Chủ nhật, 24/11/2024 20:41 GMT+7
Thứ năm, 06/12/2018 16:44 GMT+7

VẤN ĐỀ CÂN BẰNG LỢI ÍCH TRONG BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ - TỪ LÝ LUẬN ĐẾN THỰC TIỄN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP TẠI TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI

     Đỗ Thị Minh Thủy

(Thanh tra Bộ KH&CN)

          Điều 7 Hiệp định TRIPS xác định mục tiêu: “bảo hộ và thực thi các quyền sở hữu trí tuệ phải góp phần thúc đẩy việc cải tiến, chuyển giao và phổ biến công nghệ, góp phần đem lại lợi ích chung cho người tạo ra và người sử dụng kiến thức công nghệ, đem lại lợi ích xã hội và lợi ích kinh tế, và tạo sự cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ”. Bài viết phân tích những vấn đề lý luận và thực tiễn giải quyết tranh chấp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế tại Tổ chức thương mại thế giới để đạt được mục tiêu trên.

   1. Những vấn đề lý luận

Về lý luận, bảo hộ cân bằng lợi ích của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) và lợi ích cộng đồng là nguyên tắc mang tính lịch sử. Các học thuyết, chế định được sử dụng như công cụ nhằm hạn chế quyền của chủ sở hữu, tạo cân bằng trong bảo hộ quyền SHTT cũng đã từ lâu được biết đến tại nhiều quốc gia như “Thuyết sử dụng hợp lý” (Fair Use Doctrine), “Thuyết hết quyền” (Exhaution Doctrine) và “Nhập khẩu song song” (Parallel Import); quy định giới hạn quyền của chủ sở hữu và và quy định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, còn gọi là Li-xăng cưỡng bức (Compulsory Licence).

Thứ nhất, áp dụng thuyết hết quyền và nhập khẩu song song

Theo thuyết hết quyền, khi sản phẩm mang đối tượng SHTT được đưa ra thị trường bởi chính chủ thể nắm giữ quyền SHTT hoặc với sự đồng ý của chủ thể này, thì chủ thể nắm giữ quyền SHTT không còn quyền kiểm soát đối với việc phân phối và khai thác thương mại sản phẩm. Theo đó, trên thế giới hiện tại có 3 cơ chế hết quyền, cụ thể là:

- Hết quyền quốc gia: Đây là cơ chế “khắt khe” nhất. Theo cơ chế này, quyền phân phối sản phẩm của chủ sở hữu quyền SHTT chỉ chấm dứt trong phạm vi lãnh thổ quốc gia. Chủ sở hữu quyền SHTT có quyền ngăn cản nhập khẩu hàng hoá, mặc dù hàng hoá đó do chính họ hoặc người được họ cho phép bán ở nước ngoài. Điều này trao cho chủ sở hữu quyền quyền độc quyền nhập khẩu hàng hoá đó.

- Hết quyền khu vực: Hết quyền khu vực liên quan đến hết quyền trong phạm vi thị trường rộng hơn thị trường quốc gia nhưng lại chỉ giới hạn ở một số quốc gia nhất định. Theo đó, chủ sở hữu quyền SHTT có quyền ngăn chặn việc nhập khẩu những sản phẩm này từ ngoài vào thị trường khu vực.

- Hết quyền quốc tế: Cơ chế này có nền tảng từ triết lý “không ai có quyền được phép thu lợi từ độc quyền hai lần”. Theo đó, hết quyền SHTT xảy ra khi sản phẩm được bảo hộ quyền SHTT được chủ sở hữu hoặc với sự đồng ý của chủ sở hữu đưa ra bất kỳ thị trường nào trên thế giới. Ngược với 2 cơ chế trên, chủ sở hữu quyền SHTT không thể dựa vào quyền của mình để ngăn chặn lưu thông hàng hoá trên phạm vi toàn thế giới.

Theo Hiệp định TRIPS, thành viên WTO có thể linh hoạt trong quy định  cơ chế hết quyền và cùng với đó, cho phép nhập khẩu các sản phẩm đã được chủ sở hữu đưa ra thị trường nước ngoài vào thị trường nội địa nhằm giảm chênh lệch về giá.

Thứ hai, giới hạn quyền của chủ sở hữu bằng các hạn chế và ngoại lệ

Giới hạn quyền của chủ sở hữu bằng việc quy định các hạn chế và ngoại lệ là công cụ đặc biệt quan trọng trong thực hiện bảo hộ cân bằng quyền SHTT, đặc biệt là trong bảo hộ sáng chế dược phẩm.

Trước khi Hiệp định TRIPS được ký kết, việc bảo hộ sáng chế dược phẩm là một vấn đề gây nhiều tranh cãi vì ý nghĩa xã hội đặc biệt của loại sản phẩm này. Ngay tại một số quốc gia có lịch sử bảo hộ quyền SHTT hàng thế kỷ thì việc bảo hộ sáng chế đối với dược phẩm cũng chỉ bắt đầu cách đây chưa lâu. Ví dụ: Thụy Sỹ (năm 1977); Nhật Bản (năm 1976); Italy và Thụy Điển (năm 1978); Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Na Uy (năm 1992). Trong quá trình đàm phán Hiệp định TRIPS, các nước đang phát triển giữ quan điểm rằng do tính quan trọng của dược phẩm, việc bảo hộ sáng chế với dược phẩm sẽ dẫn đến sự lạm dụng độc quyền của chủ sở hữu, ảnh hưởng đến phúc lợi chung của xã hội. Tuy nhiên, trước sức ép đến từ các nước phát triển, các quốc gia đang phát triển đã không thành công trong việc bảo vệ quan điểm của mình. Theo đó, quy định tại Điều 27 Hiệp định đã ràng buộc các quốc gia thành viên WTO phải bảo hộ và thực thi quyền đối với sáng chế trong cả lĩnh vực dược phẩm.

Mặt khác, để hạn chế sự làm dụng độc quyền của chủ sở hữu, bên cạnh việc khẳng định độc quyền của chủ sở hữu, Hiệp định TRIPS quy định những hạn chế và ngoại lệ đối với độc quyền của chủ sở hữu, trong đó có Điều 30: “Ngoại lệ đối với bảo hộ sáng chế”. Về cơ bản, quy định này cho phép thành viên WTO quyền sử dụng sáng chế được bảo hộ khi đáp ứng một số điều kiện nhất định. Cụ thể là:

  • - Hành vi đó phải có giới hạn (limited);

  • - Hành vi đó không được xung đột bất hợp lý với việc khai thác bình thường (normal exploitation) của sáng chế; và

  • - Hành vi đó không được làm tổn hại một cách bất hợp lý tới lợi ích hợp pháp (legitimate interests) của chủ sở hữu sáng chế cũng như lợi ích hợp pháp của bên thứ ba .

Thứ ba, quy định về bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế

Bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế được hiểu là Nhà nước cho phép người thứ ba sử dụng một hoặc một số quyền đối với sáng chế được bảo hộ mà không cần sự đồng ý của chủ sáng chế. Quy định này lần đầu xuất hiện tại Điều 5A Công ước Paris với mục đích “nhằm ngăn chặn việc lạm dụng có thể nảy sinh từ việc thực hiện độc quyền được xác lập bởi bằng độc quyền sáng chế”. Điều 31 Hiệp định TRIPS tiếp tục kế thừa và phát triển quy định của Công ước Paris với các quy định về các hình thức sử dụng sáng chế không cần xin phép của chủ sở hữu quyền.

Theo đó, bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế được áp dụng trong những tình huống đặc biệt với những điều kiện nhất định. Thông thường, đó là các tình huống gây mất cân bằng lợi ích theo hướng gây thiệt hại cho lợi ích của xã hội. Ví dụ: Chủ sáng chế không đáp ứng được yêu cầu của thị trường, làm cho thị trường khan hiếm hàng hóa hoặc đẩy giá bán hàng hóa lên quá cao khiến người tiêu dùng không có khả năng tiếp cận với hàng hóa, từ đó đe dọa sự an toàn của xã hội… Ngoài ra, để áp dụng bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cần có nhiều điều kiện khác như: người được quyền sử dụng sáng chế phải có năng lực thực hiện việc sử dụng; việc sử dụng sáng chế sau khi được chuyển giao bắt buộc thực sự khắc phục được tình trạng bất cập trước đó (ví dụ khắc phục được tình trạng khan hiếm hàng hóa hoặc làm giảm giá bán hàng hóa…); người được cấp quyền sử dụng sáng chế không được trao quyền đó cho người khác; sản phẩm được sản xuất theo quyền được cấp có thể chỉ được phục vụ nhu cầu nội địa mà không được phép xuất khẩu và có thể bị khống chế về số lượng (quota); giấy phép sử dụng sáng chế sẽ bị đình chỉ hiệu lực nếu lý do dẫn đến việc phải bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế không tồn tại nữa; việc chuyển giao bắt buộc phải được thông báo cho chủ sáng chế và chủ sáng chế phải được đền bù một cách hợp lý phần lợi ích đã bị tổn thất do người khác sử dụng sáng chế của mình…

Việc bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế được coi là công cụ hữu hiệu để chống lại khuynh hướng lạm dụng độc quyền sáng chế, gây cản trở cho việc tiếp cận với sản phẩm được bảo hộ do lợi dụng độc quyền để tăng giá bán sản phẩm một cách bất hợp lý. Tác động rõ rệt của việc bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế trong việc giảm giá bán sản phẩm là bổ sung nguồn cung ứng sản phẩm, từ đó làm suy giảm hoặc phá vỡ thế độc quyền của chủ sử hữu sáng chế.

Theo nhiều nhà nghiên cứu và thực tế chỉ ra rằng quy định tại Hiệp định TRIPS về bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế tại Điều 31 là chưa rõ ràng và không khả thi[1].

         2.Những vấn đề thực tiễn

Mặc dù có nhiều tranh cãi liên quan đến cả 3 công cụ nói trên để hướng đến mục tiêu bảo hộ cân bằng quyền SHTT; tuy nhiên, với các quy định này, xu thế giải thích để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các quốc gia được khẳng định là đặc điểm quan trọng trong áp dụng Hiệp định TRIPS để giải quyết tranh chấp giữa các thành viên WTO. Cụ thể như sau:

         2.1.Nhập khẩu song song:

Hiệp định TRIPS cho phép các thành viên tự do áp dụng các thuyết hết quyền SHTT gắn với nhập khẩu song song các sản phẩm mang quyền SHTT mà không đặt ra bất cứ giới hạn tối thiểu nào. Do vậy, trong thực tiễn, không có tranh chấp nào giữa các thành viên WTO liên quan đến vấn đề này.

         2.2.Giới hạn quyền của chủ sở hữu bằng việc quy định các hạn chế và ngoại lệ

Liên quan đến vấn đề này, trong vụ Canada - Pharmaceutical Patents”[2] , Ban hội thẩm đã giải thích và áp dụng pháp luật WTO với những điểm đáng lưu ý như sau:

- Các điều kiện áp dụng ngoại lệ đối với các quyền sáng chế được giải thích một cách chặt chẽ, lô-gic theo cấu trúc, trật tự ngôn từ.

 Trong vụ việc được đề cập, Ca-na-đa thừa nhận việc các nhà sản xuất thuốc generic sử dụng sáng chế đang được bảo hộ để tiến hành các thử nghiệm xin cấp phép và chuẩn bị đưa sản phẩm ra thị trường ngay khi hết thời hạn bảo hộ của sáng chế gốc, là hành vi sử dụng sáng chế không được phép của chủ sở hữu. Nhưng liệu hành vi đó có phải là hành vi xâm phạm quyền, trái với cam kết về việc bảo hộ đối tượng này theo Hiệp định TRIPS? Mấu chốt của vấn đề tuỳ thuộc vào nhận định của Ban hội thẩm về việc liệu đây có phải là trường hợp ngoại lệ đối với các quyền được cấp theo Điều 30 Hiệp định TRIPS.

Khi xem xét vụ việc, Ban hội thẩm đề cập đến cấu trúc cơ bản của Điều 30, chỉ ra những điều kiện để áp dụng và sau đó nhận định rằng:

Điều 30 quy định ba tiêu chí cần phải đáp ứng để được áp dụng ngoại lệ: (i) ngoại lệ phải là “giới hạn”; (ii) ngoại lệ không được “mâu thuẫn bất hợp lý với khai thác bình thường của sáng chế”; (iii) ngoại lệ không “tổn hại bất hợp lý tới lợi ích hợp pháp của chủ sáng chế, có tính đến lợi ích hợp pháp của bên thứ ba”. Cả ba là điều kiện cần và đủ, trong đó mỗi điều kiện có các yêu cầu độc lập phải được thỏa mãn. Không thỏa mãn một trong ba điều kiện trên, ngoại lệ tại Điều 30 là không được phép”[3].

Theo Ban hội thẩm, ba điều kiện này phải được giải thích trong mối liên hệ với nhau. Mỗi điều kiện có nội hàm ý nghĩa khác với hai điều kiện còn lại, nếu không sẽ có sự trùng lặp. Thông thường, trật tự liệt kê gợi ý rằng ngoại lệ thỏa mãn điều kiện thứ nhất có thể vi phạm ngoại lệ thứ hai hoặc thứ ba; và rằng thỏa mãn điều kiện thứ nhất và thứ hai vẫn có thể vi phạm điều thứ ba. Ngôn ngữ tại Điều 30 cho phép kết luận rằng ngoại lệ phải là “giới hạn”, và không vi phạm một hoặc hai điều kiện. Trật tự ngôn ngữ gợi ý tiếp theo là ngoại lệ mà không mâu thuẫn với việc “khai thác bình thường” vẫn có thể “gây tổn hại một cách bất hợp lý” tới lợi ích hợp pháp của chủ sáng chế.

Theo quan điểm của Ban hội thẩm, quyền áp dụng theo luật quốc gia xuất phát từ quyền cơ bản và các ngoại lệ cho phép. Với giải thích và áp dụng ngoại lệ đối với việc sử dụng sáng chế đang được bảo hộ trong vụ việc này, Ban hội thẩm đã tạo tiền lệ và hướng dẫn áp dụng quy định rất quan trọng này cho các vụ việc tranh chấp bảo hộ sáng chế trong khuôn khổ Hiệp định TRIPS.

- Cách hiểu của các bên tham gia đàm phán về nội dung ngoại lệ có ý nghĩa quan trọng trong trường hợp sự thể hiện bằng ngôn ngữ tại quy định pháp luật không rõ ràng.

Cũng trong vụ việc, Ca-na-đa đã bảo vệ thành công Mục 55.2(1) của Đạo luật Sáng chế Ca-na-đa quy định về quyền của các nhà sản xuất thuốc generic được tự do nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm (bao gồm cả việc mua bán các hoạt chất trung gian với mục đích nghiên cứu sản xuất thuốc generic) trong thời hạn bảo hộ sáng chế và tiến hành các thủ tục khác liên quan đến việc xin cấp phép đưa thuốc generic ra thị trường ngay khi sáng chế hết hạn hiệu lực (được gọi là “ngoại lệ về quy định phê duyệt” – “The regulatory review exception”). Lập luận về việc quy định được đề cập là thuộc ngoại lệ đối với quyền của chủ sở hữu sáng chế, Ca-na-đa đã dựa trên lịch sử đàm phán quy định về ngoại lệ tại Điều 30 Hiệp định TRIPS và thực tế đang tiếp diễn ở một số thành viên WTO. Theo đó, Ca-na-đa chỉ ra rằng vào năm 1984, Hoa Kỳ ban hành ngoại lệ tương tự quy định phê duyệt tại Mục 55.2(1) của Đạo luật Sáng chế Ca-na-đa, được biết đến dưới tên gọi là “Ngoại lệ Bolar”. Ca-na-đa khẳng định rằng “ngoại lệ Bolar” của Hoa Kỳ nổi tiếng trong quá trình đàm phán Điều 30, và rằng các chính phủ nhận thức được rằng Hoa Kỳ muốn đảm bảo rằng ngoại lệ TRIPS là cho phép giữ nguyên “ngoại lệ Bolar” của họ. Ca- na-đa khẳng định rằng mọi người đều biết rằng Hoa Kỳ đồng ý nội dung Điều 30 trên cơ sở hiểu về điều khoản này như vậy. Ban hội thẩm đã chấp nhận lập luận của Ca-na-đa.

Như vậy, thực tiễn giải quyết vụ việc này cho thấy trường hợp ngôn từ được ghi trong Hiệp định TRIPS gây tranh cãi, ý chí các bên trong quá đàm phán ký kết Hiệp định được coi là nguồn giải thích pháp luật quan trọng.

- Ban hội thẩm giải thích phạm vi được phép áp dụng ngoại lệ đối với các quyền được cấp hướng tới đảm bảo mục tiêu chung của Hiệp định TRIPS.

            Theo định hướng này, trong vụ Canada- Pharmaceutical Patents, Ban hội thẩm khi xem xét các điều kiện áp dụng ngoại lệ đối với quyền sáng chế được bảo hộ đã cân nhắc đến mục tiêu và nguyên tắc bảo hộ hài hòa quyền sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 7 và 8 Hiệp định TRIPS:

“Rõ ràng là phạm vi chính xác của Điều 30 phụ thuộc vào ý nghĩa cụ thể mà có quan chức năng qui định cho từng điều kiện giới hạn. Từ ngữ của các điều kiện này phải được cân nhắc hết sức cẩn trọng. Cả mục đích và giới hạn nêu tại Điều 7 và 8.1 cũng như các điều khoản khác của Hiệp định TRIPS liên quan đến đối tượng và mục đích Hiệp định cần phải được tính đến”[4].

            2.3 Bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế - Khiếm khuyết của Hiệp định TRIPS trong bảo hộ cân bằng sáng chế vì sức khoẻ cộng đồng

Chính sách bảo hộ cân bằng giữa lợi ích của chủ sở hữu và lợi ích công công, đặc biệt là trong bảo hộ sáng chế được hiểu là chính sách nhằm giảm sự khác biệt giữa các thành viên WTO là các nước phát triển với thành viên là các nước đang phát triển. Tuy nhiên, thực tế trong những năm qua, các nước đang phát triển vẫn đứng ngoài các vấn đề liên quan đến việc khai thác sáng chế được bảo hộ vì nhu cầu xã hội thiết yếu và cấp bách. Trong vụ “Canada - Pharmaceutical Patents”, có thể thấy Ca-na-đa là nước công nghiệp phát triển nhưng lại là bị đơn, bị cáo buộc là thực thi chính sách cho phép sản xuất thuốc generic xâm phạm quyền của chủ sở hữu.

Vụ việc cho thấy nguyên nhân vấn đề là ở cấu trúc ngành công nghiệp sản xuất thuốc generic. Theo đó, sản xuất dược phẩm generic thường liên quan đến một thỏa thuận sản xuất hai cấp, bao gồm:

-Các công ty xuất thuốc generic: Các công ty này giữ vai trò kết nối, thử nghiệm, xin cấp phép và đưa sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, các công ty xuất thuốc generic thường không có năng lực kỹ thuật công nghệ và chuyên môn để sản xuất “hoạt chất” - sản phẩm hóa học (lõi) tạo ra hiệu ứng chữa trị mong muốn;

-Các công ty sản xuất hóa chất nguyên chất: Các công ty sản xuất hóa chất nguyên chất phát triển và sản xuất các thành phần “hoạt chất”, sau đó bán cho các công ty sản xuất thuốc generic để pha trộn với các thành phần khác để tạo ra sản phẩm cuối cùng ở dạng mà người sử dụng cuối cùng có thể sử dụng.

Như vậy, về trách nhiệm, nhà sản xuất thuốc generic là người có nghĩa vụ chứng minh tính an toàn, bền vững và hiệu quả của dược phẩm generic trước khi đưa ra thị trường. Tuy nhiên, trên thực tế, ngoại trừ một số ít các tập đoàn, nhà sản xuất dược phẩm lớn có đầu tư nghiêm túc, đầy đủ vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm, đa phần các nhà sản xuất thuốc generic không đủ năng lực tự sản xuất dược phẩm generic hoàn chỉnh, mà phải dựa vào công nghệ (của các công ty sản xuất hoá chất nguyên chất) để sản xuất ra “hoạt chất” (lõi) của sản phẩm. Các công ty sản xuất hoá chất nguyên chất này có tiềm lực về nghiên cứu và công nghệ, thường thuộc về các quốc gia phát triển.

Với thực tế trên, nhiều thành viên WTO là các nước đang và chậm phát triển đã gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai các chính sách về bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là việc tiếp cận các nguồn dược phẩm thiết yếu của người dân. Thực tế này cũng là nguyên nhân của “khiếm khuyết” trong cơ chế linh hoạt của Hiệp định TRIPS về bảo vệ sức khỏe cộng đồng quy định tại Điều 31 về bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế. Theo đó, một trong những điều kiện của việc bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế là trong những tình huống khẩn cấp, chính phủ thành viên WTO chỉ được cấp phép chủ yếu để cung cấp cho thị trường trong nước (Điều 31(f) Hiệp định TRIPS). Việc này dẫn tới hệ quả là khi một nước thành viên muốn sử dụng cơ chế bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế trong trường hợp cần một loại thuốc nhất định để ngăn chặn nguy cơ bệnh dịch; tuy nhiên, ngành công nghiệp dược của thành viên đó lại không đủ năng lực để sản xuất loại thuốc đó, thì thành viên đó không thể yêu cầu các thành viên khác sản xuất “hoạt chất” hoặc thuốc thành phẩm được (do giới hạn ở Điều 31(f) Hiệp định TRIPS.

Thừa nhận khiếm khuyết của Điều 31 Hiệp định TRIPS, Tuyên bố Hội đồng bộ trưởng về Hiệp định TRIPS và sức khỏe cộng đồng được toàn thể các thành viên của WTO thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng (Tuyên bố Doha) ngày 14/11/2001 đã khẳng định: Hiệp định TRIPS không và sẽ không ngăn cản các quốc gia thành viên được áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tái khẳng định quyền của quốc gia thành viên WTO sử dụng một cách đầy đủ những quy định linh hoạt của Hiệp định TRIPS cho mục đích trên. Đặc biệt, Đoạn 6 Tuyên bố Doha thừa nhận rằng, các quốc gia không có đủ khả năng sản xuất có thể sẽ gặp những vấn đề khó khăn trong việc sử dụng li-xăng cưỡng bức trong việc giải quyết vấn đề sức khỏe cộng đồng và yêu cầu Hội đồng TRIPS cần tìm ra giải pháp nhanh chóng để giải quyết vấn đề này.

Theo đó, với mục đích tạo điều kiện để người nghèo trên thế giới có thể tiếp cận với thuốc; tạo cơ chế cho những nước không đủ năng lực sản xuất thuốc để đáp ứng nhu cầu trong nước và những nước có đủ năng lực sản xuất thuốc để xuất khẩu kết nối được với nhau, Nghị định thư sửa đổi Hiệp định TRIPS đã bổ sung Điều 31bis vào sau Điều 31 của Hiệp định TRIPS. Điều 31bis Nghị định thư sửa đổi Hiệp định TRIPS cho phép các nước Thành viên ra quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế dược phẩm mà không cần tuân thủ quy định của Điều 31(f) Hiệp định TRIPS. Điều này có nghĩa là việc cung cấp dược phẩm sản xuất theo quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đó không chỉ giới hạn ở thị trường nội địa của Thành viên đó mà còn cho phép xuất khẩu các hoạt chất trung gian để tạo nên thuốc generic.

Nghị định thư sửa đổi TRIPS có hiệu lực đối với các quốc gia phê chuẩn Nghị định thư và có hiệu lực đối với tất cả các thành viên WTO khi có đủ 2/3 tổng số thành viên thông qua. Ngày 23/01/2017 Việt Nam đã phê chuẩn Nghị định thư. Nghị định thư sửa đổi Hiệp định TRIPS được coi là cơ hội cho các nước đang phát triển nhằm đảm bảo y tế cộng đồng thông qua sử dụng cơ chế bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế.

Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có kinh nghiệm thực tiễn về giải quyết tranh chấp liên quan đến những quy định tại Điều 31 Hiệp định TRIPS và Nghị định thư sửa đổi Hiệp định TRIPS (Điều 31bis).

        Kết luận:

Từ góc độ nước đang phát triển, Việt Nam cần rà soát tổng thể và hoàn thiện các quy định pháp luật được sử dụng như công cụ nhằm đạt đến mục tiêu cân bằng lợi ích trong bảo hộ quyền SHTT bao gồm: (i) Các quy định về nhập khẩu song song; (ii) Các quy định về hạn chế và ngoại lệ đối với bảo hộ sáng chế dược; (iii) Các quy định về bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế. Việc bảo hộ sáng chế, đặc biệt là các sáng chế dược phẩm cần hướng đến mục tiêu bảo hộ độc quyền cho chủ sở hữu trong mối liên hệ với việc ưu tiên phát triển sản xuất thuốc trong nước, đảm bảo y tế cộng đồng và tăng cường khả năng tiếp cận thuốc của người bệnh.

 


[1] Lê Thị Nam Giang (2011), Pháp luật quốc tế về bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế. <Nguồn: http://www.vusta.vn>

[2] WT/DS114: Report of the Panel “Canada –Pharmaceutical Patent” <Nguồn: www.wto.org/english/tratop_e/dispu_e/cases_e/ds114_e.htm>.

[3]Như đã dẫn, đoạn 7.20-7.21

[4] Như đã dẫn; đoạn 7.26.

 

 

Lượt xem: 15256

Nguồn: Đỗ Thị Minh Thủy

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:43108
Lượt truy cập: 46316360