Thứ hai, 29/05/2017 15:42 GMT+7

Thông tin về kết quả thực hiện đề tài KH&CN cấp quốc gia, mã số ĐTĐL-G01/2014

  1. Thông tin chung về Đề tài:

1.1. Tên đề tài: Giá trị di sản mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà tỉnh Bắc Giang, mã số ĐTĐL-G01/2014.

1.2. Mục tiêu nghiên cứu:

Nghiên cứu làm rõ giá trị lịch sử, Phật giáo và văn hóa của chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà, di sản mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà; nghiên cứu phục dựng quy trình làm mộc bản theo phương pháp truyền thống; phân tích thực trạng, vấn đề đặt ra và đưa ra một số khuyến nghị về việc phát huy giá trị di sản mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà, tỉnh Bắc Giang.

1.3. Kinh phí thực hiện: 2.800 triệu đồng;

1.4. Thời gian thực hiện: từ tháng 12/2014 đến hết tháng 4/2017;

1.5. Chủ nhiệm đề tài: TS. Nguyễn Thị Quế Hương;

1.6. Tổ chức chủ trì đề tài: Viện Nghiên cứu Tôn giáo

1.7. Các thành viên chính tham gia thực hiện đề tài:

- NCVC, TS. Nguyễn Quốc Tuấn, Viện Nghiên cứu Tôn giáo

- NCVCC, PGS.TS. Chu Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Tôn giáo

- NCV, CN. Nguyễn Hữu Sử, Viện Nghiên cứu Tôn giáo

- NCV, ThS. Nguyễn Văn Quý, Viện Nghiên cứu Tôn giáo

- NCV, ThS. Hoàng Thị Thu Hường, Viện Nghiên cứu Tôn giáo

- NCVC, TS. Nguyễn Ngọc Mai, Viện Nghiên cứu Tôn giáo

- CV, ThS. Nguyễn Thị Thảo, Viện Nghiên cứu Tôn giáo

- GVC, TS. Lê Tâm Đắc, Học viện Chính trị quốc gia HCM

- NCV, TS. Tạ Quốc Khánh, Viện Bảo tồn di tích

- CVC, CN. Nguyễn Thế Chính, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang

- NCV, ThS. Phạm Thị Chuyền, Viện Nghiên cứu Tôn giáo

- NCV, CN. Nguyễn Thị Trang, Viện Nghiên cứu Tôn giáo

- NCV, ThS. Trần Anh Đào, Viện Nghiên cứu Tôn giáo

- NCVC, TS. Vũ Thị Thu Hà, Viện Nghiên cứu Tôn giáo

- NCV, ThS. Nguyễn Bình, Viện Nghiên cứu Tôn giáo

       2. Báo cáo tự đánh giá kết quả thực hiện Đề tài của Chủ nhiệm và Tổ chức chủ trì đề tài:

2.1. Sản phẩm đã hoàn thành đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng của Hợp đồng nghiên cứu khoa học đã ký kết, gồm:

  • 01 báo cáo tổng hợp;
  • 01 báo cáo tóm tắt;
  • 01 báo cáo kiến nghị;
  • 1500 Bản dập + 240 mô típ, trang trí...
  • Quy trình chế tác mộc bản cổ truyền (01 DVD  + 70 ván khắc)
  • 08 bài tạp chí nghiên cứu

- 06 bản thảo sách: (1) Lược sử và di sản mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm; (2) Lược sử và di sản mộc bản chùa Bổ Đà; (3) Giá trị lịch sử và văn hóa chùa Vĩnh Nghiêm; (4) Giá trị lịch sử và văn hóa chùa Bổ Đà; (5) Giá trị Phật giáo chùa Vĩnh Nghiêm; (6) Giá trị Phật giáo chùa Bổ Đà.

  • Kết quả góp phần đào tạo sau đại học.

2.2. Sản phẩm khoa học dự kiến chuyển giao cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang gồm:

- Quy trình khắc, in mộc bản cổ truyền

- Bản sách dập 2 bộ có nội dung về Tam Tổ Trúc Lâm được in từ 70 ván khắc.

- Báo cáo tổng hợp, báo cáo khuyến nghị

- 06 bản thảo sách

2.3. Về những đóng góp mới về khoa học của đề tài:

2.3.1. Đề tài tổng quan về di sản mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà, tỉnh Bắc Giang. Có thể nói, hai bộ mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà là những tài liệu quý và có giá trị lớn hàm chứa những giá trị tư tưởng, giáo lý sâu sắc, đồng thời đánh dấu quá trình phát triển của hệ thống văn tự Nôm qua các thời đại. Với mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, chứa đựng những giá trị về quá trình hình thành và phát triển của Phật giáo Trúc Lâm và tư tưởng Phật giáo. Với bộ ván khắc ở chùa Bổ Đà nói về Phái Lâm Tế, chủ yếu nói về Quán Thế Âm Bồ Tát và các giới.

2.3.2. Đề tài nghiên cứu làm rõ những giá trị lịch sử, Phật giáo và văn hóa của di sản mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà tỉnh Bắc Giang.

- Một là, giá trị Phật giáo: Qua mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, chúng ta có cái nhìn sâu sắc và toàn diện về một dòng thiền chính thống của Việt Nam - Phật giáo Trúc Lâm. Điều này, được thể hiện rõ qua các tác phẩm khắc trên Mộc bản đó là “Thiền tông bản hạnh” hay “Yên Tử nhật trình”, là những tập thơ nói về sự ra đời và truyền bá Phật giáo Trúc Lâm từ Tuệ Trung Thượng Sĩ đến Trần Thái Tông rồi đến Trần Nhân Tông cùng Pháp Loa, Huyền Quang. Kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm thể hiện rõ tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm do 3 vị tam tổ sáng lập. Cả ba vị này được tôn vinh là Trúc Lâm Tam Tổ. Như vậy, Phật giáo Trúc Lâm được sáng lập ở Việt Nam. Tư tưởng thiền học của Phật giáo Trúc Lâm “Lấy tâm làm tông”, người người bất kể xuất gia hay tại gia đều có cơ hội học đạo và trải nghiệm Phật pháp ngay trong cuộc sống thường nhật. Tinh thần nhập thế tuỳ duyên, hoà hợp dân tộc của Phật giáo Trúc Lâm là cơ sở hoạt động hoằng pháp của đạo Phật ở Việt Nam qua nhiều giai đoạn. Trong khi đó, với mộc bản chùa Bổ Đà thể hiện là một trong những trung tâm Phật giáo lớn ở Việt Nam từ Phật giáo Trúc Lâm thời Trần đến Thiền Lâm Tế thời Lê và nhất là thời kỳ chấn hưng Phật giáo vào những năm đầu thế kỷ thứ XX. Nội dung mộc bản chứa đựng tư tưởng Phật giáo Quán Thế Âm Bồ Tát và các giới, là hình ảnh, tư tưởng Phật giáo mang đậm dấu ấn của văn hóa Việt Nam.

- Hai là, giá trị lịch sử: Qua kho mộc bản tại 2 chùa chúng ta biết thêm về lịch sử nghề in, khắc ở Việt Nam từ thời kỳ Trung đại. Nó đánh dấu quá trình phát triển của hệ thống văn tự Việt Nam, chuyển từ chỗ sử dụng chủ yếu chữ Hán (Trung Quốc) sang sử dụng chữ Nôm (chữ do người Việt Nam sáng tạo ra để ghi âm tiếng Việt). Bên cạnh đó, mộc bản cũng đánh dấu quá trình phát triển ngành in ấn ở Việt Nam được tính từ  thời Lê do Thám hoa Lương Nhữ Hộc sau hai lần đi sứ phương Bắc (năm 1443 và năm 1449) đã đem nghề in mộc bản học được ở Trung Quốc về Việt Nam dạy cho dân vùng Hồng Lục (nay là 3 làng Thanh Liễu - Liễu Chàng - Khuê Liễu thuộc tỉnh Hải Dương).

- Ba là, giá trị văn hóa: Việc khắc in mộc bản với bản chữ Nôm không chỉ thể hiện ý thức độc lập, tự chủ của dân tộc ta trong quá trình tiếp biến văn hóa mà còn là bước ngoặt đánh dấu sự phát triển của hệ thống văn tự Việt Nam. Các tác phẩm văn học Thiền có giá trị và có sự ảnh hưởng tích cực đến đời sống xã hội. Văn học thuộc Phật giáo Trúc Lâm mang đậm âm hưởng Thiền sâu sắc, hòa với dòng văn học nhân đạo và yêu nước Việt Nam, mang tư tưởng nhân văn hướng thiện của đạo Phật, góp phần làm phong phú kho tàng văn học Phật giáo Việt Nam trong dòng chảy Văn học Thiền thế giới. Dưới góc nhìn văn hóa, giá trị về nghệ thuật thư pháp cũng được thể hiện trên hai kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà.

2.3.3. Đề tài đã nghiên cứu và phục dựng Quy trình chế tác mộc bản cổ truyền: Quy trình phục dựng nghề khắc, in mộc bản cổ truyền có giá trị thực tiễn và ứng dụng nhất là đối với các ngôi chùa Việt Nam, qua đó có thể khơi ngợi làm sống dậy làng nghề khắc, in cổ truyền tại Liễu Chàng, Hải Dương và một số làng nghề trong vùng phụ cận.

2.3.4. Từ những phân tích giá trị di sản mộc bản cũng như thực trạng công tác quản lý mộc bản đã đặt ra một số vấn đề cần giải quyết, cũng như đưa ra những khuyến nghị về việc phát huy giá trị di sản mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà tỉnh Bắc Giang.

- Trước hết, cần khẳng định lại giá trị di sản mộc bản hai chùa, nhất là mộc bản Vĩnh Nghiêm - nơi cuội nguồn Phật giáo Trúc Lâm có thể được xem là cốt lõi của văn hóa vùng Tây Yên Tử. Dấu ấn của Phật giáo Trúc Lâm còn khá đậm nét qua một số ngôi chùa còn lại trong vùng Tây Yên Tử (Am Vãi, Vĩnh Nghiêm, v.v..). Do đó, cần phải có quy hoạch lâu dài cũng như tầm nhìn chiến lược cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản mộc bản tại Bắc Giang.

- Thứ hai, để khai thác những giá trị của Phật giáo Trúc Lâm nói chung và giá trị tư tưởng nói riêng, cần có sự phối hợp của các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, các nhà lãnh đạo từ Trung ương và địa phương, các chức sắc Phật giáo, của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, bởi lẽ, Phật giáo Trúc Lâm là bài học đáng quý cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Những gợi mở cho việc phát huy giá trị di sản mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm hướng đến phát triển bền vững, nhằm xây dựng hình ảnh du lịch ở cả góc độ sản phẩm du lịch cũng như các giải pháp về truyền thông nhằm nâng cao mức độ biết đến và ưa thích đối với di sản mộc bản nói riêng và du lịch Bắc Giang nói chung.

- Cuối cùng, từ cái nhìn địa - tôn giáo, chúng tôi muốn khẳng định một điều: Vùng Yên Tử - Đông Triều là một vùng linh địa ở thời nhà Trần. Một trong những lý do như thế xuất phát từ tư tưởng địa linh hình thành từ trong lịch sử, trước thời Trần, mang màu sắc Phật giáo, Đạo giáo. Như vậy, từ truy xét lịch sử, có thể thấy Yên Tử đã bộc lộ tiềm năng trở thành một di sản văn hóa, tôn giáo trong lịch sử và hiện tại. Do dãy Yên Sơn và ngọn Yên Tử liên quan đến cả 2 tỉnh Bắc Giang và Hải Dương, bởi vậy, tỉnh Quảng Ninh đã cùng với hai tỉnh lập hồ sơ khoanh vùng di sản và đề nghị UNESCO công nhận toàn bộ quần thể di tích danh thắng Yên Tử gồm khu di tích Yên Tử, khu di tích lăng mộ nhà Trần ở Đông triều (tỉnh Quảng Ninh), khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử (tỉnh Bắc Giang) và khu di tích lịch sử - văn hóa Côn Sơn – Kiếp Bạc (tỉnh Hải Dương) và hy vọng trong năm 2017 sẽ có kết quả tốt.

2.3.5. Từ những kết quả nghiên cứu nói trên, đề tài đã chưng cất để đưa ra 06 bản thảo sách dự kiến sẽ xuất bản sau khi được nghiệm thu cấp Nhà nước. Bộ sách gồm 06 cuốn (khổ 13 x 19 cm, có ảnh minh họa, 120 trang/cuốn) cụ thể là: Lược sử và di sản mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm; Lược sử và di sản mộc bản chùa Bổ Đà; Giá trị lịch sử và văn hóa chùa Vĩnh Nghiêm; Giá trị lịch sử và văn hóa chùa Bổ Đà; Giá trị Phật giáo chùa Vĩnh Nghiêm; Giá trị Phật giáo chùa Bổ Đà. Bộ sách này sẽ giới thiệu về những giá trị lịch sử, văn hóa và Phật giáo của 2 chùa, qua đó quảng bá rộng những tri thức, hình ảnh về giá trị di sản mộc bản, góp phần phát triển bền vững ngành du lịch văn hóa tâm linh tại chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà từ đó lan tỏa sang các địa điểm tâm linh khác của tỉnh Bắc Giang.

2.4. Về hiệu quả của đề tài:

- Hiệu quả kinh tế: Giá trị di sản mộc bản sẽ góp phần phát triển du lịch văn hóa tâm linh, qua đó góp phần phát triển kinh tế xã hội của Bắc Giang và vùng phụ cận.

- Hiệu quả xã hội: Góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị di sản mộc bản cũng như gia trị Phật giáo Việt Nam, qua đó quảng bá và xây dựng hình ảnh văn hóa xã hội của Bắc Giang cũng như hình ảnh văn hóa Phật giáo Việt Nam trên trường quốc tế; thông qua đó góp phần tuyên truyền, giáo dục cộng đồng và nâng cao nhận thức của cộng đồng về các giá trị di sản văn hóa dân tộc, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

  2.5. Tự đánh giá, xếp loại kết quả thực hiện nhiệm vụ:

- Về tiến độ thực hiện: Hoàn thành đúng hạn;

- Về kết quả thực hiện đề tài: Xếp loại Đạt.

    3. Bộ Khoa học và Công nghệ dự kiến tổ chức đánh giá, nghiệm thu: thời gian một (01) buổi, trong tuần cuối tháng 6 năm 2017,địa điểm tại Bộ Khoa học và công nghệ, 113 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy Hà Nội.

            Trân trọng cảm ơn./.

 

Nguồn: Vụ Khoa học Xã hội và Tự nhiên

Lượt xem: 3300

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)