Thứ sáu, 15/12/2017 21:05 GMT+7

Sản xuất thử giống xoài ăn xanh GL4

Giống xoài GL4 là kết quả nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu chọn tạo giống và xây dựng quy trình sản xuất tiên tiến (GAP) cho một số cây ăn quả chủ lực miền Bắc giai đoạn 2006-2010” của nhóm nghiên cứu do TS Nguyễn Khắc Anh đứng đầu. Giống xoài này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho phép sản xuất thử trồng tại nhiều tỉnh như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Thái Bình... và được đánh giá là một trong những giống xoài có chất lượng cao nhất miền Bắc.

 

Nhằm hoàn thiện được quy trình nhân giống, ghép cải tạo giống và kỹ thuật canh tác giống xoài GL4 phục vụ nhu cầu mở rộng diện tích sản xuất hàng hóa và tăng năng suất, hiệu quả cho người sản xuất. Sản xuất 20 vạn cây giống xoài GL4 phục vụ mở rộng diện tích sản xuất hàng hóa và xây dựng 2 ha mô hình ghép cải tạo, 2 mô hình trồng mới, 2 mô hình thâm canh tại 2 tiểu vùng sinh thái, năng suất, hiệu quả kinh tế tăng 15-20% so với các giống hiện đại, nhóm nghiên cứu do TS.Nguyễn Văn Dũng, Viện Nghiên cứu Rau quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đứng đầu đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Sản xuất thử giống xoài ăn xanh GL4” với các nội dung bao gồm nghiên cứu tổng quan nghiên cứu về giống xoài trên thế giới và tại Việt Nam, trình bày một số nghiên cứu và giải pháp kỹ thuật làm tăng năng suất xoài và một số nghiên cứu về sâu hại, bệnh hại đối với cây xoài, nghiên cứu hoàn thiện quy trình nhân giống oxiaf GL4 bằng phương pháp ghép, Nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật thâm canh xoài GL4, nghiên cứu hoàn thiện quy trình cấy ghép cải tạo, thay thế giống xoài GL4 và đánh giá năng suất và hiệu quả kinh tế của mô hình. 


Sau 3 năm thực hiện sản xuất thử, dự án nghiên cứu đã bổ sung hoàn thiện vào các quy trình công nghệ như sau:

- Đối với quy trình sản xuất cây giống xoài GL4 bằng phương pháp ghép: sử dụng công thức phối trộn 40% đất phù sa + 20% trấu hun bổ sung thêm 2 gam NPK 16-16-8 đóng trong bầu nhựa PE đen, kích thước 12cm x 14cm, đục 10 lỗ thoát nước cho cây giống sinh trưởng, phát triển tốt nhất; cần ghép ngay trong 3 ngày đầu từ khi cắt cành ghép sẽ đạt được tỷ lệ sống cao nhất. Nếu cần bảo quản mất ghép, thời gian bảo quản không quá 6 ngày, tốt nhất nên bảo quản cành ghép từ 1-2 ngày trong vải hoặc vật liệu giữ ẩm. Thời gian thích hợp cho sản xuất cây giống xoài bằng phương pháp ghép là tháng 8,9,10. Ngoài thời vụ trên có thể tổ ghép cây giống vào tháng 2,3. Hai loại Daconil 500SC và Ridomil 500SC nồng độ 0,2% đều có tác dụng đối với bệnh phấn trắng, tuy nhiên thuốc Daconil 500SC cho hiệu quả cao hơn. 

- Đối với quy trình kỹ thuật thâm canh xoài GL4: Mật độ thích hợp trồng thâm canh xoài GL4 là 830 cây/ha, tương ứng với khoảng cách 3,0m x 4,0m. Thời điểm cắt tỉa thích hợp đối với xoài GL4 trong khoảng 15/8 hàng năm sau khi câu cho thu hoạch, cắt từ đầu cành xuống 2 đợt lộc cho tỷ lệ đậu quả và năng suất thực thu cao nhất. Sử dụng phân bón siêu canxi sẽ làm hạn chế rụng và nứt quả xoài GL4, liều lượng thích hợp là 150ppm phun vào thời điểm 20 ngày sau tắt hoa. Sử dụng thuốc Dacomil 500SC nồng độ 0,2% cho hiệu lực cao nhất đối với bệnh phấn trắng. Với câu cấu xanh ăn lá sử dụng thuốc Sherpa 25EC nồng độ 0,15% cho hiệu quả cao nhất. Riêng bệnh thán thư hại xoài, công thức sử dụng thuốc Thio M 70 WP nồng độ 0,15% đạt hiệu quả phòng trừ tốt nhất. 
- Đối với quy trình kỹ thuật ghép cải tạo thay thế bằng giống xoài GL4: Thời gian cưa, đón câu gốc ghép tốt nhất vào tháng 3, định 3-6 chổi và ghép vào tháng 8. Khi tiến hành ghép trực tiếp lên bộ khung tán cũ, nên ghép ở những cành có đường kính từ 1,5 đến 2,5 cm cho tỷ lệ sống, tỷ lệ bật mầm và năng suất quả ở vụ sau tốt nhất. Sử dụng một số loại phân bón qua lá có tác dụng tăng năng suất của cây xoài GL4 sau khi ghép so với đối chứng. Các loại phân có thể sử dụng là Komix nồng độ 0,4%, Master Grow nồng độ 0,3%, Multi K 0,4%. Có hiệu quả kinh tế cao là loại Komix.
- Đề tài đã hoàn thiện và đề xuất được 3 quy trình kỹ thuật phục vụ sản xuất: Quy trình kỹ thuật sản xuất cây giống xoài GL4 bằng phương pháp ghép; Quy trình kỹ thuật thâm canh xoài GL4; Quy trình kỹ thuật ghép cải tạo thay thế xoài GL4.
- Tổ chức sản xuất được 201.400 cây giống xoài GL4, 20,1 tấn giống quả xoài GL4, tổ chức tiêu thụ và liên kết tiêu thụ các sản phẩm của dự án đạt tổng doanh thu 3.309.060.000 đồng.

- Xây dựng được 3 mô hình gồm: mô hình trồng mới xoài GL4, quy mô 02 ha tại Đông Triều và Đầm Hà (Quảng Ninh); mô hình thâm canh xoài GL4, quy mô 2ha tại Gia Lâm; mô hình ghép cải tạo thay thế xoài GL4 quy mô 2ha tại Tam Đảo. Mô hình trồng mới đã bắt đầu cho thu quả bói, mô hình thâm canh và ghép cải tạo đã cho thu quả trong năm 2013.

- Tổ chức tập huấn kỹ thuật cho hơn 400 lượt người tham dự về các quy trình kỹ thuật sản xuất giống, thâm canh, ghép cải tạo thay thế giống xoài GL4.


Từ các kết quả đạt được, nhóm nghiên cứu đề nghị tiếp tục mở rộng diện tích trồng xoài GL4 tại các tỉnh miền Bắc, đặc biệt tại các vườn, đồi vùng trung du đảm bảo được các điều kiện tưới cho xoài trong giai đoạn khô hạn. 


Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 11314/2014) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia./.

 

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 2464

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)