Thứ sáu, 11/12/2015 08:30 GMT+7

Hội thảo đánh giá 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 50/CT-TW về Công nghệ sinh học

Sáng ngày 08/12/2015, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo đánh giá 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 50/CT-TW về Công nghệ sinh học. Đây là sự kiện do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức.

Tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Văn Liễu, Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành Kinh tế - Kỹ thuật, Bộ KH&CN; ông Bùi Thế Đức, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và hàng trăm đại biểu đến từ các Bộ ngành, Viện, trường và các địa phương trong cả nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Bùi Thế Đức nhận định, công nghệ sinh học (CNSH) là ngành có khả năng tạo ra các công nghệ khai thác các hoạt động sống của sinh vật với sinh phẩm có chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vào bảo vệ môi trường.


Ông Nguyễn Văn Liễu phát biểu tại Hội thảo

Với những thành tựu vượt bậc của nhân loại trong KH&CN, từ cuối thế kỷ 20, CNSH từ một ngành khoa học cơ bản đã trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật công nghệ cao góp phần tiết kiệm tài nguyên, nâng cao chất lượng cuộc sống và đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển bền vững nhiều quốc gia trên thế giới.

Đối với nước ta, một nước nhiệt đới đi lên từ nông nghiệp với tiềm năng diện tích đất nông nghiệp trên 80% và hơn 60% dân số sống ở nông thôn thì CNSH có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là một yếu tố quan trọng góp phần bảo đảm an ninh lương thực, chuyển đổi cơ cấu và phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp, nông thôn; cung cấp những sản phẩm cơ bản và thiết yếu cho chăm sóc sức khỏe cộng đồng vào bảo vệ môi trường.

Cùng với công nghệ thông tin, sự phát triển của CNSH trong thời gian qua đã có tác động rất lớn vào sản xuất đời sống, có nhiều mô hình ứng dụng và hiệu quả cao.

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 50/CT-TW, CNSH Việt Nam đã có những tiến bộ nhanh chóng. Nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của CNSH của các cấp, các ngành nhân dân đã được nâng lên một bước. Việc xây dựng cơ sở vật chất và đào tạo nguồn nhân lực cho CNSH đã được quan tâm hàng đầu. Trình độ CNSH trong sản xuất đã bước đầu được phổ biến góp phần nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông - lâm - thủy sản, sản xuất được một số chế phẩm y - dược phục vụ bảo vệ sức khỏe; tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Trong 10 năm qua, đã có gần 100 chế phẩm sinh học được ứng dụng vào thực tế đời sống sản xuất, các nhóm sản phẩm gồm chế phẩm vi xử lý môi trường, xử lý chất thải rắn, nước thải chăn nuôi, nước ao hồ nuôi thủy sản. Công nghệ khí sinh học cũng đã được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong chăn nuôi nông hộ. Hiện nay trên toàn quốc có hàng trăm ngàn hầm biogas đang hoạt động.

Trong lĩnh vực phòng bệnh, đã nghiên cứu và sản xuất thành công 10/11 loại vắc xin, trong đó có vắc xin phòng bệnh tiêu chảy, viên gan B và A, viêm não Nhật Bản, phòng bệnh tả phục vụ tốt Chương trình tiêm chủng mở rộng và tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Việt Nam là một trong 4 nước trên thế giới đã làm chủ công nghệ sản xuất thành công vắc xin rota sống ở quy mô công nghiệp,…

Ông Nguyễn Văn Liễu, Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành Kinh tế - Kỹ thuật, Bộ KH&CN cũng cho biết, CNSH là một lĩnh vực công nghệ cao dựa trên nền tảng của sinh học, kết hợp với các quy trình và thiết bị kỹ thuật để sản xuất các sản phẩm, dịch vụ phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ thị 50/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng CNSH đã khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của CNSH trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển CNSH đến năm 2020.

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta quan tâm phát triển và ứng dụng CNSH là chủ trương đúng đắn. CNSH đòi hỏi mức đầu tư lớn không chỉ về máy móc thiết bị mà cả đầu tư cho đào tạo đội ngũ nhân lực. Mặc dù nhân lực còn khó khăn, mức đầu tư cho CNSH còn khiêm tốn, song đó cũng là những nỗ lực thể hiện quyết tâm phát triển CNSH phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của Đảng và Nhà nước. Các lĩnh vực chính như công nghệ tế bào, công nghệ gen, công nghệ vi sinh, CNSH đã được triển khai rộng khắp. Tuy chưa đạt được nhiều thành tựu như các nước có bề dày về phát triển CNSH, song các kết quả nghiên cứu đã đạt được của các nhà khoa học Việt Nam đã đóng góp tích cực nhất vào lĩnh vực nông nghiệp, y tế là những lĩnh vực mà thời gian qua đã gặt hái rất nhiều thành công.


Một sản phẩm được trưng bày tại Hội thảo


Tuy nhiên, trong thực tế, các đại biểu tham dự hội thảo cũng cho rằng, CNSH của nước ta vẫn đang tình trạng lạc hậu so với một số nước trong khu vực và nhiều nước phát triển trên thế giới, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao mức sống của nhân dân. CNSH còn chậm phát triển, chưa tạo được các sản phẩm chủ lực cho nền kinh tế quốc dân,…

Để đáp ứng được nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu nền kinh tế nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển kinh tế nhanh, bền vững đất nước trong giai đoạn mới cũng như yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế, trong thời gian tới ngành công nghệ sinh học cần được xác định là một ngành kinh tế - kỹ thuật có đóng góp quan trọng trong sự gia tăng giá trị của ngành nông nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng nói chung.

Lượt xem: 2101

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)