Thứ bảy, 22/04/2017 16:15 GMT+7

Tăng cường hoạt động Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng vùng Đồng bằng sông Hồng

Chiều 21/4, tại Ninh Bình, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức tọa đàm về hoạt động Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH).

Tham dự tọa đàm có Lãnh đạo Tổng cục TĐC; Lãnh đạo Vụ Phát triển KH&CN địa phương (Bộ KH&CN); Lãnh đạo Sở KH&CN phụ trách lĩnh vực TĐC; Lãnh đạo Chi cục TĐC và đại diện lãnh đạo các đơn vị, ban ngành có liên quan.

Tổng Cục trưởng Tổng cục TĐC Trần Văn Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương Trần Văn Quang, Phó Giám đốc Sở KH&CN Ninh Bình Nguyễn Văn Sỹ tham dự và chủ trì buổi tọa đàm.
 


Toàn cảnh buổi tọa đàm

 

Phát biểu tại tọa đàm, Tổng Cục trưởng Trần Văn Vinh cho biết, lĩnh vực TĐC là kiềng 3 chân dựa trên 3 bộ luật gồm: Tiêu chuẩn Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Luật Đo lường.

Đồng thời, cùng với 03 Quyết định của Chính phủ về năng suất chất lượng, Đề án nâng cao năng lực của Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN, Trung tâm kỹ thuật TĐC thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, việc áp dụng ISO vào hành chính công,... đã thúc đẩy hoạt động TĐC ở địa phương ngày càng phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội trong vùng.

“Buổi tọa đàm cũng là dịp để Tổng cục TĐC lắng nghe các ý kiến đóng góp, chia sẻ, đề xuất của các Sở KH&CN, Chi cục TĐC địa phương để đưa ra những giải pháp phù hợp với điều kiện của vùng”, Tổng Cục trưởng Trần Văn Vinh bày tỏ.
 


Tổng Cục trưởng Trần Văn Vinh phát biểu tại buổi tọa đàm

 

Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch - Tài chính (TĐC), giai đoạn 2014 – 2017 tại các Chi cục, hoạt động quản lý tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật tiếp tục được thực hiện, hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp tăng cường hoạt động tiêu chuẩn hoá, chú trọng xây dựng tiêu chuẩn cơ sở (TCCS), công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp chuẩn, đăng ký mã số mã vạch theo Luật tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật và các văn bản hiện hành.

Giai đoạn 2014 – 2017, các Chi cục đã hướng dẫn cho 672 cơ sở, doanh nghiệp xây dựng 1.051 TCCS; 501 cơ sở, doanh nghiệp công bố tiêu chuẩn áp dụng cho 741 loại sản phẩm hàng hóa; tiếp nhận 559 hồ sơ công bố hợp chuẩn; tổ chức 160 cuộc phổ biến 240 TCVN; hướng dẫn 280 doanh nghiệp áp dụng mã số mã vạch.

Về hoạt động quản lý quy chuẩn kỹ thuật, các Chi cục tiếp tục tiếp nhận các thông báo công bố hợp quy của các cơ sở, doanh nghiệp. Giai đoạn 2014 - 2017, các Chi cục đã tiếp nhận 773 hồ sơ công bố hợp quy của các cơ sở, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó là hoạt động triển khai xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước tại các địa phương.

Tính đến nay đã có 11/11 tỉnh, thành phố đã phê duyệt kế hoạch triển khai xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008; 480/506 số cơ quan đã công bố áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008. Điều này đã góp phần tích cực trong việc thực hiện cơ chế “một cửa – một liên thông” theo quy định của Chính phủ, là công cụ hỗ trợ đắc lực phục vụ công tác cải cách hành chính đối với các cơ quan hành chính giai đoạn hiện nay.

Đối với hoạt động Giải thưởng chất lượng quốc gia (GTCLQG), giai đoạn 2014 - 2016, các Chi cục đã vận động, hướng dẫn, đào tạo, tập huấn cho 794 lượt doanh nghiệp tham gia GTCLQG. Kết quả đã có 48 doanh nghiệp đạt GTCLQG, trong đó có 17 doanh nghiệp đã đạt Giải vàng, 03 doanh nghiệp đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương. Trong tổng số này, 17 doanh nghiệp được tôn vinh khen thưởng tại địa phương sau khi đạt GTCLQG.

Ngoài ra, còn có các hoạt động hỏi đáp, thông báo về hàng rào kỹ thuật thương mại (TBT); hoạt động thanh tra, kiểm tra đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hoạt động đo lường thử nghiệm,...

Các đại biểu tại buổi toạ đàm đã đưa ra nhiều chia sẻ, ý kiến đóng góp liên quan đến một số hoạt động như: hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất  lượng (Chương trình 712); vấn đề nâng cao năng lực kỹ thuật cho các Chi cục; vấn đề dán tem cột đồng hồ công tơ tổng cột đo xăng dầu; tạo cơ chế, sửa đổi, khuyến khích triển khai các chương trình liên quan đến hoạt động TĐC,...

Phát biểu kết thúc buổi toạ đàm, Tổng Cục trưởng Trần Văn Vinh ghi nhận những thành tựu về hoạt động TĐC thời gian qua. Ông Trần Văn Vinh cũng đã chỉ ra một số hạn chế nhất định như: việc triển khai, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tại các địa phương; công tác GTCLQG; Chương trình 712; trang bị thiết bị kiểm tra đặc thù về đo lường trong kinh doanh xăng dầu,... chưa được như kỳ vọng.

Ông Trần Văn Vinh bày tỏ mong muốn các địa phương tiếp tục chung tay thúc đẩy các hoạt động TĐC nhằm đóng góp nhiều hơn nữa trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng thời gian tới.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KH&CN

Lượt xem: 2474

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)