Thứ ba, 26/12/2017 09:55 GMT+7

Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ làm việc tại Gia Lai

Ngày 25/12/2017, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ do đồng chí Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ làm Trưởng Đoàn đã làm việc tại tỉnh Gia Lai về công tác CCHC năm 2017.

Tham gia Đoàn công tác có đại diện lãnh đạo và chuyên viên một số đơn vị thuộc Bộ KH&CN: Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế, Vụ Phát triển KH&CN Địa phương, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KH&CN,... Tiếp và làm việc với Đoàn có đồng chí Nguyễn Đức Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Giám đốc Sở KH&CN Lưu Trung Nghĩa; đại diện Lãnh đạo các Sở: Nội vụ, Tài chính, Giao thông, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường và các ban, ngành,...



Thứ trưởng Phạm Đại Dương và Đoàn công tác tại điểm tiếp nhận hồ sơ và chuyển trả kết quả thủ tục hành chính của tỉnh

 

Đẩy mạnh áp dụng Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008

Theo báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai, chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó xác định 09 mục tiêu và 34 nhiệm vụ cụ thể cần đạt được trong năm 2017 trên 07 nhiệm vụ chung về CCHC; đề ra các biện pháp, giải pháp thực hiện theo từng lĩnh vực; phân công cụ thể trách nhiệm cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành 34/34 nhiệm vụ cụ thể (đạt 100%).

Năm 2017, công tác cải cách thủ tục hành chính và cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tỉnh Gia Lai chú trọng đến việc công khai, minh bạch các thủ tục hành chính. Theo đó, các thủ tục hành chính sau khi được công bố đã được các đơn vị, địa phương niêm yết công khai tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, công khai trên Trang thông tin điện tử nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tra cứu, thực hiện. Việc thực hiện cơ chế một cửa được triển khai đồng bộ, đến nay đã có 100% sở, ban ngành của tỉnh, UBND các cấp huyện và xã đã triển khai mô hình “một cửa”, “một cửa điện tử liên thông” hoạt động hiệu quả, giúp giảm thời gian xử lý công việc, tăng tính công khai, minh bạch. Đến đầu tháng 12/2017, tỉnh Gia Lai đã có 16/222 xã triển khai Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001:2008.

Hiện nay, toàn tỉnh Gia Lai đã cung cấp hơn 1.530 thủ tục hành chính công trực tuyến ở mức độ 2; 301 dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3 và 52 dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 4, được tích hợp tại Cổng dịch vụ công của tỉnh. Bên cạnh đó, Cổng thông tin điện tử tỉnh Gia Lai được nâng cấp sử dụng, cung cấp các thông tin cần thiết, kịp thời cho người dân, doanh nghiệp, được đánh giá cao về mức độ cung cấp và duy trì hoạt động; 100% UBND cấp huyện, 19/20 sở, ban, ngành có trang thông tin điện tử cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định của Trung ương.

Đánh giá về kết quả triển khai thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh thời gian qua, Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Nguyễn Đức Hoàng cho biết: tỉnh đã ban hành 52 Quyết định công bố TTHC, công bố 803 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh (trong đó 259 TTHC mới ban hành, 392 TTHC sửa đổi và công bố bãi bỏ 152 TTHC).

Công tác CCHC của tỉnh cũng tập trung ở một số lĩnh vực như: khởi sự kinh doanh (giảm 1,44 ngày so với thời gian quy định là 03 ngày); cấp phép đầu tư; thuế (công tác nộp thuế qua mạng thông qua các Ngân hàng thương mại, đến nay 100% đơn vị thực hiện nộp thuế điện tử); hệ thống thông quan tự động (Thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới đảm bảo còn 70 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 90 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu),…

Ngoài ra, kết quả CCHC còn được tích hợp công khai tại Cổng dịch vụ công của tỉnh theo địa chỉ: http://dvc.gialai.gov.vn. “Điều này đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, đội ngũ công chức nhà nước về tầm quan trọng của việc thực hiện CCHC đối với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Hoàng chia sẻ.
 


Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Hoàng chia sẻ với Đoàn công tác về CCHC của tỉnh

 

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch, công tác CCHC tại tỉnh Gia Lai vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Tình trạng hồ sơ TTHC quá hạn giải quyết, chậm được khắc phục, nhất là ở cấp huyện do trang thiết bị, cơ sở vật chất ở một số địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; hiệu quả của các ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp còn thấp… Nguyên nhân chính là do một bộ phận cán bộ cấp xã, cán bộ chuyên môn còn chưa tiếp cận và sử dụng thành thạo công nghệ thông tin, trình độ nhận thức của một bộ phận người dân còn nhiều hạn chế đã gây khó khăn trong việc triển khai tuyên truyền vận động nói chung và đưa công nghệ thông tin vào cải cách hành chính nói riêng.

Tại buổi làm việc, liên quan đến hoạt động sở hữu trí tuệ, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Gia Lai Lưu Trung Nghĩa cho biết, tính đến nay, có 531 hồ sơ của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn đã được hoàn chỉnh, trong đó 283 thương hiệu, nhãn hiệu đã được bảo hộ. Riêng năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ đã bảo hộ 107 thương hiệu, nhãn hiệu của tỉnh. Không dừng lại ở con số trên, Sở KH&CN tiếp tục hoàn thiện thủ tục đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đối với một số sản phẩm đặc thù như: khoai lang Lệ Cần, phở khô Gia Lai, mật ong Kbang,…

Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp về ứng dụng, đổi mới sáng tạo cũng luôn được Sở quan tâm, hướng tới. Nhiều hội thảo trình diễn, giới thiệu công nghệ đã được Sở tổ chức, đặc biệt Sở hỗ trợ tham gia đào tạo hệ sinh thái khởi nghiệp cho 30 – 50 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; triển khai cơ chế khoán kính phí theo kết quả đầu ra để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng KH&CN theo Nghị định số 95/2014/NĐ-CP; chuyển đổi, sắp xếp tổ chức hoạt động cho 02 tổ chức KH&CN công lập theo quy định.


Tạo điều kiện tối đa cho người dân, doanh nghiệp

Để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động CCHC, Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Hoàng cho rằng, việc tổ chức, thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC là một trong những nhiệm vụ cấp bách của tỉnh, trong đó, tỉnh tiếp tục tập trung rà soát các TTHC còn chồng chéo, khó thực hiện để kiến nghị với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ TTHC theo hướng gọn nhẹ, đơn giản, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện TTHC; thường xuyên rà soát, công bố, công khai kịp thời, đầy đủ, minh bạch các TTHC.

Ngoài ra, nhiều giải pháp cụ thể cũng được tỉnh hướng tới như: cải thiện chất lượng công tác ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; tạo môi trường thuận lợi để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển của tỉnh; duy trì phát triển kinh tế với mục đích tạo điều kiện tối đa cho người dân và doanh nghiệp; rà soát, tổ chức bố trí công chức, viên chức theo đúng vị trí; tăng cường thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao về công tác tại tỉnh; đẩy mạnh trao đổi văn bản điện tử thay thế cho văn bản giấy trong quản lý với các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; duy trì nâng cao hiệu quả triển khai Hệ thống QLCL theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 trong giải quyết các TTCH.

Trong khuôn khổ buổi làm việc, đại diện các sở ban, ngành của tỉnh và các thành viên trong Đoàn công tác đã cùng trao đổi, đề xuất giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác CCHC của tỉnh.



Thứ trưởng Phạm Đại Dương ghi nhận và đánh giá cao về CCHC của tỉnh
 

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phạm Đại Dương chúc mừng các cấp, các ngành tỉnh Gia Lai đã hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2017. Dù là tỉnh có tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số trên 44%, song tỉnh Gia Lai đã có quyết tâm cao trong việc CCHC, một loạt các chỉ số như GDP, nông – lâm – thủy sản đều tăng; an sinh xã hội, an ninh trật tự được thực hiện tốt.

Thứ trưởng cũng chia sẻ những tồn tại, vướng mắc của tỉnh trong CCHC qua các hoạt động giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy biên chế; công tác tổ chức, giải quyết TTHC; tỷ lệ sử dụng thư điện tử công vụ, trao đổi văn bản điện tử,...

“Thời gian tới, UBND tỉnh Gia Lai tiếp tục triển khai đồng bộ Quyết định số 225/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tập trung tăng cường công tác chỉ đạo cải cách TTHC, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, có giải pháp cụ thể trong tình hình mới, chọn ra khâu đột phá, nhanh chóng khắc phục các khó khăn. Bên cạnh đó, tỉnh cần tiếp tục mở rộng triển khai Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001:2008 đến 100% các đơn vị, cơ sở; đẩy mạnh cải cách TTHC, nhất là các TTHC liên quan đến người dân và doanh nghiệp; tập trung hướng dẫn cán bộ, người dân thực hiện cải cách TTHC, có phương án nâng cao sử dụng thư điện tử và các ứng dụng công nghệ thông tin khác”, Thứ trưởng Phạm Đại Dương nhấn mạnh.



Các đại biểu cùng trao đổi, đề xuất giải pháp trong công tác CCHC của tỉnh
 

Trước đó, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ đã làm việc với một số đơn vị của tỉnh như: Sở KH&CN, Sở Giao thông vận tải, Sở Thông tin và Truyền thông của tỉnh.



Đoàn công tác làm việc với Sở KH&CN tỉnh Gia Lai

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KH&CN

Lượt xem: 2916

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)