Thứ bảy, 23/11/2024 23:25 GMT+7
Thứ năm, 22/07/2010 11:47 GMT+7

Sở hữu trí tuệ trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế

1. Khái niệm về hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ

Nhìn chung, mọi nghiên cứu và sáng tạo của con người đều hướng vào việc phục vụ đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong nhiều trường hợp, những ý tưởng này, sau những nỗ lực nghiên cứu nhất định, thường chuyển hóa thành các sản phẩm ứng dụng, hay cao hơn nữa trở thành các giải pháp công nghệ ứng dụng nhằm tạo ra các sản phẩm. Ngoài chức năng lưu thông và tiêu dùng, các sản phẩm này còn mang ý nghĩa truyền đạt thông tin về sự hiện hữu của sản phẩm cũng như chất lượng và kiểu dáng của chúng và qua đó thuyết phục khách hàng mua hàng hóa. Do đó, có thể nói những ý tưởng này luôn thể hiện tính mới mẻ và khác biệt, hàm chứa một lượng thông tin có giá trị kinh tế trong trường hợp hàng hóa được lưu thông trên thị trường. Khi đạt tới một trình độ trao đổi nhất định, giá trị tiềm ẩn này sẽ bộc lộ, và vì thế, hình thành giá trị sở hữu trí tuệ. Như vậy, giá trị sở hữu trí tuệ phần nào do giá trị thị trường của hàng hóa quyết định. Nếu sở hữu trí tuệ được pháp luật thừa nhận thì sẽ hình thành quyền sở hữu trí tuệ (dưới đây gọi tắt là quyền SHTT). Tập hợp các quyền SHTT và các chính sách bảo hộ quyền SHTT tạo thành một hệ thống SHTT.

Hệ thống SHTT bao gồm chính sách SHTT, cơ sở hạ tầng cũng như nguồn nhân lực phục vụ cho việc thực thi chính sách đó . Tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể, mỗi quốc gia sẽ hình thành hệ thống SHTT riêng. Một chính sách bảo hộ quyền SHTT bao gồm (The polycies of intellectual property rights protection inclubding):

- Các tiêu chuẩn xác lập quyền của chủ sở hữu SHTT trong việc ngăn cấm người khác khai thác kinh tế đối với sáng tạo của họ; các tiêu chuẩn này sẽ xác định phạm vi được bảo hộ của các sáng chế (patents), nhãn hiệu hàng hóa (trademarks), bản quyền (coppyrights - licence) và các quyền sở hữu trí tuệ khác (and other IP Rights).

- Các giới hạn đối với các quyền nêu trên vì mục đích phát triển kinh tế trong nước cũng như chính sách xã hội; các giới hạn này bao gồm việc cho phép phát triển công nghệ, sử dụng trong giáo dục đào tạo, chống độc quyền đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, thời hạn bảo hộ, v.v...

- Các biện pháp và chế tài bảo hộ các quyền nêu trên.

Xét trên phương diện vĩ mô, cùng với sự phát triển của kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, hệ thống quyền SHTT sẽ có những ảnh hưởng quan trọng đến hoạt động thương mại, và rộng hơn là đến nền kinh tế quốc gia và nền kinh tế toàn cầu.

2. Vai trò của hệ thống SHTT trong bối cảnh khu vực hoá và toàn cầu hoá

Hệ thống SHTT và hoạt động thương mại

Những hạn chế trong bảo hộ quyền SHTT có thể bóp méo nền thương mại của một quốc gia. Một quốc gia có hệ thống bảo hộ yếu (về bản quyền) sẽ tạo kẽ hở cho các doanh nghiệp sao chép bất hợp pháp băng đĩa, phần mềm máy tính, v.v... thay vì nhập khẩu các sản phẩm này với giá cao. Bên cạnh đó, việc kiểm soát hoạt động buôn bán qua biên giới một cách lỏng lẻo sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu các mặt hàng vi phạm và hàng giả. Nhà kinh doanh cũng có thể thay đổi phương án kinh doanh của mình do những hạn chế trong việc bảo hộ quyền SHTT. Ban đầu anh ta có ý định triển khai phương án kinh doanh, nhưng nếu nhận ra những khiếm khuyết trong việc bảo hộ bí mật thương mại, anh ta sẽ từ bỏ ý định này. Như vậy, hệ thống bảo hộ quyền SHTT yếu là một trong những lý do chính dẫn đến các hoạt động kinh doanh phi pháp và mang tính "chụp giật". Trong trường hợp ngược lại, một hệ thống bảo hộ quyền SHTT mạnh sẽ tạo điều kiện cho việc chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh, giảm thiểu rủi ro của quá trình kinh doanh và đó chính là tiền đề thúc đẩy sự phát triển của nền thương mại.

Hệ thống SHTT và hoạt động đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ

Một công ty đa quốc gia có nhiều lựa chọn khác nhau để xâm nhập và chiếm lĩnh thị trường nước ngoài. Họ có thể đầu tư trực tiếp (tức là trực tiếp chọn địa điểm đầu tư, xây dựng nhà máy và điều hành sản xuất), hoặc liên doanh với doanh nghiệp địa phương thông qua góp vốn, công nghệ, nhân lực hay đơn giản nhất là chuyển giao công nghệ. Việc lựa chọn hình thức đầu tư và kinh doanh của nhà đầu tư phụ thuộc vào thị trường và hệ thống luật pháp của nước sở tại, trong đó hệ thống bảo hộ SHTT đóng một vai trò quan trọng. Nét đặc trưng của các công ty đa quốc gia là chúng thường sở hữu những khoản tài sản vô hình rất lớn, trong đó công nghệ là một trong những loại tài sản vô hình quan trọng nhất. Xét trên góc độ quyền SHTT, đó là các nhãn hiệu nổi tiếng (there are well knows, patents), các sáng chế đã tạo nên danh tiếng của công ty và là một phần không thể mất đi của công ty. Các công ty đa quốc gia có xu hướng xây dựng các công ty 100% vốn của mình tại các nước có hệ thống bảo hộ quyền SHTT mạnh, đối với nhà đầu tư, ưu điểm của hình thức này là có thể bảo hộ tốt bí mật công nghệ và nhãn hiệu hàng hóa, còn nhược điểm của nó là tốn kém, không tận dụng được hết các ưu thế mà địa phương đem lại và quốc gia được đầu tư không học hỏi được kỹ năng quản lý cũng như cách thức sản xuất.

Quyền SHTT còn ảnh hưởng đến kênh chuyển giao công nghệ. Công nghệ ở đây được phân loại thành loại dễ bắt chước và loại khó bắt chước. Loại công nghệ dễ bắt chước thường gồm có công nghệ sao chép băng đĩa nhạc, sản xuất đồ chơi, v.v... Có nhiều lý do dẫn đến hiện tượng bắt chước công nghệ, chẳng hạn, đối với các công ty nhỏ, việc bắt chước công nghệ nhằm phục vụ cho sản xuất kinh doanh, còn đối với các công ty có nhiều đối thủ cạnh tranh, việc nghiên cứu công nghệ của đối phương sẽ giúp họ khắc phục những nhược điểm của công nghệ hiện đang sử dụng và phát minh ra những công nghệ mới. Loại công nghệ khó bắt chước thường được sử dụng trong lĩnh vực dược phẩm và phần mềm máy tính. Việc bắt chước công nghệ sẽ giúp các chuyên gia trong ngành giảm bớt chi phí trong việc phát hiện và tạo ra những loại thuốc mới và nhanh chóng tung ra thị trường các sản phẩm cạnh tranh tương tự, thậm chí có thể là những sản phẩm ưu việt hơn. Nhìn chung, các sản phẩm máy móc, thiết bị y tế thường khó bắt chước. Tuy nhiên, dù tinh vi và phức tạp đến mức nào, tất cả các sản phẩm đều hàm chứa rủi ro bị lộ bí mật công nghệ, hay bị bắt chước. Chính vì vậy, các nhà đầu tư phải cân nhắc khá nhiều vấn đề khi tiến hành chuyển giao công nghệ. Một hệ thống bảo hộ SHTT mạnh có thể hạn chế việc sao chép, làm giả sản phẩm và tăng chi phí bắt chước. Bất kỳ quốc gia nào xây dựng được một hệ thống bảo hộ SHTT mạnh sẽ có điều kiện tiếp nhận các công nghệ tiên tiến phục vụ cho việc phát triển đất nước. Ngược lại, các quốc gia có hệ thống bảo hộ quyền SHTT yếu sẽ chỉ có cơ hội tiếp nhận các công nghệ đã phát minh từ lâu, thậm chí đã lỗi thời và mất dần giá trị khai thác.

Vai trò của hệ thống SHTT trong phát triển kinh tế

Đánh giá và phân tích vai trò của quyền SHTT đối với phát triển kinh tế của một quốc gia là công việc tương đối phức tạp và cần phải được xem xét từ nhiều góc độ. Việc bảo hộ quyền SHTT tốt sẽ khuyến khích nghiên cứu, phát triển công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa và tạo uy tín cho sản phẩm. Ngoài ra, việc bảo hộ tốt sẽ dẫn đến giá thành sản phẩm cao, hạn chế các vi phạm như tình trạng khai thác công nghệ không được phép của người sở hữu bằng độc quyền, hay sản xuất hàng giả, hàng nhái và các vi phạm khác. Xét về lâu dài, hệ thống SHTT mạnh sẽ có tác dụng tốt trong việc phát triển công nghệ và kinh doanh lành mạnh, đóng một vai trò tích cực đối với công cuộc phát triển kinh tế. Tuy nhiên, có một điểm đáng lưu ý là, xét trên một khía cạnh nào đó, hệ thống bảo hộ SHTT yếu sẽ cho phép một quốc gia phát triển công nghệ với chi phí thấp. Đương nhiên, trong bối cảnh mới khi mà xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh và chuyên nghiệp đang ngày càng trở thành nhiệm vụ quan trọng của mỗi quốc gia và toàn thế giới, chúng ta không thể và không muốn khuyến khích và áp dụng cách tiếp cận này. Thực tế chỉ ra rằng, hiện nay, đa phần các nước nghèo vẫn coi đây là giải pháp để hiện đại hóa công nghệ của mình và qua đó, phát triển nền kinh tế của mình. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, một hệ thống SHTT mạnh luôn là cái đích cuối cùng trên con đường phát triển kinh tế của một nước.

3. Hệ thống bảo hộ SHTT ở các quốc gia có nền kinh tế mở

Các bộ phận cấu thành hệ thống bảo hộ SHTT của mỗi quốc gia rất khác nhau, nhất là giữa các quốc gia phát triển và các quốc gia đang phát triển. Các quốc gia phát triển thường áp dụng chính sách bảo hộ rõ ràng và chặt chẽ. Lấy Nhật Bản làm ví dụ. Vào năm 1990, Kokekiyo Takahashi, chủ tịch đầu tiên của Cục Sở hữu Trí tuệ Nhật Bản (Japan Patent Office) đã khẳng định vai trò của hệ thống bảo hộ SHTT nói chung và bằng độc quyền (patent) nói riêng trong lĩnh vực phát triển kinh tế.

Nhật Bản đã phát triển hệ thống SHTT của mình một cách toàn diện. Các nước phát triển khác cũng vậy. Điển hình là Hoa Kỳ, với một câu nói rất nổi tiếng về vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ: "Mọi thứ trên đời này do con người tạo ra đều có thể đăng ký bảo hộ " ("All things under the sun made by man are patentable").

Tại các nước phát triển, xây dựng một hệ thống bảo hộ SHTT mạnh là một đòi hỏi bức thiết do trình độ phát triển công nghệ rất cao kéo theo hệ quả là công nghệ bắt chước cũng rất tinh vi. Trên thực tế, các quốc gia phát triển có tiềm lực và đã dành nhiều tâm sức cũng như chi phí để nghiên cứu và phát triển công nghệ. Đến lượt mình, công nghệ lại được áp dụng vào trong hoạt động sản xuất và ngay lập tức đem lại lợi ích kinh tế. Một phần quan trọng từ lợi ích kinh tế đó lại được đầu tư vào việc phát triển công nghệ. Sự luân chuyển đầu tư theo mô hình tuần hoàn này đã tạo nền tảng và bệ phóng cho sự phát triển của khoa học - kỹ thuật. Có thể nói trình độ khoa học - công nghệ phát triển đã, đang và tiếp tục là vũ khí mạnh nhất mà các nước phát triển có trong tay. Trình độ khoa học - công nghệ tiên tiến một mặt cho phép sản xuất số lượng lớn hàng hóa, mặt khác nó cũng dẫn đến sự ra đời của vô số nhãn hiệu hàng hóa, bản quyền, kiểu dáng công nghiệp và bí mật thương mại. Chính vì vậy, sự phát triển không ngừng của các đối tượng SHTT đòi hỏi phải có một hệ thống bảo hộ quyền SHTT mạnh.

Xét về mặt chính sách vĩ mô, việc bảo hộ chặt chẽ quyền SHTT ở các nước phát triển để thực hiện hai mục tiêu sau:

(a) Khuyến khích phát triển công nghệ và cạnh tranh lành mạnh. Các nhà khoa học, các nhà kinh doanh chỉ đầu tư cho nghiên cứu khoa học khi biết rằng công sức mình bỏ ra không bị mất trắng.

(b) Gây sức ép lên các nước khác trong hội nhập kinh tế, hạn chế các vi phạm đối với hàng hóa khi tham gia vào quá trình lưu thông trên các thị trường quốc tế thông qua hoạt động của các chủ thể kinh doanh quan trọng trong hoạt động kinh doanh quốc tế như các tập đoàn đa quốc gia, các tập đoàn xuyên quốc gia của những nước phát triển.

Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng các nước đang phát triển có khuynh hướng và hiện vẫn đang áp dụng chính sách bảo hộ SHTT lỏng lẻo và không muốn áp dụng chính sách bảo hộ chặt chẽ hơn. Như đã phân tích ở trên, một chính sách bảo hộ quyền SHTT tốt sẽ tạo điều kiện phát triển cho một quốc gia. Tuy nhiên, đây là vấn đề dài hạn, kết quả không có ngay mà chi phí bỏ ra lại lớn. Các quốc gia đang phát triển có rất ít sáng chế trong khi nhu cầu nhập khẩu công nghệ lại rất cao. Chính bởi vậy, việc theo đuổi ngay chính sách bảo hộ quyền SHTT chặt chẽ sẽ không có lợi nếu xét về chiến lược kinh doanh. Việc bảo hộ chặt chẽ sẽ làm cho việc bắt chước rất khó khăn. Bắt chước công nghệ, đối với nhà phát minh, sẽ gây rất nhiều tổn thất, nhưng có thể đem lại rất nhiều lợi ích cho người đi bắt chước, và theo nghĩa rộng hơn, cho cả quốc gia kém/đang phát triển, với một nền công nghiệp bắt chước. Thực tế cho thấy, các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc phát triển rất nhanh nhờ nhiều vào việc bắt chước công nghệ nước ngoài. Với hệ thống bảo hộ quyền SHTT còn nhiều kẽ hở, công dân nước này có thể tiêu dùng các sản phẩm như phần mềm máy tính, băng đĩa nhạc với giá rẻ, trong khi nếu áp dụng luật bản quyền, mức giá sẽ đội lên rất nhiều. Những lợi ích ngắn hạn tương tự như vậy đã khiến các nhà làm luật cân nhắc khi xây dựng và phát triển hệ thống bảo hộ quyền SHTT mạnh.

4. Hội nhập kinh tế và đòi hỏi về một hệ thống SHTT thống nhất mang tính toàn cầu

Vấn đề quyền SHTT được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đưa vào vòng đàm phán Uruguay năm 1986 với lý do quyền SHTT không phải là một vấn đề tách rời với hoạt động thương mại mà có quan hệ chặt chẽ với thương mại và phát triển kinh tế. Trước đó, vào cuối những năm 1980, sự bùng nổ của đầu tư quốc tế và kéo theo đó là hoạt động mua bán quyền SHTT diễn ra sôi động trên phạm vi toàn thế giới đã khiến các nhà hoạch định chính sách ở cấp quốc tế ngày càng nhận thức được vấn đề này. Điều đó đã dẫn đến thực tế là vấn đề quyền SHTT không dừng lại ở phạm vi lãnh thổ quốc gia mà ngày càng mang tính toàn cầu. Các tập đoàn đa quốc gia của các nước giàu bị tổn thất nhiều do quyền SHTT bị vi phạm nhiều ở các nước đang phát triển. Chính điều này thúc đẩy các nước phát triển xây dựng một cơ chế mang tính kiểm soát toàn cầu đối với vấn đề bảo hộ quyền SHTT. Tuy nhiên, đó là một tham vọng hoàn toàn không dễ thực hiện.

Một hiệp ước quốc tế thành công hay không phụ thuộc vào thiện chí của các thành viên tham gia. Thiện chí của các thành viên, suy cho cùng, lại phụ thuộc vào lợi ích kinh tế trong khi lợi ích kinh tế lại là nguyên nhân đầu tiên gây ra mâu thuẫn giữa các nước. Mâu thuẫn lớn nhất là trong khi các quốc gia giàu có luôn kêu gọi đẩy nhanh quá trình xây dựng hệ thống bảo hộ SHTT mạnh để đảm bảo lợi ích của mình thì các nước nghèo lại muốn trì hoãn quá trình này để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm và khai thác lợi ích từ các kẽ hở của hệ thống SHTT chưa hoàn thiện. Do vậy, các quốc gia phát triển và các quốc gia kém/đang phát triển sẽ phải mất rất nhiều thời gian để đi đến những thỏa thuận hợp lý, có lợi cho cả hai bên trong lĩnh vực này.

Một vấn đề nảy sinh khác là chính bản thân các công ước quốc tế. Các công ước quốc tế hiện nay, chủ yếu do WIPO (Tổ chức thế giới về quyền sở hữu trí tuệ) điều hành, có ba nhược điểm sau:

(a) Các tiêu chuẩn bảo hộ thường yếu, chung chung, mới chỉ nhấn mạnh vào đối xử quốc gia và công nhận quyền ưu tiên.

(b) Không đưa ra thủ tục cụ thể để giải quyết tranh chấp quốc tế, thường đưa về các quốc gia.

(c) Rất khó chỉnh sửa một cách nhanh chóng khi có các văn bản mới xuất hiện.

TRIPs là một hiệp ước quốc tế có đôi chút khác biệt. TRIPs (Trade-Related Aspects of Intellectual Property Rights) gồm 7 phần, 73 điều, bao chứa tất cả các khía cạnh của quyền SHTT. Lý do quan trọng nhất khiến Hiệp ước TRIPs có tính hội nhập là nó quy định các tiêu chuẩn tối thiểu về một hệ thống SHTT để các quốc gia xây dựng chứ không dừng lại ở việc công nhận lẫn nhau như các hiệp ước về SHTT và bảo hộ quyền SHTT trước đây. TRIPs đưa ra quy định nếu các quốc gia muốn gia nhập WTO (một tổ chức mà tư cách thành viên sẽ đem lại cho các quốc gia nhiều lợi ích), thì phải là thành viên của Hiệp ước TRIPs. Đây cũng là một xu hướng được các nước giàu áp dụng nhằm gây sức ép đối với các nước nghèo.

Người ta vẫn tưởng rằng một hiệp ước quốc tế gắn liền với tổ chức thương mại quốc tế lớn nhất hiện nay chắc chắn sẽ đem lại lợi ích cho cả nước giàu và nước nghèo. Song sự thật là tiếng nói của các nước giàu trong WTO vẫn lất át các nước nghèo, tức là TRIPs mới chỉ đảm bảo quyền lợi của các nước giàu, các nội dung của TRIPs có lợi nhiều cho các nước giàu, và vì thế, không thu nhận được sự ủng hộ từ phía các nước nghèo. Về bản chất, mục đích của TRIPs là xây dựng trong lòng các nước thành viên một hệ thống bảo hộ SHTT nghiêm ngặt hơn, qua đó, các nước giàu có thể tăng chi phí bán các bằng sáng chế. Như vậy, trên một khía cạnh nào đó, TRIPs chỉ là một sự ngụy tạo được thể chế hóa, được luật lệ của WTO phê chuẩn.

Mặt khác, xét trên khía cạnh nhân đạo, một hệ thống bảo hộ quyền SHTT mạnh không hẳn đã hoàn toàn ưu việt. Thực tế chỉ ra rằng một trong những vấn đề quan trọng của thế kỷ này là công nghệ sinh học và các sản phẩm y tế chỉ được phát minh ở các nước phát triển. Các nước đang phát triển đói kém, nghèo nàn, lạc hậu và luôn là nạn nhân đầu tiên của bệnh tật liệu có thể chi trả một mức giá cao đến phi lý để mua các sản phẩm thuốc men và thiết bị y tế chuyên dụng, bởi các công ty trong nước không thể sản xuất được, một phần do trình độ công nghệ kém, phần khác là do bảo hộ sáng chế ngặt nghèo. Đây chính là khía cạnh nhân đạo của vấn đề bảo hộ quyền SHTT.

Xây dựng một hệ thống bảo hộ SHTT mạnh và hoàn thiện là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế dài hạn của bất kỳ quốc gia nào. Nó cũng đồng thời là một đòi hỏi bắt buộc trong quá trình hội nhập kinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế, bức tranh kinh tế toàn cầu luôn đầy màu sắc tương phản. Vấn đề đặt ra là liệu có thể có và bao giờ có một bức tranh kinh tế toàn cầu mà trong đó mảng màu quyền SHTT là đơn sắc. Câu trả lời là chúng ta có thể làm được điều đó nhưng không phải trong ngắn hạn. Song trong bất cứ hoàn cảnh nào, những vấn đề mang tính nhân đạo phải được ưu tiên hàng đầu. Hy vọng rằng trong vòng đàm phán sắp diễn ra của WTO, các nước nghèo sẽ giành được ưu đãi trong việc sản xuất các sản phẩm y tế.

Lượt xem: 25262

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:73558
Lượt truy cập: 46287723