Thứ ba, 21/01/2025 14:29 GMT+7
Thứ ba, 25/07/2023 16:42 GMT+7

Sự cần thiết duy trì tổ chức Thanh tra sở Khoa học và Công nghệ

Ngày 14/11/2022, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 với nhiều quy định mới, trong đó có quy định về các trường hợp được thành lập Thanh tra sở (khoản 2 Điều 26). Thực hiện quy định của Luật Thanh tra, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan tham mưu, đề xuất phương án tổ chức, sắp xếp lại bộ máy của lực lượng Thanh tra tại các sở, trong đó có Thanh tra sở KH&CN.

Ngay sau khi Luật Thanh tra mới được ban hành, với vai trò là cơ quan của Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về KH,CN&ĐMST, trong đó có hoạt động thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực KH&CN, Bộ KH&CN đã tích cực chỉ đạo các cơ quan liên quan trực thuộc Bộ (trong đó Thanh tra Bộ, Vụ Phát triển KH&CN địa phương là đầu mối) phối hợp, hỗ trợ các địa phương xây dựng đề xuất, kiến nghị về việc thành lập, duy trì tổ chức Thanh tra sở KH&CN. Ngày 14/3/2023, Bộ trưởng Bộ KH&CN có Công thư gửi Bí thư Tỉnh/Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó nêu rõ vai trò, đóng góp của Thanh tra sở KH&CN đối với công tác quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) nói chung, với hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trong các lĩnh vực KH&CN nói riêng và sự cần thiết của việc thành lập, duy trì tổ chức Thanh tra sở KH&CN tại địa phương, cụ thể như sau:

Thứ nhất, việc thành lập, duy trì tổ chức Thanh tra sở KH&CN phù hợp với quy định của Luật Thanh tra mới được ban hành. Cụ thể, theo quy định tại một số văn bản luật (như Luật Đo lường; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật), Thanh tra sở KH&CN phải được thành lập trong hệ thống các cơ quan thanh tra để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định (như vậy phù hợp với điều kiện quy định tại điểm a khoản 2 Điều 26 Luật Thanh tra). Bên cạnh đó, Sở KH&CN là cơ quan tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về KH&CN với phạm vi quản lý rộng, bao gồm các lĩnh vực: tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; sở hữu trí tuệ; ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ; an toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN); hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển tiềm lực KH&CN. Đây là các lĩnh vực tác động trực tiếp đến sức khỏe, đời sống của người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, do đó yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp, có tính chuyên môn sâu (như vậy phù hợp với quy định tại điểm b khoản 2 Điều 26 Luật Thanh tra).

Thanh tra Bộ KH&CN phối hợp với Thanh tra sở KH&CN thực hiện thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực đo lường

Thứ hai, thực tiễn đã chứng minh sự cần thiết và vai trò của Thanh tra sở KH&CN đối với công tác quản lý nhà nước về KH&CN. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực ATBXHN, theo thống kê, hiện nay cả nước có khoảng 9.000 cơ sở tiến hành công việc bức xạ. Tổng số cơ sở tiến hành công việc bức xạ được thanh tra trong một năm là khoảng 900 cơ sở, trong đó phần lớn (khoảng hơn 800 cơ sở, chiếm gần 90%) do Thanh tra các sở KH&CN thực hiện; số còn lại (khoảng 80 cơ sở) do Thanh tra Cục ATBXHN thực hiện. Đặc biệt trong bối cảnh thời gian tới cần đẩy mạnh tần suất và số lượng cuộc thanh tra ATBXHN để đáp ứng khuyến cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế thì đóng góp của Thanh tra sở KH&CN đối với hoạt động thanh tra chuyên ngành ATBXHN ngày càng quan trọng. Như vậy, chỉ riêng đối với lĩnh vực ATBXHN, việc không duy trì Thanh tra sở KH&CN có thể làm tăng nguy cơ bỏ lọt các hành vi vi phạm gây mất an toàn, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân, hoạt động của doanh nghiệp và an ninh, quốc phòng.

Thứ ba, việc không thành lập, duy trì tổ chức Thanh tra sở KH&CN có thể dẫn đến một số khó khăn, vướng mắc đối với công tác xử lý vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực KH&CN. Cụ thể: (i) Luật Xử lý VPHC (sửa đổi, bổ sung năm 2020; có hiệu lực từ ngày 01/01/2022) tiếp tục quy định về thẩm quyền xử phạt VPHC của các chức danh thuộc Thanh tra sở. Việc không thành lập Thanh tra sở KH&CN (dẫn đến bỏ các chức danh thuộc Thanh tra sở KH&CN) sẽ gây khó khăn trong việc xác định thẩm quyền xử phạt và ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xử phạt VPHC trong lĩnh vực KH&CN; (ii) Hoạt động thanh tra chuyên ngành KH&CN có đặc thù nghiệp vụ, chuyên môn - kỹ thuật cao, yêu cầu tính chuyên nghiệp, thường xuyên và kịp thời. Việc bỏ tổ chức Thanh tra sở KH&CN hoặc lồng ghép chức năng thanh tra chuyên ngành KH&CN vào đơn vị quản lý khác (như Thanh tra tỉnh, phòng/ban khác thuộc Sở) có thể dẫn đến việc các hành vi VPHC không được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực KH&CN. Thực tế tại một số tỉnh (như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bình Phước…), sau một thời gian không duy trì tổ chức Thanh tra sở KH&CN đã phải tái lập lại để khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn.

Thứ tư, việc không duy trì tổ chức Thanh tra sở KH&CN cũng có thể dẫn tới khó khăn trong việc thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Các Hiệp định thương mại mà Việt Nam mới tham gia (như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU,…) yêu cầu quốc gia thành viên phải thiết lập hệ thống pháp luật và triển khai biện pháp xử lý các hành vi vi phạm về sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng một cách nhanh chóng, kịp thời. Bên cạnh đó, các Công ước quốc tế trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử cũng yêu cầu thiết lập và duy trì hệ thống thanh tra ATBXHN trên phạm vi cả nước.

Như vậy, việc duy trì Thanh tra sở KH&CN là phù hợp với quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển ngành thanh tra và lĩnh vực KH&CN; phù hợp với Luật Thanh tra năm 2022 và các quy định pháp luật liên quan; xuất phát từ yêu cầu quản lý nhà nước, yêu cầu thực tiễn và những cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, ký kết.

  Tại Hội nghị Giám đốc sở KH&CN toàn quốc năm 2023 do Bộ KH&CN phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức tại thành phố Quy Nhơn từ ngày 16-17/3/2023, vấn đề thành lập, duy trì tổ chức Thanh tra sở KH&CN là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu tham dự. Bà Nguyễn Như Quỳnh - Chánh Thanh tra Bộ KH&CN khẳng định lại những nỗ lực đồng hành của Bộ KH&CN, của các cơ quan liên quan trực thuộc Bộ với địa phương, đồng thời cho biết, Bộ KH&CN hiện đang phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ trong việc đề xuất thành lập, duy trì Thanh tra sở KH&CN và xây dựng các dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Thanh tra, Nghị định quy định các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.


Chánh Thanh tra Bộ KH&CN Nguyễn Như Quỳnh phát biểu tại Hội nghị Giám đốc sở KH&CN toàn quốc năm 2023.

Đại diện một số sở KH&CN đã ghi nhận trách nhiệm, sự quan tâm của Bộ KH&CN đối với công tác xây dựng hệ thống thanh tra ngành KH&CN, đồng thời cho biết những nỗ lực này bước đầu đã có những đóng góp tích cực cho công tác tham mưu, đề xuất của sở KH&CN với UBND cấp tỉnh về việc thành lập, duy trì tổ chức Thanh tra sở KH&CN./.

 

Lượt xem: 3375

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:25370
Lượt truy cập: 48107189