Thứ hai, 04/12/2017 15:30 GMT+7

Chương trình Tây Bắc: Chuyển giao các sản phẩm khoa học công nghệ lần thứ nhất

Ngày 01/12/2017, tại Yên Bái, nhằm kịp thời chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ để ứng dụng vào thực tiễn của vùng, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị chuyển giao sản phẩm khoa học công nghệ thuộc Chương trình “KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” cho các địa phương vùng Tây Bắc (lần thứ nhất).

Đồng chí Trương Xuân Cừ - Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc cùng Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn - Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Nguyễn Văn Khánh đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện Bộ KH&CN, Bộ Giáo dục và Đào tạo, 14 tỉnh Tây Bắc cùng đông đủ Ban Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc và các nhà khoa học chủ trì các đề tài thuộc Chương trình.

Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc ĐHQGHN - Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện, việc phối hợp giữa ĐHQGHN, Bộ KH&CN, Ban Chỉ đạo Tây Bắc và các sở, ngành địa phương khá hiệu quả. Ở giai đoạn bắt đầu triển khai, Chương trình tập trung vào xây dựng cơ sở dữ liệu liên ngành; phân tích, đánh giá chính sách và xây dựng khung năng lực và phát triển nhân lực lãnh đạo.

Tiếp đó, các đề tài có tính cấp thiết cao và khả năng ứng dụng trực tiếp vào sự phát triển kinh tế, sinh kế của địa phương đã được ưu tiên triển khai. Kết quả đến nay cho thấy các đề tài đã hoàn thành xây dựng khung phân tích, triển khai các mô hình thực tế tại địa phương, chuyển giao một số kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp và bước đầu tiến hành thương mại hóa sản phẩm. Một số đề tài đã tích cực phối hợp với cán bộ địa phương và người dân trong quá trình triển khai (trồng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP; xây dựng mô hình du lịch sinh thái; nhân trồng cây mắc ca; công nghệ địa sinh thái xử lý môi trường; bảo vệ tuyến tuần tra biên giới; chuỗi cung ứng sản phẩm nông lâm đặc sản xuất khẩu; đánh giá tác động tổng thể về kinh tế - xã hội của các chương trình mục tiêu xóa đói và giảm nghèo,...).

Các nhiệm vụ phê duyệt thực hiện từ năm 2015 đến nay đã tập trung vào các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, dược, y tế, chế tạo, giáo dục và đào tạo, trong đó có các dự án sản xuất thử nghiệm (nhân trồng, phát triển cây Mắc-ca; thử nghiệm sản xuất trà và bột dinh dưỡng từ Táo mèo và Chùm ngây; nông nghiệp nông nghệ cao – điện mặt trời phục vụ phát triển nông nghiệp sạch và du lịch sinh thái;…).

Tính đến tháng 9/2017, Chương trình Tây Bắc đã và đang triển khai 54 đề tài và 4 dự án cho bốn nhóm mục tiêu, hướng tới phát triển bền vững (PTBV) vùng Tây Bắc. Các nhiệm vụ đã và đang triển khai nghiên cứu vừa có tính vĩ mô gắn với bài toán chung của toàn vùng, liên vùng và tiểu vùng, vừa tập trung giải quyết vấn đề cụ thể của một số địa phương vùng Tây Bắc.

Tại Hội nghị, sản phẩm của 18 đề tài đã được nghiệm thu cấp nhà nước được chuyển giao cho 14 tỉnh trên toàn vùng Tây Bắc. Các sản phẩm KH&CN của Chương trình Tây Bắc đã đóng góp luận cứ khoa học phục vụ xây dựng, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đảm bảo quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh cho vùng Tây Bắc.

Các đề tài nghiên cứu ứng dụng KH&CN đã và sẽ hoàn thành vào các năm 2017-2018 hứa hẹn mang lại nhiều kết quả khoa học giá trị, làm cơ sở triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm và mở rộng quy mô nghiên cứu trong giai đoạn từ nay về sau.

Để có được những kết quả bước đầu như nêu trên, việc triển khai các đề tài, dự án đã thu hút được sự quan tâm, tham gia và phát huy được đóng góp của các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp đến từ nhiều tổ chức KH&CN trong và ngoài ĐHQGHN. Cụ thể, đã có: 31 tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia chủ trì thực hiện đề tài đến từ các tổ chức KH&CN và trường đại học, các viện nghiên cứu và doanh nghiệp trong cả nước, 82 tổ chức tham gia phối hợp thực hiện, trong đó có các sở ngành thuộc các tỉnh vùng Tây Bắc tham gia phối hợp.

Ghi nhận những đóng góp của đội ngũ cán bộ khoa học đối với vùng Tây Bắc, đồng chí Trương Xuân Cừ - Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc cho rằng cần đưa KH&CN vào để góp phần thay đổi và phát triển đời sống xã hội của vùng Tây Bắc là rất cấp thiết. Việc lựa chọn nội dung nghiên cứu được ĐHQGHN xác định trên cơ sở đề xuất từ các địa phương trong vùng. Vì vậy, khi được triển khai ứng dụng ở các địa phương sẽ đem lại hiệu quả vô cùng lớn. Đồng chí Trương Xuân Cừ nhấn mạnh, việc chuyển giao ứng dụng đã được xác định rõ trong mục tiêu của Chương trình và đây cũng là mong muốn chung của những nhà khoa học và nhà quản lý. Các kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn, phục vụ đời sống người dân và sự phát triển của địa phương. Chính bởi vậy, việc triển khai Hội nghị chuyển giao sản phẩm khoa học, công nghệ của Chương trình Tây Bắc ngày hôm nay có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đồng chí Trương Xuân Cừ cũng bày tỏ mong muốn đội ngũ nhà khoa học tiếp tục gia tăng đầu tư cho nghiên cứu thực tiễn của vùng. Ban Chỉ đạo Tây Bắc sẽ có ý kiến đề xuất với Thủ tướng Chính phủ tiếp tục giao ĐHQGHN chủ trì triển khai Chương trình này giai đoạn sau năm 2018. Các nhiệm vụ được triển khai trong giai đoạn 1 sẽ là cơ sở triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm và mở rộng quy mô và nghiên cứu chiều sâu trong giai đoạn 2.

Đồng chí Đỗ Đức Duy - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, với quan điểm Tất cả vì Tây Bắc phát triển bền vững”, ĐHQGHN là đơn vị nghiên cứu khoa học hàng đầu được giao nhiệm vụ là cơ quan chủ trì, phối hợp với các tổ chức khoa học, các Bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai Chương trình KH&CN cấp Nhà nước phát triển bền vững vùng Tây Bắc. Đây là Chương trình KH&CN có tính liên ngành, đa lĩnh vực, tính hướng đích và ứng dụng cao, nhằm cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc giải quyết những vấn đề cơ bản và cấp bách đang đặt ra trong thực tiễn, nhằm giải phóng các tiềm năng, tháo gỡ khó khăn, phát huy cao độ các nguồn lực, tạo nên xung lực mạnh mẽ trong quá trình phát triển bền vững của vùng Tây Bắc.
 


 

Chủ tịch Yên Bái Đỗ Đức Duy đánh giá cao các kết quả nghiên cứu trong thời gian vừa qua của các tổ chức khoa học, các nhà nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu chính là luận cứ khoa học quý báu cho các địa phương trong vùng hoạch định chính sách, ứng dụng để phát triển sản xuất, quản lý xã hội phù hợp với điều kiện tình hình thực tế của mỗi địa phương, hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Yên Bái đồng thời bày tỏ sự cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Ban chỉ đạo Tây Bắc, các bộ ngành Trung ương, ĐHQGHN, các địa phương, các doanh nghiệp, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học thời gian qua đã quan tâm, tạo điều kiện, đồng hành cùng với tỉnh Yên Bái, đem đến nhiều giải pháp KH&CN góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

Tỉnh Yên Bái mong muốn tiếp tục việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học chuyên sâu, đối với các lĩnh vực cụ thể, đặc biệt là nhiệm vụ khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn có tính ứng dụng và thực tiễn cao, góp phần xây dựng tỉnh Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng trung du và miền núi phía Bắc.
 

Tại Hội nghị chuyển giao kết quả KH&CN lần này, Giám đốc ĐHQGHN - Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc Nguyễn Kim Sơn đã ký kết văn bản bàn giao đóng gói các sản phẩm cho đại diện lãnh đạo 14 tỉnh Tây Bắc.

Phát biểu tại Hội nghị, lãnh đạo của các địa phương cùng đánh giá, ĐHQGHN đã làm tốt vai trò điều phối, thực hiện, triển khai chương trình và làm cầu nối đưa hàng nghìn lượt nhà khoa học đến với Tây Bắc, hình thành thêm những ý tưởng KH&CN xuất phát từ thực tiễn, góp phần giải quyết các bài toán đặt ra từ thực tiễn.

Đại diện của tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Hà Giang, Lào Cai, Bắc Kạn bày tỏ, các tỉnh rất coi trọng và đánh giá cao các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đã triển khai trong chương trình Tây Bắc thời gian qua trên địa bàn Tỉnh và cũng mong rằng sẽ được tiếp tục hợp tác với các nhà khoa học của ĐHQGHN trong thời gian tới để sản phẩm và kết quả của các đề tài được nhân rộng tại địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con nhân dân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Đại diện lãnh đaọ các địa phương cùng kiến nghị Chính phủ, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Bộ KH&CN và các ngành chức năng xem xét, phê duyệt để Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc được tiếp tục triển khai trong giai đoạn sau năm 2018, để các nhà khoa học trong và ngoài ĐHQGHN tiếp tục có những nghiên cứu khoa học thiết thực và hiệu quả phục vụ nhân dân trong vùng Tây Bắc.

Tại Hội nghị chuyển giao, trao đổi với báo chí, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu đánh giá, 5 năm qua, Chương trình đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhưng mới đi được nửa chặng đường và những sản phẩm của chương trình mới chỉ là sản phẩm “trung gian”.

Vì thế, thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục đầu tư, để Chương trình đi tiếp 5 năm nữa. Tuy nhiên, do hiện nay điều kiện biến đổi khí hậu khu vực Tây Bắc hiện đang diễn biến mạnh mẽ, khôn lường, nên cần phải bổ sung một số nhiệm vụ, biện pháp để tiếp tục phát triển bền vững vùng Tây Bắc trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn ra “ác liệt”.

Chương trình "KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc" giai đoạn 2013-2018 được Thủ tướng Chính phủ giao ĐHQGHN chủ trì triển khai bắt đầu vào thực hiện từ năm 2013 nhằm thực hiện các nghiên cứu tổng hợp, liên ngành để cung cấp các luận cứ và giải pháp khoa học góp phần giải quyết trực tiếp các vấn đề đang đặt ra hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững vùng Tây Bắc.

Trong giai đoạn 2013 - 2015 - giai đoạn khởi động, Chương trình tập trung triển khai nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, rà soát các chính sách, điều tra bổ sung nhằm cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ cho việc xây dựng, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển bền vững, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc; Triển khai một số mô hình sinh kế và mô hình phát triển kinh tế xã hội cho một số địa phương và ngành đặc thù trong vùng; Khởi động một số nhiệm vụ chuyển giao giải pháp KH&CN sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; ...

Giai đoạn 2016-2018: Đây là giai đoạn tập trung đẩy mạnh việc triển khai nghiên cứu ứng dụng, đưa các kết quả khoa học và công nghệ vào đời sống và sản xuất, đảm bảo tính thiết thực và hiệu quả; Hỗ trợ và cùng các địa phương thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020; Tập trung triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm dựa trên kết quả các nghiên cứu cơ sở; Xây dựng được triết lý và mô hình phát triển; Đề xuất quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội theo hướng phát triển bền vững cho vùng Tây Bắc giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn 2030.

 

Một số sản phẩm thuộc Chương trình Tây Bắc được giới thiệu tại Hội nghị.
 

Sản phẩm đóng gói tùy thuộc vào khả năng tiếp nhạn và sử dụng của mỗi địa phương, có thể gồm có: Báo cáo tổng quan kết quả đề tài nghiên cứu rà soát sự phù hợp, tính thực thi của các chính sách đang còn hiệu lực ở vùng Tây Bắc; Bản kiến nghị trụ cột an ninh - quốc phòng, trụ cột kinh tế, trụ cột an sinh - xã hội, trụ cột quan hệ quốc tế, trụ cột tài nguyên môi trường; Khung năng lực cán bộ quản lý lãnh đạo hành chính công; Từ điển năng lực cán bộ quản lý lãnh đạo hành chính công; Báo cáo kiến nghị nhằm phát triển nhân lực lãnh đạo, quản lý khu vực hành chính công vùng Tây Bắc; Bộ cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành được chuẩn hóa (Có website hệ thống CSDL : http://118.70.120.235:8088/TAYBAC/viewer/); Báo cáo kiến nghị chính sách phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm nông lâm đặc sản xuất khẩu cho các tỉnh vùng Tây Bắc; Báo cáo kiến nghị hệ thống giải pháp nhằm phát triển du lịch sinh thái theo hướng phát triển bền vững ở vùng Tây Bắc và các khuyến nghị; Bản đồ tổ chức lãnh thổ du lịch sinh thái gắn với các di sản tự nhiên và văn hóa vùng Tây Bắc - Việt Nam; Bản đồ du lịch sinh thái gắn với các di sản tự nhiên và văn hóa xã Tự do, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình; Bản đồ du lịch sinh thái gắn với các di sản tự nhiên và văn hóa huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai; Báo cáo khảo sát đánh giá thực trạng “Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái tại Khu Bảo tổn Thiên nhiên Ngọc Sơn Ngổ Luông và đề xuất một số giải pháp hạng mục đầu tư về cơ sở vật chất và nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển Du lịch sinh thái theo hướng bền vững”; Báo cáo mô hình dự án thí điểm du lịch sinh thái và du lịch dân tộc tại xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai; Báo cáo khuyến nghị chính sách phát triển đặc thù đối với các tộc người vùng biên giới Việt – Trung; Cẩm nang hướng dẫn quản lý các mối quan hệ tộc người xuyên biên giới; Mẫu quy ước cộng đồng các xã vùng biên giới Việt – Trung; Bộ tài liệu hướng dẫn trồng trọt, thu hái chế biến cây thuốc (GACP): Ô đầu, Ý dĩ, Tam thất, Đan sâm; Quy trình chế biến các dược liệu thành vị thuốc dùng trong Y Dược học cổ truyền; Quy trình chiết xuất phân đoạn saponin toàn phần từ Tam thất làm nguyên liệu bào chế thuốc viên- Quy trình chiết xuất phân đoạn saponin toàn phần từ Tam thất làm nguyên liệu bào chế thuốc tiêm; Quy trình chiết xuất cồn Ô đầu định chuẩn sử dụng để bào chế thuốc giảm đau ngoài da; Quy trình chiết xuất cao Đan sâm định chuẩn làm nguyên liệu bào chế thuốc; Quy trình chế biến cao Ý dĩ định chuẩn làm nguyên liệu bào chế thuốc; Kết quả nghiên cứu độc tính cấp và tác dụng sinh học của saponin toàn phần của Tam thất; Báo cáo kiến nghị phát triển vùng trồng dược liệu ô dầu, ý dĩ, tam thất, đan sâm ở vùng Tây Bắc, Quy trình bào chế thuốc viên tăng cường tuần hoàn động mạch vành và não từ Tam Thất và Đan sâm...

Trước đó, trên cơ sở các nghiên cứu, đội ngũ cán bộ khoa học tham gia Chương trình đã cung cấp luận cứ khoa học phục vụ xác định chiến lược, kế hoạch phát triển và các khâu đột phá của vùng và các địa phương vùng Tây Bắc. Trên cơ sở phân tích cơ sở dữ liệu sơ cấp và chiết xuất một số thông tin theo tiếp cận các chỉ số phát triển bền vững, Chương trình đã tư vấn cho các địa phương xác định, bổ sung các nội dung trọng tâm và khâu đột phá trong các Báo cáo Đại hội Đảng bộ Tỉnh.

 

 

Nguồn: Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên

Lượt xem: 3347

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)