Thứ tư, 08/02/2017 16:31 GMT+7

Thứ trưởng Trần Việt Thanh tham dự Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ chủ trì tại thành phố Cà Mau

Ngày 06/02/2017, tại Thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam. Thứ trưởng Trần Việt Thanh và Lãnh đạo Vụ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) các ngành kinh tế - kỹ thuật đã tham dự Hội nghị.
Thủ tưởng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận Hội nghị


Nhằm phát triển ngành nuôi tôm Việt Nam thành ngành kinh tế mũi nhọn, đứng đầu thế giới về xuất khẩu tôm, phấn đấu đến năm 2025 đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị với sự tham gia của Lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, KH&CN, Công thương, Ngân hàng Nhà nước, Lãnh đạo một số tỉnh trọng điểm về tôm như Cà Mau, Bạc Liêu v.v. các doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản như tập đoàn Minh Phú, Tập đoàn Việt Úc, Công ty Thông Thuận, Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Huy Thuận v.v. và một số tổ chức KH&CN.

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, tất cả các doanh nghiệp, các Bộ, ngành, các địa phương đều đánh giá rất cao vai trò của KH&CN đối với sự phát triển của ngành tôm, trong đó tập trung vào các khâu nghiên cứu chọn tạo, gia hóa tôm giống bố, mẹ, sản xuất tôm giống và thức ăn, công nghệ nuôi, công nghệ chế biến, quản lý môi trường và dịch bệnh v.v.. Thông qua các Chương trình KH&CN, các đề tài/dự án, cho đến nay chúng ta đã làm chủ được công nghệ sản xuất giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng phục vụ nhu cầu trong nước, đã nghiên cứu và xây dựng được các quy trình nuôi, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả và phù hợp với lợi thế của vùng miền và khả năng đầu tư của người nuôi…. Bước đầu đã chọn tạo được giống tôm thẻ, tôm sú bố mẹ tăng trưởng nhanh, sức chống chịu tốt, sạch bệnh, tuy nhiên vấn đề sản xuất tôm giống bố mẹ kháng bệnh còn gặp nhiều khó khăn, cần được tiếp tục đầu tư nghiên cứu. Thức ăn nuôi tôm chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất tôm thương phẩm (chiếm khoảng 55-65%), tuy nhiên cho đến nay chúng ta gần như lệ thuộc hoàn toàn vào các công ty nước ngoài, giá thành đắt, vì vậy vấn đề đặt ra trong thời gian tới cần đầu tư nghiên cứu sản xuất thức ăn có giá thành phù hợp thông qua việc sử dụng nguyên liệu sẵn có thay cho nhập khẩu, thay thế một phần protein động vật bằng protein thực vật, đổi mới dây chuyền sản xuất v.v... Vấn đề xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam cũng cần được đầu tư nghiên cứu nhằm nâng cao giá trị gia tăng của tôm. Bên lề Hội nghị, một số doanh nghiệp đã đặt vấn đề cần xem xét điều chỉnh quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải nuôi tôm nước lợ để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu đối với từng thị trường.

Trước khi diễn ra Hội nghị, Thủ tướng cùng đoàn công tác đã thăm và làm việc tại Tập đoàn Minh Phú, một doanh nghiệp hàng đầu Thế giới về xuất khẩu tôm. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của Minh Phú đạt trên 500 triệu USD và phấn đấu đến năm 2021 đạt 2,0 tỷ USD.
 

Thủ tướng cùng đoàn công tác thăm cơ sở chế biến tôm tại Tập đoàn Minh Phú


Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Khoa KH&CN chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa tôm nước lợ vào danh mục sản phẩm quốc gia, huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp và các tổ chức khác tham gia vào phát triển ngành tôm.

 

Nguồn: Nguyễn Anh Hiếu, Trịnh Thanh Hùng, Vụ KH&CN các ngành KT-KT

Lượt xem: 1813

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)