Thứ năm, 13/07/2017 01:35 GMT+7

Nâng cao ý thức về tiết kiệm năng lượng

Tiết kiệm năng lượng là một vấn đề cấp bách hiện nay. Việc ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) để tiết kiệm năng lượng, tìm kiếm nguồn năng lượng mới xanh, thân thiện với môi trường sẽ luôn là vấn đề được các trường học quan tâm, giảng dạy cho học sinh nhằm hướng tới một thế giới với những công nghệ thân thiện với môi trường, có lợi cho cuộc sống con người.

Đó là ý kiến của đa số giáo viên tham dự Hội nghị giáo viên với kinh nghiệm giảng dạy về năng lượng tái tạo diễn ra ngày 12/7 tại Hà Nội trong khuôn khổ hoạt động Hội trại khoa học Odyssey ASEAN+3 cho Thiếu niên lần thứ 6 (APTJSO-6) .

Tham gia hội nghị có 13 nhóm giáo viên đến từ các nước thành viên ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thụy Điển, .... Trưởng Ban Giám khảo là TS. Lý Hoàng Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và hai thành viên là TS. Nguyễn Tiến Đông, Giảng viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo và TS. Đỗ Thị Thanh Thủy, Giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Hợp tác Quốc tế thuộc Bộ KH&CN và cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương.

 

Toàn cảnh Hội nghị giáo viên (Ảnh: Ngũ Hiệp)

 

Tại Hội nghị, có 13 báo cáo tham luận đã được trình bày xoay quanh chủ đề trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy cho học sinh về năng lượng tái tạo, ý thức việc tiết kiệm năng lượng, thực hành qua các mô hình,… qua đó nâng cao ý thức về tiết kiệm năng lượng tại quốc gia của mình.

Đại diện nhóm giáo viên đến từ Philippines, thầy Wong Freda Matsi cho biết, ở Philippines các trường phổ thông trung học khuyến khích thúc đẩy giáo dục STEM thông qua các ứng dụng về năng lượng tái tạo. Cụ thể, các trường xây dựng giáo trình giúp các học sinh thay đổi nhận thức về năng lượng tái tạo; các khái niệm cơ bản về các loại năng lượng và ứng dụng của nó trong đời sống xã hội.

Ông Wu Zheng đến từ Trung Quốc chia sẻ, học sinh tại nước ông sẽ được học các khóa học liên ngành để nghiên cứu về năng lượng tái tạo. Nhà trường sẽ  mời các giảng viên có trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ, sau Tiến sĩ có kinh nghiệm nghiên cứu trong lĩnh vực  vật lý, hóa học, sinh, giảng cho học sinh những kiến thức cơ bản về năng lượng tái tạo. Trong các buổi học sẽ tổ chức các thảo luận, thực hành,…qua các hoạt động này sẽ tạo ra những sản phẩm mang ý tưởng sáng tạo cao của các học sinh với chủ đề năng lượng tái tạo, sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Còn tại Thụy Điển, chương trình dạy STEM tập trung về sinh học tác động đến đời sống con người đến môi trường tự nhiên tại quốc gia, khu vực và toàn cầu. Các học sinh sẽ được học tập và tìm hiểu các cơ hội để phát triển bền vững các hệ sinh thái địa phương mà họ có thể triển khai nghiên cứu….qua đó có cái nhìn tổng thể, so sánh hệ sinh thái địa phương với hệ sinh thái trong khu vực và toàn cầu.

Bên cạnh việc tập trung về lĩnh vực sinh học thì học sinh Thụy Điển cũng được nghiên cứu tìm hiểu về việc con người đã sử dựng nguồn lợi tự nhiên như thế nào, điều đó tác động ra sao đến môi trường sinh thái và các giải pháp giải quyết vấn đề này.

Đại diện đến từ Brunei cũng thu hút sự chú ý của các đại biểu với kinh nghiệm giảng dạy cho học sinh về năng lượng tái tạo. Ông ISSARDI BIN AWANG HAJI NASAR cho biết, trong rất nhiều các bài giảng của giáo viên cho học sinh đều lồng ghép các chủ đề về tiết kiệm năng lượng, ứng dụng năng lượng trong đời sống. Các hoạt động của giáo viên và học sinh được diễn ra dưới hình thức sinh hoạt nhóm. Mỗi nhóm đều được giao chủ đề thảo luận, thực hành,…Mục tiêu đề ra cho mỗi nhóm là học sinh phải hiểu được thế nào là năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, phân tích điểm mạnh, yếu và các loại hình năng lượng hiện nay,… Sau khi kết thúc sinh hoạt nhóm đều có sự so sánh, đánh giá của giáo viên.

Ông Đặng Văn Sơn, Giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội cũng có bài tham luận với một số vấn đề như giáo dục STEM là gì, tại sao phải có năng lượng tái tạo; sự bùng nổ về chất thải và thiếu hụt về năng lượng. Các chính sách của Chính phủ về thúc đẩy năng lượng tái tạo; các hoạt động của cộng đồng, các trường học để cộng đồng, học sinh hiểu được về lĩnh vực này.

Các đại biểu tham dự Hội nghị đều cho rằng, tiết kiệm năng lượng là một vấn đề cấp bách hiện nay. Việc ứng dụng KH&CN để tiết kiệm năng lượng, tìm kiếm nguồn năng lượng mới xanh, thân thiện với môi trường sẽ luôn là vấn đề được các trường học quan tâm, giảng dạy cho học sinh nhằm hướng tới một thế giới với những công nghệ thân thiện với môi trường, có lợi cho cuộc sống con người. Đây không phải vấn đề của riêng quốc gia nào mà là trách nhiệm của tất cả các nước trong khu vực và toàn cầu. Các nước sẽ luôn liên kết, phối hợp góp phần thực hiện tốt vấn đề này.

Thay mặt Ban Giám khảo, TS. Lý Hoàng Tùng nhận định, các báo cáo của các nhóm giáo viên được chuẩn bị rất tốt. Nội dung các bài tham luận tập trung đúng chủ đề của Hội trại năm nay là “Năng lượng tái tạo cho cuộc sống”. Hội nghị là diễn đàn cho các giáo viên các nước trao đổi kinh nghiệm giảng dạy cho học sinh về năng lượng tái tạo, cơ hội tìm kiếm nguồn năng lượng mới thân thiện với môi trường,…mục đích lớn nhất của các trao đổi, chia sẻ là làm sao cho học sinh hiểu được tầm quan trọng của năng lượng tái tạo, khơi dậy niềm say mê nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực khác nói chung và năng lượng tái tạo nói riêng. Thông qua đó tìm kiếm cơ hội tiếp cận nghiên cứu mới góp phần xây dựng một môi trường xanh tại địa phương, khu vực và toàn cầu.

 

Toàn cảnh tại cuộc thi Poster (Ảnh: P. Hoàn)


Trước đó, ngày 11/7 cũng đã diễn ra cuộc thi poster cho các em học sinh. Ban Giám khảo cuộc thi do  TS. Lê Xuân Định, Cục trưởng Cục Thông tin khoa học và công nghệ Quốc gia, Bộ KH&CN Việt Nam làm Trưởng ban, cùng với hai thành viên là PGS. TS. Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục công tác phía Nam, Bộ KH&CN Việt Nam là thành viên; TS. Nguyễn Trịnh Hoàng Anh, Giảng viên Trường Đại học Khoa học và công nghệ Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 Phần thi có 27 đội đến từ 13 nước tham gia với 30 poster xoay quanh chủ đề “Năng lượng tái tạo cho cuộc sống”. Tại cuộc thi, mỗi đội có từ 5-8 phút trình bày các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và thuyết trình dự án. Đây là cơ hội để các bạn học sinh nhiều quốc gia cùng phát huy tinh thần nghiên cứu khoa học hăng say, kỹ năng làm việc trong phòng thí nghiệm và làm việc nhóm, phát triển ý tưởng và chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu cùng bạn bè thông qua các hoạt động thực tiễn liên quan đến phát triển nguồn năng lượng táo tạo./.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 2870

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)