Thứ tư, 19/08/2015 09:37 GMT+7

Doanh nghiệp Việt bỡ ngỡ trước các FTA

Từ ngành được hưởng lợi nhiều nhất là dệt may, đến nông sản hay công nghiệp ôtô... việc "bình chần như vại" trước ngưỡng cửa hội nhập có thể khiến doanh nghiệp Việt không tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do.
Việt Nam đang trong quá trình hội nhập ngày càng sâu khi năm 2015, một loạt Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã được ký kết, song hành với những đàm phán đang đi vào giai đoạn cuối, như FTA với Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á - Âu, Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)...

Giới chuyên gia đánh giá việc tham gia những hiệp định này sẽ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường, tăng doanh thu, nâng cao năng lực sản xuất, nhưng song hành với đó cũng là câu hỏi thường trực: Liệu Việt Nam có tận dụng tốt các cơ hội từ các hiệp định thương mại này không? “Ký được hiệp định đã khó, nhưng bước đường triển khai hiệp định còn nhiều chông gai hơn bởi doanh nghiệp Việt có quá ít thông tin, cần phải thức tỉnh họ”, một chuyên gia tham gia triển khai FTA Việt Nam - EU cảnh báo.


Ngành dệt may phải có đối sách giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, bằng cách xây dựng các chuỗi từ sợi, dệt, nhuộm đến cắt may. Ảnh: Anh Quân

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO thuộc Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng các công ty Việt Nam vẫn bị động trước các thông tin liên quan đến cơ hội và thách thức từ FTA. Theo thống kê, 70% doanh nghiệp xuất khẩu đang bỏ phí cơ hội tận dụng ưu đãi từ các thị trường sắp mở cửa. Công tác nghiên cứu, dự báo chuyên sâu về tác động Hiệp định cũng bị hạn chế. Mới đây, Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ra một báo cáo về tác động của TPP và đến nay, đây mới được coi là nghiên cứu trong nước đầu tiên được công bố, định lượng về ảnh hưởng của hiệp định quan trọng này tới Việt Nam.

Không chỉ thiếu thông tin, năng lực cạnh tranh thấp là rào cản chính khi "ra biển lớn". Dệt may được cho là ngành được lợi lớn nhất từ các FTA, song gặp không ít thách thức. Bà Đặng Phương Dung - Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may (Vitas) cho biết quy tắc về xuất xứ sẽ là trở ngại lớn với ngành bởi lâu nay Việt Nam mới chỉ phát triển được phần may, còn phần dệt và nhuộm còn rất yếu kém. Trong khi đó, các quốc gia yêu cầu phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ kép mới được hưởng thuế suất ưu đãi, tức là cả phần may và vải phải có nguồn gốc xuất xứ từ trong nước.

"Nhà đầu tư muốn vào Việt Nam mở nhà máy dệt, nhuộm phải đáp ứng tiêu chuẩn môi trường, chi phí cao nên họ rất đắn đo. Hiện nay, Việt Nam đã có một số nhà máy sản xuất từ sợi nhưng quy mô nhỏ, chất lượng chưa tốt. Trong chuỗi cung ứng dệt may, ít đơn vị làm được tất cả các khâu từ sợi đến sản phẩm may mà phải chuyên môn hoá mỗi đơn vị thực hiện một công đoạn", bà Dung chia sẻ.

Ông Lê Quang Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty May Garmex lo ngại khi tự do hóa hoàn toàn, "miếng bánh lớn" thị phần sẽ thuộc về doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chứ không phải doanh nghiệp trong nước. Số liệu từ Vitas cho thấy trong ngành may, doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 40%, so với 60% của khối FDI. Ít ỏi như vậy, nhưng doanh nghiệp Việt chủ yếu thực hiện khâu cấp thấp là gia công thuần túy, chỉ 15% hoạt động theo mô hình FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) và ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm cho khách hàng).

"Trong đơn giá một sản phẩm may mặc, chi phí gia công chiếm 25%. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là 24 tỷ USD, lấy số đó nhân với 25%, chúng ta thấy ngoại tệ thực sự thu về cho đất nước không nhiều mà chủ yếu rơi vào doanh nghiệp FDI", ông Hùng nói.

Vị doanh nhân này nhận định doanh nghiệp FDI đang hình thành chuỗi sản xuất khép kín từ sợi đến sản phẩm, đầu ra sẽ do công ty mẹ ở nước ngoài lo. Như vậy, họ sẽ nắm vững về xuất xứ, giảm giá thành và cạnh tranh tốt hơn doanh nghiệp Việt Nam.

"Doanh nghiệp trong nước bình chân như vại, doanh nghiệp nước ngoài thì hồ hởi với FTA. Nước ngoài họ rất chuyên nghiệp và có lực mạnh về vốn, trong nước thì nhỏ lẻ, thói quen làm ăn cũng được chăng hay chớ, trước vấn đề lớn thường bối rối", ông Ngô Trung Kiên - Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may TP HCM cảnh báo.

Trước vấn đề này, lãnh đạo các doanh nghiệp dệt may cho rằng ngành cần một quy hoạch cụ thể để hình thành chuỗi sản xuất từ nguyên liệu tới thành phẩm, song hành với những hỗ trợ vốn từ Chính phủ, để sau 3-5 năm có thể giải quyết phần nào tình trạng thiết hụt phụ liệu, vải ở trong nước.

Ngoài dệt may, nông sản đối mặt với nỗi lo thua ngay trên sân nhà bởi cam kết miễn thuế cho thịt ngoại. Ông Tống Xuân Chinh - Phó cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định khi gia nhập TPP, trong đó có những nước lớn như Mỹ, Australia, New Zealand..., ngành chăn nuôi bị tác động nhiều nhất. "Chăn nuôi gần như là hy sinh cho TPP", ông Chinh nhấn mạnh. Những ngày qua, câu chuyện đùi gà Mỹ giá rẻ vào Việt Nam như một minh chứng cho hệ lụy này.

Theo vị này, khoảng 10 triệu hộ nông dân Việt Nam đang sống nhờ chăn nuôi, song quy mô sản xuất vẫn còn nhỏ, dẫn đến giá thành sản xuất cao. "Việt Nam sản xuất 1lít sữa tươi khoảng 65 cent, New Zealand với lợi thế đồng cỏ bạt ngàn, đàn bò lớn, giá thành sữa tươi chỉ khoảng 30-35 cent. Điều này cho thấy sức ép cạnh tranh lớn thế nào", ông nói. Kết quả nghiên cứu của VEPR cho biết cạnh tranh từ hàng nhập khẩu sẽ buộc ngành chăn nuôi phải tái cấu trúc, nhiều hộ nông dân, các trang trại, các doanh nghiệp kém hiệu quả trong ngành sẽ buộc phải rời khỏi thị trường.

Công nghiệp ôtô cũng đứng trước sức ép lớn bởi hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa chỉ khoảng 40% và đang bị các doanh nghiệp FDI lấn át. "Việt Nam hiện đang tham gia các Hiệp định thương mại quốc tế lớn, lượng ôtô nhập khẩu lớn thời gian qua là chỉ báo quan trọng cho nhà điều hành về những khó khăn sẽ phải đối mặt", lãnh đạo Sở Kế hoạch & Đầu tư Vĩnh Phúc - nơi có nhiều doanh nghiệp ôtô đóng quân phát biểu.

Song, các chuyên gia cho rằng hội nhập là vấn đề tất yếu, doanh nghiệp không thể tránh khỏi mà cần nhận thức đúng đắn để tận dụng cơ hội hoặc đối phó với thách thức. "Đã hội nhập thì phải biết ngành nào mạnh, ngành nào sẽ thua. Lâu nay, chúng ta không phân biệt được nên làm quá dàn trải, dẫn đến hệ quả có ngành đầu tư quá nhiều nhưng không hiệu quả, phải dẹp bỏ. Phải chấp nhận cạnh tranh và tập trung vào ngành có lợi thế hơn", bà Phạm Chi Lan cho hay.

Tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận xét đây là thời điểm Việt Nam chơi với các đối tác lớn trên thế giới, một cơ hội chưa từng có nhưng đằng sau cũng là thách thức.

"Thách thức lớn nhưng nếu chúng ta không chấp nhận rủi ro, sự bất định ít nhiều thì không có cơ hội phát triển. Tất nhiên, chúng ta sẽ làm thận trọng, giám sát chặt chẽ, nhưng đây là lựa chọn của Việt Nam, phải chấp nhận để phát triển. Việt Nam còn yếu nhưng dám chơi một hiệp định như TPP là có hàm ý. Doanh nghiệp cũng nên chấp nhận với tinh thần đó, bởi đây là cơ hội có một không hai được chơi với những người tốt nhất", ông Thành chia sẻ.

Lượt xem: 954

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)