Thứ sáu, 02/06/2017 09:10 GMT+7

Nhà nước vẫn đặt hàng với công ty tư nhân

Làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) về đổi mới cơ chế với các đơn vị nghiên cứu KH&CN, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh tinh thần không được phân biệt đối xử với các đơn vị công lập hay dân lập, "nhà nước vẫn đặt hàng dịch vụ đối với các công ty cổ phần, tư nhân”.

|
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Thành Chung

 

Sáng 01/6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) đã làm việc với Bộ KH&CN. Cùng tham dự còn có Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, một số ủy ban của Quốc hội và các bộ, ngành Trung ương.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết buổi làm việc tại Bộ KH&CN cũng như tại các bộ, ngành địa phương khác sẽ giúp Chính phủ hoàn thành Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống ĐVSNCL để trình Trung ương cho ý kiến tại Hội nghị lần thứ 6, góp phần tạo căn cứ để Trung ương tiếp tục thảo luận Đề án cải cách tiền lương tại Hội nghị lần thứ 7.

Đơn vị KH&CN công lập: Nhiều, chồng chéo, phân tán nguồn lực

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết tới năm 2016, Bộ KH&CN có 76 ĐVSNCL hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm với tổng số 3.747 công chức, viên chức và người lao động. Trong số này, có 19 đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên, 29 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, 28 đơn vị do Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên.

Còn trên toàn quốc, tính đến 31/5/2016, cả nước có 1.432 tổ chức KH&CN công lập với tổng số nhân lực nghiên cứu thuộc khu vực công lập 139.531 người (trong tổng số nhân lực nghiên cứu của cả nước là 164.744 người).

Bộ KH&CN cho rằng số lượng tổ chức KH&CN như vậy là nhiều, chức năng, nhiệm vụ chồng chéo.

Giải thích rõ hơn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ- Bộ KH&CN Trần Đắc Hiến cho biết: “Với số lượng đơn vị và nhân lực như vậy là quá nhiều trong khả năng ngân sách Nhà nước cấp phát còn hạn chế. Ngoài 90% cơ cấu chi dành cho chi thường xuyên, chỉ còn gần 10% chi hoạt động NCKH thì khó tạo ra sản phẩm có chất lượng cao. Thêm vào đó, tính trung bình mỗi bộ, địa phương có 13 tổ chức khoa học cũng là nhiều”.

Về chồng chéo, trùng lặp nhiệm vụ, ông Hiến cho biết việc này diễn ra ở các cấp cơ quan bộ, ngành, địa phương nên nguồn lực bị phân tán, lãng phí. Cơ cấu phân bố đơn vị khoa học bất hợp lý khi chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TPHCM. Quy mô hoạt động của ĐVSNCL nhỏ khi ở địa phương có 3 trung tâm gồm: Trung tâm thông tin KH&CN, trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN, trung tâm tiêu chuẩn kỹ thuật đo lường chất lượng, mỗi trung tâm có trên 10 người.

Phân biệt công-tư

Theo Quyết định số 171/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch mạng lưới đơn vị KH&CN thì tới năm 2030 sẽ giảm 30% số lượng ĐVSNCL, tập trung ở các bộ, ngành là chủ yếu.

Cơ chế đổi mới quản lý của đơn vị KH&CN đã được ban hành cách đây 12 năm (Nghị định số 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ), được Bộ KH&CN đánh giá có tính đột phá, có nhiều quy định đổi mới mạnh mẽ trong việc giao quyền tự chủ về quản lý tài chính, tài sản, tổ chức bộ máy, nhân lực, hợp tác quốc tế cho tổ chức KH&CN công lập so với các đơn vị sự nghiệp trong các ngành, lĩnh vực khác.

Hai năm sau đó, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 80/2007/NĐ-CP về doanh nghiệp KH&CN.  Đến nay có khoảng 250 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.

Bên cạnh mặt tích cực, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết việc thực hiện cơ chế quản lý, cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN công lập còn một số tồn tại, vướng mắc. Cụ thể, sự thiếu đồng bộ, xung đột của các quy định trong hệ thống văn bản pháp luật hiện hành như: Tự chủ trong sử dụng đất để góp vốn, liên doanh, liên kết, sản xuất kinh doanh, thế chấp vay vốn ngân hàng khác với quy định của Luật Đất đai; tự chủ về nhân lực của tổ chức KH&CN chưa tự bảo đảm chi thường xuyên khác với quy định tại Luật Viên chức và Nghị định số 41/2012/NĐ-CP; việc bổ nhiệm, thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức KH&CN là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài khác với quy định tại Luật Cán bộ, công chức;...

Viện trưởng Viện nghiên cứu cơ khí (Bộ Công Thương) cho biết, những năm qua, hoạt động của Viện mang lại doanh thu từ 500-1.000 tỷ đồng/năm. Năm 2010, Viện cũng có chủ trương cổ phần hóa một số đơn vị thuộc Viện, nhưng cơ quan Nhà nước trả lời nếu cổ phần thì Nhà nước sẽ không giao nhiệm vụ, đặt hàng nghiên cứu nữa nên không thực hiện được cổ phần hóa. Tuy nhiên, Viện trưởng cho biết, nếu đơn vị thực hiện được tự chủ hoàn toàn kinh phí hoạt động và tổ chức bộ máy, kế hoạch thì đơn vị hoạt động vẫn tốt, không có bất cập.

Trong khi đó, Viện Nghiên cứu thử nghiệm khoa học nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng cơ chế mua sắm công, đầu tư công của Nhà nước có vai trò rất lớn trong việc phát triển các ĐVSNCL, bảo đảm tăng cường tính cạnh tranh, đổi mới hoạt động của các đơn vị nên Nhà nước cần quan tâm hơn nữa.



Ảnh: VGP/Thành Chung

 

Nêu địa chỉ cần sắp xếp, tổ chức lại hoạt động

Đề nghị Ban Chỉ đạo lưu ý, thảo luận để bổ sung hoàn thiện Đề án, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng: “Trong sắp xếp lại tổ chức ĐVSNCL, các bộ, ngành và địa phương phải tìm ra địa chỉ cụ thể, không nên chỉ đặt ra mục tiêu từng bước sắp xếp với các con số chung chung. Phải có tiêu chí để sắp xếp các đầu mối và biên chế, không thực hiện giảm hay tăng theo kiểu cơ học. Tương tự như vậy là nêu địa chỉ cụ thể ở các lĩnh vực, đơn vị có thể tự chủ được tài chính”.

Trước định hướng của Bộ KH&CN về việc chuyển các đơn vị nghiên cứu khoa học cơ bản sang các trường và đơn vị nghiên cứu ứng dụng sang các tập đoàn, doanh nghiệp, Trưởng Đoàn công tác gợi mở cho Bộ KH&CN, Ban Chỉ đạo nghiên cứu kỹ hơn việc một số trường đại học trên thế giới đã thành lập một hoặc nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khoa học trực thuộc trường và hoạt động rất hiệu quả.

Từ đó, Phó Thủ tướng cho rằng: “Không nên hiểu đổi mới, sắp xếp hoạt động của ĐVSNCL là dẹp bớt đi, đông người quá thì giảm bớt đi, mà là sắp xếp hợp lý. Cần giảm đầu mối, biên chế thì giảm, cần cơ cấu lại, tăng thì vẫn phải tăng, kể cả giải thể đơn vị để đạt mục tiêu cao nhất là nâng cao hiệu quả hoạt động. Vẫn có nơi thừa cán bộ quản lý nhưng lại thiếu cán bộ nghiên cứu khoa học”.

Lãnh đạo Chính phủ cũng chia sẻ với Bộ KH&CN về tìm cách phân loại, đánh giá xếp hạng các ĐVSNCL, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn hoạt động, kiểm tra thanh tra theo hướng tiền kiểm hay hậu kiểm chất lượng; gợi mở việc bàn thảo các vấn đề về cơ chế chủ quản của ĐVSNCL, cách thức tổ chức các ĐVSNCL tự chủ được mà không muốn chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo Nhà nước nghiên cứu, đánh giá việc thực hiện hành lang pháp lý hiện nay như Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, các nghị định liên quan của Chính phủ để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp, thực hiện tốt chức năng hiện có với tinh thần đổi mới mạnh mẽ các tổ chức KH&CN, tạo động lực trong nghiên cứu phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển kinh tế đất nước.

Phó Thủ tướng cho biết, Đề án cũng đặt ra việc nghiên cứu xây dựng cơ chế hợp đồng có thời hạn của viên chức tại cơ sở khoa học để một mặt, tinh giản bộ máy, biên chế, mặt khác tạo điều kiện nâng cao năng lực của bộ phận này.

Giải đáp băn khoăn của Viện Nghiên cứu cơ khí, Phó Thủ tướng cho biết trong tổ chức và thực hiện dịch vụ công, Nhà nước sẽ phải phân định rõ “công”, “tư”, nhưng không được phân biệt đối xử với các đơn vị sự nghiệp công lập hay dân lập. “Nhà nước vẫn đặt hàng dịch vụ đối với các công ty cổ phần, tư nhân”, Phó Thủ tướng nói.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định việc Trung ương thảo luận Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại ĐVSNCL là cơ hội để cho đơn vị KH&CN phát triển đột phá, thực sự đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế.

Bộ trưởng cho biết đây sẽ là nhiệm vụ quan trọng của Bộ trong thời gian tới, trong đó có các lĩnh vực, đơn vị cụ thể mà tư nhân có thể tham gia đầu tư thì phải đổi mới nhanh, mạnh mẽ hơn nữa. Trong thời gian tới, Nhà nước sẽ chỉ tập trung đầu tư vào các lĩnh vực đặc thù, nghiên cứu khoa học cơ bản và chỉ tiêu đo lường chất lượng…

Theo báo cáo chưa đầy đủ gần đây, cả nước có 3 tổ chức KH&CN tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (0,5%);  59 tổ chức tự bảo đảm chi thường xuyên (10%);  281 tổ chức tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (48,3%); 239 tổ chức do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (41,2%)

Liên kết nguồn tin: http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Nha-nuoc-van-dat-hang-voi-cong-ty-tu-nhan/307639.vgp

 

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

Lượt xem: 3420

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)