng dụng và phát triển công nghệ. Cụ thể, đã chủ trì xây dựng trình Bộ KH&CN xem xét hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt ban hành văn bản liên quan đến hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ, bao gồm: Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020; 09 văn bản hướng dẫn Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia; 02 Thông tư hướng dẫn Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006,…

Bên cạnh đó, nhiều tham mưu, tư vấn của Cục đã được cụ thể hóa trong các quy định pháp luật về KH&CN, các cơ chế, chính sách được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành góp phần nâng cao vai trò quản lý nhà nước về ứng dụng và phát triển công nghệ: Quyết định số 317/QĐ-TTg ngày 15/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án nâng cao năng lực của trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN, trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;  Quyết định số 1342/QĐ-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia; Quyết định số 2075/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020; và các văn bản hướng dẫn Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi năm 2017; Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi. Những tham mưu, đóng góp để hoàn thiện hành lang văn bản nêu trên có thể còn khiêm tốn nhưng có ý nghĩa rất quan trọng, khẳng định được các nỗ lực, trách nhiệm của Cục trong bám sát, thực hiện tốt định hướng phát triển theo tinh thần chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hoạt động ứng dụng, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Về hướng dẫn, triển khai Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, các nhiệm vụ trong Chương trình đều lấy doanh nghiệp làm trung tâm, tập trung vào các nhiệm vụ đổi mới công nghệ phục vụ phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm và đảm bảo kết quả của nhiệm vụ được ứng dụng vào sản xuất. Sau 4 năm triển khai, Chương trình thực hiện một số nhiệm vụ có tính cấp bách, khả thi trên tổng tố 150 đề xuất từ các Bộ, ngành, địa phương. Các nhiệm vụ được tổ chức triển khai theo đúng mục tiêu, nội dung của Chương trình và đã đạt được những kết quả ban đầu quan trọng làm cơ sở cho định hướng lâu dài và tổ chức có hiệu quả quá trình đổi mới công nghệ đa dạng về chủng loại, phức tạp về trình độ trong các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật, ví dụ như các dự án do Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Hà Nội), Công ty Công nghệ nông nghiệp Việt Nông (Đồng Nai), tại Công ty Lương Quới (Bến Tre) thực hiện.

Xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ là một nội dung quan trọng thuộc Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, một công việc còn rất mới nhưng Cục đã tập trung nghiên cứu, xây dựng phương pháp luận, xây dựng hệ thống tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật và quy trình lập Bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ và phối hợp triển khai xong việc xây dựng bản đồ công nghệ đối với ngành sản xuất khuôn mẫu, trong chọn tạo giống lúa và sản xuất lúa gạo, trong sản xuất vắc xin cho người, trong lĩnh vực công nghệ gen, lĩnh vực công nghệ tế bào gốc và trong ngành sản xuất vật liệu và linh kiện điện tử, bán dẫn. Hiện nay, Cục tiếp tục chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai xây dựng bản đồ công nghệ ngành cơ khí chế tạo ô tô và máy nông nghiệp, chế tạo máy công cụ, bản đồ công nghệ ngành công nghệ vi sinh, công nghệ enzyme và protein, .v.v…

Trên cơ sở kết quả đã đạt được, Cục đã hướng dẫn xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ cho một số doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và xây dựng cấu trúc hệ thống cơ sở dữ liệu về bản đồ công nghệ quốc gia, bước đầu triển khai xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu về bản đồ công nghệ.

Cùng với đó Cục đã triển khai các hoạt động điều tra, đánh giá và tôn vinh doanh nghiệp có hoạt động đổi mới công nghệ, hỗ trợ thúc đẩy hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ của các địa phương.

Cục ƯDPTCN đã Tổ chức trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ nhằm mục đích kết nối cung - cầu công nghệ giữa các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, phát triển công nghệ; hỗ trợ giải quyết nhu cầu đặt hàng nghiên cứu, phát triển công nghệ từ các tỉnh/thành phố; đồng thời tập trung giải quyết các vấn đề thực tiễn hoạt động trong giai đoạn mới để nâng cao năng lực ứng dụng, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp, địa phương, Cục đã tổ chức 8 kỳ sự kiện Trình diễn và kết nối cung cầu công nghệ, đã đạt được một số kết quả nổi bật. Đến nay, số lượng công nghệ trình diễn là 2.500 với sự tham gia của gần 500 đơn vị (có 45 đơn vị nước ngoài) và có hơn 100.000 lượt người tham quan, tham dự; xác định 500 nhu cầu công nghệ; 2.000 công nghệ  trong và ngoài nước; 300 chuyên gia công nghệ trong và ngoài nước...

Trong giai đoạn 2007-2017, để thực hiện chức năng quản lý nhà nước và tổ chức hoạt động thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ được Bộ giao quản lý, Cục đã xây dựng, thiết lập và mở rộng quan hệ đối tác thông qua ký kết Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với các đối tác quan trọng của trên 08 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có các đối tác quan trọng như: GLIN, MCC (Nhật Bản); LARTA (Hoa Kỳ); KOTEC, KISTI, SMBA, INNOBIZ, KDI, ASEIC (Hàn Quốc); ITRI (Đài Loan); COWAY, CATTC (Trung Quốc), TACR (Cộng hòa Séc); IHK, Konrad Zuse, INNOVENT (CHLB Đức), DTI (CHDCND Lào)...vv.

Thông qua các hợp tác này, đã có nhiều hoạt động trao đổi, chia sẻ thông tin công nghệ, phối hợp khảo sát xác định nhu cầu công nghệ của doanh nghiệp, giới thiệu, trình diễn công nghệ, tư vấn và kết nối chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam được thực hiện... đồng thời cũng góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý của Cục, các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN địa phương và các tổ chức, doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh các nhiệm vụ chuyên môn, Cục ƯDPTCN tham gia tích cực công tác Đảng, công tác xã hội và hưởng ứng sôi nổi các hoạt động phong trào.
 

Ông Nguyễn Xuân Độ, nguyên Phó Cục trưởng Cục ƯDPTCN phát biểu tại Lễ kỷ niệm

 

Nâng cao tiềm lực chuyển giao và đổi mới công nghệ

 

 Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh phát biểu chúc mừng tại Lễ kỷ niệm.
 

Tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã nhìn lại chặng đường 10 năm qua, đặc biệt trong bối cảnh khi đó nước ta bắt đầu tăng cường hội nhập quốc tế, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đồng thời, nước ta có nhiều hoạt động mở cửa với nỗ lực đưa kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Trong phát triển kinh tế xã hội, bên cạnh hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ, lực lượng KH&CN cần thêm khu vực quản lý, chuỗi mắt xích quan trọng, là cầu nối giữa cộng đồng nghiên cứu để nâng cao tiềm lực và năng lực trong chuyển giao và đổi mới công nghệ trên phạm vi cả nước.

Bày tỏ suy nghĩ là người đã từng trực tiếp cùng với với cán bộ, công chức và người lao động thực hiện vai trò sứ mệnh của Cục ƯDPTCN, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, 10 năm qua, một chặng đường chưa dài nhưng cũng có thể tự hào Cục đã nỗ lực không ngừng vượt qua khó khăn và thách thức trong phát triển đơn vị để tạo dựng được nền tảng quan trọng nhất là quản lý nhà nước và thúc đẩy các hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ trên quy mô cả nước. Đến nay, việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước và thúc đẩy hoạt động có liên quan, Cục đã có những nền tảng quan trọng từ cơ chế chính sách như Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi và nhiều luật khác có liên quan, từ điều tra đánh giá nắm bắt tổng quan tình hình cụ thể chuyển giao đổi mới công nghệ trong các lĩnh vực kinh tế xã hội.

“Với những tiếp cận mới của quốc tế về xây dựng bản đồ công nghệ, Cục ƯDPTCN đã từng bước làm rõ lộ trình công nghệ tác động, đến nay nhiều bản đồ công nghệ đối với lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế và của sự chuẩn bị cho tương lai như bản đồ công nghệ về vắc xin, khuôn đúc, cơ khí chính xác, lúa gạo, tế bào gốc... Đây là cơ sở xác định những doanh nghiệp, viện nghiên cứu để nhà nước tập trung hỗ trợ trong thời gian tới. Cùng với đó, Cục đã tạo dựng được các hình thức xúc tiến, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, trong đó kết nối cung cầu công nghệ đã tạo thành quy mô quốc gia và đã thành hoạt động hàng năm. Đến nay, trải qua 8 kỳ Techdemo, với 2500 công nghệ được trình diễn, cơ sở dữ liệu công nghệ và chuyên gia công nghệ giúp hỗ trợ doanh nghiệp cá nhân trong tư vấn tổ chức ứng dụng và chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực quản lý công nghệ của các ngành”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh bày tỏ vui mừng trước sự nỗ lực xây dựng và trưởng thành của Cục ƯDPTCN, với bề dày 10 năm Cục đã nhận được sự đánh giá ghi nhận từ rất nhiều cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba là vinh dự xứng đáng với nỗ lực, kết quả, thành tựu quan trọng trong thực hiện vai trò sứ mệnh của Cục, cũng như của Bộ, ngành.
 

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho tập thể Cục ƯDPTCN

 

Lễ đón nhận Huân chương Lao động Hạng Ba.
 

Thay mặt lãnh đạo Bộ KH&CN, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh ghi nhận và đánh giá cao, biểu dương nỗ lực của tập thể, cán bộ, lãnh đạo công chức viên chức người lao động của Cục ƯDPTCN trong suốt chặng đường 10 năm qua. Vượt qua nhiều khó khăn, toàn thể cán bộ, công chức và người lao động của Cục ƯDPTCN đã luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhất những nhiệm vụ. Bộ trưởng đề nghị Cục ƯDPTCN phát huy những kết quả đã đạt được và nỗ lực hơn trong chặng đường mới để thực hiện tiếp vai trò sứ mệnh quan trọng của mình, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ.

Với những thành tích đã đạt được trong những năm vừa qua, Cục ƯDPTCN đã được được công nhận các danh hiệu thi đua hàng năm; được tặng thưởng Cờ thi đua cấp Bộ các năm 2012, 2013, 2015; được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2012; Ngoài ra, năm 2013 Cục đã được tặng Bằng khen của UBND tỉnh Vĩnh Long và Bằng khen của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ năm 2016; ngày 22/6/2017, Chủ tịch nước đã có Quyết định số 1965/QĐ-CTN tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho tập thể Cục ƯDPTCN.

Những phần thưởng đã được trao tặng là sự ghi nhận cho những đóng góp của Cục ƯDPTCN vào công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, ghi nhận những thành quả lao động sáng tạo, những nỗ lực hết mình của từng cán bộ, công chức và người lao động của Cục ƯDPTCN trong suốt thời gian qua.

 

Nguồn: Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ

Lượt xem: 2563

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)