Thứ sáu, 16/06/2017 15:37 GMT+7

Xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2017: Việt Nam tăng 12 bậc

Ngày 15/6/2017 tại Geneva, Thụy Sỹ, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) kết hợp với Trường ĐH Cornell (Hoa Kỳ) và Học viện Kinh doanh INSEAD (Pháp) đã công bố Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) toàn cầu năm 2017 (Global Innovation Index 2017, gọi tắt là GII 2017). Theo đó, Việt Nam đã tăng hạng khá ấn tượng, từ vị trí 59/128 lên vị trí 47/127 nước và nền kinh tế (tăng 12 bậc). Đây là thứ hạng cao nhất Việt Nam từng đạt được từ trước đến nay. Việt Nam còn đứng vị trí số 1 về chỉ số GII 2017 trong số các nước có thu nhập trung bình thấp.

 

 

Đây là lần thứ 10 liên tiếp, Báo cáo Chỉ số GII được công bố. Mục đích của Chỉ số GII là đưa ra các đánh giá về trình độ ĐMST của mỗi quốc gia một cách toàn diện nhất. Cốt lõi của Báo cáo GII 2017 là Bảng xếp hạng về ĐMST toàn cầu, thể hiện kết quả và năng lực đổi mới sáng tạo của các nên kinh tế.

GII bao gồm nhiều tiểu chỉ số/tiêu chí. GII 2017 được tổng hợp từ 81 tiểu chỉ số (được lấy từ hơn 30 nguồn tài liệu của các tổ chức công và tư quốc tế), trong đó có 57 chỉ số “cứng”, 19 chỉ số tổng hợp và 5 chỉ số từ các cuộc điều tra) trong các lĩnh vực: thể chế/tổ chức, nhân lực và nghiên cứu, cơ sở hạ tầng, trình độ phát triển của thị trường, trình độ phát triển kinh doanh, đầu ra công nghệ và tri thức, kết quả sáng tạo. Các tiểu chỉ số này được phân chia theo 7 trụ cột. Trong đó 5 trụ cột đầu tiên thuộc “Nhóm tiểu chỉ số đầu vào của ĐMST” (gồm: Thể chế/tổ chức, Nguồn nhân lực và nghiên cứu, Cơ sở hạ tầng, Trình độ phát triển của thị trường, Trình độ phát triển kinh doanh) và 2 trụ cột sau cùng thuộc “Nhóm tiểu chỉ số đầu ra của ĐMST” (gồm: Đầu ra của tri thức và công nghệ và Đầu ra sáng tạo). Báo cáo của WIPO về ĐMST là tài liệu tham khảo hàng đầu về năng lực ĐMST hiện nay của các nước.

Trong bài phát biểu tại Lễ công bố GII 2017, Tổng Giám đốc WIPO Francis Gurry nói: "ĐMST là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nền kinh tế toàn cầu ngày càng dựa trên tri thức, nhưng đầu tư nhiều hơn nữa là cần thiết để giúp thúc đẩy sự sáng tạo của con người và tăng trưởng kinh tế. ĐMST có thể giúp tăng trưởng kinh tế cao trong ngắn và dài hạn." ĐMST cũng được WIPO coi là có vai trò then chốt, động lực của tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng.

Tại Lễ công bố GII 2017, ông Soumitra Dutta, Đại học Cornell cho biết: "Những nỗ lực nhằm thu hẹp khoảng cách ĐMST phải bắt đầu bằng việc giúp các nền kinh tế mới nổi hiểu được những điểm mạnh và điểm yếu về ĐMST của họ và tạo ra các chính sách và chỉ số phù hợp. Đây là mục đích của GII trong hơn 10 năm nay."

 

GII 2017 có chủ đề: "Sáng tạo Phục vụ Thế giới"

Chủ đề của GII 2017 "Sáng tạo Phục vụ Thế giới" xem xét ĐMST trong các hệ thống nông nghiệp và thực phẩm. Trong những thập kỷ tiếp theo, ngành nông nghiệp và thực phẩm sẽ phải đối mặt với sự gia tăng nhu cầu trên toàn cầu và cạnh tranh ngày càng tăng đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn. Thêm vào đó, sẽ cần phải thích nghi và giúp giảm nhẹ sự thay đổi khí hậu. ĐMST là chìa khóa để duy trì sự tăng trưởng năng suất đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng này và giúp tăng cường các mạng lưới kết hợp sản xuất, chế biến, phân phối, tiêu thụ và quản lý chất thải bền vững - được gọi là hệ thống thực phẩm.

Bruno Lanvin, Giám đốc điều hành của INSEAD cho biết: "Chúng tôi đã chứng kiến ​​sự xuất hiện nhanh chóng trên quy mô toàn cầu của nông nghiệp kỹ thuật số, bao gồm máy bay không người lái, cảm biến dựa trên vệ tinh và robot. Hiện đang có một nhu cầu cấp bách về nông nghiệp thông minh để tối ưu hóa chuỗi cung ứng, phân phối và thúc đẩy những mô hình kinh doanh mới sáng tạo, giảm thiểu áp lực lên đất đai, năng lượng và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác - đồng thời đáp ứng nhu cầu của những người nghèo nhất thế giới".

Đến năm 2050, dân số thế giới ước đạt 9,7 tỷ người. Điều này đặt ngành nông nghiệp toàn cầu trước một thách thức khó khăn. Giai đoạn này đã được thiết lập cho một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu tiềm ẩn nếu các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan khác không thực hiện cải tiến nông nghiệp, làm tăng đáng kể năng suất.

 

Khái quát xếp hạng GII 2017

Thụy Sĩ, Thụy Điển, Hà Lan, Hoa Kỳ và Anh là những nước sáng tạo nhất thế giới, trong khi một nhóm các quốc gia bao gồm Ấn Độ, Kenya và Việt Nam đang vượt trội so với các nước đang phát triển khác. Các phát hiện chính trong xếp hạng năm nay cho thấy sự nổi lên của Ấn Độ như là một trung tâm đổi mới đang nổi lên ở châu Á.

Theo GII năm 2017, 10 nền kinh tế hàng là: (1) Thụy Sĩ, dẫn đầu bảng xếp hạng năm thứ bảy liên tiếp, (2) Thụy Điển, (3) Hà Lan, (4) Hoa kỳ, (5) Anh, (6) Đan Mạch, (7) Singapo, (8) Phần Lan, (9) Đức và (10) Ai-len.

Cũng theo GII năm 2017, các nước Khu vực Đông Á có sự thăng hạng về chỉ số ĐMST, gồm: Nhật Bản thứ 14 (so với 16 năm 2016), Trung Quốc đã đạt vị trí 22, so với vị trí thứ 25 năm 2016. Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình đầu tiên trong top 25.

 

Top 10 GII 2017

  1. Thụy Sĩ (Số 1 năm 2016)
  2. Thụy Điển (2)
  3. Hà Lan (9)
  4. Hoa Kỳ (4)
  5. Anh (3)
  6. Đan Mạch (8)
  7. Singapo (6)
  8. Phần Lan (5)
  9. Đức (10)
  10. Ai-len (7)

Một nhóm các nước có thu nhập trung bình và có thu nhập thấp có năng lực ĐMST tốt hơn đáng kể so với mức phát triển hiện tại của họ: Tổng cộng 17 nền kinh tế trong diện này, bao gồm những nước đạt được thành tựu đổi mới trong năm nay, tăng nhẹ từ năm 2016.

Bên cạnh các cường quốc đổi mới như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, một nhóm các nền kinh tế châu Á bao gồm Inđônêxia, Malaysia, Singapo, Thái Lan, Philippin, đặc biệt là Việt Nam đang tích cực làm việc để cải thiện hệ sinh thái ĐMST và xếp hạng cao trong một số chỉ số quan trọng liên quan đến giáo dục, R&D, tăng năng suất, xuất khẩu công nghệ cao.

 

Về chỉ số ĐMST 2017 của Việt Nam

Trong GII 2017, Việt Nam đứng thứ 47/127 nước và vùng lãnh thổ được xếp hạng, tăng 12 bậc so với năm 2016 (năm 2016, Việt Nam đứng thứ 59 thế giới, năm 2015 đạt vị trí 52, năm 2014 thứ 71 và năm 2013 thứ 76). Bên cạnh đó, xét về hiệu quả ĐMST, Việt Nam đứng thứ 10 thế giới (năm 2016 đứng thứ 11 thế giới, năm 2015 đứng thứ 9 thế giới, năm 2014 thứ 5 và năm 2013 thứ 17).

 

Bảng 1: So sánh thứ hạng các tiểu chỉ số ĐMST của Việt Nam qua các năm 2013, 2014, 2015,  2016 và 2017

 

2013

2014

2015

2016

2017

(vị trí từng tiểu chỉ số/141 nước và vùng lãnh thổ)

(vị trí từng tiểu chỉ số/128 nước và vùng lãnh thổ)

(vị trí từng tiểu chỉ số/127 nước và vùng lãnh thổ)

Nhóm tiểu chỉ số đầu vào của ĐMST

89

100

78

79

71

1. Thể chế/Tổ chức

122

121

101

93

87

2. Nguồn nhân lực, nghiên cứu

98

89

78

74

70

3. Cơ sở hạ tầng

80

99

88

90

77

4. Trình độ phát triển của thị trường

73

92

67

64

34

5. Trình độ phát triển kinh doanh

67

59

40

72

73

Nhóm tiểu chỉ số đầu ra của ĐMST

54

47

39

42

38

6. Đầu ra công nghệ và tri thức

51

49

28

39

28

7. Đầu ra sáng tạo

66

58

62

52

52

Tỷ lệ hiệu quả ĐMST

17

5

9

11

10

Chỉ số ĐMST

76

71

52

59

47

Nguồn: GCI 2013, 2014, 2015, 2016 và 2017, WIPO

 

Phân tích Bảng 1, chúng ta có thể thấy: Sở dĩ năm 2017, Việt Nam có sự tăng bậc khá ấn tượng về chỉ số ĐMST so với năm 2016 là do có sự tăng bậc ở cả hai nhóm chỉ số đầu vào và đầu ra. Đặc biệt, trong 7 trụ cột của Việt Nam trong GII 2017, chỉ có trụ cột “Trình độ phát triển kinh doanh” là giảm 1 bậc (từ vị trí 72 xuống 73), “Đầu ra sáng tạo” là giữ nguyên vị trí, 5 trụ cột còn lại đều tăng bậc so với năm 2016, trong đó có những trụ cột tăng 30 bậc (trụ cột “Trình độ phát triển của thị trường”, từ vị trí 64 năm 2016 lên 34 năm 2017), tăng 11 bậc như “Đầu ra công nghệ và tri thức” (từ vị trí 39 lên 28), “Cơ sở hạ tầng” tăng 13 bậc (từ 90 lên 77). Dước đây là phân tích cụ thể về Nhóm tiểu chỉ số đầu vào và đầu ra của ĐMST Việt Nam năm 2017 và so sánh với năm 2016.

- Nhóm tiểu chỉ số đầu vào của ĐMST: Tăng 8 bậc, chủ yếu do các chỉ số sau tăng hạng: “Thể chế/Tổ chức” (từ 93 lên 87), “Nguồn nhân lực, nghiên cứu” (từ 74 lên 70), “Cơ sở hạ tầng” (từ 90 lên 77), “Trình độ phát triển thị trường” (từ 64 lên 34), “Trình độ phát triển kinh doanh” (từ 72 xuống 73), do yếu kém về đầu tư, đặc biệt là đầu tư mạo hiểm. Như vậy, nhóm tiểu chỉ số đầu vào của ĐMST của Việt Nam đã có những cải thiện rất đáng kể.

Có những chỉ số được cải thiện đáng kể, do các tổ chức có liên quan ở Việt Nam đã tích cực cập nhật thông tin cho các tổ chức quốc tế có liên quan mà từ đó WIPO lấy số liệu để xếp hạng. Chẳng hạn trong trụ cột “Nghiên cứu và phát triển” đã tăng 19 bậc (từ 99 năm 2016 lên 80 năm 2017), do số liệu về số lượng các nhà nghiên cứu (FTE)/triệu dân và số liệu đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) theo %GDP đã được Cục Thông tin KH&CN Quốc gia cập nhật và cung cấp cho UNESCO, các chỉ số này của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, trong đó chỉ số về số lượng các nhà nghiên cứu (FTE)/triệu dân đã vươn lên vị trí 58 và chỉ số đầu tư cho nghiên cứu và phát triển tăng bậc từ 89 năm 2016 lên 73 năm 2017 (tăng16 bậc).

Trong các tiểu chỉ số đầu vào của ĐMST của Việt Nam, WIPO đánh giá cao về các chỉ số: “Chi tiêu cho giáo dục (%GDP)” (đứng thứ 26/127 nước và vùng lãnh thổ), “Tổng tư bản hình thành (%GDP)” (đứng thứ 29/127), “Tín dụng” (17/127), “Tín dụng trong nước cho khu vực tư nhân” (22/127), “Vay tài chính vi mô (%GDP)” (12/127), “Hấp thu tri thức” (23/127), “Giá trị ròng về nhập khẩu công nghệ cao (% tổng giá trị thương mại)” (3/127), FDI (%GDP) (26/127).

- Nhóm tiểu chỉ số đầu ra của ĐMST: Tăng 4 bậc, do các chỉ số “Đầu ra công nghệ và tri thức” tăng hạng (từ 39 lên 28), nhờ có sự cải thiện về các tiểu chỉ số liên quan đến “Sáng tạo tri thức” (tăng 7 bậc, từ 80 lên 73, nhờ các chỉ số phụ tăng bậc như đăng ký sáng chế, số lượng công bố khoa học), “Tác động của tri thức” (tăng 20 bậc, từ 25 lên 5), xuất khẩu các dịch vụ công nghệ thông tin trên % tổng giá trị thương mại, “Tốc độ tăng năng suất lao động” (GDP/người lao động)…

Trong các tiểu chỉ số đầu ra của ĐMST của Việt Nam, WIPO đánh giá cao về các chỉ số: “Tác động của tri thức” (đứng thứ 5/127), “Phổ biến tri thức” (19/127), “Xuất khẩu công nghệ cao trừ đi tái xuất” (theo % tổng giá trị thương mại) (4/127), “Đăng ký nhãn hiệu theo nước theo nước xuất xứ/tỷ USD (PPP)” đứng thứ 20/127, “Xuất khẩu sản phẩm sáng tạo theo % tổng giá trị thương mại” (7/127).

Đặc biệt, chỉ số “Tốc độ tăng năng suất lao động” (GDP/người lao động) của Việt Nam đứng thứ 1/127 nước và vùng lãnh thổ. Đây là chỉ số đo lường tốc độ tăng năng suất lao động (được định nghĩa là sản lượng đầu ra trên một đơn vị đầu vào lao động). Bình quân GDP/lao động được tính bằng cách lấy GDP chia cho tổng số việc làm trong nền kinh tế.

Như vậy, năm 2017 Việt Nam có nhiều trụ cột và tiểu chỉ số được xếp hạng cao. Nhờ có sự cải thiện cả Nhóm tiểu chỉ số đầu vào và đầu ra của ĐMST, nên tỷ lệ hiệu quả ĐMST của Việt Nam cũng tăng bậc (từ 11 năm 2016 lên 10 năm 2017). Đây cũng là chỉ số có thứ hạng cao trong nhiều năm qua của Việt Nam.

Về chỉ số ĐMST của Việt Nam trong khu vực ASEAN: năm 2015, xếp hạng GII của Việt Nam đã nằm trong Top 3, đứng sau Singapo (thứ 7), Malaysia (thứ 32), nhưng trên Thái Lan (thứ 55). Tới năm 2016, Thái Lan đã vươn lên vị trí thứ 3 (nhờ tăng 3 bậc) và Việt Nam xuống vị trí thứ 4 (giảm 7 bậc). Tuy nhiên, năm 2017, Việt Nam đã lại vượt qua Thái Lan (thứ 51) để lấy lại vị trí thứ 3 của nước này.

Trong số các nước ASEAN được xếp hạng trong GII 2017, có 3 nước đã tụt hạng so với năm 2016 là Malaixia, Singapo và Campuchia. Trong khi đó, các nước còn lại, trừ Việt Nam, đều tăng nhẹ.

 

Bảng 2: Xếp hạng GII 2017 của các nước ASEAN được xếp hạng

STT

Các nước ASEAN được xếp hạng

2014

2015

2016

2017

1

Singapo

7

7

6

7

2

Malaixia

33

32

35

37

3

Việt Nam

71

52

59

47

4

Thái Lan

48

55

52

51

5

Philippin

100

83

74

73

6

Indonesia

87

97

88

87

7

Campuchia

106

91

95

101

 

Nguồn: GCI 2014, 2015, 2016, 2017, WIPO

 

Nhiều năm trước đây, Việt Nam vẫn ở trong thứ hạng trên 70 nhưng bắt đầu từ năm 2014 đã có chiều hướng tăng hạng. Nếu như năm 2013, chúng ta xếp hạng thứ 76,  năm 2014 tăng lên 71, năm 2015 tăng ngoạn mục lên 52 và năm 2016 là 59 và hiện nay là 47. Nếu Việt Nam tiếp tục cải thiện thể chế/tổ chức, cơ sở hạ tầng, đổi mới trong KH&CN, kể cả đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu, hệ thống quản lý, tiếp cận với kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế… thì thứ hạng của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng lên.

Theo đánh giá của WIPO, Việt Nam đang nỗ lực hướng tới phát triển hệ thống đổi mới quốc gia của mình bằng cách cải thiện khuôn khổ pháp lý và xây dựng thể chế. Hội nhập thương mại toàn cầu thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu và thu hút FDI đang tạo ra cơ hội cho Việt Nam học hỏi và phát triển nhanh. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có nhiều tiến bộ về hấp thụ tri thức, công nghệ, liên kết đổi mới (thông qua các cụm). Những cải thiện trong các yếu tố đầu vào và kết quả đầu ra, như thể hiện bởi năng suất lao động cao hơn và cải thiện chất lượng sản xuất thông qua các chứng nhận ISO.

Tiến bộ của Việt Nam ở hầu hết các trụ cột của GII 2017 được nhìn nhận là kết quả cả quá trình phát triển những năm qua. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực ĐMST. Từ năm 2014 và liên tiếp trong các năm 2015, 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với mục tiêu cụ thể gắn với các chỉ số đo đếm được theo những phương pháp chuẩn mực được thế giới công nhận.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, và trực tiếp tại Nghị quyết 19/NQ-CP là Phó Thủ Chính phủ Vũ Đức Đam, các bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong những năm vừa qua. Những kết quả này ngay lập tức được ghi nhận trong xếp hạng về đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam năm 2017.

Nghị quyết 19-2017/NQ-CP ngày 06/2/2017 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đã sử dụng 4 đánh giá xếp hạng toàn cầu: Đánh giá, xếp hạng về Mức độ thuận lợi kinh doanh của; Đánh giá, xếp hạng về Năng lực cạnh tranh quốc gia của WEF; Đánh giá, xếp hạng về Năng lực đổi mới sáng tạo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới; Đánh giá, xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc. Bằng Nghị quyết 19, lần đầu tiên Việt Nam định vị và đặt mục tiêu về chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia trong xếp hạng toàn cầu; đồng thời xây dựng và thực hiện hệ chính sách tương ứng theo thông lệ quốc tế. Chính phủ đã đặt mục tiêu cụ thể “Đến năm 2020, các chỉ số ĐMST (theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới – WIPO) đạt trung bình ASEAN 5”. Như vậy với xếp hạng GII 2017, mục tiêu này cho đến nay đã đạt được.

Năm 2017, Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ làm đầu mối hướng dẫn, phối hợp với các bộ ngành, địa phương nghiên cứu, sử dụng báo cáo hằng năm về GII để thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, được thể hiện thông qua việc cải thiện các chỉ số GII. Ngoài ra, ngay sau khi được giao nhiệm vụ cải thiện chỉ số GII, các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương vào cuộc, thực hiện ngay các biện pháp khả thi, trong đó phải kể đến việc nhanh chóng cập nhật các số liệu lạc hậu, thu thập và bổ sung một số số liệu còn thiếu, qua đó góp phần có được một đánh giá toàn diện, sát thực hơn về năng lực của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt nam qua các số đo và xếp hạng GII năm 2017./.

 

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 11119

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)