Thứ sáu, 17/02/2017 10:11 GMT+7

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc: Hình mẫu của nền kinh tế Việt Nam thu nhỏ trong tương lai

Năm 2017, Hà Nội phải phối hợp với Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc giải quyết dứt điểm vấn đề giải phóng mặt bằng. Để đáp ứng giai đoạn phát triển tăng tốc của Khu, sẽ sớm có Nghị định về Khu CNC Hòa Lạc.

Đó là những chỉ đạo cụ thể của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong buổi làm việc với Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc sáng ngày 16/2/2017. Buổi thăm và làm việc có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ, ngành. Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và Thứ trưởng kiêm Trưởng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc Phạm Đại Dương.

Đây là dịp để Lãnh đạo Bộ KH&CN, Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc báo cáo với Thủ tướng và các bộ, ngành về những điểm đã làm được cũng như những khó khăn cần tháo gỡ để Khu CNC Hòa Lạc đẩy mạnh thu hút đầu tư trong thời gian tới.
 


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc


Xây dựng Khu CNC Hòa Lạc thành một thành phố KH&CN

Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KH&CN, Trưởng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc Phạm Đại Dương cho biết: Từ năm 2005, Ban Quản lý đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho tổng số 95 dự án. Trong quá trình triển khai hoạt động, Ban Quản lý đã tiến hành rà soát và tổ chức thu hồi 17 giấy chứng nhận đầu tư do không đáp ứng được các tiêu chí về công nghệ, tiến độ thực hiện dự án như đăng ký ban đầu. Như vậy, đến nay, tại Khu CNC Hòa Lạc có 78 dự án đầu tư còn hiệu lực (trong đó có 09 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, 10 viện nghiên cứu và 03 trường đại học) với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 60.019 tỷ đồng trên tổng diện tích 346,5 ha thuộc các lĩnh vực CNC, đào tạo, thương mại dịch vụ và hạ tầng xã hội. Tính riêng trong năm 2016, Ban Quản lý đã thu hút được 09 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký là 4.330,4 tỷ đồng trên diện tích đất là 15,2 ha. So với suất đầu tư bình quân tại các năm trước đây khoảng 7-10 triệu USD/1ha, suất đầu tư trên 1ha , năm 2016 đã tăng lên thành 13,1 triệu USD. Ban Quản lý đang đặt kế hoạch để nâng suất đầu tư bình quân trong năm 2017 sẽ đạt trên 15 triệu USD/ha, và tiến tới đạt mức tương đương với một số khu khoa học thành công trong khu vực.

Thứ trưởng Phạm Đại Dương cũng cho biết, sau một thời gian triển khai xây dựng, Khu CNC Hòa Lạc đã đạt được một số kết quả nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế do những nguyên nhân khách quan và chủ quan như: công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), cho đến nay Khu CNC Hòa Lạc vẫn còn 243 ha chưa GPMB; hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung thiếu đồng bộ do ngân sách nhà nước không thể đáp ứng được tổng số vốn đầu tư lớn trong một thời gian ngắn và tình trạng GPMB “xôi đỗ”, không liền khoảnh. Bên cạnh đó, nguồn vốn cho đầu tư xây dựng hạ tầng và GPMB bị cắt giảm. Sau nhiều lần cắt giảm, kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn ngân sách trong nước trung hạn 2016-2020 dự kiến được phân bổ là 551.610 triệu đồng, mới đáp ứng được 11,75% nhu cầu vốn trong nước. Đặc biệt là năm 2017, Ban Quản lý chỉ được bố trí vốn đối ứng cho dự án ODA mà chưa bố trí vốn cho công tác GPMB, tái định cư và xây dựng các công trình hạ tầng dở dang. Cuối cùng là cơ chế chính sách. Các hoạt động của Khu CNC được điều chỉnh theo Nghị định 99/2003/NĐ-CP ngày 28/8/2003 về quy chế khu CNC. Hiện nay các Luật Đầu tư, Đất đai, Xây dựng... và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng đã điều chỉnh một số hoạt động của Khu CNC, tuy nhiên một số quy định tại các văn bản này lại chưa phù hợp với thực tế về mô hình, tính chất của Khu CNC.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và nhà đầu tư cũng đóng góp nhiều ý kiến để tháo gỡ khó khăn cho Hòa Lạc. Tựu chung, các ý kiến đều cho rằng Khu CNC Hòa Lạc không chỉ phải giải bài toán hạ tầng cơ sở mà còn cả hạ tầng xã hội. Đó là việc phát triển bệnh viện, trường học, nhà ở... để Hòa Lạc thực sự là thành phố CNC, chứ không thể làm công nghệ ở nơi đồng không mông quạnh. 
 


Thủ tướng tham quan Nhà máy điện tử số 2 của Công ty VNPT Technology


Thủ tướng đánh giá cao báo cáo của Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc đã bám sát mục tiêu, không bị lạc đề. Đó là xây dựng Khu CNC Hòa Lạc thành một thành phố KH&CN; một đô thị sinh thái và thông minh; là nơi tập trung, liên kết hoạt động đào tạo nhân lực CNC; nghiên cứu và phát triển CNC; ươm tạo CNC, ươm tạo doanh nghiệp CNC; ứng dụng, chuyển giao CNC; sản xuất và kinh doanh sản phẩm CNC; cung ứng dịch vụ CNC. Đến nay, Khu CNC Hòa Lạc đã đạt một số kết quả nhất định, đã dần có một hình hài của khu CNC.

Giải phóng mặt bằng xong trong năm 2017

Thủ tướng cũng chỉ đạo, các bộ, ngành cần coi trọng và phát triển Khu CNC Hòa Lạc là dự án trọng điểm, cần ưu tiên nguồn vốn và thường xuyên làm việc kiểm tra, giám sát để kịp thời tháo gỡ, động viên, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà khoa học ở Hòa Lạc tìm kiếm, có phát hiện đột phá về khoa học. Ông khẳng định: Sáu tháng một lần, Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng xuống đây để họp một lần về quá trình tháo gỡ khó khăn cho Hòa Lạc. Ông cũng khẳng định quan điểm: Khu CNC Hòa Lạc không chỉ đơn thuần là một khu công nghiệp về công nghệ mà là một hình mẫu của nền kinh tế Việt Nam thu nhỏ trong tương lai, trong đó các thực thể kinh tế hoạt động dựa trên nền tảng CNC, đi đầu trong việc nghiên cứu và ứng dụng các thành quả của KH&CN, lấy sáng tạo làm động lực phát triển.

Cũng tại buổi làm việc, vấn đề GPMB- vướng mắc nổi cộm của Khu CNC Hòa Lạc được Thủ tướng kiên quyết chỉ đạo: TP. Hà Nội cùng với Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc phải GPMB xong trong năm 2017, “không để kéo dài sang tuổi thứ 21”. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng phương án bổ sung đủ vốn để GPMB và tiến tới hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật Khu CNC Hòa Lạc.

TP. Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ, “coi như nhà mình có việc”, cần xắn tay áo vào làm, như xây khu tái định cư, vận động nhân dân, xây dựng hệ thống bên ngoài Khu CNC như điện, nước, đường giao thông. Thủ tướng lưu ý Thành phố mở tuyến xe buýt đến Khu CNC, tạo điều kiện cho công nhân đi làm, không để doanh nghiệp phải bỏ ra 30 tỷ đồng để làm việc này.
 


Thủ tướng xem mô hình quy hoạch Làng CNC Hòa Lạc


Hà Nội phối hợp với Khu CNC Hòa Lạc xây dựng nơi đây thành trung tâm khởi nghiệp, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học để phục vụ phát triển lâu dài; phối hợp xúc tiến đầu tư.

Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ ủng hộ chủ trương ưu tiên tập trung nguồn lực từ nguồn vốn KH&CN để phát triển nhanh tiềm lực KH&CN tại Khu CNC Hòa Lạc, trước mắt tập trung đầu tư phát triển khu nghiên cứu và triển khai. Thủ tướng đồng ý việc Khu CNC Hòa Lạc phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng để xúc tiến đầu tư cấp Chính phủ vào Khu CNC.

Về cơ chế chính sách, Thủ tướng cho biết sẽ sớm ban hành Nghị định, tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển của Khu CNC Hòa Lạc.

Thủ tướng lưu ý công tác quản lý quy hoạch, quản lý môi trường trong Khu CNC Hòa Lạc để nơi đây thực sự là trung tâm CNC trong thời đại mới, của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xanh, sạch, phát triển bền vững, thành phố đáng sống để sáng tạo KH&CN.
 


Thủ tướng và các các đại biểu tham dự lễ trồng cây lưu niệm tại Khu CNC Hòa Lạc

 

Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc đề xuất một số giải pháp với Thủ tướng Chính phủ:

Một là: Đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành công tác GPMB, hoàn thiện đồng bộ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, có phương án sử dụng và vận hành hạ tầng hiệu quả, nghiên cứu phương án kết nối và sử dụng chung hạ tầng của Khu CNC với các khu vực lân cận nhằm phát huy hiệu quả đầu tư.

Hai là: Ban hành các cơ chế chính sách phù hợp với đặc thù về mô hình, tính chất và quy mô phát triển của Khu CNC Hòa Lạc để tháo gỡ những khó khăn, tạo đà cho sự bứt phá.

Ba là: Chủ động xây dựng và triển khai chiến lược thu hút đầu tư linh hoạt phù hợp với từng thời kỳ và đẩy mạnh phát triển tiềm lực KH&CN bám sát mục tiêu của Khu CNC Hòa Lạc “phát triển thành một thành phố KH&CN, một đô thị sinh thái và thông minh”.


 

 

Nguồn: Nhóm PV, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 2343

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)