Thứ tư, 22/02/2017 08:48 GMT+7
Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen cây bông và cây có sợi
Trong các loài cây trồng lấy sợi ở Việt Nam, có thể nói bông và kế đến là gai xanh là 2 loại cây có lịch sử trồng trọt lâu đời, trong đó, theo ghi nhận của nhiều tài liệu, bông có lịch sử gieo trồng hơn 4.000 năm và gai hơn 2.500 năm. Trong quá trình phát triển sản xuất, để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của công tác tạo giống, thu thập bảo quản nguồn gen cây có sợi ngày càng được chú trọng, đặc biệt là cây bông. Năng suất bông bình quân cả nước thấp (440-460 kg xơ/ha) và tăng chậm. Hơn nữa, chi phí sản xuất cao, ước tính 11-12 tiệu đồng/ha (570-460 kg xơ/ha). Trung bình chi phí khoảng 1,1 USD/1 kg xơ, thuộc nhóm nước có chi phí sản xuất cao nhất và đang có xu hướng tăng theo giá cả vật tư, nhân công… Chính vì thế, các đơn vị sản xuất khó có thể áp dụng biện pháp tăng giá mua để kích thích người trồng, đồng thời, hiệu quả sản xuất bông thấp, rủi ro cao, cây bông mất ưu thế cạnh tranh so với cây trồng khác. Hơn nữa, một trong những hạn chế năng suất bông Việt Nam và làm tăng chi phí đầu vào là sâu hại (sâu đục quả, chích hút) và bệnh hại (như đốm lá, phấn trắng…) phổ biến ở các vùng.
Từ thực tế trên, năm 2015, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố do ThS. Đặng Minh Tâm dẫn đầu, đã thực hiện đề tài “Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen cây bông và cây có sợi” nhằm bảo tồn an toàn nguồn gen hiện có; tiếp tục sưu tầm, tuyển chọn, bảo tồn an toàn các mẫu giống cây bông và cây có sợi (gai xanh, dứa sợi) mới có nguồn gen quý phục vụ nhu cầu nguyên liệu, sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế ngành Dệt may kết hợp bảo tồn đa dạng sinh học thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công thương.
Đề tài đã tiến hành triển khai được một số kết quả cụ thể như sau:
- Đã tiến hành thu thập và nhập nội được 26 mẫu giống bông thuộc loài bông Luồi và 5 mẫu giống gai xanh thuộc loài gai trắng, đạt yêu cầu so với thuyết minh.
- Bảo tồn an toàn các nguồn gen hiện có bằng các phương pháp hợp lý như:
+ Xây dựng được vườn duy trì nguồn gen gai xanh diện tích 0,37 ha và trồng lưu giữ cho 31 mẫu gai xanh hiện có và 5 mẫu mới thu thập; nguồn gen cây dứa sợi diện tích 0,1 ha trồng lưu giữ cho 5 mẫu giống dứa sợi hiện có.
+ Bảo quản an toàn nguồn gen hạt cho 2.259 mẫu giống bông trong điều kiện kho lạnh ngắn hạn, nhân và đưa bảo quản cho 26 mẫu giống bông mới thu thập.
+ Nhân duy trì và tái tạo hạt cho 200 mẫu giống bông có biểu hiện suy giảm tỷ lệ nảy mầm.
- Đã triển khai phục vụ tráng cho 2 mẫu giống bông di thực lâu năm là: VN36P và TL00-35 và đã thu được 85 cây đầu dòng cung cấp cho quá trình phục vụ tráng vụ sau.
- Tiến hành đánh giá sơ bộ, chi tiết và tư liệu hóa cho:
+ 40 giống bông/35 chỉ tiêu và đã xác định được 11 mẫu giống có thời gian sinh trưởng ngắn (≤ 95 ngày), 4 mẫu giống có khả năng kháng rầy tốt (≥ cấp 2), 8 mẫu giống có khả năng chống chịu sâu xanh đục quả cao (> 10%)…
+ 5 mẫu giống gai xanh/20 chỉ tiêu và đã xác định được mẫu giống BT1 có nhiều đặc tính quý nổi trội hơn 4 mẫu giống còn lại.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 12277/2016) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Nguồn: N.P.D (NASATI)
Lượt xem: 1458