Thứ hai, 25/11/2024 21:27 GMT+7
Thứ năm, 22/07/2010 11:48 GMT+7

Quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả nghiên cứu của đề tài, dự án khoa học và công nghệ

Chúng ta đã và đang triển khai thực hiện rất nhiều đề tài, dự án khoa học và công nghệ (KH&CN) nhưng những vấn đề liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với các kết quả nghiên cứu lại chưa được quan tâm một cách đúng mức. Bài viết dưới đây giới thiệu những nét cơ bản về vấn đề này, hy vọng chúng ta có cái nhìn đầy đủ hơn nhằm phát triển và khai thác sử dụng có hiệu quả các tài sản trí tuệ của các đề tài, dự án.

Các tài sản trí tuệ của đề tài, dự án

Các kết quả nghiên cứu của một đề tài hoặc dự án, ngoài các sản phẩm, nguyên mẫu chế thử, thiết bị, dụng cụ chế thử… là các tài sản hữu hình được xử lý theo các quy định đã biết, còn có các thông tin mới, có giá trị sử dụng, khai thác nhất định trong các hoạt động kinh tế, xã hội, gọi là các tài sản trí tuệ của đề tài, dự án. Các tài sản trí tuệ này cần được ghi nhận và xác lập quyền sở hữu một cách kịp thời và đầy đủ như một dòng hàng đối lưu với dòng tiền đầu tư vào hoạt động R &D.

Các tài sản trí tuệ này thường phát sinh một cách tuần tự trong tiến trình triển khai đề tài, dự án, được thể hiện trong (nhưng không chỉ giới hạn ở nội dung) Báo cáo toàn văn và Tóm tắt đề tài, dự án mà còn bao gồm:

Các đối tượng SHTT được thể hiện hay mô tả dưới các hình thức: Tác phẩm văn học, tác phẩm khoa học, tác phẩm nghệ thuật, bản ghi âm, bản ghi hình, chương trình phát sóng, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh, giống cây trồng mới… có khả năng bảo hộ theo pháp luật SHTT, hoặc theo cơ chế đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoặc theo cơ chế tự xác lập quyền khi thỏa mãn các điều kiện luật định;

Các thông tin không tiết lộ (cần được giữ kín trong một khoảng thời gian cần thiết) như: Thông tin có liên quan đến an ninh hoặc quốc phòng, thông tin có tính nhạy cảm đối với dư luận xã hội…

Ghi nhận các đối tượng SHTT và các thông tin không tiết lộ phát sinh trong tiến trình thực hiện đề tài, dự án

Trong Đề cương nghiên cứu gửi đến Cơ quan cấp kinh phí nghiên cứu (hoặc từ Ngân sách, hoặc từ một hay nhiều nguồn đầu tư khác), Cơ quan chủ trì và Chủ nhiệm đề tài, dự án cần liệt kê các đối tượng SHTT đã hình thành và dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng hay phát triển tiếp trong quá trình thực hiện đề tài, dự án (nếu có), để phân định với các đối tượng SHTT mới phát sinh kể từ khi có sự đầu tư kinh phí từ ngân sách.

Sau khi đề tài, dự án đã được duyệt và cấp kinh phí thực hiện, Chủ nhiệm đề tài và nhóm thực hiện có nghĩa vụ ghi nhận đầy đủ và kịp thời mọi đối tượng SHTT phát sinh trong tiến trình triển khai (nếu có) như sau:

- Tên, nội dung chi tiết của mỗi đối tượng SHTT.

- Đề xuất về tỷ lệ sở hữu của đối tượng SHTT đó, dựa trên cơ sở sự đóng góp về trí tuệ hoặc phương tiện, kinh phí của các bên tham gia và /hoặc khả năng khai thác tốt nhất hiệu quả của đối tượng SHTT đó.

Các đối tượng SHTT mới phát sinh trong tiến trình triển khai phải được thông tin về Cơ quan cấp kinh phí nghiên cứu để xử lý và hỗ trợ các biện pháp xác lập kịp thời quyền sở hữu theo đúng quy định của pháp luật, nhằm hạn chế khả năng bỏ sót hoặc thất thoát tài sản trí tuệ của đề tài, dự án và giúp đánh giá đầy đủ, chính xác hơn thành quả nghiên cứu, triển khai của Chủ nhiệm và nhóm thực hiện đề tài, dự án.

Các thông tin không tiết lộ phát sinh trong tiến trình triển khai đề tài, dự án cũng phải được ghi nhận và thông báo về Cơ quan cấp kinh phí nghiên cứu để phân loại và xử lý.

Quyền sở hữu đối với các tài sản trí tuệ của đề tài, dự án

Quyền sở hữu đối với các tài sản trí tuệ của một đề tài, dự án bao gồm:

+ Quyền sở hữu đối với tổng thể kết quả triển khai đề tài, dự án thể hiện tập trung trong Báo cáo Toàn văn và Tóm tắt đề tài, dự án, với tư cách là hai tác phẩm được bảo hộ theo pháp luật về quyền tác giả.

+ Quyền sở hữu đối với các đối tượng SHTT khác phát sinh trong tiến trình triển khai đề tài, dự án và thỏa mãn các tiêu chuẩn bảo hộ tương ứng theo pháp luật SHTT.

+ Quyền công bố, quyền sử dụng các thông tin không tiết lộ phát sinh trong tiến trình triển khai đề tài, dự án.

Nội dung quyền sở hữu đối với các tài sản trí tuệ nêu trên bao hàm quyền nhân thân và quyền tài sản theo các quy định liên quan của pháp luật dân sự và pháp luật SHTT.

Đối với các thông tin mới và có giá trị nhưng không phải là thông tin không tiết lộ và cũng không đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ quyền SHTT liên quan, các bên tham gia triển khai đề tài, dự án đều có quyền công bố, sử dụng và khai thác.

Phân định tỷ lệ quyền sở hữu đối với các tài sản trí tuệ của đề tài, dự án

Việc phân định tỷ lệ quyền sở hữu đối với các tài sản trí tuệ của đề tài, dự án trước tiên phải được giao kết về nguyên tắc trong Hợp đồng thực hiện đề tài, dự án giữa Cơ quan cấp kinh phí nghiên cứu (sau đây gọi là các Bên đầu tư) với các bên có liên quan, theo một trong hai tình huống chính sau đây:

Đối với các đề tài, dự án sử dụng 100% kinh phí từ Ngân sách:

+ Tất cả các tài sản trí tuệ phát sinh sẽ thuộc quyền sở hữu của nhà nước.

+ Cơ quan cấp kinh phí nghiên cứu từ Ngân sách là đơn vị được Nhà nước giao trách nhiệm đại diện đứng tên xác lập quyền sở hữu và quản lý các tài sản trí tuệ đó.

+ Theo quy chế phân cấp hoặc ủy quyền đã được xác lập, Thủ trưởng Cơ quan cấp kinh phí nghiên cứu từ Ngân sách được quyền quyết định việc chuyển nhượng các phần quyền sở hữu thuộc Nhà nước của đề tài, dự án cho các chủ thể khác, từ trước khi xúc tiến các hành vi xác lập quyền hoặc sau khi quyền tài sản đã được xác lập, theo các nguyên tắc sau đây:

- Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc quản lý và khai thác thương mại các tài sản trí tuệ của đề tài, dự án.

- ưu tiên chuyển giao cho các bên đã cùng tham gia thực hiện đề tài, dự án hoặc các đồng sở hữu chủ khác (nếu có).

- Bên nhận chuyển nhượng phải trả cho Nhà nước một khoản tiền hoặc các điều kiện thương mại hợp lý khác so với tiềm năng thương mại của tài sản trí tuệ tương ứng.

Trong Hợp đồng thực hiện đề tài, dự án cũng nên ghi nhận một thỏa thuận theo đó, quyền công bố Báo cáo Toàn văn và Tóm tắt đề tài, dự án được Chủ nhiệm và nhóm thực hiện chuỵển giao hoàn toàn cho Cơ quan cấp kinh phí nghiên cứu, phù hợp với các quy định tại Điều 39 và khoản 2 Điều 45 Luật SHTT.

Đối với các đề tài, dự án có huy động kinh phí hoặc cơ sở, phương tiện vật chất từ nhiều nguồn khác nhau:

- Tỷ lệ quyền sở hữu đối với các tài sản trí tuệ phát sinh được phân định như sau:

- Tỷ lệ quyền sở hữu đối với toàn bộ kết quả nghiên cứu cuối cùng, thể hiện trong Báo cáo Toàn văn và Tóm tắt đề tài, dự án, do các Bên đầu tư quyết định bằng văn bản, trên cơ sở đề xuất của Hội đồng nghiệm thu đề tài, dự án, có sự đồng thuận của cơ quan chủ trì, cơ quan đặt hàng, cơ quan sử dụng kết quả nghiên cứu, các bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan khác (nếu có) … Sự đồng thuận này được ghi nhận trong Biên bản nghiệm thu đề tài, dự án.

- Tỷ lệ quyền sở hữu đối với từng đối tượng SHTT khác do các Bên đầu tư quyết định bằng văn bản, trên cơ sở đề xuất của Chủ nhiệm đề tài, dự án và nhóm thực hiện, có sự thỏa thuận bằng văn bản của cơ quan chủ trì, cơ quan đặt hàng, cơ quan sử dụng kết quả nghiên cứu, các bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan khác (nếu có) …

- Quyền công bố, sử dụng các thông tin không tiết lộ được các Bên đầu tư thỏa thuận bằng văn bản, tuân thủ các quy định liên quan của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước. Các bên tham gia triển khai đề tài, dự án đã biết về các thông tin trên có nghĩa vụ bảo mật và không sử dụng, tiết lộ khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Bên đầu tư liên quan.

- Quyền công bố đối với Báo cáo Toàn văn và Tóm tắt đề tài, dự án cần được các Bên đầu tư thỏa thuận và ghi nhận bằng văn bản, trên cơ sở của điều khoản tuyên bố chuyển giao quyền từ Chủ nhiệm và nhóm thực hiện trong Hợp đồng giao kết thực hiện đề tài, dự án.

Xác lập quyền sở hữu đối với các tài sản trí tuệ của đề tài, dự án

- Đối với các tài sản trí tuệ được xác định sẽ thuộc quyền sở hữu của một chủ thể duy nhất, chủ thể đó tự chịu trách nhiệm xúc tiến các hoạt động xác lập quyền tương ứng.

- Đối với các tài sản trí tuệ được xác định sẽ thuộc quyền sở hữu của nhiều chủ thể, trong đó không có Cơ quan cấp kinh phí nghiên cứu từ Ngân sách, các bên liên quan thỏa thuận cách thức xúc tiến các hoạt động xác lập quyền tương ứng.

- Đối với các tài sản trí tuệ được xác định sẽ thuộc quyền sở hữu của nhiều chủ thể trong đó có Cơ quan cấp kinh phí nghiên cứu từ Ngân sách, Cơ quan này nên đảm nhận việc xúc tiến các hoạt động xác lập quyền tương ứng.

- Đối với các tài sản trí tuệ tự xác lập quyền khi thỏa các điều kiện luật định (bí mật kinh doanh, tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình…), chủ thể xúc tiến việc xác lập quyền cần tiến hành các hoạt động lưu giữ và bảo vệ các chứng cứ phát sinh quyền.

- Đối với các tài sản trí tuệ phải xác lập quyền theo cơ chế đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền (sáng chế, giống cây trồng…), hoặc có thể đăng ký để giảm thiểu nghĩa vụ chứng minh quyền (tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình…), chủ thể xúc tiến việc xác lập quyền cần ghi nhận và khai báo đầy đủ, chính xác tên của các tác giả, đồng tác giả liên quan cùng tỷ lệ đóng góp của từng người.

- Đối với các tài sản trí tuệ là tác phẩm được bảo hộ theo quyền tác giả, phần quyền công bố tác phẩm thuộc quyền nhân thân của tác giả đã sáng tạo ra tác phẩm được chuyển giao cùng các quyền tài sản liên quan cho các chủ thể có quyền sở hữu tương ứng (như đã nêu trong mục Phân định tỷ lệ quyền sở hữu ở trên), phù hợp với các quy định tại Điều 39 và khoản 2 Điều 45 Luật SHTT.

- Chi phí xác lập quỵền sở hữu trí tuệ do các chủ thể nắm giữ quyền sở hữu tài sản trí tuệ liên quan thanh toán theo tỷ lệ quyền sở hữu tương ứng. Chi phí xác lập quyền của Cơ quan cấp kinh phí nghiên cứu từ Ngân sách nên được phép hạch toán trong kinh phí quản lý đề tài, dự án liên quan, bao gồm các khoản phí, lệ phí quốc gia và phí dịch vụ đại diện SHTT (nếu có).

- Đối với các tài sản trí tuệ bị bỏ sót không được ghi nhận lại cho đến khi đã nghiệm thu xong đề tài, dự án, đến thời điểm được phát hiện mà vẫn còn đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ theo pháp luật SHTT, cũng sẽ được phân định và xác lập quyền sở hữu theo các quy định trên đây.

- Đối với các đơn đăng ký bị từ chối bảo hộ do đối tượng đăng ký không đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ tương ứng, các bên tham gia triển khai đề tài, dự án đều có quyền công bố, sử dụng, khai thác như nhau.

Sử dụng, khai thác và phân chia lợi ích đối với các tài sản trí tuệ của đề tài, dự án

Quyền sử dụng, khai thác các tài sản trí tuệ và tỷ lệ phân chia lợi ích (nếu có) được đặt cơ sở trên quyền sở hữu và tỷ lệ quyền sở hữu, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.

Bên khai thácB, sử dụng tài sản trí tuệ phải tôn trọng các quyền nhân thân và quyền tài sản của các tác giả và đồng tác giả theo quy định của pháp luật SHTT.

Việc sử dụng, khai thác các tài sản trí tuệ thuộc đề tài, dự án đã được bảo hộ theo pháp luật SHTT, do Chủ nhiệm đề tài, dự án hoặc của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khác thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu, đều là hành vi xâm phạm quyền SHTT và phải chịu các chế tài liên quan theo quy định của pháp luật.

Nguồn: TẠP CHÍ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC SỐ (585) THÁNG 2 NĂM 2008

Lượt xem: 24523

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:37266
Lượt truy cập: 46348090