Thứ bảy, 11/02/2017 23:07 GMT+7
Tạo mọi thuận lợi để kiều bào đóng góp cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) sẽ tạo môi trường thuận lợi nhất để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong nước, mời chuyên gia trí thức Người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm giải quyết các nhiệm vụ thiết thực của đất nước.
Khẳng định tầm quan trọng của kiều bào, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đã nhấn mạnh tại Chương trình gặp gỡ thân mật chuyên gia trí thức kiều bào Xuân Đinh Dậu và Hội thảo “Kết nối và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2017” vừa diễn ra tại Tp. Hồ Chí Minh ngày 08 - 09/02/2017.
Sự kiện do Bộ KH&CN, Bộ Ngoại giao, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Hội Liên lạc với NVNONN đồng tổ chức.
Theo Thứ trưởng, trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ quan trọng trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, việc thu hút, khơi dậy hơn nữa nhiệt huyết, trí tuệ của cộng đồng người Việt Nam trên toàn cầu, đặc biệt là các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ, các doanh nhân đầu tư trong mọi lĩnh vực, nhất là trong KH&CN và đổi mới sáng tạo nhằm phát huy tối đa sức mạnh toàn dân tộc sớm đưa Việt Nam trở thành đất nước hiện đại phát triển bền vững là quyết tâm, ý chí của Đảng, Chính phủ và của tất cả chúng ta. Nguồn tri thức này kết hợp với nguồn tri thức trong nước sẽ là một nguồn lực quan trọng để thường xuyên hỗ trợ Chính phủ trong tư vấn chính sách, đặc biệt chia sẻ thông tin và tham mưu cho Chính phủ trong hoạch định chính sách về KH&CN. Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã dành một phần rất quan trọng đề ra nhiệm vụ cho cả hệ thống chính trị, các Bộ ngành và địa phương thực hiện nhiệm vụ xây dựng, hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2016-2020.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng khẳng định vai trò, tầm quan trọng của NVNONN
Năm 2016 cũng là năm đánh dấu bước khởi phát quan trọng trong trào lưu hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam với hơn 110.000 doanh nghiệp mới thành lập, tăng kỷ lục và quy mô vốn tăng 48%. Điều quan trọng cần nhấn mạnh là chất lượng doanh nghiệp Việt khởi nghiệp trong năm qua cũng được tăng lên, với ngày càng nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, khai thác tài sản trí tuệ hay mô hình kinh doanh mới, Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng cũng cho biết, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thu hút và phát huy sự đóng góp của đội ngũ chuyên gia, trí thức kiều bào trong sự nghiệp khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, năm 2016, Bộ KH&CN đã triển khai nhiều sáng kiến và đã thu được một số kết quả ban đầu, ví dụ thông qua tiểu hợp phần “Chuyên gia giỏi nước ngoài về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó có NVNONN” thuộc Dự án Đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ (Dự án FIRST) do Ngân hàng Thế giới tài trợ, đã kết nối được trên 540 chuyên gia giỏi nước ngoài, trong đó có khoảng 250 chuyên gia, trí thức kiều bào đang làm việc và hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp trong cả nước.
Trong năm 2017 và các năm tiếp theo, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành hữu quan thực hiện tốt chính sách thu hút, trọng dụng, kết nối chuyên gia trí thức kiều bào ở trong nước và nước ngoài nhằm tăng cường việc chia sẻ tri thức hiện đại, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, chuyển giao công nghệ và đề xuất các ý tưởng, sáng kiến, chính sách cụ thể thúc đẩy phát triển đất nước. Bộ KH&CN sẽ tạo môi trường thuận lợi nhất để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong nước, mời chuyên gia trí thức NVNONN tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm giải quyết các nhiệm vụ thiết thực của đất nước, TS. Trần Văn Tùng nhấn mạnh.
Nguồn: Hạnh Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN
Lượt xem: 1644