Thứ ba, 28/03/2017 16:14 GMT+7

Sinh viên Đà Nẵng với sản phẩm để người chăn nuôi đỡ vất vả

Dự án máng ăn tự động dùng cho chăn nuôi lợn đoạt giải Ba tại cuộc thi "Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên toàn quốc 2016", được đánh giá giàu tiềm năng, dễ ứng dụng, nếu được đầu tư tốt sẽ giúp nông dân đạt hiệu quả cao hơn trong chăn nuôi.


(Phạm Minh Công cho biết, mong muốn của em là tạo ra một sản phẩm hữu ích để người nông dân đỡ vất vả, lại tăng năng suất trong chăn nuôi. Ảnh: VGP/Lưu Hương)

 

Vừa trở về từ cuộc thi, Phạm Minh Công (sinh viên Khoa Điện, Đại học Bách khoa Đà Nẵng) phấn khởi khoe: “Dự án của em đoạt giải Ba Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên toàn quốc và em cũng là người duy nhất ở khu vực miền Trung nhận được giải thưởng này”.

Chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp “độc đáo” này, Phạm Minh Công chia sẻ: Từ nhỏ em đã phụ giúp gia đình nuôi heo, tăng gia sản xuất. Ban đầu gia đình em sản xuất nhỏ, nên chỉ áp dụng phương pháp thủ công. Sau này khi mở rộng chăn nuôi, em nhận thấy, nếu vẫn chỉ áp dụng phương pháp thủ công thì rất vất vả, tốn thời gian, hiệu quả lại không cao. Chính vì vậy, em bắt đầu suy nghĩ đến việc sẽ tạo một dụng cụ có thể tự cho heo ăn được mỗi bữa, ăn đúng số lượng cần…

Ý tưởng hình thành từ năm 2012, nhưng phải đến năm 2016, Công mới nghiên cứu cụ thể và hoàn thiện dự án.

Phạm Minh Công cho biết, may mắn là vào thời điểm mới hoàn thành sản phẩm, Công đọc trên mạng và biết sắp tới sẽ có cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp dành cho các bạn trẻ tại TPHCM và em đã quyết định mang sản phẩm của mình tham gia cuộc thi.

“Tham gia cuộc thi, em chỉ mong được ban tổ chức đánh giá hiệu quả của máy để mang về ứng dụng cho gia đình. Nhưng bất ngờ là dự án được đánh giá cao, nên đã thôi thúc em tiếp tục tạo ra một sản phẩm tốt để ứng dụng rộng rãi cho bà con nông dân trong chăn nuôi”, Phạm Minh Công tâm sự.

Sau cuộc thi, cậu sinh viên năm thứ tư Khoa Điện về quê tìm hiểu nhu cầu của các hộ chăn nuôi, làm trang trại. Qua trao đổi, Công nhận thấy người nông dân dù ở đâu cũng đều có nhu cầu chuyển đổi lao động từ chân tay sang máy móc. Nhận thấy đây là ý tưởng nhiều triển vọng, Công chính thức phát triển dự án của mình.

Máng ăn tự động cho heo gồm 2 phần chính là cơ khí và điều khiển, trong đó phần cơ khí gồm bồn chứa thức ăn và máng cho heo ăn. Phần điều khiển là kiểm soát phần cơ khí để thực hiện các nhiệm vụ: Xả đúng khối lượng heo cần, xả đúng thời gian con người cần và phần để chỉ cần nhìn vào máy người nông dân có thể biết máng đang ở tình trạng nào.

Để người nông dân dễ sử dụng, phần giao diện và cách sử dụng thiết bị được tạo rất đơn giản: Chỉ cần nhập vào 4 thông số là số bữa ăn, số cân thức ăn, thời gian ăn đầu tiên và thời gian ăn cách nhau là máy tự động đến giờ sẽ làm việc.

Hiện dự án đã được triển khai ở một số trang trại tại Quảng Nam và thu được kết quả khá tốt.

Với ước mơ thay đổi tập quán sản xuất của người nông dân, chàng sinh viên trẻ này cho biết sẽ tiếp tục lên ý tưởng để hoàn thiện phiên bản cao hơn hướng đến phục vụ cho các trang trại lớn, các doanh nghiệp nuôi gia công để họ có thể theo dõi, giám sát từ xa mà không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đàn gia súc.


(Phạm Minh Công bên sản phẩm máng ăn tự động cho heo. Ảnh: VGP/Lưu Hương)

 

Phạm Minh Công tâm sự, do khởi nghiệp ở độ tuổi còn trẻ, lại ở lĩnh vực mới mẻ, nên em gặp không ít khó khăn. Ngoài khó khăn về kinh tế, thì khó khăn lớn nhất chính là làm sao để biến ý tưởng thành sản phẩm hoàn thiện và được đánh giá cao khi ứng dụng vào cuộc sống.

“Ban đầu, khi chia sẻ ý tưởng làm máng heo tự động, em hầu như không nhận được sự ủng hộ nào, nhưng em vẫn quyết tâm làm. Trong quá trình nghiên cứu, chế tạo, đôi lúc cũng nản lòng, nhưng cứ nghĩ tới nếu dự án thành công, bố mẹ em cũng như người chăn nuôi đỡ vất vả, em bèn xốc lại tinh thần”, Công cười và cho biết thêm, chính sự đam mê, kiên trì và tin tưởng dự án sẽ mang hiệu quả nên em vẫn tiếp tục con đường khởi nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi.

Mới đây, Công cùng với hai người bạn thành lập Công ty cổ phần sản xuất thương mại thiết bị tự động SE nhằm hướng tới việc cung ứng sản phẩm ra thị trường một cách quy củ và tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Hiện dự án máng ăn tự động cho heo đã được chọn ươm tạo tại Vườn ươm doanh nghiệp TP. Đà Nẵng. Khi được hỗ trợ về tư vấn pháp lý, đào tạo các kỹ năng, định hướng cần thiết về đầu tư, kinh doanh… dự án này chắc chắn sẽ vươn cao, vươn xa hơn.

Trước đó, dự án máng ăn tự động cho heo đã đạt giải Nhì cuộc thi Dự án khởi nghiệp do Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ kinh doanh BSA (thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam) tổ chức.

Ngoài ra dự án còn lọt vào top 30 dự án xuất sắc tham dự cuộc thi “TECHFEST 2016” do Bộ KH&CN tổ chức, TOP 100 dự án khởi nghiệp tiêu biểu của cả nước do chương trình truyền hình thực tế  “Shark Tank Việt Nam” lựa chọn…

(Liên kết nguồn tin: http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Sinh-vien-Da-Nang-voi-san-pham-de-nguoi-chan-nuoi-do-vat-va/301624.vgp)

 

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

Lượt xem: 3110

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)