Thứ tư, 01/01/2025 22:49 GMT+7
Thứ hai, 24/04/2017 09:39 GMT+7

Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan thực thi quyền SHTT trong môi trường thương mại điện tử

Đây là vấn đề được Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Văn Tùng nhấn mạnh và cũng là một trong những nội dung được đưa ra bàn thảo tại Tọa đàm “Thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại điện tử”.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng: Cần đẩy mạnh sự phối hợp giữa các cơ quan thực thi quyền SHTT

 

Tọa đàm được tổ chức chiều 26/4, tại Hà Nội, trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ KH&CN với INTA nhằm nêu thực trạng, tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, thực tiễn giúp nâng cao hiệu quả công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trong môi trường thương mại điện tử tại Việt Nam. Đây là sự kiện có ý nghĩa lớn khi Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) và tôn vinh các thành quả đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ của các tổ chức, cá nhân. 

 

Tham dự Tọa đàm có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng; ông John Hill, Quyền Phó Đại sứ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội; đại diện Hiệp hội Nhãn hiệu quốc tế (INTA); bà Nguyễn Như Quỳnh – Phó Chánh Thanh tra Bộ KH&CN cùng gần 100 đại biểu đến từ các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài, cơ quan quản lý và thực thi quyền SHTT, các hiệp hội, chuyên gia, luật sư trong lĩnh vực SHTT và đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí. 

 

Toàn cảnh buổi Tọa đàm chiều 26/4

 

Tại buổi Tọa đàm, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục SHTT nhấn mạnh vai trò của SHTT trong thực thi quyền SHTT trong môi trường thương mại điện tử. Hiện thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang có quy mô khoảng 4 tỷ USD (tương đương 100.000 tỷ đồng) và kỳ vọng đạt 10 tỷ USD khi tỉ lệ sử dụng smartphone trên 70%, tốc độ tăng trưởng thị trường của thương mại điện tử Việt Nam đạt tới mức trung bình 22%/năm. 

Với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, vi phạm trực tuyến trở thành một thách thức cho tất cả các chủ thể quyền và các bên quan tâm. Các sản phẩm giá rẻ vi phạm nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ được cung cấp thông qua các website mua bán trực tuyến của bên thứ ba. Do đó, cần nâng cao nhận thức của chủ thể quyền để phát hiện, cung cấp chứng cứ xâm phạm cho cơ quan có thẩm quyền để điều tra và thu thập thêm bằng chứng. 

 

Ông John Hill, Quyền Phó Đại sứ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội phát biểu tại Tọa đàm

 

Trong bài trình bày về thực thi quyền SHTT trong môi trường thương mại điện tử, bà Nguyễn Như Quỳnh – Phó Chánh Thanh tra Bộ KH&CN cho rằng, những vi phạm liên quan đến SHTT hữu hình vốn đã phức tạp và khó khăn trong công tác xử lý thì những vi phạm trong môi trường thương mại điện tử “tinh vi” và còn phức tạp hơn nhiều. Theo bà Quỳnh, hiện công tác này còn gặp nhiều khó khăn như đang tồn tại nhiều hành vi: cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền, xâm phạm quyền SHCN, quảng cáo; các doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về bảo vệ quyền SHTT trong môi trường thương mại điện tử; khó xác định tổ chức, cá nhân vi phạm; khó thu thập chứng cứ về yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét đảm bảo căn cứ pháp lý để xử lý xâm phạm;… 

 

Bà Nguyễn Như Quỳnh – Phó Chánh Thanh tra Bộ KH&CN báo cáo tại Tọa đàm

 

Thực tế trên đòi hỏi các doanh nghiệp, chủ thể quyền SHTT cần áp dụng các biện pháp bảo vệ; nỗ lực hợp tác của chủ thể doanh nghiệp, chủ thể quyền với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền; hoàn thiện các văn bản pháp luật; nâng cao năng lực cơ quan thực thi quyền SHTT;… 

 

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng đã nêu ra những kiến nghị và đề xuất các giải pháp nâng cao nhận thức của chủ thể quyền để các chủ thể quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ, hợp tác với cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý vi phạm, nâng cao hiệu quả công tác thực thi quyền SHTT trong môi trường thương mại điện tử tại Việt Nam. 

 

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho rằng, Chính phủ, Bộ KH&CN và các Bộ, ngành chức năng đã nỗ lực trong việc phòng, chống các hành vi xâm phạm quyền SHTT cũng như xâm phạm quyền SHTT trong môi trường số. Tuy nhiên, hoạt động này còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.  

 

Thứ trưởng tin rằng, với những đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp của các doanh nghiệp, cơ quan bảo hộ và thực thi quyền SHTT, hiệp hội, chuyên gia, luật sư trong lĩnh vực SHTT,… chúng ta sẽ có được những giải pháp tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả công tác thực thi quyền SHTT trong môi trường thương mại điện tử tại Việt Nam. 

 

Trong thời gian tới, đề nghị các cơ quan thực thi và các cơ quan liên quan rà soát các văn bản cơ chế chính sách để việc bảo hộ SHTT trong môi trường thương mại điện tử có đầy đủ các văn bản để thực thi tốt nhất. Bên cạnh đó, đẩy mạnh sự phối hợp giữa các cơ quan thực thi quyền SHTT. Điều này có thể được cụ thể bằng việc chúng ta xây dựng văn bản, quy chế về phối hợp hoạt động của các cơ quan thực thi để giúp triển khai hoạt động thực thi quyền SHTT trong môi trường thương mại điện tử thuận lợi, dễ dàng hơn, Thứ trưởng nói. 

 

Lượt xem: 8217

Nguồn: Thanh tra Bộ KH&CN

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:41438
Lượt truy cập: 47514439