Thứ ba, 21/01/2025 14:23 GMT+7
Thứ ba, 03/10/2023 00:22 GMT+7

PHÂN BIỆT “TÊN GỌI XUẤT XỨ”, “CHỈ DẪN ĐỊA LÝ” VỚI “XUẤT XỨ HÀNG HÓA”

“Tên gọi xuất xứ”, “Chỉ dẫn địa lý” và “Xuất xứ hàng hóa” là những thuật ngữ thuộc các lĩnh vực pháp luật chuyên ngành khác nhau. Việc phân biệt rõ các thuật ngữ này có ý nghĩa quan trọng đối với các lực lượng chức năng trong áp dụng pháp luật để xử lý các vụ việc liên quan.

Đỗ Thị Minh Thủy

Thanh tra Bộ KH&CN

  1. “Tên gọi xuất xứ” và “Chỉ dẫn địa lý”
    1. Khái niệm

Trên phương diện quốc tế, “tên gọi xuất xứ” (appelation of origin) là thuật ngữ được dùng trước tiên tại Thỏa ước Lisbon về bảo hộ tên gọi xuất xứ và đăng ký quốc tế tên gọi xuất xứ. Theo Thỏa ước này, “tên gọi xuất xứ” được định nghĩa là “tên gọi địa lý của quốc gia, khu vực, địa phương nơi mà hàng hóa được sản xuất và hàng hóa đó mang tính chất, chất lượng đặc thù của môi trường địa lý, gồm yếu tố tự nhiên và con người”[1]

Năm 1995 Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được thành lập. Hoạt động của WTO được dựa trên 3 trụ cột pháp lý cơ bản, bao gồm Hiệp định về thương mại hàng hóa (GATT), Hiệp định về thương mại dịch vụ (GATTS) và Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS). Tại Hiệp định TRIPS, thuật ngữ “chỉ dẫn địa lý” (geographical indication) được chính thức được sử dụng với ý nghĩa là “những chỉ dẫn về hàng hóa bắt nguồn từ lãnh thổ của một thành viên hoặc từ một khu vực hay địa phương thuộc lãnh thổ đó, có chất lượng, uy tín hoặc đặc tính nhất định chủ yếu do xuất xứ địa lý quyết định”[2].

Hiệp định TRIPS giữ nguyên hiệu lực của Thỏa ước Lisbon (như một phần không tách rời của Hiệp định TRIPS). Theo đó, “tên gọi xuất xứ” được coi là một dạng đặc biệt của “chỉ dẫn địa lý”. Trong khi thuật ngữ “tên gọi xuất xứ” chỉ đề cập đến tên gọi địa lý (geographical name) thì thuật ngữ “chỉ dẫn địa lý” (geographical indication) có ý nghĩa rộng hơn, có thể là tên gọi địa lý và các dấu hiệu khác dưới dạng hình ảnh, biểu tượng... 

Tại Việt Nam, pháp luật sở hữu trí tuệ cũng phản ánh tiến trình này. Trước khi ra nhập WTO, pháp luật sở hữu trí tuệ nước ta sử dụng thuật ngữ “tên gọi xuất xứ” để chỉ đối tượng bảo hộ tương đương với “applelation of origin” tại Thỏa ước Lisbon. Nhằm đạt được sự thống nhất với Hiệp định TRIPS ra nhập WTO, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam thống nhất sử dụng thuật ngữ “chỉ dẫn địa lý” với định nghĩa là “dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể”[3] với những tiêu chí đặc thù. Theo đó, để được bảo hộ là chỉ dẫn địa lý, đối tượng yêu cầu bảo hộ phải đáp ứng các tiêu chí theo quy định, trong đó về cơ bản bao gồm:

  • Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia tương ứng với chỉ dẫn địa lý;
  • Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.
    1. Đặc điểm của “chỉ dẫn địa lý”

          Thứ nhất, chỉ dẫn địa lý (bao gồm cả tên gọi xuất xứ) thường là tên địa danh (quốc gia, vùng/khu vực, tỉnh/huyện/xã) nơi có sản phẩm đặc thù, danh tiếng. Do đó, chỉ một số sản phẩm trên thị trường được mang (gắn) chỉ dẫn địa lý. Nói cách khác, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đồng nghĩa là sản phẩm chất lượng, danh tiếng và điều này đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.

          Ví dụ: Chỉ dẫn địa lý “PHÚ QUỐC” cho sản phẩm “Nước mắm”, “MỘC CHÂU” cho sản phẩm “Chè San Tuyết”, “LỤC NGẠN” cho sản phẩm “Vải thiều” của Việt Nam, “SCOTCH WHISKY” cho sản phẩm “Rượu mạnh” của Scốt-len…

Thứ hai, tại Việt Nam quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam thuộc về Nhà nước.

          Theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ, quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam thuộc về Nhà nước. Nhà nước cho phép tổ chức/cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tổ chức tập thể đại diện cho các tổ chức/cá nhân đó hoặc cơ quan quản lý hành chính địa phương (nơi có chỉ dẫn địa lý) thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý. Tổ chức/cá nhân đăng ký được quản lý chỉ dẫn địa lý, mà không trở thành chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đó.

Thứ ba, quyền đối với chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) theo thủ tục đăng ký hoặc theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Phù hợp với các quy định nêu trên, Việt Nam đã chấp nhận bảo hộ 116 chỉ dẫn địa lý trong nước. Ngoài ra, có 169 chỉ dẫn địa lý nước ngoài được bảo hộ theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) và 4 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) [4].

          Thứ tư, khi sử dụng chỉ dẫn địa lý thường được thể hiện nổi bật trên sản phẩm. Các tổ chức/cá nhân được sử dụng chỉ dẫn địa lý tuân thủ quy định của Cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý (ở Việt Nam thường là các Sở khoa học và công nghệ/Ủy ban nhân dân) về ghi nhãn hàng hóa cho sản phẩm chỉ dẫn địa lý.

Thứ năm, hành vi giả mạo chỉ dẫn địa lý là hành vi giả mạo về sở hữu trí tuệ.

Theo quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ, hành vi sử dụng (gắn) dấu hiệu hoặc tem, nhãn có chứa các dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó và việc gắn dấu hiệu này được thực hiện bởi tổ chức, cá nhân không có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý bị coi là hành vi giả mạo về sở hữu trí tuệ. Do đó, tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, đối tượng thực hiện hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 126/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 226. “Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”, Bộ Luật Hình sự.

  1. Xuất xứ hàng hóa
    1. Khái niệm

          Trên phương diện quốc tế, Hiệp định GATT không xác định chi tiết “xuất xứ hàng hóa (origin of goods) là gì[1]. Phụ lục K của Công ước quốc tế về hài hoà và đơn giản hóa thủ tục hải quan (Công ước Kyoto sửa đổi năm 1999) định nghĩa “Nước xuất xứ hàng hóa” (country of origin of goods)là nước tại đó hàng hoá được chế biến hoặc sản xuất, phù hợp với tiêu chuẩn được áp dụng trong biểu thuế hải quan, giới hạn về số lượng hoặc các biện pháp khác liên quan đến thương mại”[2].

          Tại Việt Nam, Điều 3 Luật Thương mại định nghĩa “xuất xứ hàng hoá là nước hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hoá hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hoá trong trường hợp có nhiều nước hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hoá đó”. Điều 3 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết luật quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa cũng ghi nhận định nghĩa tương tự.

  1. Đặc điểm của xuất xứ hàng hóa

Thứ nhất, ngoại trừ một số trường hợp theo quy định của pháp luật (như bất động sản, thực phẩm tươi sống bán trực tiếp cho người tiêu dùng, hàng hóa đã qua sử dụng…), hàng hóa khi lưu thông trên thị trường bắt buộc phải ghi rõ xuất xứ trên nhãn hàng hóa. Trường hợp do kích thước của hàng hóa không đủ để thể hiện xuất xứ hàng hóa, nội dung này phải được ghi trong tài liệu kèm theo hàng hóa và trên Nhãn hàng hóa phải chỉ ra nơi ghi xuất xứ hàng hóa[3].

Thứ hai, trong hoạt động xuất nhập khẩu, xuất xứ hàng hóa được coi là “quốc tịch” của hàng hóa mà căn cứ vào đó cơ quan hải quan xác định được hàng hóa đến từ đâu và có được hưởng ưu đãi thuế quan theo các Hiệp định thương mại tư do (FTA) hay không.

Để chứng minh “quốc tịch” của trong hoạt động xuất nhập khẩu, Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (Certificate of Origin, viết tắt là C/O) có ý nghĩa rất quan trọng.

          Thứ ba, tại Việt Nam, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp C/O đối với hàng hóa xuất khẩu là Bộ Công Thương (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam theo ủy quyền của Bộ Công Thương). Khi đề nghị đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, thương nhân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực đối với thông tin khai báo và xác định xuất xứ hàng hóa[4]

          Ngoài ra, theo quy định pháp luật, Bộ Công Thương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn việc kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu trước và sau khi cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và việc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu của thương nhân[5]. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, tiêu chí xác định xuất xứ hàng hóa sản xuất trong nước để hưởng các ưu đãi thuế trong hoạt động xuất nhập khẩu và lưu thông trên thị trường vẫn còn là khoản trống pháp lý. (Ví dụ: tỷ lệ sản xuất, chế biến ở Việt Nam là bao nhiêu để được xác định hàng hóa có xuất xứ Việt Nam?).

Thứ tư, theo quy định pháp luật, việc ghi xuất xứ hàng hóa cần đáp ứng các yêu cầu tại Điều 15 tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 về Nhãn hàng hóa (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09/12/2021). Trên thực tế, các cụm từ chỉ xuất xứ hàng hóa thường gặp trên sản phẩm là MADE IN… (sản xuất tại…), PRODUCT OF (Sản phẩm của…) kèm theo tên quốc gia/vùng lãnh thổ xuất xứ của sản phẩm như Nhật Bản, Đài Loan, Việt Nam…

          Đối với các sản phẩm thông thường, xuất xứ hàng hóa có thể được thể hiện trên tem hoặc nhãn sản phẩm cùng với các thông tin kỹ thuật khác liên quan đến sản phẩm.

          Thứ năm, hành vi vi phạm về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022) và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

          Đáng chú ý là quy định trách nhiệm pháp lý đối với các hành vi vi phạm về xuất xứ tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP chủ yếu liên quan đến Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (như tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; cung cấp các tài liệu, chứng từ không đúng sự thật với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi đề nghị cấp hoặc xác minh Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; tự chứng nhận sai xuất xứ hàng hóa…)[1]. Do thiếu pháp luật nội dung quy định tiêu chí xác định xuất xứ hàng hóa (thế nào là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam) nên việc xử lý hành vi giả mạo/gian lận xuất xứ hàng hóa trong nước vẫn đang là khoảng trống pháp lý.

          Kết luận

          Từ những phân tích trên đây, nhận thấy chỉ dẫn địa lý” (trong đó bao gồm cả “tên gọi xuất xứ”) là những thuật ngữ thuộc lĩnh vực sở hữu trí tuệ; trong khi đó “xuất xứ hàng hóa” là thuật ngữ thuộc lĩnh vực thương mại. Do sự khác biệt căn bản này, chỉ dẫn địa lý và xuất xứ hàng hóa được điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật chuyên ngành khác nhau. Chỉ dẫn địa lý và xuất xứ hàng hóa có ý nghĩa, vai trò và cách thức sử dụng khác nhau trên hàng hóa. Thêm nữa, có thể nhận thấy trong khi các quy định liên quan đến bảo hộ và thực thi quyền đối với chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam là khá đầy đủ, thì các quy định liên quan đến việc xác định tiêu chí của hàng hóa có xuất xứ trong nước và xử lý hành vi gian lận/giả mạo hàng hóa sản xuất tại Việt Nam vẫn còn là khoảng trống pháp lý cần hoàn thiện.

 


[1] Điều 44 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 (sửa đổi bổ sung bởi  Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

 

 


[1] Technical Information on Rules of Origin (www.wto.org/english/tratop)

[3] Điều 1 và Điều 10, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 về Nhãn hàng hóa (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09/12/2021).

[4] Điều 24 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa.

[5] Điều 28 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP.

 

 

 


[1] Điều 2 Thỏa ước Lisbon về đăng ký quốc tế và bảo hộ tên gọi xuất xứ năm 1958, sửa đổi bổ sung năm 1967 và 1979.

[2] Điều 22.1 Hiệp định TRIPS

[3] Điều 4.22 Luật Sở hữu trí tuệ

[4] https://ipvietnam.gov.vn/vi_VN/web/guest/chi-dan-dia-ly

 

 

Lượt xem: 8396

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:25064
Lượt truy cập: 48107004