Thứ ba, 21/01/2025 11:03 GMT+7
Thứ ba, 31/12/2024 08:51 GMT+7

Một số điểm mới của Thông tư số 06/2024/TT-BKHCN ngày 30/9/2024 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp

Ngày 26/6/2015, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) ban hành Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (gọi tắt là Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN). Có thể nói, tại thời điểm ban hành, Nghị định số 99/2013/NĐ-CP và Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN là những văn bản pháp luật tạo cơ sở pháp lý, có ý nghĩa thực tiễn quan trọng trong công tác thực thi quyền sở hữu công nghiệp bằng biện pháp hành chính. Trong đó, Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN là văn bản có nhiều nội dung quy định chi tiết, hướng dẫn cụ thể giúp áp dụng đúng các quy định của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP trong thực tiễn.

Trong thời gian vừa qua, để đáp ứng yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế khi Việt Nam tham gia ký kết và tham gia nhiều các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, Luật Sở hữu trí tuệ đã được sửa đổi, bổ sung hai lần năm 2019 và 2022, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020.

    Tiếp theo đó, để phù hợp với các quy định được sửa đổi, bổ sung của Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Xử lý vi phạm hành chính nêu trên, Nghị định 99/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung hai lần. Trong đó, lần thứ nhất, Nghị định này được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 126/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021. Tiếp đó, Nghị định số 99/2013/NĐ-CP tiếp tục được sửa đổi, bổ sung tại lần thứ hai tại Nghị định số 46/2024/NĐ-CP ngày 04/5/2024 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024). Những sửa đổi, bổ sung nêu trên tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP là cơ sở pháp lý trực tiếp đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN để tạo sự thống nhất trong hệ thống quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

  Đồng thời, ngày 23/8/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ (thay thế Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006, Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 và các Nghị định sửa đổi, bổ sung hai Nghị định này). Trong đó, một số nội dung bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã được chỉnh sửa, thay đổi đáng kể (ví dụ như: quy định về hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, quy định về các biện pháp khắc phục hậu quả, tiêu chí xác định hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trên Interrnet,…). Các quy định tại Nghị định số 65/2023/NĐ-CP nêu trên là cơ sở chuyên môn trực tiếp tới việc áp dụng, thi hành Nghị định 99/2013/NĐ-CP và Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN.

Bên cạnh những cơ sở pháp lý nêu trên, tổng kết gần 10 năm thực hiện Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN đã cho thấy một số nội dung quy định tại Thông tư không còn phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, cũng như một số quy định phát sinh khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng (như quy định xác định giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm tại Điều 5; xác định số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính tại Điều 6; quy định về hàng hoá xâm phạm quyền chỉ dẫn địa lý tại điểm c khoản 2 Điều 15; Phối hợp xử lý vi phạm liên quan đến sản phẩm, hàng hóa ảnh hưởng đến sức khoẻ, môi trường, an toàn xã hội tại Điều 27; quy định về các trường hợp cụ thể làm căn cứ dừng thủ tục xử lý vi phạm sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu xử lý vi phạm tại Điều 28; quy định về thẩm quyền của Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành KH&CN tại Điều 29; các nội dung dẫn chiếu Nghị định số 105/2006/NĐ-CP;…).

Căn cứ cơ sở pháp lý và thực tiễn nêu trên, nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, bảo đảm phù hợp với pháp luật về sở hữu trí tuệ, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành pháp luật về sở hữu trí tuệ, ngày 30/9/2024, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư số 06/2024/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN ngày 26/6/2015 của Bộ trưởng Bộ KH&CN quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, có hiệu lực thi hành từ 15/11/2024 (sau đây gọi tắt là Thông tư số 06/2024/TT-BKHCN). Thông tư số 06/2024/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ đối với 28 điều trên tổng số 32 điều của Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN, trong đó một số nội dung sửa đổi, bổ sung đáng chú ý như sau:

          (i) Về các quy định chung

- Bãi bỏ Điều 2 của Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN (tại khoản 2 Điều 2 Thông tư) quy định về đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính. Lý do: nội dung này đã được bổ sung để quy định tại Điều 1a của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về hình thức xử phạt bổ sung tại Điều 3 của Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN (tại khoản 2 Điều 1 Thông tư): hướng dẫn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của tổ chức, cá nhân vi phạm tại điểm c khoản 2 Điều 3 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP theo nguyên tắc đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trực tiếp liên quan đến hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính. Biện pháp đình chỉ toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chỉ áp dụng đối với trường hợp toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ này liên quan trực tiếp đến hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính

- Sửa đổi, bổ sung Điều 4 Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN (tại khoản 3  Điều 1 Thông tư) quy định các tài liệu cần thiết làm cơ sở để Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính xem xét, thực hiện áp dụng biện pháp ngăn chặn và đảm bảo xử lý vi phạm hành chính “Tạm giữ tên miền” (đây là quy định mới tại Điều 3a Nghị định số 99/2013/NĐ-CP).

- Bãi bỏ quy định tại Điều 5 Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN (tại khoản 2 Điều 2 Thông tư) về hướng dẫn xác định giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm quy định tại Điều 4 Nghị định 99/2013/NĐ-CP. Lý do: những nội dung cơ bản tại Điều này đã được quy định tại Điều 4 Nghị định 99/2013/NĐ-CP sau hai lần sửa đổi, bổ sung.

 - Sửa đổi, bổ sung quy định xác định số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính tại Điều 6 Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN (tại khoản 4 Điều 1 Thông tư) để bổ sung quy định về xác định số lợi bất hợp pháp đối với trường hợp giấy tờ có giá và tài sản khác, nhằm tạo sự thống nhất, thuận lợi trong thực tiễn áp dụng.

          (ii) Về các hành vi vi phạm bị xử phạt

- Sửa đổi, bổ sung Điều 7 Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN (tại khoản 5 Điều 1 Thông tư) cụ thể: (i) đối với quy định liên quan đến về hành vi chỉ dẫn sai về tình trạng pháp lý quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP, Thông tư bổ sung quy định làm rõ đối với trường hợp sử dụng ký hiệu ® mà trên hàng hóa, bao bì hàng hóa (bao gồm nhãn phụ đối với hàng hóa nhập khẩu) có chỉ dẫn thông tin trung thực về tình trạng bảo hộ tại Việt Nam thì không bị coi là hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP để tạo thuận lợi, thống nhất trong áp dụng; (ii) đối với quy định liên quan đến hành vi quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP, Thông tư bổ sung quy định hướng dẫn hành vi “Sử dụng đối tượng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của chủ thể khác mà không thực hiện giao dịch thông qua hợp đồng bằng văn bản” (nội dung mới bổ sung tại Điều 6 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP) và đồng thời, quy định rõ các trường hợp của hành vi ghi chỉ dẫn sai trên hàng hóa, bao bì hàng hóa.

- Bãi bỏ khoản 2 Điều 8 Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN (tại khoản 2 Điều 2 Thông tư) quy định hướng dẫn về hành vi cố ý cản trở việc xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp gây thiệt hại cho người có quyền và lợi ích liên quan. Lý do: quy định xử phạt đối với hành vi này tại điểm h khoản 2 Điều 7 Nghị định 99/2013/NĐ-CP đã được bãi bỏ tại Nghị định số 46/2024/NĐ-CP.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về xử phạt hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trên Internet tại Điều 10 Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN (tại khoản 7 Điều 1 Thông tư) để đảm bảo phù hợp với quy định tại Nghị định số 65/2023/NĐ-CP và đồng thời theo hướng quy định trách nhiệm của chủ thể đăng ký tên miền cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng tên miền để thực hiện hành vi vi phạm nhằm phù hợp với thực tiễn áp dụng.

- Sửa đổi, bổ sung điểm c và điểm d khoản 3 Điều 13 Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN (tại khoản 8 Điều 1 Thông tư) để phù hợp với các trường hợp nhãn hiệu nổi tiếng được công nhận tại Việt Nam được quy định trong pháp luật về sở hữu công nghiệp.

  - Bãi bỏ khoản 3, 4 Điều 14 Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN (tại khoản 2 Điều 2 Thông tư) hướng dẫn xử lý trường hợp việc sử dụng nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý gây xung đột và phát sinh tranh chấp. Lý do: các nội dung này không được quy định tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP và Nghị định số 65/2023/NĐ-CP.

- Bãi bỏ điểm c khoản 2 Điều 15 Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN (tại khoản 2 Điều 2 Thông tư) quy định trường hợp sản phẩm, hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý để đảm bảo thống nhất với quy định tại Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ (được sửa đổi, bổ sung năm 2022).

- Bãi bỏ Điều 17 Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN (tại khoản 2 Điều 2 Thông tư) quy định hướng dẫn xác định thiệt hại khi xem xét xử lý hành vi quá cảnh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Lý do: Nghị định số 99/2013/NĐ-CP đã bãi bỏ quy định về xử phạt đối với hành vi quá cảnh hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

- Sửa đổi, bổ sung Điều 18 Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN (tại khoản 9 Điều 1 Thông tư) theo hướng quy định rõ hành vi nhập khẩu hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính tại Nghị định 99/2013/NĐ-CP trừ trường hợp nhập khẩu song song để phù hợp với nội dung được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP.

   - Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 19 Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN (tại khoản 10 Điều 1 Thông tư) về hướng dẫn xử lý hành vi chiếm hữu, sử dụng tên miền để phù hợp với các sửa đổi, bổ sung tại điểm a khoản 16 Điều 14 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP. Cụ thể: sửa đổi, bổ sung quy định về chủ thể có quyền kiến nghị xử lý; quy định cụ thể hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền nhằm lợi dụng uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền với dụng ý xấu; đồng thời, quy định về tài liệu, chứng cứ cần thiết kèm theo kiến nghị xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp liên quan đến tên miền.

          (iii) Về thủ tục xử lý vi phạm

          - Sửa đổi, bổ sung Điều 22 Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN (tại khoản 12 Điều 1 Thông tư) để thống nhất cụm từ “yêu cầu xử lý xâm phạm” được quy định tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP.

          - Bãi bỏ khoản 1 Điều 23 Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN (tại khoản 2 Điều 2 Thông tư). Lý do: Quy định này hướng dẫn thi hành Điều 24 Nghị định 99/2013/NĐ-CP đã được bải bõ.    

          - Sửa đổi, bổ sung Điều 24 Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN (tại khoản 14 Điều 1 Thông tư) về xem xét, xử lý Đơn yêu cầu xử lý xâm phạm trong xử phạt vi phạm hành chính để đảm bảo phù hợp với các quy định đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 25 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về từ chối, dừng xử lý đơn yêu cầu xử lý xâm phạm trong xử phạt vi phạm hành chính tại Điều 28 Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN (khoản 15 Điều 1 Thông tư) để phù hợp với quy định được sửa đổi, bổ sung tại Điều 28 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng.

- Bãi bỏ Điều 27 Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN (tại khoản 2 Điều 2 Thông tư) quy định về phối hợp xử lý vi phạm liên quan đến sản phẩm, hàng hóa ảnh hưởng đến sức khoẻ, môi trường, an toàn xã hội để phù với quy định tại Điều 27 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP sau khi được sửa đổi, bổ sung.

- Bãi bỏ Điều 29 Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN (tại khoản 2 Điều 2 Thông tư) quy định thẩm quyền của Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Khoa học và Công nghệ để phù hợp với quy định của Luật Thanh tra 2022.

- Bãi bỏ Điều 30 Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN (tại khoản 2 Điều 2 Thông tư) quy định về hỗ trợ của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, xác minh và xử lý vi phạm để đảm bảo phù hợp với quy định về nguyên tắc xác định thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại của Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị định số 65/2023/NĐ-CP chỉ áp dụng trong xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp dân sự.

      (iv) Ngoài ra, Thông tư 06/2024/TT-BKHCN sửa đổi bổ sung tên một số Mục, Chương, Điều để phù hợp với quy định tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP; thay thế, bãi bỏ một số cụm từ để đảm bảo thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành. Bao gồm thay thế, bãi bỏ một số cụm từ chứa tên của một số văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu mà hiện nay đã được thay thế hoặc hết hiệu lực (như các cụm từ chứa tên Nghị định số 105/2006/NĐ-CP, Nghị định số 103/2006/NĐ-CP).

Với những nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng nêu trên, Thông tư số 06/2024/TT-BKHCN là kết quả của việc rà soát toàn bộ các quy định tại Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong thực tiễn áp dụng, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của các lực lượng chức năng trong quá trình kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

Tác giả: Trần Tiến Đạt – Phó trưởng phòng Thanh tra 3

 

 

Lượt xem: 214

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:17776
Lượt truy cập: 48102645